Trung thu và những áng thơ bất hủ về ánh trăng
Cùng với Tết Nguyên đán, Tết Trung thu là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Nguồn gốc của ngày này có từ 3,000 năm trước khi thuật ngữ “Trung thu” lần đầu tiên xuất hiện trong Chu lễ – tên gọi của bộ sách xuất hiện vào thời Chiến Quốc ghi chép về chế độ quan lại cùng những tập tục lễ nghi của đời Chu (1045–221 TCN). Sau khi vụ mùa hè kết thúc, đây là thời gian lý tưởng để mọi người kỷ niệm và tận hưởng ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm.
Truyền thuyết về Tết Trung thu
Có rất nhiều truyền thuyết về Tết Trung thu, nhưng quen thuộc nhất có lẽ là câu chuyện từ xa xưa, khi 10 mặt trời vẫn còn đồng thời chiếu sáng trên bầu trời và thiêu đốt mùa màng, khiến dân chúng lâm vào cảnh đói nghèo, lầm than. Một anh hùng tên là Hậu Nghệ đã bắn hạ 9 mặt trời, cứu Trái Đất khỏi cái nóng hủy diệt ấy.
Tây Vương Mẫu đã thưởng cho anh ta một lọ thuốc tiên, có thể khiến một người bất tử và sống trên Thiên đàng. Vợ của Hậu Nghệ là Hằng Nga nổi tiếng với vẻ đẹp và trái tim nhân hậu. Vì tình yêu sâu đậm dành cho vợ, Hậu Nghệ đã đưa thuốc tiên cho Hằng Nga giữ và hứa sẽ cùng nhau uống sau khi Hậu Nghệ trở về từ cuộc đi săn.
Một kẻ hàng xóm độc ác đã nghe lén qua cửa sổ. Ba ngày sau, khi Hậu Nghệ đi săn, hắn ta xông vào với thanh kiếm trên tay, ép Hằng Nga đưa thuốc tiên cho hắn. Hằng Nga nhanh chóng đưa chiếc lọ lên miệng và uống hết thuốc tiên. Nàng bỗng nhiên bay lên khỏi mặt đất, qua khỏi cửa sổ và hướng về phía Mặt Trăng.
Khi Hậu Nghệ trở về nhà vào đêm hôm đó, người hầu gái kể cho anh nghe chuyện đã xảy ra. Anh rưng rưng nhìn lên bầu trời đêm và gọi tên người vợ yêu dấu. Lúc đó, Mặt Trăng trở nên đặc biệt rõ ràng và sáng trong. Hậu Nghệ thấy bóng dáng vợ đang nhìn xuống mình, trong lòng cũng đau buồn.
Hậu Nghệ lập bàn thờ thắp hương trong vườn. Trên bàn thờ, anh đặt bánh ngọt và hoa quả tươi mà Hằng Nga thích nhất. Sau đó, anh tổ chức lễ truy điệu cho người vợ đã tới cung trăng. Đó là ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Tin tức Hằng Nga biến thành một thiên nhân đang sống trên Mặt Trăng đã lan truyền nhanh chóng. Nhiều người chuẩn bị bàn thờ với hương khói dưới ánh trăng và cầu nguyện cho người phụ nữ tốt bụng; mong nàng sẽ coi sóc và bảo hộ họ. Tục lệ này sau đó lan truyền rộng trong dân chúng.
Bánh trung thu – Biểu tượng của ngày lễ
Có rất nhiều phong tục diễn ra vào ngày Trung thu, chẳng hạn như thắp hương, thắp đèn lồng, múa lân, v.v. Tuy nhiên, bánh trung thu đã là một biểu tượng quan trọng của ngày lễ này.
Một chiếc bánh trung thu điển hình có hình tròn hoặc hình chữ nhật, có đường kính khoảng 10 cm và dày từ 1.27 đến 5 cm. Nó có một lớp vỏ mỏng và nhân hạt sen với một lòng đỏ trứng ở giữa để cân bằng giữa vị ngọt và vị mặn. Một cặp bánh nướng, bánh dẻo tượng trưng cho hai mặt âm và dương.
