Hoa thủy tiên nghênh đón năm mới, Bá Nha học đàn ngộ đạo
“Bất tu băng dữ tuyết, tự tác nhất dao hoa” (Chẳng cần băng và tuyết, tự mình làm dao hoa) – Đây là câu đối nhắc đến một loài hoa. Gợi ý: “Hoa mùa đông thanh khiết và cao quý.” Là hoa sơn trà? Hoa mai? Hoa lạp mai? Trăm loài hoa cỏ trong tâm trí đang chuyển vần … Nhất thời không thể nghĩ ra được. Xem gợi ý tiếp theo: “Xuất thủy phù dung thị nhất gia” (Phù dung ló dạng ấy một nhà). Bạn đã đoán được đáp án của câu đố chưa?
Đó chính là hoa “thủy tiên”!
Tiên tử độc hành trong sóng nước
Trong văn hóa Trung Quốc, việc làm thơ vịnh về hoa thủy tiên đã có từ lâu. Người sáng tác thi từ vịnh tán hoa thủy tiên nhiều chẳng kể xiết. Có người nói loài hoa này giống như mỹ nhân dưới nước, như nàng tiên độc hành trong làn sóng. Cũng có người lại miêu tả hoa thủy tiên là ánh quang huy cao khiết trên mặt hồ trong chốn núi non, là sóng xuân trên mây xanh. Dù ở sườn núi hay đầm lầy, bóng dáng hoa thủy tiên thuần khiết như băng, chẳng nhiễm bụi trần khiến người thưởng lãm như được gột rửa tâm phàm của mình.
Hoa thủy tiên nghênh đón năm mới
Hoa thủy tiên thường nở trước Tết Nguyên Đán và là phẩm vật trang trí tốt lành trong dịp Tết Nguyên Đán để gột rửa lớp bụi cũ, nghênh đón năm mới. Trồng một vài khóm thủy tiên “ngọc cốt băng cơ” trong một chậu nước nông hoặc một chiếc bình cổ đặt trong sảnh nhà sẽ làm tăng thêm bầu không khí thanh nhã cho không gian u tịch. Đây mới thực là nghi gia nghi thất! Nếu có thể đưa hoa vào trong tranh vẽ thì hương thơm và hình bóng của nó sẽ được lưu lại cho nhiều thế hệ sau.
Họa sĩ của các triều đại trước đây thường vẽ hoa thủy tiên cùng với các loài hoa nở rộ trong mùa đông lạnh giá như hoa mai, hoa trà, hoa lạp mai, .v.v. Những loài hoa báo hiệu mùa xuân sớm vào mùa đông này đều có đặc điểm là không sợ lạnh. Tinh thần ngạo nghễ chịu đựng tuyết lạnh, kiên định chẳng đổi, đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ người dân Trung Hoa. Bởi vậy, những loài hoa này cũng chính là đề tài của những bức tranh chào đón năm mới, mang đến cảnh đẹp và hun đúc nhã hứng cho người thưởng ngắm.
“Nhất nhất cô căn phát, tụ tụ thúy diệp tân.
Thanh cầm đàn thử khúc, bạch lộ vị doãn nhân.
Phùng đảo hà niên biệt, lan đường hạnh khả thân.
An tri phương thảo khí, bất thị Lạc Châu thần.”
Tạm dịch:
Đơn côi từng rễ mọc, rậm rịt lá thêm xanh.
Cầm hay đàn một khúc, triển lộ ấy tài nhân.
Bồng Lai năm nào biệt, lan đường may còn thân.
Hay đâu hương thơm khí, chẳng phải Lạc Châu thần.
Đây là bài thơ “Hoa thủy tiên” của Trần Tử Thăng, sống vào cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh. Bài thơ miêu tả dáng vẻ của các khóm hoa thủy tiên, từng chiếc rễ nhỏ đang phát triển, từng cụm lá xanh quần tụ. Những từ “tân, thúy, phương, lộ” toát lên phẩm chất thanh cao băng khiết của hoa thủy tiên. Bài thơ sử dụng điển cố “Bồng Lai đảo” và khúc cầm “Thủy tiên tháo” (“tháo” là chỉ khúc đàn) của Bá Nha, đồng thời tạo nên sự liên kết di tình khéo léo giữa hình ảnh mang tính biểu trưng – tiên nữ trong nước và hoa thủy tiên.
