Câu chuyện tâm hồn: Tình cha
Gần đây, ở nơi chúng tôi sống có hai trận tuyết lớn, thời tiết rất lạnh. Mỗi khi thời tiết trở nên lạnh giá hơn, tôi lại càng nhớ đến câu thơ của Tô Đông Pha: “Phần mộ tại vạn lý” (Tạm dịch: “Mộ cha cách xa muôn vạn dặm”), (trích từ bài thơ “Hàn thực thiếp”). Trước đây khi đọc một số bài thơ của nhà thơ Tô Đông Pha, tôi cảm thấy những gì ông ấy nói trong thơ rất xa vời đối với tôi. Nhưng khi bản thân đã trải qua sự sinh ly tử biệt, tôi mới cảm nhận được những lời trong bài thơ thật sự đang nói hộ lòng mình.
Hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện về cha tôi.
Cha tôi là một thầy thuốc Trung y. Tổ tiên mấy đời của nhà chúng tôi đều là thầy thuốc Trung y. Khi còn trẻ, cha tôi phục vụ trong lực lượng Không quân. Ông đã nghiên cứu sáng chế ra một số phương thuốc bí truyền, dùng bạc (Argentum) để điều trị vết bỏng, rất có hiệu quả. Nhưng cụ thể chữa trị như thế nào thì tôi không rõ lắm.
Đến khi cha tôi đã gần bốn mươi tuổi, ông đặc biệt muốn học Tây y. Thế nhưng, ông vốn không được đào tạo gì cả, kể cả bảng chữ cái tiếng Anh ông cũng không biết. Ông chỉ là muốn học nó, sau đó ông bèn theo mọi người đến chỗ học. Ông học cách vẽ bộ xương người, học giải phẫu và học rất nhiều thứ về Tây y.
Trong các giáo viên của ông, có người còn ít tuổi hơn ông. Tính tình những người này không tốt cho lắm, họ luôn dễ tức giận. Ví như khi cha vẽ tranh không đúng, giáo viên sẽ xé bỏ bài vẽ của ông. Khi ông cầm dụng cụ phẫu thuật không đúng, giáo viên sẽ ném dụng cụ đó xuống đất. Nếu ông thực hiện thao tác nào không đúng, thì họ sẽ mắng ông té tát. Những chuyện như vậy thường xuyên xảy ra. Bởi vì cha đã lớn tuổi, nên học gì cũng không thể nhanh được.
Nhưng sau khi bị người ta la mắng, cha luôn cảm ơn họ, mời họ đi ăn, hoặc tặng quà cho người ta, thật lòng cảm ơn người ta. Có phải là cha tôi ngốc quá không. Ông chính là một người như vậy, rất chất phác và trung thực.
Ông khắc khổ, chịu khó học tập. Chỉ khoảng vài năm, ông đã học xong hết những kiến thức cơ bản về Tây y. Cha tôi có thể một mình thực hiện phẫu thuật, xem phim chụp rồi phân tích các chứng bệnh, v.v. Ông không có nền tảng về hội họa, nhưng bộ xương người mà ông vẽ, tôi cảm giác giống như một bản scan. Đó là vào những năm 1980, thành phố chúng tôi sống tương đối nhỏ và chưa có máy photocopy, nhưng những tranh ông vẽ ra vô cùng giống.
Ông chữa bệnh cho mọi người như thế nào, tôi không hiểu rõ lắm. Rất tiếc là tôi không học y, không kế thừa nghề Trung y của gia tộc. Bây giờ nhớ lại quá trình này, điều khiến tôi ấn tượng nhất là câu nói của cha: Cho dù việc đó lớn hay nhỏ thế nào, nếu người khác giúp đỡ con, con nhất định phải nói lời cảm ơn chân thành. Người khác quẳng đồ của con xuống đất, con nhặt lên là được. Con muốn học được thứ gì thì phải làm được như vậy và đừng quá coi trọng bản thân. Chuyện này đã để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc.
Thế nhưng cha tôi đã mất rồi. Ngày ông mất lại đúng vào ngày Giáng sinh. Cha mẹ tôi đều thích chim Công, trong nhà nuôi rất nhiều chim công. Vào buổi sáng ngày cha mất, một con công nuôi trong nhà cũng chết, như thể nó đã đi theo ông.
