Trăng tròn mà người không đoàn viên: Người Hoa lưu vong ở hải ngoại đón một Tết Trung thu khác
Cô Tề Mỹ Anh (Qi Meiying) là một người Trung Quốc đã đến Hoa Kỳ hôm 31/08 năm nay. Chồng cô là một người tu luyện Pháp Luân Công, và anh sẽ mãn hạn tù ở Trung Quốc vào tháng Mười Một tới. Tuy nhiên, cô Tề đã mang theo con trai đào thoát khỏi Trung Quốc mà không kịp đợi chồng ra tù. Tết Trung thu này là Tết Trung thu đầu tiên của cô kể từ khi đặt chân đến Mỹ quốc, vì vậy trong lòng cô có rất nhiều cảm xúc đan xen.
Cô Tề chia sẻ: “‘Trăng tròn, người đoàn viên’ là mong muốn mỹ hảo, nhưng ‘trăng tròn mà người không đoàn viên’ lại là trạng thái thường tình của nhân sinh. Là một người Trung Quốc bị dồn vào đường cùng không còn lối thoát, phải chấp nhận cuộc sống tha hương, tôi có thể cảm nhận được hàm ý từ những lời thơ của Tô Thức: ‘Nhân hữu bi hoan ly hợp, Nguyệt hữu âm tình viên khuyết, Thử sự cổ nan toàn’ [Người có lúc buồn vui tan hợp, Trăng có mờ tỏ tròn khuyết, Việc này xưa nay khó bề vẹn toàn].”
Cô Tề Mỹ Anh khoảng 50 tuổi đến từ thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Cô biết đến lộ trình sang Mỹ quốc thông qua “tẩu tuyến” (lén đi) vào tháng Năm năm nay. Cô đã vượt tường lửa để xem video YouTube và tải xuống nhu liệu Douyin. Khi cậu con trai nghỉ hè hồi tháng Sáu, cô quyết định dẫn theo con trai bắt đầu hành trình “tẩu tuyến” để đào thoát khỏi Trung Quốc mà không cần suy nghĩ nhiều.
Tại sao phải đào thoát khỏi Trung Quốc? Cô Tề cho biết 11 thành viên trong gia đình cô đều tu luyện Pháp Luân Công. Trong 24 năm qua, mọi người khó có thể tưởng tượng được áp lực và sự bức hại mà cả gia đình cô phải chịu đựng. Hai người lớn tuổi trong gia đình đã qua đời vì áp lực, đe dọa, và tra tấn. Thời điểm năm 2000, mẹ ruột của cô, chồng cô, và mẹ chồng cô cùng lúc bị kết án lao động cưỡng bức bất hợp pháp.
“Sau đó, cha cháu bị kết án phi pháp thêm 4 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Tôi mở cửa hàng trong thời gian dịch bệnh thì cũng sớm bị đóng cửa. Vào ngày nhạy cảm nào cũng bị gõ cửa, hỏi ‘cô còn tu luyện không.’ Một chút nhân quyền hoặc không gian riêng cũng không có. Vốn dĩ, tôi muốn đợi đến khi cha cháu ra tù rồi mới đi. Nhưng tôi lo chính sách sẽ thay đổi, nên tôi muốn nắm bắt cơ hội rời đi khi còn có thể,” cô Tề cho biết.
Trên đường đi, cô Tề Mỹ Anh gặp nhiều đồng hương cũng đào thoát khỏi Trung Quốc giống như cô: “Con đường đầy người Trung Quốc, giống như đi chợ. Đây là cuộc trốn chạy vĩ đại của người dân Trung Quốc. Tâm lý của những người trên con đường ‘tẩu tuyến’ đều giống nhau: cho dù vong mạng, thì tôi cũng muốn rời khỏi Trung Quốc. Thế nên họ mới dám mạo hiểm như vậy.”
Có bao nhiêu người Trung Quốc trên con đường ‘tẩu tuyến’? Có một khách sạn ở Necoclí, Colombia, trên con đường duy nhất xuyên qua rừng nhiệt đới. Khách sạn có bốn tầng lầu, tất cả đều là người Trung Quốc. Bốn tầng lầu có bao nhiêu phòng? Mà đó cũng không giống khách sạn,” cô Tề nói. “Thời điểm muốn vượt biển, phải đợi đến khi tuần tra không nghiêm ngặt thì mới có thể rời đi. Có người đợi hơn mười ngày, nên có rất nhiều người còn lưu lại. Cuối cùng, vào một buổi tối thứ Sáu, cảnh sát tan ca và mọi người có thể rời đi. Bãi biển tối tăm và đông nghịt người. Có hàng ngàn người, 1/3 trong số đó là người Trung Quốc.”
Cô Tề cho rằng không quá lời khi dùng từ “cửu tử nhất sinh” để miêu tả hành trình đào thoát này. Khó khăn nhất là đoạn đường trong rừng mưa nhiệt đới. “Mùa hè là mùa mưa và quý vị phải lội qua sông. Nước sâu đến ngực, chẳng may rơi xuống sông thì xem như là chết đuối, không có ai cứu quý vị. Căn bản đó cũng không phải là đường. Băng qua núi, đi trong bùn, rất trơn, dường như chân không thể rút ra khỏi bùn.”
Cô Tề đi bộ trong rừng nhiệt đới suốt hai ngày, đi từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều mỗi ngày trong 12 tiếng không ngừng nghỉ, thậm chí không có thời gian để ăn uống.
Cô cho biết sau khi vượt biên sang Mỹ quốc, các quan chức nhập cư đã hỏi một số người dân Trung Quốc: Tại sao lại đến Mỹ quốc trong khi Trung Quốc hùng mạnh như vậy?
Cô Tề nói: “Thực ra, nhiều người không biết rằng người dân Trung Quốc không có nhân quyền. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối xử rẻ rúng với người dân, và nền kinh tế không còn tốt nữa. Mỗi người Trung Quốc đào thoát đều có nỗi khổ tâm và sự bất đắc dĩ riêng của họ.”
Cô nói thêm: “Những người mang theo con cái, cũng là vì sự giáo dục của con cái họ. Họ không muốn con mình lại bị tẩy não ở Trung Quốc và phải chịu sự tàn phá của nền giáo dục thiên về thi cử. Có bậc cha mẹ nói với tôi rằng con cái họ không thể chịu đựng được nữa và sẽ bị trầm cảm, nên chúng ta cần đưa con mình ra khỏi môi trường giáo dục đó. Một số người là vì sinh kế, họ không thể kiếm sống ở Trung Quốc, không tìm được việc làm, doanh nghiệp của họ đã bị đóng cửa.”
Cô Tề Mỹ Anh đào thoát đến Hoa Kỳ để thoát khỏi cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ và theo đuổi tự do tín ngưỡng. Cô nói: “Khi tôi đứng trên đường phố Flushing để luyện công, nước mắt tôi bất giác chảy dài. Tôi đã không luyện công ở bên ngoài trong suốt 24 năm qua. Tôi thực sự rất phấn khích.”
Mặc dù tương lai chưa biết sẽ ra sao, và mọi thứ đều đang bắt đầu lại từ đầu, nhưng cô Tề vẫn tràn đầy niềm tin và hy vọng. Cô nói: “Nếu con người không có tự do, thì họ sẽ không hạnh phúc dẫu trong bất kỳ lễ hội nào; nếu con người có tự do, sự tôn nghiêm và nhân quyền, thì mọi thứ có thể bắt đầu lại từ đầu và vẫn còn hy vọng cho tương lai.”