Trí tuệ trong tư tưởng triết học Trung Quốc: ‘Hư thất sinh bạch, cát tường tự lai’
“Hư thất sinh bạch” là một trong những quan niệm tư tưởng trong dòng chảy văn hóa Trung Hoa. Nó xuất hiện trong tư tưởng của Đạo gia, và trở thành một loại trí tuệ xử thế được các nhân vật trong nhiều thời đại lịch sử không ngừng sử dụng từ xưa đến nay. Vậy “Hư thất sinh bạch’’ bắt nguồn từ đâu? Loại trí tuệ tinh thần này đã được cổ nhân thể hiện như thế nào?
“Hư bạch’’ có nghĩa là trống rỗng, là một loại trí tuệ trong quan niệm tư tưởng văn hóa Trung Hoa, từ xưa đến nay luôn được coi trọng. Rất nhiều cổ nhân và các vị tu Đạo luôn lấy “hư bạch’’ làm tên, tự hoặc hiệu. Thư pháp gia thời nhà Thanh là Y Bỉnh Thụ (1754-1815) có một bức hoành viết bằng Lệ thư đề hai chữ “hư bạch.’’ “Hư bạch trai’’ là một trong ba bộ sưu tập thư họa lớn của Trung Quốc thuộc sở hữu tư nhân tại Hồng Kông hiện nay. Bộ sưu tập có tên gọi là “Hư Bạch trai tàng Trung Quốc thư họa” nghĩa là “Thư họa Trung Quốc tàng trữ tại Hư Bạch trai’’ (năm 1989, chủ sở hữu là ông Lưu Tác Trù đã hiến tặng bộ sưu tập đời mình cho bảo tàng nghệ thuật Hồng Kông). Vậy tư tưởng triết lý của việc dùng “hư bạch’’ để xử thế và đối đãi với thiên địa bắt nguồn từ đâu?
Trong “Trang Tử – Nội thiên – Nhân gian thế” có một câu thành ngữ là “Hư thất sinh bạch.’’ “Hư thất’’ được dùng để chỉ tâm cảnh tĩnh lặng của con người. Loại tâm cảnh này không bị che lấp bởi dục niệm, không bị thế giới sặc sỡ bên ngoài làm mê loạn tâm tư. Con người thông qua công phu tu dưỡng, khiến tâm trở nên thanh khiết, tĩnh lặng, không mang theo quan niệm hậu thiên, trừ bỏ dục niệm, khiến tâm đạt đến cảnh giới thuần chân sáng tỏ. [Lúc ấy] tự nhiên có thể phản bổn quy chân, nhìn thấy được chân tướng của sinh mệnh, nhìn thấy được chân lý của nhân gian. Với cảnh giới này, con người có thể tránh được tai ương gây ra bởi các loại vật dục và sắc dục, tránh xa tai họa, việc tốt, việc vui không ngừng xuất hiện. Nguyên văn trong “Trang Tử – Nhân gian thế” đã viết như thế này: “Chiêm bỉ khuyết giả, hư thất sinh bạch, cát tường chỉ chỉ.” (Tạm dịch: Nhìn sâu vào nơi tĩnh lặng, nội tâm phát ánh hào quang, cát tường không ngừng đến.)
Trong “Trang Tử – Ngoại thiên – Sơn mộc” có kể một câu chuyện nhỏ về “hư thuyền’’ có thể đối ứng với trí tuệ “hư thất sinh bạch’’ này. [1]
Có một người ngồi thuyền qua sông. Anh ta nhìn thấy phía trước có một chiếc thuyền không có người ngồi đang trôi đến, sắp đâm vào thuyền anh đang ngồi. Anh ta không hề tức giận. Thật ra cho dù tính tình của anh ta có nóng nảy đến thế nào đi chăng nữa thì anh ta cũng sẽ không tức giận, bởi vì không có đối tượng để trút giận – trên chiếc thuyền kia không hề có người. Nhưng nếu lúc đó trên thuyền có người, anh ta sẽ la lớn để đối phương chú ý. Lần đầu la lên không có phản ứng gì, lần thứ hai cũng vậy, đến lần thứ ba nếu vẫn không có phản ứng thì liệu người này sẽ không lên tiếng chửi rủa sao?
