Phong tục Tết Thanh Minh – Sự hòa hợp của thiên địa và nhân gian
Phong tục Tết Thanh Minh rất phong phú, thể hiện trọn vẹn sự hòa hợp giữa thiên địa và nhân gian, triển hiện sức sống dâng trào và mối liên hệ gắn kết với sinh mệnh.
Thanh Minh là một trong 24 tiết khí, cũng là ngày tết của dân tộc, rất được xem trọng trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Bước vào tháng Ba cuối mùa xuân trong Hoàng lịch (âm lịch), lúc này là bước ngoặt khi dương khí mạnh lên và âm khí suy yếu, trời đất trong sáng, dương khí bao trùm, vạn vật đều đã đâm chồi. Từ xa xưa, các thế hệ đã lưu truyền lại rất nhiều phong tục về Tết Thanh Minh, và chúng đều có quan hệ mật thiết với tiết khí thời gian này. Tập tục vào Tết Thanh Minh thường kết hợp làm một với ngày Hàn Thực (sau Đông Chí 105 ngày) và ngày Thượng Tị [1]. Bởi vì ba ngày lễ này rất gần nhau, nên đến thời nhà Thanh thì đã lấy “Tết Thanh Minh cũng chính là Tết Hàn Thực” [2]. Tập tục cổ xưa đã được dung hợp và lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành phong tục Tết Thanh Minh như hiện nay. Những phong tục này hội tụ thành nội hàm thiên nhân hợp nhất vô cùng phong phú trong văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Tảo mộ và cúng tế tổ tiên
Thi nhân Vi Trang thời nhà Đường từng có câu thơ rằng:
“Khai nguyên pha hạ nhật sơ tà,
Bái tảo quy lai tẩu điền xa*.”
(Tam dịch nghĩa:
Năm Khai Nguyên lúc mặt trời đã xuống chếch sườn núi,
Tảo mộ cúng tế xong trở về trên chiếc xe hoa*)
*Chiếc xe được trang trí bằng hoa vàng
(Trích bài thơ “Bính Thìn niên Phu Châu ngộ Hàn Thực thành ngoại túy ngâm ngũ thủ – Kỳ tam,” Vi Trang, thời Đường)
Trong bài “Nhật nguyệt hồ trúc chi từ – kỳ ngũ,” thi nhân Trần Dân Tuấn thời nhà Minh cũng viết:
“Xuân sơn hàm nhật bán thành ôi,
Hàn Thực gia gia tảo mộ hồi.”
(Tam dịch nghĩa:
“Mùa xuân núi đã ngậm nửa mặt trời ở khúc quanh của thành,
Ngày Hàn Thực nhà nhà đi tảo mộ trở về.”
(“Trích bài thơ “Nhật nguyệt hồ trúc chi từ – kỳ ngũ,” Trần Dân Tuấn, thời Minh)
Những câu thơ của các thi nhân thời Đường đã tái hiện cảnh tượng đi tảo mộ ở ngoài thành trong ngày Hàn Thực. Khi đó, người dân tương đối xem trọng Tết Hàn Thực. Thanh Minh là tiết khí kế tiếp Tết Hàn Thực, về sau hai tết hợp lại thành một. Tương truyền, việc tảo mộ ngày Hàn Thực là để tưởng nhớ Giới Tử Thôi, người nước Tấn sống vào thời Xuân Thu. Thời nhà Đường, việc tảo mộ và thờ cúng tổ tiên vào Tết Hàn Thực là một trong những cát lễ của bậc Đế vương công khanh. Vào thời Đường Cao Tông có thêm lễ tế bái vào ngày Thanh Minh. Đến thời Đường Huyền Tông, việc viếng mộ, quét dọn, cúng tế ở mộ phần vào ngày Hàn Thực mới trở thành lễ tục của dân gian.
Khi đó, có rất nhiều người đã thể hiện lòng hiếu thảo, phỏng theo nghi lễ viếng mộ, quét dọn, cúng tế mộ phần của các vương công quý tộc, và cũng tảo mộ vào ngày Hàn Thực. Vào những năm Khai Nguyên, Đường Huyền Tông hạ lệnh cho phép người ở hai tầng lớp sĩ và thứ dân được thăm viếng, quét dọn và cúng tế mộ phần vào ngày Hàn Thực, để thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu, đồng thời xếp nó vào một trong năm nghi lễ. [3] Lễ chế quy định, phải chuẩn bị thức ăn mà tổ tiên ưa dùng khi còn sống đưa lên mộ cúng tế. Việc hành lễ phải được tiến hành ở ngoài cổng phía nam của mộ. Sau khi tế bái xong thì đau buồn rơi lệ từ biệt, không được phép dùng nhạc [tế]. Phẩm vật cúng tế được phép dùng ở những nơi khuất, không nhìn thấy phần mộ tổ tiên.
