Câu chuyện Thần thoại ngày tết Trung Thu
Đêm trăng Rằm tháng Tám sáng tựa như gương, ánh trăng soi rọi muôn nơi cùng với những câu chuyện Thần thoại đi cùng ký ức mỗi con người. Ánh trăng ngàn năm vẫn tỏ, con người mong mỏi được trường sinh.
Hằng Nga bay lên cung trăng
Trong sách cổ “Hoài Nam Tử” của thời Tây Hán có câu chuyện nguyên tác về Hằng Nga bôn nguyệt. Truyền thuyết kể rằng, Hằng Nga và chồng của mình là Hậu Nghệ đã từng là những vị thần bất tử sống trên thượng giới. Khi ấy, mười người con trai của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, ánh nắng mặt trời gay gắt như thiêu đốt khiến mua màng khô héo, người dân không sống nổi. Ngọc Hoàng bèn phái Hằng Nga và Hậu Nghệ xuống hạ giới để cứu giúp muôn dân.
Khi đó, Hậu Nghệ có sức lực khỏe mạnh đã leo lên đỉnh núi Côn Luân, vận dụng Thần lực mà kéo mở cây cung Thần, một mạch bắn hạ chín mặt trời, và ra lệnh mặt trời cuối cùng ở trên bầu trời mọc và lặn đúng giờ. Hậu Nghệ tạo phúc cho muôn dân, vậy nên ông được người dân kính trọng và yêu mến.
Dân chúng ủng hộ Hậu Nghệ đăng cơ lên làm vua, thế nhưng, Hậu Nghệ lấy việc lập được công lớn mà tự kiêu ngạo, càng lúc càng cuồng vọng, phóng túng bản thân sa vào thói kiêu căng, dâm dật, ngược lại trở thành kẻ bạo ngược gây hại cho dân chúng. Hằng Nga vì lo nghĩ cho người dân, không để cho bạo quân trường sinh bất lão, vậy nên đã uống tiên dược mà Tây Vương Mẫu ban cho mà bay về trời. Hằng Nga một mình bay về cung trăng! Hậu Nghệ ở lại nhân gian với sự nuối tiếc và ân hận khôn nguôi.
Ngô Cương (hay còn gọi là Chú Cuội) chặt quế
Trong sách “Hoài Nam Tử” thời Tây Hán phần “Thái Bình ngự lãm” có ghi chép: “Trên cung Trăng có cây quế”. Sách “Dậu dương tạp trở” quyển 1 (phần thiên chỉ) nổi tiếng đời Đường khi đó có nói về truyền thuyết Ngô Cương chặt quế như sau: “Người xưa nói trên mặt trăng có cây quế, có con cóc, cổ dị thư nói cây quế cao 500 trượng(1650m), dưới gốc có một người chặt cây mãi, cứ chặt xong là dấu chặt liền lại. Người ấy tên Ngô Cương quê ở Tây Hà, tu tiên phạm lỗi bị phạt chặt cây“.
Cũng có 1 ghi chép khác trong thần thoại Việt Nam rằng, người thợ đốn củi này trước đó đã có một người vợ, do vấp ngã nên mắc chứng hay quên. Người vợ hay quên lời chồng dặn nên đã tưới cây đa tiên (Trung Quốc gọi là cây quế) bằng nước bẩn, cây đa bật gốc bay lên, chú cuội bám vào rễ cây và bay theo về trời. Từ đó, cứ mỗi dịp Rằm tháng Tám hàng năm người ta lại thấy có bóng một người ngồi gốc cây đa, đó chính là Chú Cuội.
Thỏ ngọc giã thuốc
Trên cung Trăng có thỏ ngọc giã thuốc làm bạn với Hằng Nga. Câu chuyện về thỏ ngọc cũng là một trong những truyền thuyết được lưu truyền trong ngày tết Trung Thu.
Trong sách “Ngũ kinh thông nghĩa‧thể điều phiên” của Lưu Hướng thời Tây Hán có nói về mặt trăng trong đó có thiết lập câu hỏi vì sao có thỏ ngọc, con cóc, và tiều phu: “Trong một tháng có thỏ và cóc…” Có thể thấy khái niệm về thỏ ngọc trên mặt trăng bắt nguồn từ rất sớm. Trong bài thơ “Đổng đào hành” của Nhạc Phủ thời Đông Hán có câu: “Hái lấy thần dược trên ngọn cây, thỏ trắng giã thành thuốc con cóc“ đã miêu tả hình tượng hoá câu chuyện.
Trong kinh Phật “Bản sinh kinh” có kể về câu chuyện thỏ ngọc thăng thiên. Chuyện kể rằng có bốn con vật, gồm khỉ, hồ ly, rái cá và thỏ hằng ngày đến nghe một vị đạo sĩ giảng đạo. Vào một ngày hạn hán, vị đạo sĩ sắp tạ thế qua đời. Cả bốn con vật đều mong muốn vị đạo sĩ lưu lại, nên lần lượt đi tìm thức ăn. Thế nhưng, bởi vì hạn hán nên không thể tìm thấy được đồ gì để ăn, vậy là chú thỏ vì để cứu người nên đã tự nhảy mình vào lửa đỏ. Lúc này vị đạo sĩ triển hiện bản tôn chân thân, vẽ hình ảnh chú thỏ lên cung trăng để tưởng nhớ.
Câu chuyện về sự thăng thiên của con thỏ cũng được thuật lại trong “Đại đường tây vực ký” của Đường Huyền Trang, cũng có viết tương tự như trong “Bản sinh ký”: Trong rừng sâu có ba con khỉ, hồ ly, thỏ là bạn tốt của nhau. Một ngày nọ, một cụ già ốm yếu bị hôn mê trước cửa nhà họ. Mặc dù họ đã đi tìm thức ăn để cứu sống ông, nhưng họ hoàn toàn không thể tìm thấy thức ăn trong thời đại loạn lạc đói kém. Sau đó, để cứu lấy cơn đói khát của mọi người, chú thỏ đã tự nguyện hy sinh mình để làm thức ăn cho mọi người. Khi thỏ đang hôn mê, một đôi bàn tay ấm áp đã dẫn nó đến cung trăng.
Trong truyện “Phong thần diễn nghĩa”, có một cách nói khác. Con trai cả của Văn Vương Cơ Xương là Bá Ấp Khảo tính tình nhân ái phúc hậu, vô cùng hiếu thuận. Anh vì cứu cha mình ra mà bị Đát Kỷ bức hại, sau khi chết hồn của anh hoá thành thỏ ngọc bay lên trời.
Mỗi dịp tết Trung Thu, nhân gian lại được đắm mình trong ánh trăng sáng tuyệt đẹp. Ánh trăng ấy vẫn chiếu rọi năm này qua năm khác. Tuổi đời của con người cũng ngày một già nua. Trong những năm tháng còn được sống, hãy giống như ánh trăng đang hàng ngày soi tỏ kia, luôn giữ được sự thanh minh của sinh mệnh, hãy không ngừng đề cao cảnh giới tư tưởng đạo đức, quay về bản tính thiện lương tiên thiên vốn có của bản thân, nuôi dưỡng Phật tính, diệt trừ ma tính. Đó mới chân chính là tiên dược giúp con người “trường sinh bất lão”. Phải chăng đây cũng chính là hàm ý sâu xa trong những câu chuyện thần thoại về tết Trung Thu được lưu truyền cho đến ngày nay.