Theo truyền thống, bánh dẻo được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội cùng nước hoa bưởi. Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn xong, ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng. Hình tròn của bánh thể hiện hình dáng vầng trăng thu tròn vành vạnh và tinh khôi, mang ý nghĩa “đoàn viên gia đình” và thể hiện tình yêu khăng khít giữa vợ chồng.
Bánh nướng có lớp vỏ bánh làm từ bột mì và một chút dầu ăn. Trước kia tại Việt Nam, nhân bánh nướng thường là nhân thập cẩm, có lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xưởng. Sau khi nặn bánh, ép khuôn, bánh được cho vào lò nướng; rồi dỡ bánh ra, làm nguội, phết lòng đỏ trứng gà lên và cho vào bếp nướng tiếp.
Khi chiếc bánh được cắt đôi để chia cho gia đình hoặc bạn bè, lòng đỏ được bọc trong vỏ bánh trông giống như một mặt trăng tròn. Vị mặn của trứng muối hòa quyện cùng vị ngọt và những nguyên liệu khác, điều này gợi cho ta đến một liên tưởng: trong cuộc sống, dù có nếm trải bao nhiêu đắng cay khổ sở thì luôn có những người thân bao bọc chở che ta. Cũng giống như chiếc bánh trung thu, trong mặn có ngọt, tạo nên hương vị đậm đà của cuộc sống.
Ngày nay, bánh trung thu đã có nhiều biến thể tuỳ thuộc vào vùng miền, sự sẵn có của nguyên liệu cũng như khẩu vị của từng địa phương. Loại phổ biến nhất là nhân hạt sen, nhân thập cẩm và nhân đậu xanh. Các loại nhân mới như cà phê, sô cô la, các loại hạt, trái cây, rau và thịt v.v. cũng ra đời, nhằm tạo ra nét hiện đại cho các công thức nấu ăn truyền thống.
Những nỗi niềm trước ánh trăng
Trăng tròn và sáng tượng trưng cho sự trọn vẹn, vì vậy Tết Trung thu là ngày để gia đình và những người thân yêu sum họp. Vào ngày này theo truyền thống, các gia đình quây quần bên nhau để ngắm trăng sáng. Sau bữa tối, họ thưởng thức bánh trung thu với trà ô long hoặc trà hoa nhài.
Có một từ trong tiếng Trung là yuán mǎn (圓滿), nghĩa là viên mãn, trọn vẹn, hoặc thỏa ước nguyện. Nó được tạo thành từ ký tự đầu tiên trong yuán yuè (圓月), hay trăng tròn, và ký tự đầu tiên trong mǎn yuè (滿月), trăng rằm.
Người ta tin rằng khoảnh khắc hạnh phúc viên tròn này phải được tất cả các thành viên trong gia đình tận hưởng — trăng tròn không khuyết phần nào và không ai thiếu vắng trong buổi tụ họp. Chính vì vậy, những người không thể ở bên gia đình trong ngày này sẽ bộc lộ nỗi nhớ nhà khôn nguôi; đặc biệt là các nhà thơ.
Thuở nhỏ, Lý Bạch thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà ngắm trăng. Từ năm 25 tuổi, ông đã xa quê và xa mãi. Bởi vậy, cứ mỗi lần thấy trăng là nhà thơ lại nhớ tới quê nhà. Ông đã sáng tác thơ để tỏ nỗi nhớ nhung của mình.
“Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.”