Đến thời nhà Tống, Tết Hàn Thực có ba ngày, tiếp đó là Tết Thanh Minh. “Ngày thứ ba của Tết Hàn Thực chính là ngày Thanh Minh. Phàm các ngôi mộ mới sẽ được cúng tế và quét dọn vào ngày này.” Trong ba ngày đó, người dân đều ra khỏi thành đi viếng mộ, nhưng ngày Hàn Thực vẫn là ngày đông đảo nhất. (Theo “Đông Kinh mộng hoa lục” ghi chép). Những người thuộc tầng lớp sĩ và thứ dân vây kín ở tất cả các cổng trên lối ra khỏi thành, giống như các xe cộ ngày nay chen chúc trên đường cao tốc. Các cửa hàng bán tiền giấy và ngựa giấy bên đường dùng giấy chồng lên nhau làm thành Lầu các.
Những món ăn trong Tết Thanh Minh: Đồ ăn lạnh và rau mùa xuân
Sau ngày Đông Chí 105 ngày là Tết Hàn Thực. Thời cổ đại, Tết Hàn Thực là cấm lửa và không được phép nấu nướng. Ban đầu, vào thời nhà Chu, có lễ chế tạo lửa mới trong bốn mùa [5]. Tết Hàn Thực cấm lửa, còn Tết Thanh Minh tạo ngọn lửa xuân mới (gọi là “lửa của cây liễu”). Có thuyết nói là để tưởng nhớ Giới Tử Thôi nên cấm lửa, chỉ dùng đồ ăn lạnh trong ba ngày, làm cháo khô (theo “Nghiệp trung ký” của Lục Kiều ghi chép). Thời Nam triều người ta ăn cháo lúa mạch ngọt, chè hạnh nhân và rau sống ngày xuân. (Theo “Kinh Sở tuế thời ký.”)
Ngày nay, một số nơi ăn món “bánh cuộn” trong dịp Tết Thanh Minh, đồng thời có phong tục ăn rau sống ngày xuân được lưu truyền lại. “Bánh cuộn” còn được gọi là chả giò, lấy lớp vỏ bánh mỏng gói vào trong đó các loại như rau, vỏ trứng bào sợi, đậu rang nhỏ, thịt bằm, rắc thêm đường bột và bột đậu phộng. Người xưa nói, theo Hoàng lịch “tháng Ba hái rau râu rồng trên Thiên Đàn ăn, hương vị rất thơm ngon. Mầm cây hương xuân trộn lẫn tinh bột mì, lá liễu non trộn đậu phụ là đồ ăn lạnh ngon nhất.” (Theo “Đế Kinh tuế thời kỷ thắng”). Người thời Tống đến lăng mộ tế bái quan nhân, dùng bánh kẹo mạch nha và kẹo đường, còn dân thường dùng bánh táo tàu ngâm gừng. (Theo “Võ lâm cựu sự.”)
Cúng trừ tà và giải hạn – Đạp thanh, du xuân
Lời bài hát “Thanh giang dẫn – Thanh Minh nhật xuất du” của Vương Bàn thời nhà Minh có câu:
“Hỏi người ở lầu phía tây cấm khói lửa thì ở nơi nào tốt? Trả lời nơi đồng cỏ xanh dưới bầu trời trong vắt. Ngựa phi qua dương liễu, người dựa dây đu cười, hỏi ra cuối cùng là chim oanh và hoa cỏ đã làm cho mùa xuân say nghiêng ngả.”
Tiết trời vào Tết Thanh Minh vẫn còn lờ mờ, cảnh xuân vô biên. Giữa con đường nắng đẹp, nam, nữ, già, trẻ chơi đùa vui vẻ. Họ đi dạo qua hàng liễu và tìm ngắm những bông hoa. Cảnh xuân tươi đẹp như khiến cho người ta say mê. Vào ngày Thanh Minh này, mọi người kết bạn thành hàng cùng nhau dạo chơi trong tiết Thanh Minh, tận hưởng khung cảnh mùa xuân rạng rỡ. Quả là một chuyến du xuân cảnh đẹp ý vui. Ra ngoài dạo chơi trong tết Thanh Minh có nguồn gốc từ việc “cúng trừ tà” (phất hễ 祓禊) thời cổ đại (“Phất hễ” 祓禊 đồng âm giống với “Phúc hệ” 福系) [4].