Bá Nha sáng tác “Thủy tiên tháo”, trở thành người có tài nghệ gảy cầm tuyệt diệu
Tương truyền, “Thủy tiên tháo” là khúc nhạc nổi tiếng do Bá Nha sáng tác. Bá Nha là người có tài nghệ gảy cổ cầm thời Xuân Thu. Khi nhắc đến cổ cầm, người ta thường nghĩ đến Bá Nha. Tại sao Bá Nha trở thành người có tài nghệ gảy cổ cầm tuyệt diệu như vậy? Sử sách ghi chép truyền thuyết về chuyện Bá Nha sáng tác “Thủy tiên tháo,” một khúc cổ cầm đã trở thành biểu tượng cho sự ngộ đạo của ông.
Trong cuốn “Nhạc phủ cổ đề yếu giải” của Ngô Cạnh thời nhà Đường ghi lại câu chuyện về “Thủy tiên tháo.” Chuyện kể rằng Bá Nha học gảy cổ cầm từ Thành Liên, trong ba năm đã học thành nhưng vẫn chưa nắm vững tinh túy của cầm nghệ – “tinh thần tịch mịch, tình chí chuyên nhất.” Thành Liên nói có Cao sư Phương Tử Xuân ở Đông Hải, Bá Nha có thể đến tìm ông ấy thỉnh giáo. Vì vậy, Bá Nha đã theo Thành Liên đến đảo Bồng Lai trên biển. Khi đến nơi, họ tìm kiếm khắp nơi xa, nơi gần nhưng không thấy một bóng ảnh nào. Thành Liên bảo Bá Nha đi nghênh đón sư phụ. Sau khi để Bá Nha lưu lại một mình, Thành Liên lên thuyền đi ra biển. Chiếc thuyền nhỏ biến mất trên mặt nước, hơn mười ngày sau vẫn không thấy quay trở lại. Trong cảnh cô đơn tịch mịch một mình giữa chốn mênh mông, Bá Nha ngóng trông vô vọng chẳng thấy hình bóng của người mình chờ đợi, trong lòng không khỏi cảm thấy đau buồn.
Bá Nha thỉnh thoảng vươn cổ ngóng nhìn xung quanh, chỉ thấy nước biển mênh mông dâng trào dữ dội, cuộn thành sóng, quay cuồng rồi tan ra biến mất giữa trời đất; lúc gầm vang như hổ, lúc tĩnh lặng như thiếu nữ. Trong rừng núi sâu thăm thẳm, thỉnh thoảng truyền đến tiếng bầy chim kêu bi ai. Trời đất là người thầy tốt nhất, Bá Nha ngửa mặt lên trời thở dài, cuối cùng cũng ngộ ra: “Sư phụ bảo ta ở đây một mình để ta thể ngộ đạo ‘tình chí chuyên nhất.’”
Cuối cùng, Bá Nha cũng hiểu được thủ pháp “di tình” của cổ cầm – Bá Nha ở nơi núi non, biển cả, dường như đã trở thành “nàng tiên trong nước.” Tĩnh lặng đứng giữa đất trời, ông thể ngộ được cảnh giới mới khi tâm và tình hợp nhất. Vì vậy, Bá Nha đã sáng tác khúc cầm mới “Thủy tiên tháo,” khúc cuối nói về việc Thành Liên chèo thuyền đi ra biển mà không quay trở lại. Một khúc “Thủy tiên tháo” đã triển hiện cảnh giới tâm tình của Bá Nha, và cuối cùng ông đã trở thành người có tài nghệ gảy cổ cầm bậc nhất thiên hạ.
Thủy tiên cứu người con hiếu thảo
Trong thiên viết về sông nước của “Thủy kinh chú” có bài (trích từ cuốn “Cầm thanh anh” của Dương Hùng thời nhà Hán) ghi lại câu chuyện về “thủy tiên” (tiên nhân ở trong nước) cứu giúp người con hiếu thảo Bá Kỳ ở dòng sông phía bắc huyện Hán An.
