Bảo bảo đến rồi!
Khát khao được làm mẹ, cô ấy đã chọn cách nhận con nuôi. Bởi vì vợ chồng cô không muốn cố ý che giấu thân thế của con nên họ suy nghĩ rằng không nhất định nhận nuôi một em bé dưới ba tuổi. Ngược lại, họ nguyện ý muốn dành cơ hội cho em bé lớn tuổi hơn.
Khi Bảo Bảo đến, nó 8 tuổi và tôi đã 52 tuổi. Giữa chúng tôi chênh lệch 44 tuổi, điều này khiến hai vợ chồng âm thầm lo lắng.
Sau khi chào đời không lâu, em bé bị mẹ mang đi. Sau đó cậu được chuyển qua lại cho hai gia đình nuôi dưỡng. Giữa khoảng thời gian đó, cậu bé còn được đưa trở về với cha mẹ ruột của mình, sau này mới được thu xếp vào trường mẫu giáo.
Khi ở nhà cha mẹ ruột, cậu sống cùng 6, 7 người lớn trong một căn phòng chật chội. Hầu hết những người đó đều hút thuốc, mùi khói nồng nặc khiến cậu bé muốn bỏ chạy. Trong cuộc sống tám năm ngắn ngủi đó, cậu bé luôn phiêu dạt. Cứ một, hai năm, cuộc sống lại lặp lại một lần. Đến nỗi cậu bé lầm tưởng rằng người ta sinh ra là phải như vậy, không có nơi ở cố định và không có người thân.
Tôi thường trò chuyện với cậu bé nhân lúc tắm cho con hoặc lúc ngủ cùng, từng chút một mở cánh cửa trái tim của nó. Có lần tôi hỏi:
“Lúc con được đưa đến trường mẫu giáo, con còn nhớ không?”
Lúc đó nó còn bé, trí nhớ chưa hoàn chỉnh. Chỉ nhớ được là trước đó mình đã ngủ ở nhà một đêm.
“Sáng sớm hôm sau, xe đã tới và đưa con đi.”
Cậu bé kể một cách nhẹ nhàng, nhưng tim tôi như bị búa sắt đập vào, cảm thấy rất đau!
Bởi vì xuất thân khá đặc biệt, cho nên cậu bé hoàn toàn không có khái niệm đầy đủ về người thân. Khi còn học mẫu giáo, có một lần làm bài tập phải vẽ bốn bức tranh, không chỉ phải vẽ ra sự tương tác với người thân mà còn phải thêm chú thích cho các bức tranh.
Chủ đề này đối với cậu mà nói, quả thực quá khó! Cậu bé đứng chôn chân ở đó, không biết phải viết như thế nào.
“Con không biết viết thế nào, con không có cha, không có mẹ…”
“Không sao đâu! Thì con vẽ chú, dì và bảo mẫu, Tiểu Quân đều được mà.”
Cậu bé dựa vào những “người thân vay mượn” này, nhanh chóng hoàn thành bài tập với nụ cười trên môi.
Sau khi đến nhà chúng tôi, chưa kể cha, mẹ, bà nội và các cô, cậu bé đột nhiên có nhiều người thân đến mức không thể đếm hết. Nó thích nhất ở nhà người cậu ở Đài Trung. Nơi ấy có chị họ Tâm Duyệt và BoBo rất biết cách quan tâm chăm sóc. Còn có anh họ Henry, người mà cậu vô cùng yêu thích. Tôi thường để Bảo Bảo ở với chị dâu trong những ngày nghỉ, sau đó đón cậu bé ở ga tàu cao tốc Đài Trung.
Bà nội và các cô cũng rất yêu quý cậu bé. Mẹ chồng tôi sinh ra ở Khách Gia Trang, Trung Lịch. Thành viên trong gia tộc rất đông. Sau khi Bảo Bảo đến, lần đầu tiên ăn Tết và tham gia tiệc của cả gia tộc. Mỗi người thân có mặt đều mang đến cho cậu bé đồ chơi, quần áo mới và bao lì xì. Nó bận bịu cúi người, dập đầu, nói lời chúc mừng, vui vẻ tung tăng như con chim nhỏ.
Cậu bé thường chơi đố toán với tôi:
“Khi con 10 tuổi, thì mẹ bao nhiêu tuổi?”
“Mẹ 54 tuổi!”
“Thế khi con 20 tuổi, mẹ bao nhiêu tuổi?”
“Mẹ 64 tuổi rồi! Mẹ hy vọng có thể sống đến 84 tuổi, nhìn con lớn lên!”
“Thế đợi khi con sống đến 90 tuổi, mẹ mấy tuổi?”
“Ồ! Thế thì mẹ về trời từ lâu rồi!”
“Không, không, không! Ý của con là, đợi khi con sống đến một trăm tỷ tuổi hay một ngàn tỷ tuổi, thì mẹ mấy tuổi?”
Cậu biết rõ rồi còn cố hỏi, trong lòng âm thầm lo lắng, dùng trò chơi uyển chuyển biểu đạt.
Nó lo lắng vợ chồng chúng tôi thật sự có một ngày ra đi, nó sẽ lại trở thành người không nơi nương tựa.
Tôi nói với con rằng nếu như thật sự có ngày đó, con hãy đi tìm chị Tâm Duyệt, chị BoBo và anh Henry. Mẹ đã dặn dò họ trước rồi, phải chăm sóc con thật tốt. Cậu bé vẫn không yên tâm:
“Mẹ ơi! Trên đời này thật sự có Thiên đường không?”
“Có đấy!”
“Thế mẹ có thể cho con địa chỉ ở đó trước được không?”
“Được thôi! Đợi sau khi mẹ đến đó, chắc chắn việc đầu tiên là gửi địa chỉ cho con!”
Anh chàng vẫn chưa thể nào hoàn toàn yên tâm, cố nói với tôi:
“Mẹ ơi! Mẹ dứt khoát phải dành cho con một phòng trước? Đợi khi con đi rồi, con sẽ sớm được ở cùng với mẹ.”
Tôi hứa với con! Và chúc nó luôn ngủ ngon giấc. Một ngày nào đó, mẹ sẽ đợi con ở trên Thiên đường!