Tết Đoan ngọ: Lễ hội hòa bình và ngập tràn giá trị đạo đức
Được xem như một lễ hội biểu tượng cho nền văn minh, Tết Đoan Ngọ đánh dấu sự khởi đầu không chỉ của một mùa mới mà còn là một góc nhìn cuộc sống mới tràn đầy tươi đẹp.
Bánh ú tro hình kim tự tháp được làm từ gạo nếp, gói trong lá tre, hay còn gọi là Tống tử trong tiếng Trung. Bánh ú tro khiến mọi người liên tưởng đến ngày Tết Đoan ngọ, còn được gọi là Lễ hội Thuyền rồng, một ngày lễ truyền thống của Trung Hoa được ghi nhớ vào mùng 5/5 âm lịch.
Tết Đoan ngọ sở hữu một số di sản văn hóa phi vật thể, một số phong tục truyền thống của ngày này có thể bắt nguồn từ thời kỳ nhà Hạ khoảng năm 2000 TCN. Với mỗi triều đại kế vị, nét văn hóa Đoan ngọ lại hấp thụ những tinh hoa và nhiều giá trị đạo đức hơn nữa, và được truyền tải dưới dạng các ghi chép lịch sử cùng câu chuyện dân gian.
Tết Đoan ngọ bên trong cung điện
Ngày Tết Đoan ngọ đến trước đợt nắng nóng gay gắt của mùa hè. Nhân ngày này, các hoàng đế từ những triều đại trước sẽ ban thưởng cho thần tử của mình những bộ trang phục mới để thích ứng với sự thay đổi của tiết khí. Nhà thơ Đỗ Phủ đã miêu tả bộ trang phục may đo có “mùi thơm dễ chịu”,”mềm mại như làn gió, và nhẹ nhàng như hoa tuyết.” Ông đã thể hiện niềm vui không tả xiết khi thấy chất liệu trang phục quá đỗi hoàn hảo cùng tấm lòng nhân từ của bậc đế vương được đặt trọn vẹn vào trong món quà của mình.
Trong suốt lịch sử nhà Đường, các vị hoàng đế đã thay đổi tập quán bằng cách tặng các quần thần những chiếc đai lưng có đính ngọc màu đen. Bởi vì những chiếc đai lưng cứng cáp và bền bỉ, nên hoàng đế mong muốn các thần tử của mình cũng phải trung thành, anh dũng và có thể nhẫn chịu được khảo nghiệm của thời gian.
Vào dịp tết Đoan Ngọ trong thời trị vì của mình, hoàng đế Đường Thái Tông đã tặng vị quân sư của mình những chiếc quạt giấy được ngự bằng bút tích của ngài. Ngài hướng dẫn họ “quạt trong một làn gió nhẹ trong trẻo sẽ thổi ra những hành động mang đạo đức cao quý.” Câu chuyện này đã nhanh chóng được lan truyền, được ca tụng cả bên trong và ngoài cung điện. Vì ngày càng có nhiều người dân thường cũng thi nhau bắt chước tặng quạt, dẫn đến truyền thống mua quạt trở nên thịnh hành trong suốt tháng của Tết Đoan ngọ kể từ đó. Khi mọi người mang quạt theo bên mình, họ cũng ước mong truyền đạt nguyện vọng của hoàng đế Thái Tông là mang lại làn gió đạo đức tốt lành.
Bên cạnh việc tặng quạt, các phong tục khác bắt nguồn từ cung đình cũng lan rộng và trở thành thú vui cho cả đất nước, thường diễn ra dưới các hình thức khác với trong cung điện.
Lễ hội Đoan ngọ trong dân thường
Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, các dịp tổ chức lễ hội mừng Tết Đoan ngọ bên ngoài cung điện đã tạo nên những cảnh tượng đắm say lòng người.