Bắt đầu từ thời xưa, việc các cặp đôi và vương tôn công tử đến bờ sông cúng trừ tà, cầu an chiêu tường vào ngày Thượng Tị (ngày Tị đầu tiên trong tháng) đã trở thành một phong tục. Cảnh tượng đó đã được lưu lại trong những câu thơ của thi nhân Vạn Tề Dung thời Đường như sau:
“Giai nhân phất hễ thưởng thiều niên,
Khuynh quốc khuynh thành tịnh khả liên.”
(Tạm dịch:
“Giai nhân cúng tế mong may mắn,
Nghiêng nước nghiêng thành cũng đáng thương.”)
“Công tử vương tôn tứ du ngoạn,
Sa tràng thủy khúc tình vô yếm.”
(Tạm dịch:
“Công tử vương tôn thỏa thích chơi,
Sa trường thủy khúc tình chưa thỏa.”
(Trích từ “Tam nhật (Nhất tác Thượng Tỵ) – Lục đàm thiên.”)
Kỳ thực, phong tục đến bờ sông cúng tế trừ tà và giữ mình trong sạch bắt nguồn từ lễ nghi của nhà Chu. “Vu nữ giữ chức xuân quan chưởng quản thời gian cúng trừ tà và tắm lá thơm.” Thời gian cúng trừ tà được tổ chức vào ngày Tỵ đầu tiên của tháng Ba. Tại sao lại tổ chức vào ngày này? Bởi vì lúc này, trời đất “thanh khiết, sáng rõ,” là thời cơ giúp sức khỏe tốt nhất trong năm. Lúc này, mọi người dùng các loại thảo dược có mùi thơm để tắm rửa, thanh lọc cơ thể, tăng hiệu quả lên gấp bội. Người thời Chu gọi tập tục này là “hấn dục” (tắm lá thơm.)
Người nước Trịnh thời Xuân Thu có phong tục rằng, vào ngày Thượng Tỵ, nam thanh nữ tú sẽ ngồi trên bờ hai con sông Trăn và sông Vị để gọi hồn tiếp phách, cầm hoa lan để xua đuổi tai họa, xui xẻo (xem “Kinh Thi – Trịnh Phong – Trăn Vị.) Đến đời nhà Hán, tập tục này vẫn còn được lưu truyền. Vào ngày Thượng Tỵ của tháng Ba, quan lại và dân chúng sẽ đến dòng nước chảy phía Đông để gột rửa sạch bụi bẩn và bệnh tật (Theo “Hậu Hán thư – Lễ nhạc chí thượng.”) Còn có thuyết nói rằng vào ngày mùng Ba tháng Ba tết Thanh Minh, người dân cầu nguyện và cúng tế bên bờ sông để cầu mùa màng bội thu (“Thông điển – Lễ thập ngũ – phất hễ.”) Phong tục trừ tà này có thể nói là nguồn gốc của việc đạp thanh (giẫm lên cỏ), du xuân trong Tết Thanh Minh của người đời sau. Người lớn, trẻ em và cả phụ nữ ngày thường hiếm khi bước ra khỏi cửa đều có thể mang giày mới để “đạp thanh” và khám phá mùa xuân. Vì vậy, Tết Thanh Minh còn được gọi là “Tết Đạp Thanh.”
Thiên địa thanh minh, Khúc thủy xuân yến
Sau này, đến thời Ngụy và thời Tấn, vào ngày Thượng Tỵ và Tết Hàn Thực, việc mở yến tiệc vào mùa xuân cúng trừ tà ở dòng nước uốn khúc (khúc thủy) trở nên thịnh hành trong cung và giới văn nhân. “Lan đình tập tự” – kiệt tác nổi tiếng của Vương Hi Chi mà mọi người đều biết đến chính là được ra đời trong bối cảnh không gian và thời gian của yến tiệc ở khúc thủy.
