Những bông hoa mai nở trong tuyết, kiên cường chẳng sợ gió sương
Suốt 22 năm qua, sự kiên định và bền bỉ của các học viên Pháp Luân Đại Pháp được ví như những bông hoa mai trong tuyết, dù sương gió và giá lạnh, dù tàn nhẫn và khốc liệt, họ vẫn kiên định một đức tin. Càng giá buốt, khắc nghiệt, hương thơm càng lan tỏa, ghi dấu ấn lịch sử của một thời đại truyền kỳ.
—————–
Người ta thường nói hoa mai là hoa của người quân tử. Cánh hoa mỏng manh, cành khẳng khiu, gầy guộc nhưng khí tiết thanh cao, ngạo nghễ trước băng tuyết giống như đức tính kiên cường, trung trinh, bất khuất, chẳng sợ gió sương của bậc quân tử.
Mai thường nở vào cuối đông đầu xuân. Khi mai nở, những cánh hoa trắng muốt đượm vẻ tinh khôi, hương thơm dịu dàng nhưng vẫn không mất đi nét nhẫn nại tự cường. Đẹp là vậy nhưng mai chỉ âm thầm khoe sắc nơi rừng núi, chẳng cầu người đời tán thán.
Hoa mai còn tiêu biểu cho khí chất phong nhã, mộc mạc. Hoa chịu đựng giá buốt, khắc nghiệt, vượt lên nghịch cảnh để báo tin vui cho thế nhân mà không đòi hỏi gì. Hoa đã nở thì tươi tắn, tinh khôi cho đến tận giờ phút cuối cùng.
Suốt 22 năm qua, sự kiên định và bền bỉ của các học viên Pháp Luân Đại Pháp được ví như những bông hoa mai trong tuyết, dù sương gió và giá lạnh, dù tàn nhẫn và khốc liệt, họ vẫn kiên định một đức tin. Càng giá buốt, khắc nghiệt, hương thơm càng lan tỏa, ghi dấu ấn lịch sử của một thời đại truyền kỳ.
——————
Người dân an hòa, lặng lẽ thiền định trong công viên vào mỗi buổi sáng là cảnh tượng quen thuộc tại Trung Quốc vào những năm 1992-1998. Trung Quốc bỗng trở thành “miền tịnh thổ” khi hơn 100 triệu người dân ngày ngày ước thúc bản thân tu tâm tính theo Chân-Thiện-Nhẫn. Thủ tướng Trung Quốc đương thời là Chu Dung Cơ rất hài lòng khi mỗi năm Pháp Luân Đại Pháp giúp mỗi người dân “tiết kiệm 1000 NDT cho chi phí sức khỏe”. Có những ngôi làng đầy rẫy nạn trộm cắp thì nay đã không còn ai ăn cắp. Số người thọ ích về thể chất và tinh thần nhiều không kể xiết; rất lâu rồi cả quốc gia mới lại ngập tràn trong niềm hân hoan. Đúng thật là “một trăm điều lợi, không có một điều hại nào”.
Nhưng một Trung Quốc vừa mới chớm tươi đẹp trở lại đã nhanh chóng chìm vào u tối khi Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân vì sự đố kỵ và lo sợ mất quyền lực đã tuyên bố “nhổ tận gốc Pháp Luân Công ra khỏi Trung Quốc”: “Nếu Đảng Cộng sản không đánh bại Pháp Luân Công, nó sẽ là chuyện lố bịch lớn nhất trên thế giới”. Ngày 20/07/1999, lực lượng an ninh đến tận nhà bắt các học viên. Ai bất chấp lệnh cấm hoặc kháng nghị với chính quyền đều bị đưa vào trại tạm giam hoặc bị kết thêm án tù. Sân vận động và khách sạn được sử dụng làm trung tâm giam giữ, tội phạm được thả để có chỗ cho người tu luyện Pháp Luân Công. Từ một nhóm người được tôn trọng hàng đầu trong xã hội nay trở thành những kẻ tù tội. Thảm kịch kinh hoàng nhất thế kỷ đã diễn ra cho đến nay vẫn chưa dừng lại. Nhưng cũng chính trong loạn thế này, các anh hùng thực thụ đã tỏa sáng…
Dùng tính mạng để đổi lấy 50 phút sự thật
Vào lúc 20 giờ ngày 05/03/2002, tại Trường Xuân, Trung Quốc, sáu con người dũng cảm phi thường (Lương Chấn Hưng, Lưu Thành Quân, Lưu Vỹ Minh, Trương Văn, Lôi Minh, Lý Đức Hải) đã đánh cược cả mạng sống của mình để đổi lấy 50 phút sự thật cho người dân Trung Quốc – một hành động chưa từng có tiền lệ và gây chấn động thế giới.
