Những câu chuyện từ ‘Đệ Tử Quy’: Hiếu thuận với cha mẹ (Phần 2)
Sách “Chuẩn tắc để trở thành một người con ngoan trò giỏi” (Đệ Tử Quy) là một cuốn sách giáo khoa truyền thống của Trung Hoa dành cho trẻ em, dạy trẻ em đạo lý và những quy tắc lễ nghi. Tác phẩm này do Lý Dục Tú thời nhà Thanh biên soạn, dưới thời trị vì của Hoàng đế Khang Hy (1661-1722). Trong loạt bài này, chúng tôi trình bày một số câu chuyện cổ Trung Hoa minh họa cho những bài học quý giá được dạy trong Đệ Tử Quy. Chương thứ nhất của Đệ Tử Quy giới thiệu quan niệm của người Trung Quốc về chữ “xiao” (hiếu), hay chính là bổn phận của người con đối với cha mẹ.
Phụng dưỡng cha mẹ đến nơi đến chốn để sau này không phải hối tiếc
Trong Đệ Tử Quy có nói rằng chúng ta nên chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau, túc trực bên giường ngày đêm không rời. Khi cha mẹ mất đi, chúng ta nên luôn luôn tưởng nhớ đến họ với lòng biết ơn, và cảm thấy hối tiếc vì không thể báo đáp công ơn nuôi dưỡng của họ. Chúng ta nên tưởng niệm ngày giỗ của cha mẹ mình bằng những nghi lễ tưởng nhớ với lòng thành kính nhất, và lo cho cha mẹ đã khuất của chúng ta như thể họ vẫn còn sống.
Thân hữu tật,
Dược tiên thường;
Trú dạ thị,
Bất ly sàng.
Tang tận lễ,
Tế tận thành;
Sự tử giả,
Như sự sinh.
Tạm dịch:
Cha mẹ bệnh,
Nếm thuốc trước;
Ngày đêm hầu,
Không rời giường.
Tang tận lễ,
Cúng hết lòng;
Việc người chết,
Như người sống.
Những tấm gương đạo đức về phụng dưỡng cha mẹ có thể kể đến Hán Văn Đế của nhà Tây Hán, và thầy dạy học Vương Bật thời Tam Quốc.
Hán Văn Đế nếm thuốc cho mẹ
Trong triều đại Tây Hán ở Trung Hoa, sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang băng hà, ngôi báu đã được truyền lại cho con trai ông là Lưu Hằng. Lưu Hằng được trao hiệu là Hán Văn Đế, mang ý nghĩa là “Hoàng đế uyên bác của nhà Hán.” Là một người trị vì đất nước, ông thực hành việc cai trị nghiêm khắc, công bằng, và ông yêu thương dân chúng, cảm hóa và khơi gợi họ tự tu sửa bản thân thông qua giáo dục.
Mặc dù đảm đương trách nhiệm trị quốc vô cùng phức tạp và đòi hỏi khắt khe, nhưng Hán Văn Đế vẫn dành thời gian để chăm sóc mẫu hậu với sự tôn kính và lòng hiếu thảo. Ông không bao giờ bất cẩn hay trễ nải trong việc chăm sóc bà.
Một lần, mẫu hậu của ông lâm bệnh nặng. Ngay sau khi Hán Văn Đế hoàn thành xong việc triều chính trăm bề, ông sẽ lập tức bãi triều và quay lại bên giường của mẹ để chăm lo cho bà chu đáo. Mẹ ông đã lâm bệnh suốt ba năm tròn, nhưng ông vẫn chăm sóc thường hằng và không biết mệt mỏi. Ông hầu hạ bà cả ngày lẫn đêm trong thời gian bà lâm bệnh mà chưa từng buông lơi tâm cẩn trọng dù chỉ một chút. Ông chưa từng oán thán hay bất mãn vì sự vất vả và buồn tẻ mà ông đã trải qua.
Hán Văn Đế chăm sóc mẹ mình chu toàn đến từng ly từng tí. Ông sẽ ở cạnh giường bệnh của bà mà không hề chợp mắt, và thường quên thay áo choàng trong thời gian dài vì sợ rằng mình có thể tắc trách trong việc chăm sóc người mẹ đau yếu. Ngay sau khi những người hầu cận chuẩn bị xong bất kỳ thang thuốc nào, Hán Văn Đế sẽ tự mình nếm thử thuốc trước để bảo đảm rằng thuốc không quá nóng cũng không quá loãng. Khi thuốc đã vừa uống, Văn Đế sẽ đích thân dùng muỗng bón thuốc cho mẹ.
Nhiều năm trôi qua, Hán Văn Đế đã chăm sóc mẫu thân của mình xuyên suốt như thế, được hết thảy bách tính ngợi ca. Là một bậc đế vương kiệt xuất, nhưng ông cũng là một người con tận hiếu, nổi bật nhất, và ông đã đặt định nên những chuẩn mực về cách đối đãi với cha mẹ. Người dân Trung Hoa kính phục ông, và chịu ảnh hưởng cũng như chuyển biến sâu sắc bởi tấm gương đức hạnh của ông. Vì thế, họ đã thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ mình, và đối tốt với họ. Danh xưng Hán Văn Đế đã được lưu truyền ngàn đời cho đến tận ngày nay — người đời vẫn ngưỡng mộ hình mẫu về phẩm hạnh đạo đức, vị tha của ông.
Vương Bật bảo vệ mẹ khỏi sấm sét, ngay cả sau khi bà qua đời
Vương Bật là một người con trai hiếu thảo sống vào thời Tam Quốc. Mẫu thân của Vương Bật rất sợ tiếng sấm sét, nên mỗi khi trời kéo mây đen và sắp mưa, Vương Bật sẽ chạy đến bên mẹ để an ủi và xoa dịu nỗi sợ của bà. Nếu con trai không có ở bên cạnh, bà cụ sẽ cảm thấy hoảng hốt không thể chịu đựng được.
Sau khi mẹ qua đời, Vương Bật đã an táng bà ở một khu chôn cất lân cận. Ngay cả khi mẹ không còn sống, nhưng mỗi lúc một cơn giông bão ập đến, Vương Bật sẽ chạy đến nơi chôn cất bà và quỳ bên bia mộ mẹ với những giọt lệ rơi trên má. “Mẹ đừng khóc, con trai đang ở bên mẹ đây!”, ông sẽ gọi, như thể mẫu thân của ông vẫn còn sống. Miễn là cơn bão còn đó, Vương Bật vẫn ở gần mộ của mẹ, đi quanh đó không biết bao nhiêu lần để bảo vệ linh hồn của mẫu thân và giúp bà không còn sợ hãi.
Sau này, khi Vương Bật trở thành một người thầy, mỗi khi đọc đến một đoạn văn nói về tình cảm của những người con tận hiếu với cha mẹ đã khuất của họ, cảm xúc của ông sẽ trào dâng, và ông sẽ khóc với niềm thương nhớ sâu sắc. Sau khi chứng kiến việc này, các học trò của ông đã cẩn thận lược bỏ bất kỳ đoạn văn nào nói về tình yêu thương của con cái dành cho cha mẹ.
Vương Bật luôn nhấn mạnh trong các bài giảng của mình về tầm quan trọng của việc báo đáp công ơn cha mẹ khi họ vẫn còn sống. Ông được xem như một hình mẫu về cách cư xử hiếu thuận, và lòng kính trọng thường hằng của ông đối với mẹ đã làm lay động những trái tim của tất cả những người chứng kiến điều đó.
Xem thêm:
Thục Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times