Con người chúng ta đều có tính khí. Chúng ta đều nhìn thế giới từ tiêu chuẩn của cá nhân mình. Do đó đôi lúc sẽ xảy ra tình huống “không thuận mắt’’ đối với người, sự việc và sự vật. Thậm chí cảm thấy tức giận đối với hành vi của người khác, xem đó giống như con thuyền kia chặn đường tiến về phía trước của mình.
Trang Tử giảng câu chuyện “chiếc thuyền vắng người’’ này rốt cuộc có dụng ý gì? Ông muốn con người hành tẩu trên thế gian này hãy như “chiếc thuyền vắng người’’ kia, như vậy sẽ không rước thị phi cũng như sự tức giận từ người khác. Trang Tử viết: “Nhân năng hư kỉ dĩ du thế kỷ thục năng hại chi?’’ Chính là nói, nếu con người có thể dùng cái tâm khiêm tốn hành xử trên thế gian, buông bỏ tự ngã, buông bỏ nhiều hơn nữa, đến lúc đạt trạng thái vô ngã. Trong mắt người khác, người này dường như không còn tồn tại nữa. Như vậy liệu có ai còn có thể hại được người này kia chứ?
Tuy nhiên, con người dù sao cũng là cơ thể hữu hình, và có linh hồn. Những tình huống gặp phải trên thế gian cũng không phải là cố định bất biến. Như vậy lúc buộc phải buông bỏ thì nên hành xử như thế nào để bản thân cảm thấy thoải mái, không hối tiếc? Các nhà triết học cổ đại Trung Hoa bất kể môn nào, phái nào cũng đều nhấn mạnh việc lấy “đạo đức’’ làm chuẩn tắc.
Trong “Vương Cống lưỡng Cung Bào truyện” của “Hán thư – quyển 72” có ghi chép liên quan đến Nghiêm Quân Bình người đất Thục, và Trịnh Tử Chân người vùng Cốc Khẩu. Họ đều là những người tu thân dưỡng tính, không bị ảnh hưởng bởi thời thế, không thuận theo thời cuộc. Thức ăn không phải của họ thì tuyệt đối họ không dùng. Loại y phục không nên mặc thì họ tuyệt đối không mặc.
Vào thời Hán Thành Đế, Quốc cữu Đại tướng quân Vương Phượng mang sính lễ đến mời Trịnh Tử Chân ra làm quan, nhưng Tử Chân từ chối. Ông lựa chọn một đời không làm quan, chỉ ở dưới núi trồng trọt, danh tiếng vang vọng khắp kinh thành. Nghiêm Quân Bình, người Thành Đô đất Thục, một mình ẩn cư, ít giao thiệp. Ông không truy cầu thành tựu hư ảo, không mưu cầu vẻ ngoài hoa lệ, kiên trì giữ phẩm hạnh. Nghiêm Quân Bình hành nghề bốc quẻ để mưu sinh, tuy nghèo nhưng có thể giúp ích cho mọi người, dẫn dắt con người hành thiện. Nghiêm Quân Bình mỗi ngày đều xem quẻ giúp người ta. Khi ông kiếm được 100 tiền đủ chi tiêu thì dọn hàng, [sau đó] ông giảng dạy cho học trò về tư tưởng đạo đức của Lão Tử. Ông có trí tuệ uyên thâm, tinh thông các tác phẩm của Lão Tử và Trang Tử, viết sách hơn mười vạn chữ, được người đất Thục yêu kính tuyên dương.
Trịnh Tử Chân và Nghiêm Quân Bình, hai vị quân tử thời cổ đại này đều thiện tu đức hạnh của bản thân, không ra làm quan. Sự thanh bạch [của hai ông] được người đời sau truyền tụng. Như vậy, nếu người dấn thân vào chốn quan trường thì lẽ nào không thể dùng “hư thất sinh bạch’’ để tu đức được chăng? Chúng ta hãy xem ví dụ về Yến Tử thời Xuân Thu.
