Truyện ngụ ngôn – Món quà dành cho mọi lứa tuổi
Trong tuyển tập sách giáo khoa môn Văn học Anh nâng cao mà tôi đã từng học có tiêu đề “Văn học: Giới thiệu về tiểu thuyết, thơ và kịch”, tác giả X.J. Kennedy mở đầu bằng việc thảo luận về truyện ngụ ngôn. Một cách rất tự nhiên, ông đề cập đến tác giả nổi tiếng nhất của thể loại văn học này, nhà văn Aesop (620-560 TCN).
Có rất ít thông tin về tiểu sử của Aesop ngoài việc ông là người Hy Lạp – một số còn tranh luận rằng ông có tồn tại không – nhưng rất nhiều tác phẩm trong số 584 truyện ngụ ngôn của ông vẫn còn rất quen thuộc với chúng ta cho đến ngày nay. Bọn trẻ thường đọc hoặc nghe kể về những câu chuyện như Rùa và Thỏ, Cậu bé chăn cừu, Con cáo và chùm nho và Chó sói và chó nhà.
Theo tác giả Kennedy, truyện ngụ ngôn là “một câu chuyện ngắn gọn chỉ ra một chân lý.” Nhân vật trong truyện ngụ ngôn có thể là những con vật biết nói (xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của Aesop), những đồ vật vô tri vô giác, hoặc con người và các nhân vật siêu nhiên (ví như trong ‘Cuộc hẹn ở Samarra’)
Truyện ngụ ngôn có tính phổ quát
Đặc điểm này giúp truyện ngụ ngôn trở thành một sản phẩm văn hóa dễ dàng được lưu truyền rộng rãi. Chẳng hạn như, những câu chuyện của Aesop đã được phổ biến và tồn tại lâu bền trên toàn thế giới. Ví như vào thế kỷ thứ X, ở Trung Á đã xuất hiện một bộ sưu tập những câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ. Vào thế kỷ XVI, những nhà truyền giáo người Tây Ban Nha đã đưa truyện ngụ ngôn của Aesop đến Nhật Bản.
Các tác giả ngụ ngôn khác cũng nổi tiếng vượt ra khỏi phạm vi quốc gia của họ. Nổi bật nhất trong số này là nhà thơ ngụ ngôn Jean de La Fontaine. Tuyển tập truyện ngụ ngôn cuối thế kỷ XVII của ông đã trở thành tác phẩm văn học kinh điển không chỉ quen thuộc với trẻ em nước Pháp mà còn với rất nhiều người trên thế giới.
Triết lý đạo đức và nhân vật trong những câu chuyện ngắn gọn này có sức lôi cuốn trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Cho dù bạn đến từ vùng đất sông Hằng huyền thoại hay từ những dãy núi Colorado hoang dã, bạn đều hiểu thông điệp trong câu chuyện ngụ ngôn như “Kiến và Châu Chấu.” Kiến làm việc chăm chỉ suốt cả mùa hè để dự trữ lương thực cho mùa đông khắc nghiệt, trong khi Châu Chấu mải mê vui chơi, múa hát với cây vĩ cầm và cười nhạo các bạn Kiến vất vả. Thế rồi, những cơn bão tuyết tràn đến, Châu Chấu phải chịu cảnh đói lả và rét run trong cái giá buốt của mùa đông. Thông điệp đạo đức trong câu chuyện này là: hãy có trách nhiệm với bản thân; có giờ làm việc và có giờ vui chơi.
Hầu hết mọi người đều thừa nhận rằng những ý tưởng đó là chân lý.
Truyện ngụ ngôn dành cho người lớn
Hãy cùng đọc một câu chuyện ngụ ngôn hiện đại hơn, “Cuộc hẹn ở Samarra” – phiên bản của nhà văn người Anh Somerset Maugham về một truyền thuyết Ả Rập cũ mà tác giả Kennedy đề cập trong “Văn học.” Dưới đây là toàn bộ câu chuyện:
Thần Chết kể rằng: Có một người lái buôn ở Bagdad sai người hầu của mình đến chợ để mua một hàng hóa. Một lát sau, người hầu quay lại, mặt tái nhợt và run rẩy, anh ta nói: “Thưa chủ nhân, lúc con ở chợ, trong đám đông có một người phụ nữ đã huých khuỷu tay vào con và khi con quay lại, con nhận ra đó chính là Thần Chết. Bà ta đã nhìn và uy hiếp con; xin ngài cho con mượn ngựa của ngài, con sẽ lập tức rời khỏi thành phố này và chạy trốn Thần Chết. Con sẽ đến Samarra, ở đó Thần Chết không thể tìm thấy con.” Người lái buôn đã cho người hầu mượn con ngựa. Anh ta leo lên lưng ngựa và phóng như bay. Sau đó người lái buôn đi xuống chợ, anh ta nhìn thấy tôi đang đứng trong đám đông và bước đến hỏi tôi: “Tại sao bà lại uy hiếp người hầu của tôi?” Tôi nói: “Ta đâu có uy hiếp anh ta, ta chỉ quá ngạc nhiên khi nhìn thấy anh ta ở Bagdad, vì tối nay ta có một cuộc hẹn với anh ta ở Samarra.”