Khi mặt trời ló dạng lúc bình minh, các hộ gia đình sẽ bắt đầu chuẩn bị cho một ngày mới. Vì thời tiết ấm hơn là điều kiện thích hợp để sinh sôi nảy nở của bệnh tật, nên người lớn trong nhà thường treo ngải cứu và xâu những cây thuỷ xương bồ vào nhau như một cách để xua đuổi tà khí. Vì lý do tương tự, trẻ em thường đeo những chiếc túi nhỏ làm từ các loại thảo mộc truyền thống của Trung Quốc. Vào ngày này, hương thơm tươi mát của các loại thảo mộc tràn ngập khắp các ngôi nhà và làng mạc.
Mặt trời bắt đầu ló dạng phía bên ngoài. Dòng sông đẹp đẽ dường như đặc biệt mời gọi, vì những chiếc thuyền rồng vốn đã được rục rịch chuẩn bị hàng tuần trước để cuối cùng chào đón đám đông. Những chiếc thuyền mới toanh được trang hoàng rực rỡ, bóng bẩy dưới ánh mặt trời; từng “đầu rồng” sừng sững nhô cao trên mặt nước, “mắt” phát sáng như pha lê và “lông mày” đậm như cọ vẽ. Giữa mỗi “thân rồng” sẽ có 20 tay chèo trai tráng, mỗi người cầm một mái chèo, tất cả mọi người hồi hộp chờ đợi cuộc đua bắt đầu.
Hoạt động vui chơi của 12 tháng
Trên bờ sông, một biển người háo hức nói cười, đùa vui, trông đợi cuộc đua bắt đầu. Các cửa tiệm sẽ phục vụ những món ẩm thực hải sản mang hương vị đặc trưng hoặc các loại thức uống đã pha sẵn cho thực khách nào muốn tận hưởng bữa tiệc vị giác và cả thị giác. Bỗng nhiên, những là cờ hiệu vẫy lên, và cuộc đua bắt đầu. Các cuộc trò chuyện dừng lại, thức uống được đặt xuống và mọi người gần như nín thở. Những ánh mắt dõi theo từng mái chèo, cũng như trái tim đập mạnh theo từng tia nước bắn ra tung toé.
Những ngọn cờ ngũ sắc bay phấp phới trong gió khi các thuyền rồng đua nhau tranh tài quyết liệt. Khi một chiếc thuyền vượt lên dẫn đầu, tiếng hoan hô và la vang tràn ngập bờ sông. Khi một chiếc thuyền tụt lại phía sau những con thuyền khác, những người quan sát dường như nín thở, nghiến răng, hy vọng có thể giúp những chiếc thuyền bị tụt lại phía sau. Vào những lúc mà các thuyền bơi ngang nhau, dân chúng tròn xoe mắt, chăm chú không bỏ sót một giây phút nào. Đứng bên cạnh những khán giả không chút chớp mắt, là những âm thanh của chiêng và trống chói tai, góp phần làm trận đua sôi nổi hơn nữa. Trên mặt sông, các tay chèo chèo thuyền không biết mệt mỏi, và từng “con rồng” dũng mãnh tiến lên không chút do dự.
Cùng với những tiếng hò hét cổ vũ và nhịp đập dồn dập của tiếng trống, quán quân chiến thắng đã vượt qua vạch đích có lẽ chỉ vài giây trước những người khác. Nhiều khán giả sẽ hét to lên vì phấn khích, trong khi những người khác quay mặt đi trong đau khổ, loạng choạng rời đi. Ở phía chân trời xa xa, bầu trời khoác lên mình một chiếc áo choàng lộng lẫy, mượn màu sắc điểm xuyết từ những chiếc thuyền rồng, trong khi mặt trời chầm chậm khuất bóng dọc theo mép nước phía chân trời. Mặt sông lại trở lại trạng thái yên bình vốn có.
Nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ
Khuất Nguyên là nhân vật nổi tiếng nhất liên quan đến Lễ hội Thuyền rồng. Theo ghi chép trong cuốn “Sử ký”, Khuất Nguyên là một học giả yêu nước và là thần tử hàng đầu của nước Sở trong thời Chiến quốc (475– Năm 221 TCN). Là một vị quan trung thành, ông đã nhiều lần nỗ lực thuyết phục vua Sở trọng đãi hiền tài là biện pháp thiết yếu để củng cố giang sơn xã tắc. Việc này đã khiến giới quý tộc gian thần buộc ông vào tội phản quốc và nhanh chóng bắt ông đi lưu đày.