Yến Tử [2] là tướng quốc của Tề Cảnh Công. Một hôm, lúc ông đang chuẩn bị dùng cơm, thì sứ giả của Cảnh Công đột nhiên đến nhà. Yến Tử lập tức mời sứ giả ngồi, khoản đãi sứ giả cùng mình dùng cơm. Nhà của Yến Tử chẳng có bao nhiêu đồ ăn. Ông chia sẻ phần thức ăn của mình với sứ giả. Kết quả cả hai người đều ăn không no. Thông qua sự việc này, có thể thấy được Yến Anh thân là Tể tướng của một nước lớn, nhưng vẫn chủ trương tiết kiệm. “Sử ký” và “Hán thư” đều ghi chép: “Yến Anh tướng Cảnh Công, thực bất trùng nhục, thiếp bất y ti, Tề quốc diệc trị.’’ Nghĩa là, Yến Anh một bữa không ăn hai loại thịt, ăn mặc đơn giản, người trong nhà cũng đều như vậy.
Yến Anh tâm cảnh tĩnh lặng, không bị dục niệm che lấp. Sự tu dưỡng tâm tính của bản thân ông không chỉ dừng ở việc ăn mặc. Thái độ của ông đối với tiền bạc như thế nào?
Tiếp theo câu chuyện kể ở trên, sứ giả sau khi trở về đã đem sự việc xảy ra ở nhà Yến Anh báo cáo lại với Tề Cảnh Công. Cảnh Công nghe xong cười lớn rồi nói: “Nhà của Yến Anh lại nghèo như vậy sao! Quả nhân không biết, đây là lỗi của quả nhân.’’ Nói rồi Cảnh Công phái quan sai mang ngàn lượng vàng đến ban cho Yến Anh, nhằm khi cần dùng trong việc tiếp đãi khách khứa. Kết quả, quan sai đi ba lần thì cả ba lần đều bị Yến Tử từ chối. Sau đó, Yến Tử đích thân vào cung diện kiến Cảnh Công, bái tạ Ngài ấy nhưng vẫn từ chối.
Yến Tử nói với Cảnh Công: “Nhà của thần không nghèo. Những thứ bình thường Chủ thượng ban cho thần, ân trạch kéo đến phụ mẫu, thê tử và bạn bè của thần cũng được hưởng lợi ích. Bách tính cũng được cứu trợ. Ân tứ của Chủ thượng quả thật đã rất nhiều! Nhà của thần không hề nghèo chút nào!’’
Cảnh Công nghe xong vẫn muốn khuyên Yến Tử nhận ban thưởng.
Yến Anh nói tiếp: “Thần nghe nói rằng, đem đồ của Quân vương ban thưởng phân phát lại cho nhân dân thì đó là hành vi vượt quyền, không phải là việc làm của bậc trung thần. Nhưng nếu được Quân vương ban thưởng mà lại không bố thí lại cho dân thì là cất giữ riêng, đây không phải là việc làm của bậc quân tử nhân nghĩa. Có người vì được ban thưởng từ Quân vương mà đắc tội với các khanh sĩ khác. Huống hồ con người khi rời đi thân trống trơn, tiền tài chẳng mang theo cùng được. Đến lúc qua đời, tiền tài thuộc về người khác, kẻ trí sẽ không làm những việc cất giữ của cải qua đường làm của riêng. Đủ ăn đủ mặc, vừa đủ là được.’’
Lời này của Yến Anh đã phân tích một cách hết sức toàn diện quan điểm không nhận của cải không thuộc về mình. Ông quả thật là hóa thân trí tuệ của “hư thất sinh bạch.’’ Bởi vì ông không tham không tranh, cũng không tự khoe khoang bản thân. Mọi lúc mọi nơi, ông đều cân nhắc đến tâm cảnh và lập trường của người khác, bỏ qua tư tâm của bản thân. Vì vậy, ông chính là một chiếc thuyền rỗng trên con sông “lợi ích.’’ Do đó, không dẫn khởi nộ khí từ ngoại cảnh.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Cảnh Công vẫn nhất mực muốn khuyên Yến Tử nhận ban thưởng nên đã đưa ra ví dụ về Tể tướng triều đại trước. Cảnh Công nói: “Tiên quân của ta là Hoàn Công đã từng phong đất 500 xã [3] cho Quản Trọng, Quản Trọng không hề từ chối. Vậy nay ngươi vì cớ gì mà lại từ chối kia chứ?’’
