Cần cù đức độ, cậu bé nghèo chưa từng tham gia khoa cử trở thành đại thần triều đình
Một người dân thường áo vải, chưa từng tham gia khoa cử, cũng không phải xuất thân con nhà võ, lại được Hoàng thượng cùng đại thần trong triều giúp đỡ và trọng dụng, trong vòng 10 năm bỗng chốc trở thành một vị danh thần triều đình. Hơn nữa, con trai của ông cũng được hưởng phúc đức do cha mình để lại. Vì sao ông có thể đạt được những điều này?
Lòng hiếu thảo cảm động dân làng
Phương Quan Thừa (1698~1768), tự Nghi Điền, hiệu Vấn Đình, thụy là Cách Mẫn, ông là người huyện Đồng Thành, tỉnh An Huy, tổ tiên của ông có học vấn uyên thâm, nổi tiếng trong trường phái tản văn Đồng Thành. Thuở nhỏ, cả gia tộc chịu thụ án liên lụy, phụ thân ông bị đày đến vùng biên cương Hắc Long Giang xa xôi hiểm trở. Quan Thừa vô cùng hiếu thuận, mỗi ngày đều lặn lội băng đèo vượt suối, vào thành thăm dò tin tức. Mỗi ngày như vậy ông đều đi cả trăm dặm, thậm chí có ngày chỉ ăn một bữa cơm, nhưng ông cũng không hề cảm thấy khổ sở. Lúc Quan Thừa vừa mới hai mươi tuổi, phụ thân ông qua đời nơi biên cương. Vừa hay tin dữ, Quan Thừa lập tức lên đường từ Nam Kinh đi đến vùng biên giới. Đường xa vạn dặm, ông cõng thi hài của phụ thân trên lưng, trở về cố hương.
Lòng hiếu thuận của ông khiến dân làng rất cảm động và kính trọng. Sau khi phụ thân ông qua đời, số tiền ít ỏi còn lại trong nhà dường như cũng sắp cạn kiệt, cuộc sống bên bờ nguy khốn. Ông có một người họ hàng làm quan ở Ninh Ba, ông đành tìm đến xin trợ giúp. Nhưng khi vừa đến cổng nhà, trông thấy gia nhân gác cửa thân mặc áo lông cáo, vênh váo hung tợn, còn bản thân mình quần áo rách rưới, e sợ bị quát mắng, nên ông không dám tiến đến. Lúc đó đúng vào dịp cuối năm, nhân duyên tề hội, ông giúp một người đồ tể gần nhà người họ hàng kia làm công việc ghi chép sổ sách. Sau đó, người đồ tể cho ông lộ phí đi đường và ít hành lý, giúp ông vào thành tìm kế mưu sinh. Trong cuộc hành trình về sau này, ông đã gặp rất nhiều bất trắc, tiền bạc bị mất hết, thời tiết khắc nghiệt đến nỗi suýt mất mạng… May mắn thay, ông đã gặp được quý nhân cứu mạng, còn được một vị tiên sinh toán mệnh chỉ điểm, nói rằng ông nên đến kinh đô tìm cơ hội phát triển.
Được trọng dụng nhờ viết chữ đẹp
Tại Bắc Kinh, Phương Quan Thừa một lần nữa lại bị mất hết tài vật, đành phải bày quầy đoán chữ tại cổng thành Đông Hoa, dựa vào nghề chiết tự đoán mệnh nuôi thân. Một ngày nọ, có vị Vương gia Mãn Thanh trên đường thượng triều, lúc đi ngang qua quầy đoán chữ đã dừng lại nói chuyện với Quan Thừa. Vị Vương gia này là Bình Quận Vương Ái Tân Giác La – Phúc Bành, ông bị thu hút bởi bảng hiệu của quầy và rất ngưỡng mộ bút tích trên đó. Sau cuộc nói chuyện, vị Vương gia càng ngưỡng mộ học vấn và kiến thức của Phương Quan Thừa, do đó quyết định mời Quan Thừa đến Vương phủ làm phụ tá, phụ trách việc ghi chép.
