‘Chiến tranh lạnh’ với cha trong 10 năm!
Đây là câu chuyện hòa giải giữa con trai và cha của mình. Người dẫn chương trình theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống của nước Mỹ Larry Elder từng tiết lộ rằng, khi ông ấy còn trẻ, bởi vì oán giận cha đối xử quá nghiêm khắc mà ông đã không nói chuyện với cha mình trong suốt mười năm liền. Mãi cho đến khi trưởng thành, ông quyết định nói chuyện thẳng thắn với cha. Sau đó ông ấy mới phát hiện cha mình rất kiên cường, vĩ đại. Điều đó khiến ông cảm thấy vô cùng hổ thẹn.
Ông Larry Elder là một người Mỹ gốc Phi, sinh năm 1952, lớn lên ở California trong gia đình có ba anh em. Điều khiến ông băn khoăn chính là từ lúc ông còn nhỏ, cha đã luôn là người có tính khí nóng nảy, nắng mưa thất thường. Ông ấy luôn trách mắng các con rất gay gắt, có lúc lại vô cùng lạnh nhạt, thường xuyên yêu cầu các con đi làm công, để phụ thêm thu nhập cho gia đình.
Từng giận dỗi và không nói chuyện với cha suốt 10 năm
Hơn thế, cha ông chưa từng tiết lộ bất cứ điều gì về bản thân mình trước đây. Mỗi khi được hỏi, cha sẽ thể hiện thái độ nghi ngờ phòng vệ “Hỏi những câu này để làm gì!” Ông Larry Elder từ nhỏ đã không biết gì về cha mình.
Khi lên 15 tuổi, ông cuối cùng cũng không thể chấp nhận được thái độ của cha. Ông giận dỗi và quyết định không nói chuyện với cha mình nữa. Không ngờ, lần giận hờn này lại kéo dài tận 10 năm. Từ khi học cấp ba đến khi lên đại học, ông Elder đã chuyển ra khỏi nhà. Sau đó, ông lại thi vào học viện Luật, và đỗ kỳ thi luật ở bang Ohio. Ông bắt đầu làm việc cho một đại công ty luật.
Ông Larry Elder bắt đầu sống một cuộc sống trung lưu đầy đủ, nhưng trong lòng cảm thấy không an ổn. Ông bắt đầu mắc chứng mất ngủ vào buổi tối. Ông biết điều này là do mối quan hệ không tốt giữa ông và cha mình khiến ông cảm thấy bất an như vậy.
Vì vậy, một ngày nọ, ông tạm gác tất cả những lịch trình công tác trong hai ngày gần nhất, để trở về quê hương California một chuyến. Ông quyết định sẽ nói chuyện thẳng thắn với cha mình, trực tiếp nói ra hết những nỗi bất bình mà ông đã đè nén trong lòng nhiều năm nay. Lần này, ông sẽ không vòng vo nữa, mà quyết định sẽ đi thẳng vào vấn đề. Ông cũng đã liệt kê ra những điểm mấu chốt để đối chất.
Nói chuyện với cha, một lần trút hết nỗi oán giận
Ông đến nhà hàng nơi cha ông đang làm việc, vội vàng tìm cha và nói: “Con muốn nói chuyện với cha ngay bây giờ, chỉ cần mười phút thôi.” Người cha đáp: “Cha vẫn còn một tiếng nữa mới tan làm, con hãy đợi một chút nhé.”
Ông Larry Elder ngồi trong một góc của nhà hàng, hồi hộp chờ đợi. Trong tâm thầm sắp xếp và ôn lại đến vài lần những trọng điểm cần nói.
Cuối cùng, cha ông cũng tan làm. Ông ấy ngồi xuống với con trai. Ông Larry Elder đem tất cả nỗi bất bình đã giam cầm ông bao lâu nay trút hết ra ngoài. Ông kích động nói suốt 20 phút, cuối cùng không còn lời nào để nói nữa thì dừng lại.
Người cha nghe xong những lời con trai nói, thì chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Chính là những lý do này sao? Bao năm nay con không nói chuyện với cha, chỉ vì những lý do này thôi sao?”
Người cha từ tốn, bình tĩnh nói: “Cha sẽ kể con nghe về câu chuyện của mình một chút nhé.” Đó là lần đầu tiên ông Larry Elder được nghe kể về những trải nghiệm trưởng thành của cha mình một cách sâu sắc như vậy.
Người cha tiết lộ quá khứ gian nan vất vả
Cha ông nói: “Con biết không? Họ của con không phải là Elder…….” Ông Larry Elder kinh ngạc: “Vậy họ thật của con là gì?” Người cha đáp: “Cha không biết.”
Hóa ra ông Elder sinh vào năm 1919, lớn lên ở bang Georgia phía nam nước Mỹ. Vào thời điểm đó, nạn kỳ thị đối với người da đen vẫn còn rất nghiêm trọng ở nơi đó và chế độ phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại.
Mẹ của ông Elder là người phóng túng, sinh ra ông, nhưng lại không biết ai là người cha thật sự. Bà thậm chí còn không đăng ký ngày sinh rõ ràng. Họ “Elder” này chỉ là họ của một người bạn trai có mối quan hệ lâu nhất với bà ấy. Nhưng cái gọi là mối quan hệ lâu nhất ấy, thực ra cũng chỉ kéo dài được bốn năm mà thôi.
Khi ông Elder 13 tuổi, ông bị mẹ đuổi ra khỏi nhà vì cãi nhau với cha dượng. Từ đó trở đi, ông không bao giờ quay về nhà nữa và bắt đầu sống một mình.