Rõ ràng “Cuộc hẹn ở Samarra” không phải là câu chuyện dành cho trẻ em. Mặc dù câu chuyện ngụ ngôn trên đây có thể hấp dẫn ngay cả với trẻ mẫu giáo, tuy nhiên câu chuyện rất ý nghĩa của Maugham dường như quá khó hiểu và đáng sợ đối với trẻ nhỏ.
Một triết lý sâu sắc
Tôi đã chọn” Cuộc hẹn ở Samarra” để phân tích ở đây với ba lý do.
Lý do đầu tiên là truyện ngắn này chứa đựng những yếu tố điển hình của thể loại truyện ngụ ngôn. Ngắn gọn, ngôn ngữ cô đọng và không quá khoa trương, Thần Chết xuất hiện với hình hài con người, trong câu chuyện này đó là một phụ nữ. Mặc dù câu chuyện này không đề cập trực tiếp đến vấn đề đạo đức như trong nhiều tác phẩm ngụ ngôn khác, nhưng khi Kennedy hỏi các độc giả – “Bạn cảm nhận câu chuyện này như thế nào?” – đa số đều sẽ đưa ra thông điệp rằng chúng ta không thể thoát khỏi vận mệnh, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sống chết
Và không giống như các truyện ngụ ngôn khác, “Cuộc hẹn ở Samarra” đặt ra một vài câu hỏi quan trọng như: Định mệnh là gì? Chúng ta tin vào định mệnh hay tin vào ý chí tự do? Nhà thơ William Ernest Henley viết, “Tôi làm chủ vận mệnh của mình” và “Tâm hồn tôi thuộc về tôi.” Tuy nhiên, truyện ngụ ngôn của Maugham khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về tính chân thực của những tuyên bố táo bạo đó.
Lý do cuối cùng là, tôi quyết định đào sâu vào ”Cuộc hẹn ở Samarra” vì sức mạnh của chính nó. Tôi đã đọc tác phẩm của Maugham nhiều lượt và đề cập trong vài bài viết của mình, cũng đã kể câu chuyện này cho nhiều người bạn và các thành viên trong gia đình. Mặc dù đã đọc nhiều lần, nhưng câu chuyện này vẫn khiến tôi rùng mình khi lật từng trang sách, điều làm tôi khâm phục là tính văn chương chính xác và cái kết đầy lôi cuốn.
Một báu vật văn hóa của chúng ta
Mặc dù chúng ta đang sống trong thời đại hỗn loạn văn hóa và thịnh hành thuyết đạo đức tương đối, trí tuệ vĩnh hằng của những câu chuyện ngụ ngôn [vẫn] có thể đóng vai trò làm nền tảng và bến đỗ cho thế hệ con cháu chúng ta.Ví dụ tác phẩm “Chó sói và chó nhà” dạy chúng ta bài học sâu sắc về tầm quan trọng của sự tự do. Câu chuyện “Sư tử và chuột” đề cao sự tử tế, trong khi “ Thỏ và rùa” nhắc nhở độc giả rằng: “Người chiến thắng trong cuộc đua không phải lúc nào cũng là người nhanh nhất”.
Đọc những truyện ngụ ngôn này cũng là cách để chúng ta kết nối sâu sắc với quá khứ. Cách đây vài thập kỷ, một cô gái tôi mà tôi biết đã nghe bạn cô ấy nói rằng: “Mình là châu chấu, còn bạn là kiến”, một câu nói có tính xúc phạm, mặc dù người nói hình như quên mất rằng châu chấu đã bị kiệt sức vì đói và rét. Nhưng dù sao đi nữa thì hai người họ vẫn còn nhớ về câu chuyện này.
Rất dễ dàng trang bị cho con em của chúng ta những điều bổ ích trong các câu chuyện trí tuệ này. Thư viện và cửa hàng sách luôn cập nhật những bộ sưu tập truyện loại này- thư viện của tôi có 20 sách ngụ ngôn của riêng tác giả Aesop- nhiều cuốn được minh họa rất bắt mắt, làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với độc giả trẻ. Nếu bọn trẻ thích xem video, bạn có thể tìm thấy hàng chục trang web có truyện ngụ ngôn qua phim hoạt hình và những bản đọc sách trực tuyến.
Gửi món quà này đến con cái chúng ta, nó sẽ là hành trang mang theo suốt cuộc đời và giúp cuộc sống của bọn trẻ thêm phong phú.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và sáng tác tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Hà Trang và Thanh Xuân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times