Họ quyết định chèn sóng truyền hình của chế độ độc tài tàn bạo nhất hành tinh và phát hai video, một video về vụ tự thiêu được ĐCSTQ dàn dựng công phu tại quảng trường Thiên An Môn để bôi nhọ Pháp Luân Công và một video về sự phổ biến của Pháp Luân Công trên toàn thế giới. Đây là một nhiệm vụ sinh tử: vạch trần những lời nói dối đầy chuyên nghiệp của ĐCSTQ.
Họ hầu như không được đào tạo trong lĩnh vực cáp truyền hình, cơ hội thành công là rất nhỏ nhưng một động lực mạnh mẽ đã thúc giục họ lập kế hoạch, học cách lắp đặt cáp để phát chương trình từ một máy nghe nhạc rẻ tiền. Kết quả, khoảng 300,000 gia đình (hay một triệu người) đã sững sờ khi biết được sự thật về Pháp Luân Công và cách ĐCSTQ bịa đặt để vu khống môn tu luyện. Nhiều người dân tại Trường Xuân vui mừng khi nghĩ rằng cuộc bức hại đã đến hồi kết, họ chúc mừng nhau trên phố. Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lâu…
Giang Trạch Dân điều động cảnh sát xuống Trường Xuân với một thái độ hận thù chưa từng thấy. Tất cả những người tham gia đều bị bắt giam cùng 5,000 học viên khác; họ trải qua khoảng thời gian bị tra tấn dã man trong tù nhưng không một lần chịu từ bỏ đức tin: từ bị nhét dùi cui điện vào hậu môn, lột trần và quỳ trên ghế hổ, treo lơ lửng trên không với tứ chi duỗi ra bốn hướng, trùm đầu bằng xô kim loại và đập gậy, đến tra tấn kéo căng và bóp vỡ tinh hoàn, chích điện vào vùng kín v.v. Cả sáu thành viên chủ chốt đều đã qua đời, chỉ còn ông Kim Học Triết (một người cũng tham gia vào sự kiện) sống sót và may mắn trốn thoát khỏi Trung Quốc.
Sáu tháng sau ngày lịch sử đó, rất nhiều cuộc chèn sóng khác đã diễn ra tại các thành phố khác của Trung Quốc. Những người đàn ông tiên phong ấy đã không hy sinh vô ích, con người tương lai sẽ mãi ghi nhớ ngày đặc biệt này. Ông Kim Học Triết xúc động kể lại: “Chúng ta đã làm những gì bản thân phải làm, cho lịch sử và cho tương lai của những người khác cũng như của chính mình.”
17 năm thắp sáng ngọn nến chính nghĩa
Ở một thành phố sầm uất khác của nước Anh…
Không khí năm mới ngập tràn trên đường phố London, đây là khoảng thời gian người dân bận rộn sắm sửa cho ngày lễ lớn nhất trong năm, nhưng tại một góc nhỏ trên đường phố, suốt hơn 17 năm qua, có những con người vẫn thầm lặng kiên trì thắp lên ngọn lửa chính nghĩa không quản giá rét, gió mưa.
Phố Portland của London là nơi tọa lạc của Đại sứ quán Trung Quốc. Kể từ ngày 05/06/2002, một nhóm người xuất hiện phía bên kia đường, thay phiên nhau thắp những ngọn nến nhỏ, ngồi tĩnh tọa, bên cạnh là tấm bảng hiệu với dòng chữ “Chấm dứt bức hại Pháp Luân Công” bằng tiếng Trung và tiếng Anh.
Nơi ấy 24/24 đều có người túc trực, nhẫn nại và bền bỉ. Cô Cao Úc Đông là người điều phối hoạt động kháng nghị ôn hòa này. Cả gia đình cô tu luyện Pháp Luân Công. Họ đều khẳng định rằng: “Chúng tôi sẽ còn ở đây cho đến khi cuộc đàn áp tại Trung Quốc chấm dứt.”
