Truyện ngụ ngôn Aesop: Con hươu và cái bóng
Một con hươu đang uống nước tại một lạch suối trong vắt, bỗng nó trông thấy cái bóng của mình phản chiếu dưới làn nước. Hươu tỏ vẻ ngưỡng mộ vô ngần với cặp gạc cong cong thanh thoát ấy, nhưng lại ra điều xấu hổ chán chường với đôi chân khẳng khiu của nó.
Hươu thở dài, “Sao lại có thể như thế được, ta có thể bị nguyền rủa với đôi chân này dù rằng trên đầu ta là chiếc vương miện lộng lẫy.”
Cùng lúc đó, hươu đánh hơi được mùi của một con báo và ngay lập tức phóng như tên bắn vào rừng sâu. Nhưng hươu càng chạy, cặp gạc to lớn kia lại mắc vào những nhánh cây, và rất nhanh sau đó, hươu ta đã bị báo kia đuổi kịp. Lúc đó hươu mới nhận ra rằng thứ đáng lẽ cứu được mạng sống của nó chính đôi chân khiến nó ngại ngần kia, chứ không phải là vật trang trí vô dụng trên đầu này.
Chúng ta thường xem trọng vật trang trí hào nhoáng mà lại khinh khi những thứ hữu dụng.
Aesop (khoảng năm 620–564 trước Công nguyên) là một người kể chuyện Hy Lạp được biết đến với rất nhiều những truyện ngụ ngôn, hiện nay được gọi chung là “Truyện ngụ ngôn của Aesop”. Những câu chuyện của ông, cùng với giá trị đạo đức, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hoá và văn minh của chúng ta, không chỉ mang tính giáo dục và vun bồi đức hạnh cho trẻ em, cùng với sức hấp dẫn phổ quát, những câu chuyện còn giúp người lớn nhìn nhận lại mình, lựa chọn giữ lấy đức hạnh hay lưu tâm với những cảnh báo ẩn ý.
Câu chuyện ngụ ngôn này được tái bản từ quyển sách “Truyện Aesop cho trẻ em” (1919).
Hạnh Dung biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times