Doãn Bá Kỳ là một người con hiếu thảo thời vua Chu Tuyên Vương, con trai của Thượng Khanh nhà Chu Doãn Cát Phủ. Sau khi sinh mẫu của Doãn Bá Kỳ qua đời, phụ thân anh tục huyền lấy vợ khác. Em trai do mẹ kế sinh ra nói lời sàm ngôn hãm hại Doãn Bá Kỳ, nói anh có tình cảm ám muội với kế mẫu. Doãn Cát Phủ không tin chuyện này. Người mẹ kế có tư tư tâm bênh vực con trai nên cố ý bày chuyện hãm hại Bá Kỳ. Bà nói với Doãn Cát Phủ kiểm tra một chút sẽ biết rõ, bảo ông không ngại hãy để bà và Bá Kỳ ở chung trong một căn phòng trống, còn ông lên lầu quan sát.
Kế mẫu biết Bá Kỳ rất nhân hậu, nên đã đặt trước những con ong độc lên cổ áo của mình. Khi Bá Kỳ vừa nhìn thấy con ong độc, anh vội vàng giúp mẹ lấy ong khỏi áo. Phụ thân cậu đang quan sát trên lầu không hiểu rõ nguồn cơn, từ xa nhìn đã bị giả tướng được bày sẵn này đánh lừa. Ông nổi cơn thịnh nộ, đuổi Bá Kỳ ra khỏi nhà.
Bá Kỳ không hiểu vì sao mình bị oan nên rất bi thương. Khi đi đến một nơi hoang vắng liền gieo mình xuống nước, khắp người bị quấn đầy rêu và tảo. Đột nhiên, anh mộng thấy một tiên nhân trong nước ban mỹ dược cứu sống anh. Sau khi được cứu, Bá Kỳ vẫn mang nỗi niềm nhớ phụ thân, trong lúc bi thương liền hát một khúc ca để bày tỏ nỗi lòng. Người đi thuyền qua lại trên sông vô cùng cảm động trước tiếng hát của anh, và họ cũng học hát theo. Ca khúc được truyền xướng trên sông này đã thu hút sự chú ý của Doãn Cát Phủ. Ông cảm giác được bài ca này là con trai Bá Kỳ hát. Khi biết con mình còn sống, ông liền sáng tác khúc cầm “Tử an chi tháo.”
Lại nói, Bá Kỳ đã đem cả tấm lòng hiếu thuận của mình vào trong khúc cầm, sáng tác nên khúc “Lý sương tháo” cảm động lòng người. Chu Tuyên Vương trên đường đi nghe thấy khúc cầm này, cảm động đến mức nói: “Đây là lời của một người con hiếu thảo.” Cuối cùng, hai cha con nhà họ Doãn đã đoàn tụ.
Bá Nha sáng tác khúc “Thủy tiên tháo,” trở thành người có tài nghệ gảy cổ cầm tuyệt diệu, thanh âm và cao danh truyền lại cho đến ngày nay. Bá Kỳ một lòng hiếu thảo cảm động trời đất, cảm động được thủy tiên khiến hiếu hạnh lưu mãi nơi nhân gian. Thanh âm trong các khúc cổ cầm của Bá Nha và Bá Kỳ đều truyền đạt những tình cảm thanh cao vang vọng khắp trời đất.
Lời kết
Hoa thủy tiên quả thực là hoa tiên. Mỗi bông hoa thủy tiên băng thanh ngọc khiết đều ôm giữ một vòng từ tâm và ánh sáng, truyền tải ý nghĩa của tình yêu rộng lớn không mang tư vị, khiến người xưa liên tưởng giữa nàng tiên trong hoa và nàng tiên trong nước, để lại nhiều câu chuyện đẹp và thanh tịnh nơi bụi trần trong chốn trần gian.
Ngắm nhìn những bông thủy tiên nhẹ nhàng, thanh khiết, cũng khiến con người đồng cảm và thanh lọc tâm phàm. Trong dịp Tết Nguyên Đán, việc trồng chậu cây thủy tiên rất phù hợp để tạo cảnh, phù hợp với căn phòng, với ngôi nhà và cả cuộc sống của chủ nhân!
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