Những người tham gia hoạt động kháng nghị đều làm các công việc khác để trang trải cuộc sống, khi có thời gian rảnh, họ đăng ký ca trực để bảo đảm rằng lúc nào cũng có người tại khu phố. Có người nhận ca đêm, sáng hôm sau chỉ rửa mặt rồi đi thẳng tới chỗ làm, có người phải bươn chải làm 2-3 công việc một lúc, dù mệt lả nhưng vẫn dành thời gian góp sức cho hoạt động.
Lâm Tiểu Long làm nghề hướng dẫn viên du lịch thường nhận ca trực vào tối thứ Sáu hàng tuần. Anh tâm sự về nỗi vất vả khi thực hiện công việc vào khoảng thời gian đáng lẽ được nghỉ ngơi nhưng phải “đứng giữa trời, đặc biệt là vào mùa đông, ra khỏi cửa đã rùng mình vì lạnh”, nhưng nghĩ đến các học viên Trung Quốc đang phải chịu bức hại trong tù, anh lại có động lực để tiếp tục.
Khi gặp gỡ những người qua đường, họ điềm tĩnh cung cấp thông tin về môn tập và cuộc đàn áp đang diễn ra ở Trung Quốc. Những người đồng tình phản đối hành động phi pháp của ĐCSTQ đã ký tên ủng hộ; cảnh sát và tài xế xe bus đôi khi còn bảo vệ họ trước sự tấn công của kẻ xấu.
17 năm không phải là một con số nhỏ khi xã hội chuyển biến không ngừng, vạn vật đổi dời. Nhưng những tinh thần và ý chí của những học viên đó vẫn kiên định không suy suyển. Họ lặng lẽ ở góc phố, thắp sáng niềm tin về chính nghĩa và lương tri, hy vọng vào một ngày công lý sẽ được thực thi.
Một ngày, một học viên là ông Chu Bảo Sinh trên đường về nhà từ ca trực buổi tối đã bật radio và nghe được một cuộc trò chuyện của hai người dẫn chương trình. Một người hỏi có biết tòa nhà nào đẹp nhất London không, người kia không trả lời được. Sau đó, người này mới nói: “Đối với tôi, đó là tòa nhà Đại sứ quán Trung Quốc, nơi có các học viên Pháp Luân Công đối diện bên đường… Có nhiều cuộc biểu tình và kháng nghị mỗi ngày, nhưng đó là cuộc kháng nghị vừa an hòa vừa kiên định, nó là mạnh mẽ nhất.”
‘Chuyển hóa’ nỗi sợ thành lòng dũng cảm…
Không chỉ các học viên Pháp Luân Công muốn tìm kiếm công lý, những người Trung Hoa chân chính cũng chưa bao giờ nguôi hy vọng.
“Sinh ra trong một cái hang và lớn lên dưới các vì sao, anh đã chỉ có thể là một người nông dân Trung Quốc nghèo khó. Ấy vậy mà anh lại trở thành một trong những người tiên phong nhất của thời đại. ĐCSTQ khiếp sợ anh, nhưng hàng triệu người lại ngưỡng mộ anh.” Đó là lời mở đầu trong bộ phim tài liệu “Transcending Fear” về Luật sư Cao Trí Thịnh do Đài truyền hình Tân Đường Nhân sản xuất.
Cao Trí Thịnh phải trải qua mọi nỗi cơ cực, bần hàn trước khi trở thành 1 trong 10 luật sư hàng đầu Trung Quốc. Sở hữu một sự nghiệp thành công, nhưng anh chưa bao giờ thôi trăn trở về số phận của những người nghèo yếu thế trong xã hội.
Anh chia sẻ rằng: “Tôi hỏi ‘các ông cần gì’, một người nghèo đáp ‘không, không có gì’. ‘Không sao cả, tôi dám lên tiếng. Tôi không biết ông là ai, nhưng nếu ông bị ĐCSTQ bức hại thì ông chắc chắn là người tốt.’”
Dành một phần ba thời gian của mình cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người nghèo, từ những em nhỏ là nạn nhân của tắc trách y khoa, đến những người bị quan chức chèn ép, nhưng trước sự hủ bại của chính quyền Bắc Kinh, Cao Trí Thịnh gần như muốn từ bỏ.
