Trung thu trong ký ức và chuyện người thợ làm khuôn bánh truyền thống cuối cùng
Tôi vẫn nhớ như in Trung Thu của hơn 20 năm về trước. Khi ấy, đám trẻ con trong làng háo hức cầm những chiếc đèn lồng trên tay rồi tụ tập cùng nhau phá cỗ, trông trăng. Tiếng cười giòn tan vô tư lự hòa vào cùng vị tươi mát của hoa quả và vị ngọt của bánh trung thu, khiến tuổi thơ của đứa trẻ nào cũng thật trọn vẹn và đáng nhớ.
Có lẽ Trung thu xưa mang dấu ấn vì những điều thật bình dị. Đó là buổi chiều khi cô bé lon ton trước ngõ, mong ngóng ba mẹ đi làm về rồi reo lên thích thú khi nhận được một hộp bánh trung thu. Đó là những đêm trăng rằm tháng Tám sáng rực hiên nhà, những đứa trẻ hân hoan với chiếc đèn lồng cha tự vót tre, dán giấy. Đó là lúc ta khép nép đứng cạnh cha mẹ, chờ đợi cha mẹ cúng đất trời, tổ tiên, tạ ơn vụ mùa bội thu. Đó là những khoảnh khắc rồng rắn nối đuôi nhau rước đèn quanh xóm.
Trung thu xưa bình dị nhưng vẫn thật đủ đầy bởi hơi ấm của tình thân, của tình người chứa đựng trong mỗi chiếc bánh, chiếc đèn lồng và những mâm ngũ quả. Theo thời gian, hoạt động trong mùa Trung thu cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với nhịp sống năng động và tươi trẻ. Thị trường bánh trung thu vì thế mà sôi động với hàng loạt mẫu mã, kiểu dáng bắt mắt. Nhưng dù ngày càng có nhiều sự lựa chọn, giá trị tinh thần mới là lý do thật sự khiến mọi người mong chờ mỗi mùa trăng về.
Và tôi tự hỏi, còn bao nhiêu người vẫn trân trọng những điều xưa cũ, những sản phẩm tự tay làm bằng cả tấm lòng mỗi độ rằm tháng Tám? Tôi bất giác nhớ đến một nghệ nhân 40 năm tâm huyết với nghề làm khuôn bánh truyền thống giữa phố cổ Hà Nội.
Cửa hàng chỉ vỏn vẹn 10 m2 với tấm biển hiệu sơn bằng tay ngắn gọn “Khuôn Bánh Xôi Oản” nằm ở địa chỉ số 59 phố Hàng Quạt nhưng lưu giữ cả một trời ký ức. Mọi thứ trong căn nhà đều mang hơi thở xưa cũ, từ bức tường rêu phong treo kín đủ loại khuôn gỗ, chiếc phản gỗ xỉn màu, góc nhà đặt cái phích hoa, ấm trà đặc, những viên gạch loang lổ, cái làn, đến cái tủ nhỏ ông treo đồ nghề đục mài…
Chủ nhân của cửa hàng là ông Quang, theo nghề làm khuôn bánh gia truyền đã hơn bốn thập niên. Anh em, con cháu của ông đều không cưỡng lại được dòng chảy của thời đại mà chuyển nghề, chỉ mình ông vẫn còn trụ lại được. Người đàn ông này là người cuối cùng lưu giữ bí quyết làm khuôn bánh trung thu thủ công.
Với mỗi chiếc khuôn bánh, ông Quang đều dành trọn tâm huyết, từ công đoạn chọn gỗ đến đục đẽo. Ông thường dùng gỗ thị, gỗ xà cừ vì các loại gỗ này chắc vừa phải, chịu được lực, có thể giữ được họa tiết của gỗ khi bào đục, giá thành lại không quá cao. Khi đến công đoạn tạo hoa văn trên khuôn, ông phải dùng đến các cưa đục chuyên dụng với sự tỉ mỉ cao độ. Khuôn ông làm không có giá thành cố định, ông cũng không hẹn khách ngày giao hàng, khi nào làm xong ông sẽ gọi điện thoại cho họ đến lấy.
Vì công việc làm khuôn giống như việc sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật, ông đều đặt toàn bộ tâm sức và tập trung vào hoàn thành một sản phẩm duy nhất. Dù vội đến đâu ông Quang cũng không cho phép bản thân mình cẩu thả với chiếc khuôn gỗ. Ông không tiếc thời gian để tạo ra những sản phẩm độc đáo và tinh mỹ.