Yến Tử đáp: “Thần nghe nói, Thánh nhân nghĩ ngàn việc ắt có một việc sai, kẻ ngu nghĩ ngàn việc ắt có một việc đúng. Vậy có thể Quản Trọng nghĩ ngàn việc sai một việc, còn Yến Anh nghĩ ngàn việc mà được một việc?’’ Yến Tử nói rồi bái tạ Cảnh Công, và vẫn từ chối ban thưởng. Về sau, Yến Anh bị bệnh qua đời. Cảnh Công rất hối hận vì bản thân tuy nhiều lần nghe lời khuyên can của Yến Anh nhưng vẫn còn rất nhiều khuyết điểm vẫn chưa sửa đổi được, tự thân cảm thấy rất đau buồn.
Nhân cách xử thế của Yến Anh đã tự nhiên tỏa ra ánh sáng của “hư thất sinh bạch.’’ Qua đó chứng minh được rằng, con người dù ở trong bất kì hoàn cảnh hiện thực nào thì đều có thể tu hành, thậm chí ngay cả nơi quan trường phức tạp cũng như vậy. Nội tâm tĩnh lặng nhìn thấy ánh quang huy, cát tường tự nhiên đến.
Chú thích:
[1] Nguyên văn trong “Trang Tử – Ngoại thiên – Sơn mộc”: “Một chiếc thuyền sang sông, gặp một chiếc thuyền rỗng khác đang trôi đến gần, người cho dù có nóng nảy cũng không bực tức. Nhưng nếu trên thuyền có người thì ngay lập tức họ sẽ lớn tiếng gọi. Gọi hai lần đầu không có lời đáp thì lần thứ ba sẽ lớn tiếng chửi rủa. Trước không giận nhưng sau lại tức giận. Trước giả sau thật. Nếu chúng ta có thể dùng tâm thái tĩnh lặng để xử thế thì ai có thể gây họa cho mình được?’’
[2] Yến Tử, tự là Trọng, thụy là Bình, người đời thường gọi ông là Yến Bình Trọng hoặc Yến Anh. Yến Anh thân cao chưa đến 140cm, nhưng lại là nhân vật được người đời tôn kính, ngưỡng mộ. Ông luôn từ chối quyền vị, nhưng quyền vị lại luôn chủ động tìm đến ông. Trong hơn 50 năm, ông làm quan trải qua ba triều vua nước Tề là Linh Công, Trang Công và Cảnh Công. Yến Tử được Cảnh Công trọng dụng và phong làm Tể tướng. Trong “Sử ký – Bình Tân Hầu Chủ Phụ liệt truyện” và “Hán Thư – Quyển 58 – Công Tôn Hoằng truyện” có đoạn miêu tả về đạo đức, phẩm cách tu dưỡng của Yến Anh: “Yến Anh một bữa không ăn hai loại thịt, thiếp thất không mặc y phục làm từ tơ lụa, nhưng lại cai quản nước Tề rất tốt. Yến Tử không những từ chối vàng bạc, mà đối với sắc dục cũng như vậy. Ông từ chối việc Tề Cảnh Công nạp thiếp cho mình và nói rằng: “Thần nghe nói, bỏ thê tử lớn tuổi của mình gọi là loạn; nạp tiểu thiếp trẻ đẹp gọi là dâm. Nếu ai ai cũng thấy sắc quên nghĩa, vì phú quý mà phản bội nhân luân thì gọi là nghịch đạo.’’
[3] Xã: Thời xưa 25 nhà được tính là một xã, một trăm xã là 2,500 nhà.
Tịnh Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