Trong một cuộc phỏng vấn với SOH vào ngày 21/10/2005, Cao Trí Thịnh cho rằng có hai vấn đề nổi cộm về nhân quyền ở Trung Quốc; một là chính phủ lợi dụng luật pháp để thực hiện các biện pháp tàn bạo và dã man trên quy mô lớn; hai là càng vi phạm nhân quyền, càng giẫm đạp người dân thì sự việc càng khó giải quyết bằng pháp luật. Khi luật sư không thể dùng luật để giải quyết, thì đó là một điều vô cùng khổ tâm. Cao từng có ý định chuyển nghề, nhưng anh không thể quay lưng với những số phận khốn khổ.
Và cuộc đời anh thay đổi hoàn toàn khi mạo hiểm chấp nhận lời nghị làm luật sư đại diện cho một học viên Pháp Luân Công tên Hoàng Vĩ sống tại Thạch Gia Trang. Anh này bị kết án tù 3 năm mà không qua xét xử, cũng không được kháng cáo. Lúc bấy giờ, Giang Trạch Dân yêu cầu tất cả các luật sư không được bào chữa cho học viên Pháp Luân Công. Những ai trái lệnh đều nhận một kết cục bi thảm, không bị bắt giam thì cũng bị tước giấy phép hành nghề.
Ngày 12/12/2005, Cao Trí Thịnh gửi một bức thư ngỏ cho lãnh đạo ĐCSTQ:
“Ngài Hồ Cẩm Đào, ngài Ôn Gia Bảo, và tất cả người dân Trung Quốc: Đã đến lúc chúng ta nghiêm khắc nhìn lại chính mình! Trong lịch sử thế giới, chưa từng có một nhóm người nào lớn đến vậy lại phải chịu đựng một cuộc bức hại tàn bạo và kéo dài tới như thế trong thời bình chỉ bởi vì đức tin của họ. Thảm họa này đã lấy đi mạng sống của hàng ngàn người dân vô tội đáng quý và đã cướp đi tự do của hàng trăm ngàn người. Cuộc bức hại hoàn toàn vô nhân tính này đã gây đau đớn cho hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công cùng gia đình họ. Nó thật phi lý, dối trá, và vô đạo đức! Đó là một sự chà đạp người dân Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa, và đạo đức của toàn nhân loại! Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng nếu tội ác này không dừng lại thì ngày xã hội Trung Quốc bình ổn và hòa ái sẽ chẳng bao giờ đến.”
Nhưng từ đó, năm lần bảy lượt, Cao đều lâm vào tình cảnh cận kề cái chết. Chính quyền cứ thả anh về rồi lại bắt cóc anh trở lại, hành hạ cho đến khi thân thể anh tàn tạ… Họ tước giấy phép hành nghề, tịch thu hết tiền bạc, vật dụng đáng giá trong gia đình anh, giám sát vợ con anh 24/7, tra tấn anh bằng những biện pháp khủng khiếp mà người thường không thể tưởng tượng được, ép anh phải viết thư ăn năn và khẳng định những gì điều tra được về Pháp Luân Công là hoàn toàn bịa đặt.
Nhưng ý chí đấu tranh cho công lý của Cao Trí Thịnh chưa bao giờ tắt. Mỗi lần được tự do, anh đều chia sẻ những gì ĐCSTQ đã làm với anh. Trước kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 diễn ra, anh đã viết một bức thư gửi đến Quốc hội Hoa Kỳ.
“Hôm nay, khi Olympic Bắc Kinh sắp diễn ra, tôi thỉnh cầu các ngài để tâm tới thảm họa nhân quyền đang diễn ra tại Trung Quốc, và hy vọng các ngài sẽ lan rộng lời kêu gọi của tôi ra toàn thế giới. Tôi thỉnh cầu các ngài hãy nghiêm túc nhìn nhận giá trị chân chính về đạo đức, công lý, và nhân tính cũng như việc chúng đã bị hủy hoại đến mức độ nào tại Trung Quốc…”
“Trong một thế giới mà các lực lượng chính trị chủ chốt đề cao lợi ích lên trên tất cả, khi đạo đức bị cười chê, chúng tôi đã cố gắng trong vô vọng để thúc giục Thế vận hội thực hiện nghĩa vụ của mình. Nhưng tôi vẫn chọn lên tiếng dù điều này có đưa gia đình tôi vào thảm cảnh. Tôi vẫn chọn phơi bày những gì đang diễn ra tại Trung Quốc cho cộng đồng quốc tế, những điều hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Olympic, mặc dù vào thời điểm này mọi người đang bận rộn chúc tụng nhau về những gì họ đạt được trong Thế vận hội sắp tới. Tôi chọn làm vậy dù đẩy bản thân vào cảnh hiểm nguy, bởi tôi nghĩ đến trách nhiệm của mình với tư cách là một con người và một công dân Trung Quốc.”