Hoàn cảnh sống bên ngoài khi đó không phải là chuyện đùa. Chế độ phân biệt chủng tộc vô cùng nghiêm trọng. Cuộc đại suy thoái kinh tế năm 1929 chỉ mới bắt đầu không được bao lâu. Một thiếu niên người Mỹ gốc Phi làm sao có thể một mình sống sót trong hoàn cảnh ấy kia chứ?
May mắn thay, ông Elder đã tìm được việc làm ở một công ty đường sắt nọ và ông đã trở thành nhân viên đường sắt. Công việc này giúp ông có cơ hội đi du lịch khắp nước Mỹ. Ông nhận thấy California lúc đó rất cởi mở, không có tình trạng phân biệt chủng tộc nghiêm trọng như ở các bang phía nam. Vì vậy, ông đã mơ tưởng có thể đến bang California để sinh sống.
Sau sự kiện Trân Châu Cảng, ông Elder đã gia nhập quân đội Mỹ, và trở thành lính thủy quân lục chiến. Sau đó, ông được gửi đến đảo Guam. Ông làm đầu bếp trong quân đội và có tài năng về nấu nướng.
Tuy nhiên, sau khi giải ngũ, bởi vì nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn, nên ông không thể tìm được việc làm ở các bang phía nam. Ông cố gắng đến California lưu lạc kiếm sống. Tuy California khá cởi mở, thế nhưng ông vẫn gặp trở ngại ở khắp mọi nơi. Có một lần, ông thậm chí còn không cần lương, chỉ cầu xin làm việc cho một nhà hàng, thế nhưng ông vẫn bị khước từ.
Ngay lúc bước đến đường cùng, có người giới thiệu cho ông: “Ở đây còn sót lại một công việc cuối cùng, nhưng không biết công việc này anh có muốn nhận hay không?” Hóa ra đó là công việc chà rửa nhà vệ sinh cho một xí nghiệp, và đương nhiên ông Elder sẽ không bỏ qua cơ hội này.
Dựa trên nền tảng công việc này, ông tìm được một công việc dọn dẹp vệ sinh khác, một mình ông đảm nhiệm rất nhiều công việc. Ông còn đi học vào ban đêm để bổ sung bằng cấp ba của mình. Một tuần ông làm việc hết bảy ngày như vậy. Khi trưởng thành, một ngày ông chỉ ngủ ba, bốn tiếng.
Sau đó, ông tham gia khóa học quản lý nhà hàng. Cuối cùng, ở tuổi 47, ông mở được nhà hàng của riêng mình.
Vì để nuôi dưỡng vợ con, nên mỗi ngày ông đều làm việc đến kiệt sức. Nhưng khi về đến nhà, nhìn thấy ba người con đang quậy phá nghịch ngợm, thì tự nhiên sắc mặt ông không còn tốt nữa.
Hai cha con hòa giải
Ông Elder kể một mạch câu chuyện của mình suốt bảy, tám tiếng đồng hồ. Ông Larry Elder khi nghe hết câu chuyện kể về sự vất vả của cha mình, càng nghe ông càng cảm thấy hổ thẹn, càng nghe ông càng cảm thấy cha mình thật kiên cường và vĩ đại.
Ông bắt đầu cảm thấy hối hận vì bụng dạ hẹp hòi suốt nhiều năm như vậy. Ông đã tự mắc kẹt trong chính sự oán giận của mình. So với cuộc sống khó khăn gần như là cả cuộc đời của cha, thì sự tức giận trong quá khứ của ông không đáng gì cả.
Sau khi nghe câu chuyện của cha, ông Larry Elder đã bật khóc nức nở. Ông thành thật xin lỗi cha của mình. Cha ông đáp: “Lúc đó con vẫn còn nhỏ để hiểu được những điều này. Thế nhưng cho dù như thế nào, cha vẫn muốn dạy điều này cho anh em con, chính là: Chỉ có sự nỗ lực, mới có thể nhận được sự báo đáp (Hard work wins). Con không có cách nào bảo đảm được kết quả trong cuộc sống, nhưng con có thể bảo đảm được mình đã nỗ lực hay chưa trong cuộc sống này. Khi con muốn trách trời oán người, thì đầu tiên con hãy soi lại mình trong gương, tự vấn chính mình rằng: Mình đã nỗ lực thay đổi bản thân chưa?”
Cha ông còn nói: “Cho dù con có làm tốt đến đâu, hay con đã nỗ lực nhiều như thế nào, thì những điều không tốt sẽ luôn luôn xuất hiện. Những lúc như vậy chính là để kiểm tra đạo đức của con. Cha mẹ không thể giáo dục con trở thành người đàn ông đích thực. Chỉ có những lúc nghịch cảnh như thế này mới thể hiện được con có phải người đàn ông đích thực hay không.”
Ông Larry Elder đã dùng câu chuyện của mình và cha để viết thành cuốn sách. Cha ông sống đến 96 tuổi. Ông Larry Elder rất hạnh phúc vì cuối cùng đã có thể hòa giải với cha. Ông nói: “Tôi thật sự rất may mắn.Tôi và cha đã giải khai được nút thắt trong lòng, điều mà nhiều người không thể làm được. Cố gắng và nỗ lực không khó lắm. Điều bất hạnh nhất chính là chúng ta không hề thử hòa giải, mà chỉ có thể mãi sống trong sự hối hận.”
Tư liệu tham khảo: