‘Con muốn phụng dưỡng nhưng cha không thể đợi’, câu chuyện cảm động phía sau
Ngày của Cha bắt nguồn từ Hoa Kỳ vào chủ nhật thứ ba của tháng Sáu. Vào ngày này, mọi người bày tỏ lòng biết ơn và lời chúc phúc của mình tới những người cha bằng nhiều cách khác nhau.
Tuy nhiên, nguồn gốc về Ngày của Cha lại là một câu chuyện buồn và đáng suy ngẫm. Câu chuyện này như một thông điệp không ngừng nhắc nhở chúng ta phải kịp thời bày tỏ lòng hiếu thảo, chớ để sau này khi cha mẹ qua đời, thì hối hận đã không kịp nữa rồi. Đúng như câu nói “Con muốn phụng dưỡng nhưng cha không thể đợi” khiến chúng ta mãi xót xa. Vì vậy, hãy ghi nhớ bài học sâu sắc này. Đây chính là ý nghĩa lớn nhất về Ngày của Cha.
Câu chuyện thương tâm đằng sau Ngày của Cha
Ngày của Cha đầu tiên trên thế giới ra đời tại Hoa Kỳ vào năm 1910, được đề xướng bởi bà Bruce Dodd(Mrs.Dodd,Sonora Louise Smart Dodd). Mẹ của bà Dodd đã qua đời khi sinh con, để lại sáu người con thơ. Cha bà, ông William Smart (Mr.William Smart) từng tham gia cuộc Nội Chiến. Trải qua nhiều khổ nạn trong chiến tranh, lại đột nhiên mất đi người vợ, nỗi dằn vặt và đau đớn trong lòng ông là điều không thể tưởng tượng được.
Nhưng ông Smart không tái hôn, mà một mình gánh vác trọng trách nuôi dưỡng và giáo dục sáu người con tại một trang trại nông thôn ở phía đông Hoa Thịnh Đốn. Bà Dodd là con gái duy nhất trong gia đình, nên bà là người hiểu rõ nhất sự vất vả của cha mình. Bà tận mắt chứng kiến cha mình ban ngày vất vả làm việc, ban đêm còn phải quay về nhà chăm sóc những đứa con thơ. Ông bận rộn quay cuồng trong việc nhà, ngậm đắng nuốt cay hơn mấy chục năm.
Không ngờ khi các con lớn lên, họ nghĩ rằng cuối cùng cha mình cũng có thể trút bỏ hết những gánh nặng và tận hưởng tuổi già, thì ông lại đột ngột qua đời vì nhiều năm làm việc lao lực. Những người con cảm thấy vô cùng đau buồn và ân hận. Đau đớn biết bao khi con muốn phụng dưỡng cha nhưng cha lại không còn trên đời nữa!
Sau khi ông Smart qua đời, bà Dodd nhớ thương cha vô cùng. Bà nhớ lại tình yêu và sự gian khổ mà cha đã một mình hy sinh để nuôi nấng các con. Chúng không hề thua kém với bất kỳ tình yêu của một người mẹ nào. Vì vậy, bà đã kể những tâm tư này với mục sư, hy vọng sẽ có một ngày đặc biệt để tưởng nhớ đến những người cha vĩ đại trên thế giới. Ý tưởng này của bà nhận được sự tán thành của mục sư và nhận được sự ủng hộ từ giáo hội lẫn chính quyền bang. Vào ngày 19/06/1910, lễ kỷ niệm Ngày của Cha đầu tiên trên thế giới được tổ chức tại Spokane, Hoa Thịnh Đốn, nơi bà Dodd sinh sống.
Tuy nhiên, phải đến năm 1972, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon mới ký văn bản chính thức chỉ định ngày chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu là Ngày của Cha trên khắp Hoa Kỳ. Từ đó, Ngày của Cha mới trở thành ngày kỷ niệm vĩnh viễn ở quốc gia này.
Điều mà ngày lễ này muốn hướng đến là để bà Dodd thể hiện lòng hiếu thảo của mình với cha, từ đó an ủi linh hồn ông ở Thiên đường, đồng thời bày tỏ lòng kính yêu, sự nhớ nhung và biết ơn sâu sắc với cha mình. Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng đạo hiếu cần phải kịp thời thực hiện, đừng để thời gian vuột khỏi tầm tay chúng ta.
Thực ra, bài học tương tự như trên không những đã xuất hiện từ thời Khổng Tử, mà còn là câu chuyện do đích thân Khổng Tử trải qua. Cũng chính là câu chuyện đã lưu lại câu danh ngôn thiên cổ: “Con muốn phụng dưỡng cha nhưng cha không thể đợi” này.
