Công danh phú quý đến từ đâu?
Công danh là thứ con người coi trọng, phú quý là thứ con người mong cầu. Nhưng công danh, phú quý cũng không phải bỗng dưng mà có, nó cũng tự có nguồn gốc sinh ra. Dưới đây là vài câu chuyện nhỏ cho thấy nguồn gốc của công danh phú quý.
Thành toàn cho người, được Trời ban phúc báo
Thời nhà Thanh, ở Hà Nam có một người tên là Trương Hùng Lược vào năm ấy thì tổ chức kết hôn. Ngay trong đêm tân hôn, tân nương (cô dâu) khóc nức nở không ngừng, Trương quân bèn hỏi nguyên nhân vì sao mà khóc. Tân nương nói: “Hồi thiếp còn nhỏ, phụ thân đã hứa gả thiếp cho một người họ Thi. Về sau phụ thân thấy anh ta nghèo khổ, ép anh ta từ hôn, bấy giờ mới gả cho chàng.”
Việc đã đến nước này, Trương quân cũng không biết nên làm thế nào. Tân nương nghĩ đến cái chết, Trương quân không thể trơ mắt nhìn nàng chết được, bèn nói: “Người họ Thi đó là bạn thân của ta. Ta nên để hai người kết thành vợ chồng. Nàng tuyệt đối không được coi thường mạng sống của mình.”
Tối hôm đó, Trương Hùng Lược đã đi sang ngủ ở một gian phòng khác. Đến sáng ngày hôm sau, ông kể cho cha mẹ biết chuyện mà tân nương gặp phải. Thế là người nhà Trương gia quyết định mời người họ Thi tới, đặc biệt dành riêng cho họ một gian nhà, để hai người kết làm phu thê.
Trương gia cũng đem tất cả đồ cưới tặng lại cho người họ Thi, đồng thời cử bà mối trước kia chuyển lời lại cho phụ thân của cô gái rằng: “Con gái của ông vốn đã hứa hôn với Thi quân, nay nàng và Thi quân đã thành hôn, về chung một nhà. Nếu ông không đồng ý, thì sẽ báo quan phán xử.” Phụ thân của cô gái sợ bị thưa kiện, nên cũng không dám phản đối việc này.
Ngay trong năm đó, Trương Hùng Lược thi đỗ khoa danh, sau đó con đường khoa cử liên tục rộ tin mừng. Sau khi nhập sĩ làm quan, ông một mạch thăng chức làm đến Cung chiêm (chức quan phụ trách quản lý các sự vụ trong cung cho Hoàng Đế hoặc Thái Tử).
Về sau, Thi quân cũng thi đỗ khoa cử, thê tử của anh sinh được một người con gái. Sau này con gái của họ lại được gả cho Trương gia, nàng là người hiền đức, phụng dưỡng cha mẹ chồng rất hiếu thảo, danh tiếng được truyền đi khắp vùng gần xa.
Trương Hùng Lược giúp bằng hữu hoàn thành hôn nhân đại sự, đây là nghĩa cử cao cả nhường nào. Về sau ông làm quan đến chức Cung chiêm, cưới được người con dâu rất hiếu đức, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà vừa hiếu thuận vừa kính cẩn. Đối với việc này, người xưa có lời bình luận: “Lòng người hợp với ý Trời. Người muốn chiếm lợi ích trước mắt, sao hiểu được điều này.”
Hành động giúp người hoàn thành ước nguyện của Trương quân vừa giữ được luân lý vợ chồng, lại thuận với Thiên ý trong cõi U minh. Thượng Thiên cũng kết thiện duyên chu toàn cho họ, thi ân cho người cũng là thi ân cho chính mình vậy.
Công danh phú quý từ Đức mà đến
Ông Thái Côn Dương, người ở huyện Đức Thanh, là Trạng Nguyên năm Khang Hy thứ 9 (năm 1670, khoa Canh Tuất). Năm Thuận Trị thứ 11 (năm Giáp Ngọ, 1654), ông trúng cử trong kỳ thi Hương. Lúc đó ông đã 40 tuổi, nhưng vẫn chưa có con. Thê tử của ông tích góp được 30 lượng vàng, lặng lẽ cưới cho ông một người thiếp, dự định để người thiếp sinh con nối dõi tông đường cho Thái gia.
Nhưng chuyện là sau khi người thiếp đi vào phòng thì vẫn cứ thút thít khóc không ngừng. Thái Côn Dương cảm thấy rất quái lạ, bèn hỏi nàng vì sao khóc. Lúc đầu người thiếp còn rất ngại ngùng, có chút băn khoăn lo ngại, không dám nói. Nhưng dưới sự hỏi han thật tình của Thái quân, nàng mới dám nói sự thật.
Thì ra người thiếp này vốn là đã được gả cho người khác, trượng phu của nàng vì thiếu nợ quân doanh, đã tiêu hao hết thảy tài sản mà vẫn không thể trả hết nợ, cho nên mới đến nông nổi vợ chồng ly tán.
Ngay trong đêm đó, Thái quân vội vàng đi đến nhà chồng của nàng, nói: “Việc trả nợ này không khó. Tôi có thể trả nợ giúp ông. Hơn nữa đêm nay tôi không nên quay trở về nhà nữa, nếu quay trở về nhà thì tôi không thể chứng minh tâm ý của mình.” Thế là Thái quân ngủ lại nhà người chồng của cô gái kia.
Sáng sớm ngày hôm sau, lính trong quân doanh đến thúc giục trả tiền nợ, Thái quân nói: “Các người ép người trả nợ trái luật pháp, bây giờ ta không tranh luận với mấy người. Đem giấy vay nợ ra đây, ta lập tức trả tiền cho các ngươi.”
Lính quân doanh chưa bao giờ gặp phải người trượng nghĩa như thế, nên cũng rất cảm động. Họ thu nhận số tiền nợ rồi giao lại giấy vay nợ cho Thái quân.
Sau khi trả xong nợ, Thái quân liền phái người khiêng kiệu đưa cô gái kia về với chồng của nàng, còn tặng cho hai vợ chồng họ 30 lạng bạc để sinh sống.
Về sau, thê tử của Thái quân mang thai, sinh được một người con trai. Thái quân cũng đề danh bảng vàng, thi đỗ đứng đầu khoa cử, trở thành Trạng Nguyên năm Khang Hy thứ 9.
Câu chuyện này không khỏi khiến người đời cảm thán: Phúc báo nhận được thật rõ ràng; thứ gọi là công danh phú quý, có cái nào không từ âm đức mà sinh ra cả đâu!
Thái quân khẳng khái trượng nghĩa, cho dù mình bị tổn thất, cũng chỉ muốn bảo vệ tình nghĩa của đôi vợ chồng kia. Công danh phú quý của ông, hết thảy đều là do những âm đức ông tích được mà có.
(Theo “Đạo đức tùng thư: Phú thất trân ngôn”)
Đỗ Nhược thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