Tại Vương phủ, Phương Quan Thừa có dịp thể hiện tài năng của mình, các câu đối trong ngoài phủ đều do một tay ông viết. Một lần, Hoàng đế Ung Chính đến Vương phủ, ngay lập tức ông chú ý đến thư pháp được viết trên các bức liễn trong phủ, cảm thấy vô cùng yêu thích. Hoàng đế Ung Chính kế thừa sự giáo dục của Tiên đế Khang Hy, ông hết mực dụng công đối với thư pháp, cũng rất có mắt thưởng thức. Lúc đó ông liền triệu kiến Phương Quan Thừa. Vận mệnh của Phương Quan Thừa từ đây mở ra cánh cửa mới.
Vào năm Ung Chính thứ 10, Bình Quận Vương Phúc Bành được Hoàng đế Ung Chính phong làm Định biên Đại tướng quân, xuất chinh đến Chuẩn Cát Nhĩ. Đồng thời, Ung Chính Đế còn phong cho Phương Quan Thừa chức Trung thư quan, cùng quân đội xuất chinh. Phương Quan Thừa xuất chinh khải hoàn trở về, có được công lao, được phong làm Trung thư nội các. Từ đó về sau, đường công danh của ông không ngừng rộng mở, được thăng chức làm Thái tử Thái bảo, Tổng đốc tỉnh Trực Lệ, Tuần phủ Chiết Giang, Tổng đốc đại thần tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc. Chỉ trong vòng mười năm, ông từ một người khố rách áo ôm trở thành đại thần trấn giữ một phương. Sau khi làm quan, ông lần lượt báo ân những người đã từng giúp đỡ mình trong lúc khó khăn, đồng thời cũng tích lũy được không ít chính tích.
Lời nhân nghĩa cứu một mạng người
Lúc Phương Quan Thừa đảm nhiệm chức Tổng đốc tỉnh Trực Lệ, có một người đã phạm tội chặn xa giá Hoàng đế trong lúc đi tuần, một câu nói của Phương Quan Thừa đã cứu mạng người kia và cả những người có liên quan.
Mùa xuân năm nọ, Hoàng đế Càn Long đi tuần tra vùng ngoại ô biên cương, đột nhiên một thôn dân tay cầm binh khí xông vào đoàn người, sau đó liền bị thị vệ bắt giữ. Trong lúc thẩm vấn, người này nói mình là người thôn Trực Lệ. Hoàng đế Càn Long nổi giận lôi đình, quát lớn: “Vào mùa xuân hàng năm, trẫm đều có hai lần đi tuần sát. Tuy việc này có liên lụy đến bách tính lân cận, tất nhiên có thể trách trẫm, nhưng tiền thuế ruộng mỗi lần trẫm đều miễn giảm cũng không ít, việc này không đủ khiến dân làng cảm động ư? Đằng sau người này liệu có kẻ chủ mưu nào chăng?”
Lúc này, tổng đốc Trực Lệ Phương Quan Thừa đang đứng bên ngoài chờ nghênh giá, nghe thấy sự việc, ông bèn đuổi theo nhưng xe của Hoàng thượng đã tiếp tục tiến về phía trước. Ông nằm phục bên đường, lớn tiếng bẩm: “Thần Phương Quan Thừa bẩm tấu, người này là một người điên trong thôn Bảo Định.”
Xa giá đã tiến vào hoàng cung, lúc này Hoàng thượng cũng thoáng nhớ lại sự việc. Sau khi về cung, ông bèn cho truyền gọi Quân cơ đại thần. Hoàng thượng nói: “Người phạm tội chặn đường xa giá lúc nãy, theo lời tấu của Phương Quan Thừa thì đó là một kẻ điên, không biết sự tình có đúng như vậy không?” Quân cơ đại thần bẩm: “Phương Quan Thừa ở Trực Lệ đã khá lâu, lời ông ấy tấu chắc là không sai.” Hoàng thượng lại nói: “Nếu đã như vậy thì giao cho các ngươi và hình bộ cùng nghiêm thẩm, xử lý như đối với kẻ điên là được.”