Cao Ngư xa cha mẹ và sự hối hận muộn màng
Trong “Hàn thi ngoại truyện – Quyển 9” ghi chép lại câu chuyện về một người đàn ông tên là Cao Ngư, sống vào thời Xuân Thu. Bởi vì không thể phụng dưỡng cha mẹ kịp thời nên ông đau buồn đến mức qua đời.
Một ngày nọ, Khổng Tử dẫn các học trò ngồi trên xe ngựa, thì chợt nghe thấy tiếng khóc rất bi thương. Khổng Tử nói: “Nhanh lên! Nhanh đi thôi! Phía trước có hiền nhân.” Họ đi đến nơi thì nhìn thấy người khóc hóa ra là Cao Ngư. Ông ấy đang mặc y phục làm bằng vải thô, cầm thanh kiếm và khóc bên đường, trông vô cùng thương tâm.
Khổng Tử bước xuống xe hỏi: “Ông không giống như người đang có tang sự, tại sao lại khóc lóc thảm thiết như vậy?” Cao Ngư đáp: “Ta đời này đã làm ba chuyện sai lầm lớn. Khi còn trẻ (vì công danh) ta một lòng tìm tòi học hỏi, chu du khắp nơi, bỏ mặc phụ mẫu, không tận tâm phụng dưỡng, đây là sai lầm thứ nhất. Lý tưởng quá cao, (không hiểu về hiện thực chính trị) nên không thể phụng sự cho Quân vương, đây là sai lầm thứ hai. Sai lầm thứ ba là vì một chuyện nhỏ mà tuyệt giao với người bạn thâm giao. Cây muốn an tĩnh, nhưng gió lại không ngừng thổi (Nguyên văn: Thụ dục tĩnh nhi phong bất chỉ). Con muốn báo hiếu, nhưng phụ mẫu lại không còn nữa (Nguyên văn: Tử dục dưỡng nhi phụ bất đãi). Cái đã qua đi không thể lấy lại được là năm tháng. Cái mất không thể nhìn thấy nữa là phụ mẫu. Bây giờ tôi phải nói lời cáo biệt với ngài rồi.” Ngay sau đó, người đàn ông ấy vì đau xót, hối hận quá độ mà kiệt sức qua đời.
Từ câu chuyện này, Khổng Tử đã dạy các đệ tử của mình rằng: “Mọi người hãy coi đây như một lời cảnh báo. Kinh nghiệm này đáng phải ghi nhớ.” Không lâu sau, mười ba đệ tử từ biệt Khổng Tử và trở về nhà, quyết tâm phụng dưỡng cha mẹ của mình thật tốt.
Câu chuyện nhắc nhở chúng ta rằng việc theo đuổi danh lợi thực ra không quan trọng. Bài học rời xa cha mẹ này phải được ghi nhớ thật kỹ. Vì thế, người xưa dạy rằng: “Còn cha mẹ thì đừng đi xa.”
Tử Lộ không hề hối hận khi phụng dưỡng cha mẹ
Tử Lộ là một trong mười đại đệ tử của Khổng Tử, nhưng ông ấy hoàn toàn trái ngược với những người còn lại. Ông không bao giờ vì tiền đồ và công danh của bản thân mà rời xa cha mẹ mình. Tử Lộ đã ở bên cạnh cha mẹ mình mỗi ngày cho đến khi họ qua đời, rồi mới bái Khổng Tử làm thầy. Ông là một trong những nhân vật của “Nhị thập tứ hiếu” (12 gương hiếu thảo) của Trung Quốc.
Tử Lộ là người nước Lỗ thời Xuân Thu. Ông rất hiếu kính cha mẹ. Trước khi bái Khổng Tử làm thầy, gia cảnh ông vô cùng nghèo khó, thường xuyên phải ăn rau dại để chống đói, rất hiếm khi được ăn cơm. Tử Lộ lo lắng cha mẹ mình sẽ vì thế mà tổn hại sức khỏe, thân thể sẽ ngày càng chuyển biến xấu. Vậy nên, ông bất chấp khó khăn, quyết định chặt củi để đổi lấy gạo.
Để cha mẹ được ăn cơm, ông phải đi xa hàng trăm dặm mới có thể chặt củi và mua gạo, sau đó ông vác gạo về nhà. Hàng trăm dặm là con đường rất dài. Một lần, hai lần thì có lẽ một người bình thường có thể làm được. Nhưng nếu làm việc này trong nhiều năm thì sẽ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, Tử Lộ rất hạnh phúc với điều đó. Bất luận là dưới nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè, hay mưa gió bão bùng, ông đều đi hàng trăm dặm để vác gạo quay trở về nhà.