Vào thời nhà Đường, nếp sống tao nhã này vẫn rất thịnh hành trong cung điện. Vào ngày Thượng Tỵ của tháng Ba âm lịch, Hoàng đế cho bày tiệc trên khúc cong của dòng sông. Các quần thần ngắm nhìn nước chảy thông suốt ở đó và sáng tác thơ phú. Trào lưu tao nhã này một thời rất phát triển. Câu “đề chú” trong bài thơ “Thượng Tị nhật tứ Bùi Độ” của Đường Văn Tông đã miêu tả bối cảnh thời gian và không gian như sau: “Thượng Tị khúc giang tứ yến, quần thần phú thi.” (Tạm dịch: Ngày Thượng Tỵ ở khúc cong của dòng sông bày yến tiệc, quần thần làm thơ phú.)
Vào thời điểm đó, các quan chức và bằng hữu giới văn nhân cũng tổ chức loại tiệc xuân này trong Tết Hàn Thực và ngày Thượng Tỵ. Trong câu đối “Hội xướng xuân liên án tức sự” của Bạch Cư Dị có viết: “Nguyên niên Hàn Thực nhật, Thượng Tỵ mộ xuân thiên. Kê thử tam gia hội, oanh hoa nhị tiết liên.” (Tạm dịch: Đầu năm ngày Hàn Thực, Thượng Tỵ chính cuối xuân. Gà kê tam gia hội [chỉ ba nhà thơ Bạch Cư Dị, Vương Khởi và Lưu Vũ Tích tụ hội), Oanh hoa liền hai tiết.)
Ngày nay, người Trung Quốc thường chạy theo trào lưu “ngắm hoa” dưới gốc cây hoa anh đào Nhật Bản. Thực tế, nếu nhìn lại tiệc khúc thủy của các thi nhân đời Đường, khung cảnh nhộn nhịp dường như rất quen thuộc. Tiệc ngắm hoa bên sông trong dịp Tết Thanh Minh của người thời nay, vào thời Đường đã từng là cuộc hội họp long trọng của tất cả mọi người. Hãy xem cảnh tả thực trong bài thơ “Thượng Tỵ nhật” của Lưu Giá thời Đường. Tình đó cảnh đây, cổ kim tương ứng, thật là ý vị sâu xa:
“Thượng Tỵ khúc giang tân, huyên vu thị triêu lộ.
Tương tầm bất kiến giả, thử địa giai tương ngộ.
Nhật quang khứ thử viễn, thúy mạc trương như vụ.
Hà sự hoan ngu trung, dịch giác xuân thành mộ.”
(Tạm dịch:
Bến sông ngày Thượng Tỵ, huyên náo chợ ven đường.
Tìm nhau người không thấy, lại tương ngộ nơi này.
Mặt trời dần khuất núi, màn thúy giăng như sương.
Chuyện gì giữa niềm vui, dễ thấy xuân về chiều.)
Tiết Thanh Minh, danh thắng nơi thành thị, thả diều phóng tai ương
Đến Tết Thanh Minh thời nhà Tống, người dân ra ngoài thành tảo mộ, đạp thanh, dẫn theo đủ loại đồ chơi để vui đùa. Họ tụ tập nơi thành thị, ăn uống vui chơi rất nhộn nhịp. Hãy xem cảnh tảo mộ ở Hồ Tây thời Nam Tống. Trong “Võ lâm cựu sự” của Chu Mịch thời Nam Tống đã ghi lại cảnh tượng lúc đó:
Là ngày cả thành đổ đi viếng mộ … Một vùng đất Tô Đê, giữa những bóng cây đào, cây liễu màu đỏ và xanh đậm xen lẫn người làm xiếc đi trên dây, cưỡi ngựa, phi tiền, ném chũm chọe, đá gỗ, rút cát, nuốt dao, phun lửa, nhảy vòng tròn, lộn nhào, múa mâm, cùng các trò chơi về chim muông, côn trùng đầy màu sắc đa dạng tụ lại. Hơn nữa kỹ nữ, ca sĩ, người kiếm tiền ở nơi khác đều nối nhau đến góp vui. Lại có những con rối màu sắc, thuyền hoa sen, chiến mã, sênh thiếc, trống bỏi và những trò chơi nhỏ lẻ khác ở khắp nơi trong thành thị để thu hút và làm vui cho trẻ em.
