Con số mà cha dạy cho tôi
“Bạn học à, cho mình hỏi, bạn có biết cha mình năm nay bao nhiêu tuổi rồi không?”, “Sinh nhật ông ấy là ngày mấy tháng mấy?” Vào đêm trước Ngày của Cha, trong một video trên Youtube có hai bạn trẻ được phỏng vấn ngẫu nhiên ở Tây Môn Đinh, Đài Bắc, Đài Loan.
“Hmm──60 gì đó…” Trong camera, nam sinh trung học được phỏng vấn có chút ngượng ngùng.
Ngày sinh nhật thì sao?, “Hmm—em quên mất rồi”, “em không nhớ nữa.” Cậu bé xấu hổ cười ngây ngô.
Hầu hết mọi người trong video đều quên mất tuổi của cha mình, chứ đừng nói đến ngày sinh nhật. Còn tôi từ trước tới nay có hai con số liên quan đến cha mà tôi không bao giờ quên được. Chúng không phải là số tuổi của ông ấy, cũng chẳng liên quan tí tẹo nào đến ngày sinh nhật của cha tôi cả.
***
“50” là số tuổi mà cha lớn hơn tôi. Tôi khó có thể quên được con số ấy, là vì vào những năm 1970, ở vùng nông thôn miền Trung Đài Loan hầu hết mọi người đều kết hôn sớm. Hầu hết cha của các bạn cùng lớp tôi đều có tuổi lớn hơn họ từ 20 đến 30 tuổi. Cha tôi dường như thuộc thế hệ chú, hoặc thậm chí đáng tuổi ông của họ. Điều này đã khiến tôi có chút xấu hổ. Tôi luôn cảm thấy cha mình già hơn so với cha của những bạn học khác.
Cha của các bạn học thường cắt cỏ, tưới nước, cấy lúa và bón phân ở đồng ruộng xung quanh nhà tôi. Sau giờ học, những ông chú cường tráng, trẻ tuổi sẽ đưa đón con họ về nhà bằng xe máy mô-tơ. Bóng dáng của họ trải dài trong ánh chiều tà, rồi đi xa dần…
Đó là hình ảnh khiến tôi ghen tị nhất. Tôi cũng muốn có một người cha trẻ tuổi và khỏe mạnh để chở tôi đi trên xe máy và có thể cùng tôi đi đạp xe.
Cha tôi vốn mảnh khảnh như thư sinh. Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc giàu có ở Quảng Đông. Sau khi Đại Lục thất thủ, ông chuyển từ Hồng Kông đến Đài Loan và dạy học ở một trường tiểu học. Sau đó, ông kết hôn, sinh con và định cư tại đây. Từ nhỏ ông đã có người hầu hạ, chưa bao giờ lái xe mô-tơ và cưỡi xe đạp.
“50” là con số mà lúc còn niên thiếu tôi cảm thấy tiếc nuối, không muốn đối mặt, cũng không muốn các bạn cùng lớp biết.
***
Trong ký ức của tôi, ông thường ra ngoài vào lúc sáu giờ sáng, đợi xe buýt lúc sáu giờ ba mươi phút rồi nhanh chóng đi đến trường. Mẹ tôi nói: “Anh đâu phải làm gia sư, sao phải đến trường sớm như vậy?”
“Các thầy cô ở rất xa, anh phải đến trường trước, để tránh các em học sinh gặp nguy hiểm khi băng qua đường”. Lộ trình đi từ nhà đến trường chưa tới mười phút, nhưng cha tôi đã có mặt tại trường lúc sáu giờ bốn mươi phút. Ông giữ thói quen như vậy trong hàng chục năm, mãi cho tới khi về hưu.
Vì cha tôi đã quen với việc dậy sớm, nên ông ấy khó chấp nhận được việc con mình đi học muộn. Từ sáng sớm, cha đã hối thúc chúng tôi đi học, “Ra ngoài sớm một chút, xe buýt không đợi ai đâu.” Vì vậy, cảnh tượng đuổi theo chiếc xe buýt chưa bao giờ xuất hiện trước mặt ba chị em chúng tôi.
“Ra ngoài sớm một chút, đừng để các bạn học đợi con.” Ngày hôm ấy, cha tôi nhìn đồng hồ, rồi giục tôi ra ngoài đến điểm hẹn.
“Vẫn còn sớm, con hẹn với bạn vào lúc mười giờ.” Lúc đó, tôi đang học cấp ba, giọng điệu lúc đó có chút bực dọc: “Lần nào cha cũng muốn con đi thật sớm, lần nào cũng bắt con phải đợi mọi người!”
“Thà mình đợi người ta, cũng đừng để người ta đợi mình”. Nhìn thấy lời than trách của con gái, cha tôi nhẹ giọng khuyên nhủ: “Đến Chương Hóa phải mất một tiếng đồng hồ, nên bây giờ con bắt đầu đi là được rồi.” Tôi nhìn đồng hồ, “Mới có tám giờ ba mươi!”. Đây là “quy tắc đúng giờ” của cha tôi, tính ngược thời điểm từ lúc đến nơi và phải rời đi sớm hơn 30 phút.
Mỗi tối trước khi đi chơi, ông ấy đều phỏng tính trước thời gian, sau đó thông báo cho chúng tôi biết về thời gian thức dậy và thời gian khởi hành vào trước một ngày. Thậm chí ông còn dự tính thời gian ăn uống và đặt mục tiêu đến sớm 30 phút.
Công thức sắt thép này đã khắc sâu vào tâm trí tôi và tôi sẽ tuân theo nó cho đến hết cuộc đời.
Sau này, hễ đi làm hay có cuộc hẹn với ai đó, tôi sẽ luôn ước tính thời gian khởi hành của mình bằng cách đến sớm 30 phút vào đêm hôm trước và về đúng giờ vào ngày hôm sau. Vì vậy, khi chấm công đi làm, tôi rất hiếm khi xuất hiện chữ đỏ. Khi hẹn với bạn bè, chỉ có một vài lần là tôi đến muộn. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ làm việc của tôi. Tôi luôn có thói quen hoàn thành công việc trước thời hạn cấp trên giao.
Sau khi lớn lên, tôi mới nhận ra rằng, những nguyên tắc làm việc tưởng chừng như bình thường của cha tôi lại là tấm gương quý giá. Làm trước “30” phút là thể hiện sự tôn trọng với người khác và với bản thân mình, đồng thời cũng nhắc nhở tôi phải có trách nhiệm và có sự bảo đảm trong tương lai.