Truyện ngụ ngôn Aesop: Sói và cừu con
Vào một buổi sớm tinh sương trong khu rừng nọ, có một chú cừu con lạc đàn đang uống nước bên cạnh bờ suối. Và cũng trong buổi sáng hôm ấy, từ phía xa của dòng suối, một con sói háu đói đang tìm mồi cho bữa sáng của mình. Ngay lập tức, nó bắt gặp chú cừu con. Và như một lẽ thường, Ông Sói đến vồ lấy miếng thịt nhỏ ngon lành không chút do dự, nhưng cái vẻ ngây thơ yếu ớt của chú cừu con khiến hắn nghĩ rằng hắn cần một cái cớ để lấy đi mạng sống của chú cừu ấy.
Hắn quát lớn trong giận dữ, “Làm sao mi dám lội vào dòng suối của ta, và lớp bùn kia ngươi đã khuấy động lên hết cả! Mi đáng bị phạt nặng cho sự liều lĩnh này!”
“Nhưng, thưa ngài,” cừu con run rẩy đáp, “xin đừng giận dữ! Tôi không thể vấy bẩn phần nước ngài uống ở phía kia đâu. Xin ngài nhớ cho, ngài đang ở phía thượng nguồn còn tôi thì ở hạ nguồn cơ mà.”
“Mi có làm vấy bẩn nó!” sói hùng hổ đáp trả. “Và thêm nữa, ta còn nghe rằng năm ngoái, mi đã nói những lời không thật về ta!”
“Sao tôi có thể làm thế được cơ chứ?” cừu con van nài. “Năm ngoái tôi còn chưa ra đời mà.”
“Nếu không phải là mi, thì chính là anh trai của mi!”
“Tôi không có anh trai nào cả.”
“Chà, thế thì,” sói hầm hè, “đó chắc chắn là ai đó trong gia đình mi. Nhưng cho dù người đó là ai, ta cũng không muốn nhiều lời với bữa ăn sáng của ta đâu.”
Không nhiều lời nữa, sói ta vồ lấy chú cừu con tội nghiệp và tha vào rừng.
Gã thống trị luôn luôn tìm cớ
Kẻ ngây thơ cũng chớ nhiều lời
‘Thật bất công lắm ngài ơi,’
Chẳng lọt tai những kẻ ngồi ngôi cao.
Câu chuyện ngụ ngôn này được tái bản từ quyển sách “Truyện Aesop cho trẻ em” (1919).
Aesop (khoảng năm 620–564 trước Công nguyên) là một người kể chuyện Hy Lạp được biết đến với rất nhiều những truyện ngụ ngôn, hiện nay được gọi chung là “Truyện ngụ ngôn của Aesop”. Những câu chuyện của ông, cùng với giá trị đạo đức, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hoá và văn minh của chúng ta, không chỉ mang tính giáo dục và vun bồi đức hạnh cho trẻ em, cùng với sức hấp dẫn phổ quát, những câu chuyện còn giúp người lớn nhìn nhận lại mình, lựa chọn giữ lấy đức hạnh hay lưu tâm với những cảnh báo ẩn ý.
Hạnh Dung biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times