- Bài thơ “Tĩnh dạ tứ” của nhà thơ thời Đường Lý Bạch (701–762)
Một bài thơ ngắn, nhưng nó hiện lên một bức tranh: Trong một đêm trăng êm ả, có một người khách xa quê hương không ngủ được. Trước mắt người ấy, ánh trăng mờ mờ, trải rộng trên không gian bao la, lữ khách ngẩng nhìn trăng say đắm, rồi chợt cúi xuống, đôi mắt như đờ đẫn vì nhớ quê hương. Thơ của Lý Bạch tuy “nói ít” nhưng “gợi nhiều”, trong thơ như có “nhạc và họa”, khiến nỗi buồn cũng trở nên đẹp đẽ và dễ đồng cảm hơn.
Cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ (712-770) là một nhà thơ Trung Quốc kiệt xuất của triều đại nhà Đường. Ông được nhiều nhà phê bình văn học tôn vinh là nhà thơ Trung Quốc vĩ đại nhất mọi thời đại. Sinh trưởng trong một gia đình học thuật, Đỗ Phủ đã thể hiện tài năng thơ phú của mình từ khi còn rất trẻ. Ông cũng thọ nhận một nền giáo dục Nho giáo truyền thống.
Sau khi thất bại trong kỳ thi triều đình vào năm 735, Đỗ Phủ bắt đầu ngao du khắp đất nước và trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Trong cuộc hành trình đó, ông gặp gỡ những nhà thơ của thời kỳ này, trong đó có Lý Bạch vào năm 744.
Suốt trong thời loạn ly, phải chịu nhiều đau khổ, Đỗ Phủ luôn mơ ước nhân dân và gia đình mình được ấm no. Dưới ánh trăng, ông cũng cho ra đời những vần thơ da diết, thể hiện nỗi lòng và những tâm tư không biết chia sẻ cùng ai.
“Tiếng trống nơi đồn thú vang lên, không còn ai dám qua lại,
Một tiếng nhạn kêu ở chốn biên thuỳ mùa thu.
Từ đêm nay trở đi, sương móc rơi trắng xóa,
Trăng vẫn sáng tại quê nhà.
Có các em trai, nhưng đều ly tán,
Không còn nhà để mà hỏi thăm chúng còn sống hay đã chết.
Gửi thư về, nhưng thư thường không tới nơi,
Huống chi chiến tranh vẫn còn chưa thôi.”
- Bài thơ “Nguyệt dạ ức xá đệ” (Đêm trăng nhớ người em) của nhà thơ Đỗ Phủ (712-770)
Trong lịch sử, Trung thu luôn là chủ đề phổ biến để các nhà thơ Trung Quốc thể hiện tình cảm và vẽ nên một khung cảnh bình dị. Làm thơ về trăng là một loại hình nghệ thuật và cũng là một yếu tố tâm linh được phổ biến rộng rãi trong các học giả, quan lại và hoàng đế của nhiều triều đại. Nhiều nhà thơ vĩ đại đã sáng tác những bài thơ tuyệt vời ca ngợi vẻ đẹp của ánh trăng. Trăng là nguồn cảm hứng của họ; ngồi trong sân hoặc gần cửa sổ để ngắm trăng là một truyền thống. Ánh trăng sáng vằng vặc trên cao tượng trưng cho ước nguyện của họ: sau bao nhiêu cay đắng ngọt bùi, truân chuyên của cuộc sống, họ chỉ muốn một cuộc đời thanh bạch, không vướng bụi trần, ngồi thưởng trăng và hướng đến một cảnh giới tráng lệ hơn trong tâm trí.
Những nhân vật lịch sử vĩ đại ấy từng người một đã rời bỏ Trái Đất. Họ không còn có thể thưởng thức ánh trăng, nhưng Mặt Trăng vẫn chiếu sáng vào những đêm tối. Chị Hằng có lẽ thật cô đơn, nhưng nàng ấy luôn gửi ánh sáng đến nhân loại khi chứng kiến tất cả niềm vui và nỗi buồn trên thế gian của con người. Vì vậy, dịp lễ Trung thu còn là dịp để người dân cầu nguyện, tôn kính thần linh và trân trọng Thiên đường.
Mộc Lam thực hiện