Trong Tết Thanh Minh, phong cảnh danh thắng Tây Hồ trông giống như một phiên chợ. Những người bán hàng tụ tập dưới bóng mát của đào liễu bên hồ, thu hút người lớn và trẻ em đến nghe hát, xem kịch và vui chơi. Khung cảnh vô cùng náo nhiệt. Các loại trò chơi giải trí nhiều vô kể. Sự nhộn nhịp của phiên chợ sầm uất xưa nay chưa từng có. Giữa các vườn hoa khắp nơi ngoài thành náo nhiệt như chợ phiên. Người người tìm được niềm vui, tha hồ toại ý. Cảnh bạn bè tụ tập dưới bóng liễu hoa chỗ nào cũng có.
Đến thời nhà Thanh, hầu hết nam nữ đều đi đến vùng ngoại ô để tảo mộ trong dịp Tết Thanh Minh. Mỗi người họ đều mang theo diều giấy và cuộn dây, đợi công việc cúng tế hoàn tất, thì họ sẽ thả diều giấy trước mộ để so cao thấp. “Chỉ diên” (diều giấy) chính là ‘phong tranh’ hay còn gọi là ‘chỉ diêu.’ Thời nhà Thanh, người dân có phong tục “cắt dây diều xả tai họa.” Mọi người viết những tai họa và bệnh tật mong muốn tránh được lên con diều, rồi thả diều lên trời. Đợi sau khi diều bay cao bay xa theo gió thì họ cắt đứt dây, gửi gắm hy vọng tai họa, bệnh tật sẽ biến mất cùng cánh diều trong gió. (Theo “Đế kinh tuế thời kỷ thắng”).
Các phong tục trong Tết Thanh Minh, dù là tảo mộ, cúng tế để tưởng nhớ tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo, hay cúng trừ tà, cầu phúc để xua đuổi tai ương, bệnh tật, hay đi du ngoạn khám phá mùa xuân, mở tiệc bên khúc thủy … đều là các sắc màu của cuộc sống được triển hiện trong tiết khí mùa xuân. Tất cả khí trời trong trẻo, cảnh sắc tươi sáng đều do trời đất ban tặng, triển hiện sự hòa hợp tốt nhất giữa trời, đất và con người. Ngoài việc giúp mọi người thưởng thức cảnh đẹp mùa xuân, những phong tục ấy còn lưu lại một phần ký ức về Tết Thanh Minh để mọi người hồi tưởng!
Chú thích:
[1] Thượng Tỵ: Trước thời nhà Hán, ngày Tỵ đầu tiên của tháng Ba âm lịch được gọi là “Thượng Tỵ,” có phong tục cúng trừ tà để xua đuổi những điều xui xẻo. Sau thời nhà Ngụy và nhà Tấn, ngày này được đổi thành ngày mùng Ba tháng Ba âm lịch.
[2] “Yên Kinh tuế thời ký”: “Thanh Minh tức Hàn Thực, lại có lệnh cấm đốt lửa. (*Hàn Thực) được cổ nhân rất coi trọng, nhưng người thời nay không còn xem là tết.”
[3] “Thông điển – Lễ thập nhị – Thượng Lăng”: Vào tháng Tư năm Khai Nguyên thứ 20, chế viết: “Ngày Hàn Thực đi viếng mộ, Lễ và Kinh không ghi lại nhưng truyền đến thời cận đại, lâu dần trở thành tục lệ. Bậc sĩ và thứ dân không thích cúng ở miếu mạo, vậy biết lấy cái gì để thể hiện lòng hiếu thảo? [Họ] bèn đến viếng mộ, cùng nhau quét dọn và cúng tế. Lễ được tiến hành ở ngoài cổng phía nam của khu mộ, thức ăn được dâng lên cúng xong, rồi rơi lệ từ biệt. Phần phẩm vật cúng còn lại thì đặt ở chỗ khác, không được phép dùng nhạc. [Tết Thanh Minh] được đưa vào ngũ lễ, vĩnh viễn làm lệ.”
[4] Trừ tà: Người xưa kiêng tắm ở mép nước, trừ khi tiến hành một loại cúng tế để trừ bỏ xui xẻo.
[5] “Cấm lửa” là một quy định cũ có từ thời nhà Chu, vào mùa xuân mới được đốt lửa. (“Chu Lễ – Hạ quan tư mã”). Ngày Hàn Thực cấm lửa, trên khắp cả nước, lửa đều bị dập tắt. Không được nấu nướng và chỉ ăn đồ ăn lạnh. Sau ngày Tết Thanh Minh mới cần dùi vào gỗ xuân để lấy lửa mới. Vào mùa xuân, người ta lấy lửa ở cây du và cây liễu, nên được gọi là “liễu chi hỏa” (ngọn lửa từ cây liễu.)
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