Bởi vì mỗi ngày ông đều có cơm gạo phụng dưỡng cho cha mẹ, nên cho dù cuộc sống vất vả, nhưng Tử Lộ vẫn cảm thấy an tâm, thanh thản và rất vui vẻ.
Tử Lộ kiên trì làm việc này cho đến khi cha mẹ đều qua đời, sau đó ông mới đến Khúc Phụ, đô thành nước Lỗ, và bái Khổng Tử làm thầy. Ông chưa bao giờ oán trách cha mẹ làm ảnh hưởng đến tiền đồ của mình, mà ngược lại trong hoàn cảnh ấy, ông lại cảm thấy đau buồn vì cha mẹ đã không còn tại thế nữa.
Vào năm 496 trước Công nguyên, Khổng Tử mang theo các đệ tử chu du khắp nơi và đến Sở quốc. Sở Chiêu Vương rất ngưỡng mộ Khổng Tử, phái người mang rất nhiều lễ vật đến tặng cho thầy trò Khổng Tử, hơn trăm chiếc xe, hàng vạn chung lúa gạo (Chung: đơn vị đo thời xưa). Sở Chiêu Vương còn mời Khổng Tử đến Dĩnh Thành, quốc đô của nước Sở.
Tử Lộ thấy vậy thì thở dài nói với Khổng Tử: “Trước đây khi phụng dưỡng cha mẹ ở nhà, con thường xuyên phải ăn thức ăn thô, phải đi xa hàng trăm dặm để lấy củi đổi gạo. Sau khi cha mẹ qua đời, con mới tìm tới thầy. Hôm nay cùng thầy chu du khắp nơi, Sở Vương lại tặng hơn trăm chiếc xe và vạn chung lúa gạo. Bây giờ cho dù có bằng lòng ăn rau dại, bằng lòng gánh gạo cho cha mẹ, cũng không còn được nữa.” Ý của Tử Lộ là cuộc sống cho dù có tốt đẹp đến đâu cũng không hạnh phúc bằng việc làm tròn đạo hiếu khi cha mẹ còn sống. Dù lúc đó vất vả và nghèo khó nhưng rất hạnh phúc.
Lão Tử nghe vậy thì khen ngợi Tử Lộ: “Khi cha mẹ còn sống, con đã tận tâm phụng dưỡng song thân, có thể nói đó là lòng hiếu thảo lớn nhất. Sau khi cha mẹ qua đời, con vẫn thương nhớ họ. Như thế, con là một người con đại hiếu rồi!”
Cho nên, hiếu đạo nói đến ở đây chính là nói về tấm lòng. Tự mình phụng dưỡng và bên cạnh cha mẹ mọi thời mọi lúc có giá trị hơn ngàn vạn tài phú.
Tuy Tử Lộ không thể cho cha mẹ mình một cuộc sống giàu sang phú quý, nhưng trong những ngày tháng nghèo khó, ông vẫn luôn làm tròn đạo hiếu với cha mẹ, khiến hai người cảm thấy vui mừng và hạnh phúc. Vì thế, việc hiếu kính cha mẹ không liên quan đến giàu hay nghèo, mỗi sự quan tâm nhỏ nhặt đều đặc biệt quý giá. (Câu chuyện trích từ “Khổng Tử gia ngữ – Trí Tư”)
Kết luận
Trên đời này, duy chỉ có cha mẹ mới có thể hy sinh cho chúng ta một cách vô điều kiện. Người cha vĩ đại đằng sau Ngày của Cha thực ra là đại diện cho cha mẹ. Ông ấy đã một mình gánh vác hết trách nhiệm của một người cha và một người mẹ, hy sinh cả cuộc đời của mình. Điều này cho thấy sự vất vả và vĩ đại của các bậc cha mẹ trên toàn thế giới. Làm sao có thể quên được ân nghĩa dưỡng dục này chứ! Nếu ngay cả cha mẹ, người yêu thương bản thân mình nhất mà quý vị cũng không biết ơn, không kính trọng và thương nhớ, thì người này còn có thể đối tốt được với ai? Họ còn có thiện tâm không?
Dù thời thế đã thay đổi, chúng ta không thể hiếu kính cha mẹ như Tử Lộ, nhưng chúng ta có thể cố gắng hết sức để yêu thương, trân trọng cha mẹ khi họ còn sống. Hãy thường xuyên hỏi thăm, báo hiếu kịp thời và thể hiện lòng biết ơn! Đây chính là ý nghĩa lớn nhất của việc đặt ra lễ Ngày của Cha. Chỉ thể hiện lời chúc phúc và quan tâm trong ngày lễ thôi là chưa đủ!
Xem thêm:
Tại sao những người hiếu thảo được Thượng Thiên bảo hộ?