Sự việc lúc ấy khiến mọi người đều kinh sợ, không biết án này sẽ kéo theo bao nhiêu người bị liên lụy. Tuy nhiên, nhờ những lời nhân nghĩa kịp thời của Phương Quan Thừa mà cục diện đã thay đổi, sự tình cũng được giải quyết ổn thỏa.
Đức hạnh cải biến vận mệnh, cuối cùng sinh được con trai
Còn có một câu chuyện âm đức về Phương Quan Thừa mà ít người biết đến. Vào năm Càn Long thứ 13, ông được thăng chức làm Tuần phủ tỉnh Chiết Giang, năm đó ông đã ngoài năm mươi tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi. Ông sai người đến Kim Lăng mua về một cô gái, chị gái của ông đưa cô gái này đến Hàng Châu, chuẩn bị chọn ngày nạp thiếp. Lúc ông đến nhà chị gái, vô tình nhìn thấy một tập thơ, bên trong có tên người quen của ông, hỏi ra mới biết tác giả tập thơ là tổ phụ (ông nội) của cô gái.
Phương Quan Thừa nói với chị gái: “Khi còn trẻ, đệ là bạn thơ văn với tổ phụ của cô gái này. Nay đệ làm sao có thể cưới cháu gái của ông ấy được?” Nói rồi, ông cho người đưa cô gái về quê, đồng thời còn xuất tiền của giúp nàng xuất giá. Năm ông sáu mươi mốt tuổi, phu nhân của ông sinh hạ được con trai, đặt tên là Duy Điền (tự là Nam Ngẫu, hiệu là Bảo Nham).
Phụ tử đồng lòng
Thời điểm Đài Loan xảy ra loạn quân Lâm Sảng Văn, Phúc Khang An đã dẫn quân bình định cục diện. Ông đem theo hai thủ hạ đắc lực, cả hai đều là trợ lý của Đại thần Quân cơ xứ, một người trong đó chính là Phương Duy Điền (1759~1815).
Phương Duy Điền chuyên phụ trách công việc thẩm vấn phạm nhân. Ngày thu phục thành Chư La Đài Loan, họ bắt giữ được hơn một nghìn phản dân đang ẩn nấp trong núi. Phúc Khang An muốn trừng phạt những người này, bèn giao họ cho Phương Duy Điền tiến hành thẩm vấn, tra hỏi và ghi chép lời khai. Sau khi cẩn thận tra hỏi, Phương Duy Điền phát hiện những người này là do bị ép buộc nên mới phải phục tùng theo, chứ họ không phải tự nguyện làm phản. Vì vậy ông dự định phóng thích họ, nhưng Phúc Khang An không đồng ý. Phương Duy Điền vô cùng kiên trì, sau một hồi tranh luận, cuối cùng toàn bộ những người này đều được phóng thích, bảo toàn được tính mệnh.
Từ đó về sau, nếu bắt được người nào ở trong núi thì họ đều giải quyết theo cách này, rất nhiều người nhờ vậy mà được cứu. Mọi người cho rằng công trạng của Phương Duy Điền rất to lớn, chắc chắn sẽ được hồi báo. Về sau, Phương Duy Điền cũng được thăng chức làm Tổng đốc tỉnh Trực Lệ giống phụ thân ông, có thụy hiệu là Cần Tương.
Phương Duy Điền từng nói về sự hưng thịnh của gia tộc mình, tất cả đều không ai xuất thân từ Hàn Lâm, đây là điều khiến ông cảm thấy hối tiếc. Sau này, con trai của ông là Truyền Mục xuất thân Hàn Lâm, được thăng làm Giám Ti (chức quan, thuộc sử giám sát một địa phương), đã bù đắp cho điều đáng tiếc này. Đây chẳng phải là phúc phận mà ông có được nhờ kế thừa phẩm đức của phụ thân hay sao?
Nguồn tư liệu:
“Thanh Bại Loại Sao,” “Bắc đông viên bút lục,” “Thanh triều dã sử đại quan,” “Phương Cách Mẫn công thiết sự.”
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Lý Mai biên tập
Tịnh Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