Truyện ngụ ngôn Aesop: Chú lừa và chú chó nhỏ
Ngày xưa, có ông chủ nuôi một chú lừa và chú chó nhỏ. Chó nhỏ rất được người chủ yêu quý, thường được ông nựng nịu và khen ngợi, còn được ăn những miếng ngon từ đĩa của ông. Hằng ngày, chú chó chạy đến bên ông, vẫy đuôi nô đùa, chồm lên liếm liếm tay và mặt ông chủ.
Lừa nhìn thấy tất cả những điều này liền tỏ ra rất bất mãn. Mặc dù được ăn uống no đủ, nhưng nó phải làm nhiều việc; ngoài ra, ông chủ hầu như chẳng bao giờ để ý đến nó.
Một hôm, chú lừa đố kỵ bắt đầu nảy lên ý tưởng ngu ngốc rằng: bắt chước chú chó để giành được sự ưu ái từ chủ nhân. Vì vậy, một ngày nọ, nó rời khỏi chuồng và hí vang, hộc tốc chạy vào nhà.
Thấy ông chủ đang ngồi ở bàn ăn tối, nó đá chân sau lên cao, hí lên ầm ĩ, vừa nhảy nhót lảo đảo xung quanh, xô ngã cả bàn ăn. Tiếp đó, nó đặt bàn chân trước lên đầu gối ông chủ và thè lưỡi liếm mặt ông, như nó từng thấy chú chó nhỏ làm. Nhưng vì quá nặng, nó đã làm lật đổ cả ghế. Lừa và ông chủ cùng ngã lăn giữa đống bát đĩa rơi vỡ khỏi bàn.
Ông chủ vô cùng hoảng hốt trước hành vi bất thường của lừa, nên nhanh chóng cầu cứu, khiến những người hầu chú ý. Khi họ nhìn thấy con vật vụng về kia đang gây nguy hiểm cho ông chủ, họ tấn công chú ta, vừa đá vừa đánh đuổi nó về chuồng. Họ bỏ mặc nó ở đó than khóc vì sự ngu ngốc chẳng mang lại điều gì cho nó ngoài một trận nhừ đòn.
Đừng cố gắng lấy được sự ưu ái bằng cách hành động trái với bản chất và tính cách của mình.
Câu chuyện ngụ ngôn này được tái xuất bản từ sách điện tử “The Aesop for Children” (Truyện ngụ ngôn Aesop dành cho Trẻ Em) năm 1919 thuộc dự án số hóa The Project Gutenberg.
Aesop (khoảng năm 620–564 trước Công Nguyên) là người kể chuyện Hy Lạp được biết đến với rất nhiều những truyện ngụ ngôn, hiện nay được gọi chung là “Aesop’s Fables” (Truyện ngụ ngôn Aesop). Những câu chuyện của ông, cùng với giá trị đạo đức, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hoá và văn minh của chúng ta, góp phần giáo dục và vun bồi nhân cách cho trẻ em, và cùng với sức hấp dẫn phổ quát, những câu chuyện này còn giúp người lớn nhìn nhận lại mình, lựa chọn giữ lấy đức hạnh, lưu tâm với những cảnh báo ẩn ý.
Khánh Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times