Trước xu hướng phát triển của khuôn nhựa giá rẻ tràn lan, ông Quang cũng cố gắng cải tiến mẫu mã, chất lượng; ông cho rằng, dù không thể cạnh tranh với công nghệ mới nhưng ông vẫn bảo đảm đúng kỹ thuật truyền thống và tăng tính độc đáo cho sản phẩm. Với mỗi một vị khách đến cửa tiệm, trước tiên ông Quang đều trò chuyện, lắng nghe những tâm tư, yêu cầu, và cả những kỷ niệm của riêng họ… Từ đó ông chắt lọc những tinh túy để gửi gắm vào tác phẩm của mình.
Chính vì vậy, dù xã hội có biến chuyển, máy móc có hiện đại đến đâu vẫn luôn có chỗ đứng cho những người thợ tài hoa, người “thổi hồn” vào từng chiếc khuôn bánh. Mỗi một chiếc khuôn là một câu chuyện độc nhất. Cùng là một hình, nhưng những đường vân, độ nông sâu tạo nên nét riêng biệt cho mỗi sản phẩm.
Ông từng chia sẻ rằng: “Hình chủ yếu để làm khuôn là cá chép, hàm ý ‘cá chép hóa rồng’ thể hiện cho khát vọng vươn lên, hay hình hoa cúc, hoa sen… Bên cạnh đó, tôi còn làm những hình con giống cho trẻ em”.
Dù có là thợ thủ công lành nghề, mà người không có cái tâm, không có cảm thụ sâu sắc về nhân sinh, không có cái tư tưởng truyền thống ấy thì cũng không thể làm ra được cái khuôn có hồn, huống gì là khuôn công nghiệp.
Với ông Quang, làm khuôn bánh Trung thu không chỉ là sinh kế mà còn là đam mê, là cái nghiệp ông gắn bó suốt cuộc đời. Thế nên không phải ai bỏ tiền, ông cũng chạy theo mà bất chấp. Nhờ vậy, những gì truyền thống mới được gìn giữ. Khách thập phương từ mọi miền tổ quốc và nhiều vị khách nước ngoài vẫn luôn nhớ tới cửa tiệm nhỏ xíu nằm khiêm tốn trên phố Hàng Quạt của ông.
Trong một lần bộc bạch về nghề, ông tâm sự: “Người ta thường nói nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Làm nghề nào cũng vậy, nếu mình có năng lực, mình biết phát triển những cái mới thì luôn có đất tồn tại, chẳng cần phải nghe ai nói ‘ôi cái nghề này hết thời rồi’ mà cảm thấy nao núng…”
Một chiếc khuôn bánh thủ công không mang lại giá trị kinh tế lớn, nhưng có thể giúp biết bao người quay trở về thời thơ ấu mỗi mùa trông trăng. Phố Hàng Quạt cũng không còn nghề làm quạt truyền thống nữa. Nhưng trong cửa hàng nằm lọt thỏm giữa con phố hiện đại đó, ông Quang vẫn cặm cụi tạo ra những chiếc khuôn gỗ đặc biệt dành riêng cho những vị khách muốn trân trọng và giữ gìn truyền thống.
Sự phát triển của xã hội kéo theo những quan niệm mới về dinh dưỡng, và điều kiện kinh tế của các gia đình đều khá lên, nên những chiếc bánh Trung thu không còn là món quà chỉ vào dịp đặc biệt mới được thưởng thức. Trẻ con không còn quá háo hức muốn ăn những chiếc bánh. Tuy vậy, với mỗi đứa trẻ, những chiếc bánh vẫn mang sức hấp dẫn riêng.
Niềm vui bé nhỏ mà rất lung linh khi nhận được những chiếc bánh xinh xinh hình cá, hình lợn con, hay đơn giản chỉ là chiếc bánh dẻo chay nhỏ xíu cũng đủ khiến bánh Trung thu chiếm một vị trí không thể xóa nhòa. Bánh Trung thu vẫn mãi mãi là một phần không thể thiếu trong tâm trí và ký ức của mỗi người, dù đã trưởng thành hay vẫn đang khôn lớn.
Dẫu có trải qua nhiều biến thiên của xã hội, cho dù điều kiện sống có những lúc vô cùng khó khăn hay dư dả, thì cái hồn cốt và nét tinh túy nhất của Trung thu vẫn nằm ở những hạnh phúc giản đơn. Với nhiều người, ông Quang chỉ là một người thợ, nhưng với tôi, ông là một nghệ nhân, một người nghệ sĩ thầm lặng bảo vệ màu sắc và hương vị của những ký ức.
Còn chúng ta, khi đã đi qua mấy chục mùa trăng, liệu có cố gắng bảo vệ những kỷ niệm xưa cũ, những truyền thống giản đơn như ông Quang vẫn làm?
Ngân Hà - Mộc Lam