Nỗi đau ‘con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không đợi’
Mỗi năm đến mùa Vu Lan, những người con tha hương sống nơi đất khách quê người lại không nguôi nỗi nhớ cha mẹ ở quê nhà. Nỗi nhớ da diết như sợi dây con diều, canh cánh trong lòng nỗi niềm chua xót, hướng về nơi cố hương xa xôi. Khi đó, người ta mới cảm nhận được nỗi đau “con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không đợi”.
Điển cố “con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không đợi” bắt nguồn từ thời kỳ Xuân Thu, khi Khổng Tử trên đường đến nước Tề, chợt nghe một người đang khóc nức nở, tiếng khóc rất bi thương. Vì vậy, Khổng Tử giục người cho xe ngựa đi nhanh hơn, lần theo tiếng khóc mà đến. Đến nơi thì nhìn thấy một người đeo lưỡi liềm, buộc thắt lưng dây đay, đang ở nơi đó khóc nghẹn ngào nức nở.
Khổng Tử bèn xuống xe, tiến lên hỏi thăm mới biết rằng người đang khóc kia là Khâu Ngô Tử (còn có tên khác là Cao Ngư), từng làm quan ở nước Tề. Khổng Tử hỏi anh ta tại sao lại khóc lóc thảm thiết như vậy? Mới biết được thì ra người này là vì vô cùng hối hận về ba lỗi lầm của mình mà khóc lóc bi thương. Dưới sự thỉnh cầu của Khổng Tử, Khâu Ngô Tử đã kể cho Khổng Tử nghe về ba lỗi lầm của mình.
Khâu Ngô Tử nói: “Thời niên thiếu tôi rất hiếu học, chu du khắp nơi học hỏi, chờ đến khi tôi trở về, mới biết được cha mẹ đều đã qua đời, đây là cái lỗi thứ nhất. Sau khi trưởng thành, tôi phụng sự cho vua nước Tề. Vua Tề kiêu căng xa xỉ, làm mất đi sự ủng hộ và yêu mến của tầng lớp trí thức, mà tôi không làm tròn trách nhiệm của một bề tôi, đây là lỗi thứ hai. Người bạn chí giao xưa nay của tôi, ngày hôm nay cũng rời xa tôi, đã đoạn tuyệt qua lại, đây là lỗi thứ ba của tôi.”
Tiếp theo đó, Ngô Khâu Tử đã nói một câu khiến cho người đời sau còn đau thấu tim gan: “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không đợi.” Cây cao muốn đứng im, nhưng gió lớn lại không ngừng thổi; làm con cái muốn phụng dưỡng cha mẹ, nhưng cha mẹ đều đã không còn nữa. Năm tháng trôi qua đi rồi sẽ không quay trở lại; một khi người thân nhất mất đi, thì vĩnh viễn không cách nào gặp lại nhau nữa. Ngô Khâu Tử vì bản thân mình không làm tròn trách nhiệm của một người con, mà đau khổ hối hận không thôi.
Câu nói “con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không đợi” từ đó đã được lưu truyền qua mấy nghìn năm, luôn ngân vang trong lòng những người làm con. Khi cha mẹ đang còn sống ở trên đời, giống như cây cao bóng lớn, chống đỡ mưa gió cho chúng ta. Sau khi cha mẹ qua đời, tình cảm và sinh mệnh của con cái tựa như bị cắt đứt hoàn toàn, chìm trong bi thống không nguôi.
Phận làm con, đừng để lại những nuối tiếc và ân hận
Khi cha mẹ còn sống ở trên đời, họ thường gọi điện thúc giục mong con cái về nhà ăn một bữa cơm đoàn viên. Lúc đó, mỗi một cuộc gọi điện thoại có lẽ sẽ khiến những người con cảm thấy gánh nặng. Khi nhìn thấy cha mẹ bước vào tuổi già sức yếu, đi lại không tiện, nhiều người con dường như vẫn cảm thấy cha mẹ là gánh nặng của cuộc đời mình, chưa từng nghĩ đến cần sưởi ấm đôi bàn tay lạnh lẽo của cha mẹ đã một đời vất vả.
Nhưng khi cha mẹ không còn nữa, không còn ai mong bạn về nhà, không còn ai thúc giục bạn ăn cơm, không có ai từ ái gọi tên ở nhà của bạn… Lúc đó mới cảm thấy chưa bao giờ lạnh lẽo thấu triệt tâm can như thế! Muốn sưởi ấm một chút cho đôi bàn tay của cha mẹ, nhưng đã vĩnh viễn không cách nào để sưởi ấm nữa rồi.
Khi cha mẹ còn sống, tôi chưa bao giờ cảm thấy từ “con gái à” đặc biệt thế nào, hạnh phúc ra sao, cũng chưa từng để tâm. Vội vàng qua đi, quay người đã không còn nữa.
Tình yêu của mẹ có ấm áp đến đâu, tình thương của cha nghiêm khắc đến mấy, thì nay cũng đã biến mất. Cho dù bản thân có lớn bao nhiêu, đều giống như đứa trẻ mồ côi trên đời, không nơi nương tựa, vẫn luôn không ngừng phiêu bạt. Cơm ngon canh ngọt do cha mẹ nấu, đong đầy hương vị năm tháng và tình yêu thương của cha của mẹ, đời này kiếp này rốt cuộc cũng không còn được ăn nữa. Bát cơm ấy đã trở thành món ăn cao lương mỹ vị sang quý nhất trên đời này, dẫu có bao nhiêu tiền bạc cũng vĩnh viễn không thể nào mua được.
Trên thế giới này, cái gì đã mất đi đều có thể tìm trở về được, duy chỉ có sinh mệnh mất đi, là không bao giờ tìm lại được. Cho dù có năng lực lớn đến đâu, cũng không thể nào đưa cha mẹ trở về từ một thế giới khác. Cho dù có bao nhiêu tiền, cũng không mua được một tấm vé đi về nơi Thiên Quốc. Cho dù có muốn nói câu “con yêu cha mẹ” cỡ nào, thì cha mẹ cũng đã vĩnh viễn không còn nghe được nữa.
“Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không chờ”, đâu chỉ nỗi đau xót ngàn năm? Đó sẽ luôn là nỗi đau trong lòng của những người con bao thế hệ, nhắc nhở chúng ta hãy đối xử tốt với cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ. Phận làm con, đừng để lại những nuối tiếc, ân hận trong cuộc đời này.
(Điển cố trong bài viết dựa theo “Khổng Tử Gia Ngữ – Khổng Tử thích Tề” cuốn 2)