Không lâu sau, nước Sở bị xâm chiếm. Khuất Nguyên không thể kiềm lòng khi chứng kiến cảnh nước nhà thân yêu của mình suy vong, ông đã tự xích mình vào một tảng đá và dìm xuống sông vào mùng 5/5 âm lịch, ngày Tết Đoan ngọ hiện nay.
Theo truyền thuyết, ngay khi người Sở biết được sự việc xảy ra, họ đã vội vàng lao xuống thuyền tận sức chèo đến nơi với hy vọng có thể cứu ông kịp thời. Nhưng họ đã trở về tay không. Vì quá đau lòng, mọi người đành chèo thuyền ngược xuôi, xua đuổi đàn cá, ngăn không cho chúng ăn thi thể của ông. Cũng vì việc đó, người dân đã ném những cục cơm bọc trứng xuống sông để đánh lạc hướng lũ cá. Tập tục này đã tạo ra Tống tử, hay còn gọi là bánh ú tro. Để bái tế vị học giả trung nghĩa này, người dân nước Sở đã hình thành phong tục đua thuyền rồng và làm bánh Tổng tử vào ngày này hàng năm. Tục lệ này vẫn còn được thực hiện ở nhiều vùng của Trung Quốc ngày nay.
Tết Đoan ngọ không chỉ tượng trưng cho những câu chuyện dân gian về các nhân vật có đức hạnh mà còn đại biểu cho nền khoa học cổ xưa và tầm nhìn của nó. Cho đến giữa thế kỷ 20, thời điểm diễn ra Đại cách mạng văn hóa của chế độ cộng sản Trung Quốc, người Trung Hoa vẫn luôn tin tưởng và kính trọng sự hòa hợp giữa trời và đất. Theo bộ sách đồ sộ về thảo mộc học Trung Quốc của danh y Lý Thời Trân, “Bổn thảo cương mục,” các loại thuốc được sắc vào ngày Tết Đoan ngọ cho thấy hiệu quả thần kỳ, đặc biệt là những thảo mộc được hái dưới ánh nắng chính ngọ. Điều này quy cho sự phân bổ âm và dương tại các khoảng thời gian khác nhau trong năm. Vào ngày mùng 5/5 âm lịch, Đoan ngọ nghiêng hẳn về phía “dương,” thường được tượng trưng cho năng lượng, ánh sáng và sức mạnh. Do đó, các gia đình nên tận dụng thời gian tuyệt vời này để thanh tẩy và xua đuổi tà khí.
Tên “Đoan ngọ” được ghép từ các chữ “Đoan,” có nghĩa là “khởi đầu” và “ngọ,” có nghĩa là “giữa trưa” và là một từ đồng âm của chữ Hán với “số năm.” Vì thế, Đoan ngọ theo nghĩa đen là ngày đầu tiên của tháng thứ năm, là “hiện thân của một sự khởi đầu mới, thời điểm diễn ra giao thời của tiết khí dẫn đến sự bùng lên dồi dào của những mầm sống.
Mặc dù thường được gọi là “Lễ hội thuyền rồng”, nhưng cái tên Đoan ngọ đại diện cho nhiều điều tuyệt vời hơn thế nữa. Các phong tục truyền thống đi sâu vào sự kết nối của chúng ta với trời và đất, đồng thời truyền tải những câu chuyện thú vị về đức hạnh không khỏi làm cho chúng ta phải tự mình suy ngẫm. Tết Đoan ngọ như một lễ hội biểu tượng cho nền văn minh mà nó đại diện, đánh dấu sự khởi đầu không chỉ của một mùa mới mà còn là một góc nhìn cuộc sống mới tràn đầy tươi đẹp.
Janet Ma và được Minghui Wang dịch sang tiếng Anh, bài viết này được đăng lại dựa trên sự cho phép của Tạp chí Elite.
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times