Trong bài báo “Speaking from My Heart” (Những lời tự đáy lòng tôi) mà anh gửi người vợ trước khi vợ con anh tị nạn sang Mỹ, anh viết:
“Những người ngoài cuộc có thể cảm thấy rằng gia đình tôi thật đáng thương. Sự thật là vợ tôi là người chịu đựng nhiều nhất. Nhưng tôi thì lạc quan trong sâu thẳm, và tôi tin vào Sáng Thế Chủ. Ngay cả khi tôi bị tra tấn đến gần chết, thì cũng chỉ có thân thể tôi đau đớn. Một trái tim tràn ngập sự tôn kính Thần linh không có chỗ cho những đau khổ và bất hạnh.
Những người anh hùng như Guo Feixiong, Hu Jia, Yang Tianshui, Chen Guangcheng, Xu Wanping, Wang Bingzhang và Guo Quan, những người đã hy sinh và đánh cược mạng sống của mình để bảo vệ tự do và tín ngưỡng ở Trung Quốc, thực sự là niềm hy vọng của Trung Quốc. Nếu chúng ta giúp đỡ họ và gia đình họ nhiều hơn, con cháu chúng ta sẽ không thấy xấu hổ vì chúng ta khi quay đầu nhìn lại đoạn đường lịch sử này.
Việc xuất bản bài viết này có thể khiến tôi bị bắt cóc lần nữa. Nhưng bắt cóc đã trở thành một điều bình thường trong cuộc sống của tôi. Nếu nó lại diễn ra, thì hãy để nó diễn ra!”
Trước dũng khí phi thường của Luật sư Cao Trí Thịnh, những luật sư nhân quyền trong nước như được tiếp thêm sức mạnh; cộng đồng quốc tế khâm phục anh. Họ kêu gọi ĐCSTQ thả Cao Trí Thịnh và nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề nhân quyền. Nhưng chính quyền này vẫn nghiễm nhiên đứng trên pháp luật và nhân tính!
Edward McMillan-Scott, Phó Chủ tịch Nghị viện Âu Châu, từng cảm thán: “Anh ấy đại diện cho những gì Trung Quốc có thể vươn tới, một Trung Quốc dân chủ, nhân quyền và tuân theo luật pháp.”
Niềm hy vọng vào một Trung Quốc mới
Vì sao các học viên Pháp Luân Công và những người như Luật sư Cao Trí Thịnh lại kiên trì và dũng cảm như vậy? Bởi họ đều mang trong tâm niềm tin vào một Trung Quốc tốt đẹp, một Trung Quốc xứng đáng với di sản 5,000 năm văn minh, với những giá trị bất biến gắn liền với cội nguồn của nhân loại.
Sau cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966, đức tin và văn hóa truyền thống của Trung Quốc bị phá hủy nghiêm trọng. Nhưng những nhà trí thức chân chính, những người vẫn còn thấm nhuần các giá trị đạo đức không cam tâm, vẫn chờ đợi một cơ hội Trung Quốc đổi thay. Tuy nhiên, mỗi lần một vị lãnh đạo ĐCSTQ lên nắm quyền đều thực hiện một cuộc thảm sát lớn để củng cố quyền lực. Mao Trạch Đông khiến ít nhất 45 triệu người người tử vong trong Đại nhảy vọt; Đặng Tiểu Bình khét tiếng với sự kiện Lục Tứ; Giang Trạch Dân tàn bạo với cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, đa phần người Trung Quốc gần như mất hết niềm tin và hy vọng vào cái gọi là văn minh và dân chủ tại Trung Quốc; quyền lãnh đạo tuyệt đối về chính trị và văn hóa rơi vào tay ĐCSTQ. Nhưng Pháp Luân Công ra đời vào năm 1992 đã thực sự cho họ một chỗ dựa tinh thần, một niềm hy vọng và lạc quan vào cuộc sống. Người truyền người, tâm truyền tâm, từ năm 1992-1999, Pháp Luân Công khiến người dân tin tưởng rằng: “Trung Quốc mới” là điều vô cùng khả thi. Hay nói cách khác, các giá trị phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn chính là nền tảng để phục hưng một Trung Hoa trong thời hiện đại, sau khi chủ nghĩa cộng sản đã đạp đổ những giá trị chân chính.