Mẹ tôi nói cha tôi ra đi rất thanh thản, hơn nữa ông cũng rất yên lòng về tôi. Lúc đó tôi đang ở hải ngoại và không thể gặp ông lần cuối cùng. Vì thế, điều này đã trở thành nỗi ân hận mãi mãi trong lòng tôi. Mỗi khi đến mùa đông, hễ nghĩ đến người cha đã khuất, hình ảnh một mình cha lẻ loi nằm dưới đất giữa trời đông tuyết phủ khiến tôi cảm thấy rất đau lòng.
Khi bản thân đã trải qua sự sinh ly tử biệt mới biết có một số sự việc, cho dù rất đơn giản, như bưng cho cha một tách trà, nhưng bạn có muốn làm, cũng không thể làm được nữa. Trước đây, cha muốn tôi làm việc gì, có đôi khi tôi sẽ cảm thấy rất phiền phức. Bây giờ tôi biết rằng, một khi đến ngày thiên nhân mãi mãi cách biệt, bạn có muốn cha bạn mở miệng nói, dù chỉ là một câu hỏi han đơn giản nhất, đều sẽ là hy vọng xa vời không bao giờ đạt được. Cho nên khi cha mẹ còn trên đời, mỗi một sự việc chúng ta làm cho cha mẹ, cho dù là việc nhỏ nhất, đều rất có ý nghĩa.
Truyền thống của Trung Quốc rất coi trọng sự hiếu thảo. Trước đây lòng hiếu thảo của người con được lý giải rất đơn giản. Đó chính là làm cho cha mẹ được ăn no mặc ấm, dường như đây chính là toàn bộ của chữ hiếu. Bây giờ tôi mới hiểu được về hiếu, thực chất phần lớn lòng hiếu thảo là “chân,” là sự “chân thành” trong lòng một người, “chân thành” trong đối xử với người khác. Trong tâm không có sự chân thành thì không thể đạt được hiếu thảo thật sự. Hơn nữa, hiếu cũng không chỉ đơn thuần là phụng dưỡng về vật chất, mà còn bao gồm cả sự tu dưỡng và đức hạnh của một người.
Tôi từng đọc một câu chuyện, đại khái là kể về một người vì cha mẹ qua đời nên cứ luôn đau buồn khóc mãi, cả ngày khóc lóc đến mức như chết đi sống lại. Có một lão hòa thượng nói với anh ta, cha mẹ anh đã qua đời rồi, anh ngày nào cũng khóc như thế này cũng không phải là biện pháp. Nếu thật sự muốn tốt cho cha mẹ, thì từ nay về sau anh phải thật sự làm người tốt, phải làm nhiều việc thiện. Đó mới là cách báo đáp cha mẹ tốt nhất. Họ ở trên trời có linh thiêng, nhìn thấy có một đứa con thiện lương như anh, sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Nghe lão hòa thượng nói như vậy, chàng trai trẻ thực sự không còn đau buồn nữa. Từ đó, anh cố gắng hết sức để giúp đỡ người khác, thật tâm tu dưỡng đức hạnh bản thân. Cứ như vậy, chàng trai trẻ đã kiên trì qua nhiều năm.
Một ngày nọ, lão hòa thượng lại đến thăm chàng trai trẻ, lại còn thi triển Thần thông cho anh thấy. Chàng trai chợt nhìn thấy cha mẹ đã qua đời của mình đang sống rất tốt ở một thế giới khác. Bởi vì nguyên nhân anh đã làm việc thiện ở trên đời này, nên cha mẹ anh đã được thăng đến một nơi rất tốt đẹp trên Thiên Thượng.
Hai câu chuyện tôi kể hôm nay, thực ra là muốn nói, quan hệ giữa người với người là bởi vì có duyên phận nên mới có thể gặp gỡ nhau và duyên phận này có thể chỉ có một đời. Duyên phận đời này kết thúc rồi, nó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Cho nên nhất định phải thiện đãi với cha mẹ mình, thực ra đó cũng là thiện đãi với chính mình.
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