Giáo sư Minh Cư Chính, thuộc Khoa chính trị học trường Đại học Quốc lập Đài Loan, từng đưa ra một giả thuyết rất thú vị rằng: nếu như sau năm 1949, chính quyền Đại lục nghe theo lời dạy của Tôn Trung Sơn, đi theo Chủ nghĩa Tam Dân thì Trung Quốc sẽ như thế nào?
“Năm 1949 đến năm 1952 sẽ không có năm cuộc vận động lớn, Trung Quốc cũng sẽ không đánh nhau với Mỹ, và cũng sẽ không bị Mỹ cấm vận, … cũng không phải tiến hành cuộc vận động Đại nhảy vọt,… rất nhiều sự việc trong thời gian đó cũng sẽ không xảy ra, Ba ngọn cờ hồng, Đại nhảy vọt, Công xã Nhân dân đều sẽ không xảy ra, sẽ không có 30-40 triệu dân Trung Quốc phải chết đói … tất nhiên quan trọng hơn là sẽ không nổ ra cuộc Cách mạng Văn hóa. Đến thập niên 1970, kinh tế sẽ tiếp tục phát triển, người dân sẽ ngày càng thịnh vượng… Nếu đảng tiếp tục thực hiện theo chủ nghĩa Tam Dân, thì đến những năm 1980, nhu nhập bình quân của người dân Trung Quốc có thể đạt khoảng 4000 – 5000 USD. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người hẳn phải bằng một nửa của Mỹ rồi, và tổng thu nhập quốc dân của Trung Quốc sẽ gấp hơn hai lần của Mỹ. Không nghi ngờ gì, Trung Quốc sẽ là cường quốc số một thế giới. Cũng có nghĩa là, nếu Trung Quốc Đại lục đi theo con đường của Tôn Trung Sơn mà không phải là con đường Chủ nghĩa Cộng sản thì Trung Quốc sớm đã khởi sắc rồi.”
Người ta thường nói hương thơm của hoa mai đến từ những khổ đau và giá rét, vẻ đẹp của hoa mai là vẻ đẹp của sự thánh khiết và kiên cường. Nếu đã từng ngắm hoa mai và chiêm nghiệm được vẻ đẹp của loài hoa này, có lẽ quý vị sẽ hiểu được những điều mà các học viên Pháp Luân Đại Pháp và những người đấu tranh vì một “Trung Quốc mới” đang làm. Dù cái lạnh và tuyết trắng có phủ kín thân cây, thì hoa vẫn mạnh mẽ vươn mình đợi chờ ánh dương rạng ngời khi đêm tối và bão tố qua đi. Như cái lẽ tuần hoàn của vũ trụ, khi mùa đông tàn, mùa xuân nhất định sẽ đến. Hoa mai sẽ khoe sắc trong khúc hoan ca mừng ngày trở về…
“Bất hạnh lớn nhất của chúng ta là sống tại Trung Quốc vào giai đoạn lịch sử này. Không ai trên thế giới đã từng trải qua hay chứng kiến những khổ đau mà chúng ta đang phải chịu đựng.
Nhưng may mắn lớn nhất của chúng ta cũng lại là sống tại đây, trong giai đoạn lịch sử này. Vì chúng ta sẽ trải qua và chứng kiến những con người vĩ đại vượt trên khổ đau, một lần và mãi mãi!” – Luật sư Cao Trí Thịnh
Xem thêm:
- Review film: ‘Unsilenced’–Một bộ phim ký sự về chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công của Trung Cộng
- Việc đàn áp Pháp Luân Công phải ‘chấm dứt ngay lập tức’
- Bốn năm mất liên lạc, liệu luật sư Trung Quốc Cao Trí Thịnh có còn sống?
Tài liệu tham khảo: