Vì sao tháng 12 âm lịch được gọi là ‘tháng Chạp’ và thể hiện ý nghĩa văn hóa gì?
Năm tháng trôi qua, trình tự thời gian đang bước vào những thời khắc cuối của năm âm lịch, và bây giờ đang là tháng Chạp. Người xưa gọi tháng 12 âm lịch là “Lạp nguyệt” (tháng Chạp), cách gọi này bắt nguồn từ đâu? Từ “Lạp” chứa đựng tinh thần văn hóa truyền thống Trung Hoa phong phú như thế nào?
“Trá tế” và “Lạp tế”
Tên gọi “Lạp nguyệt” theo âm lịch có liên quan đến một sự kiện văn hóa lớn, và chữ “Lạp” đã ghi lại sự truyền thừa long trọng của điển lệ cúng tế cuối năm thời Trung Quốc cổ đại. “Trá tế” 蜡祭 và “Lạp tế” 臘祭 là hai loại điển tế vào mùa đông ở thời cổ đại. Đoạn ghi chép về phong tục trong cuốn “Chính tự thông” cho thấy “lạp tế là lễ cúng tế tổ tiên, còn trá tế là cúng tế các vị Thần linh; hai điển tế này có sự khác biệt.” Sau này, theo sự phát triển của thời đại, lạp tế và trá tế đều được gọi chung là “Lạp tế.” [1]
“Trá” 蜡 [2] (đồng âm với “Trác” 炸 – zhà), chỉ việc tế tự các vị Thần linh vào dịp cuối năm. Lễ này do Hoàng đế chủ trì để cảm tạ các vị Thần đã che chở, và cầu nguyện không có tai ương nào giáng xuống trong năm mới. Sách “Lễ ký – Minh đường vị” nói: “Đại trá, Thiên tử chi tế dã” (Đại trá là lễ tế do Thiên tử chủ trì).
“Lạp” 臘 là tế tự tổ tiên và năm vị Thần. “Lễ ký – Nguyệt lệnh” ghi “lạp tiên tổ ngũ tự.” “Ngũ tự” là chỉ năm vị Thần trông coi cửa, nhà, giếng nước, bếp và trung lưu (nơi trung tâm của căn nhà).
“Lạp tế” thể hiện tư tưởng tinh thần sùng kính trời đất và Thần minh của người dân Hoa Hạ cùng sự thừa truyền đạo hiếu từ thuở ban đầu cho đến tương lai về sau. Theo “Lễ ký” ghi chép, các triều đại Hạ, Thương, Chu đều có những danh xưng chuyên dùng để gọi tên các điển tế dành cho việc tế tự Thần linh vào cuối năm: “thời nhà Hạ gọi là Gia bình, thời nhà Ân gọi là Thanh tự, thời nhà Chu gọi là Đại trá.” Đến thời nhà Tần đổi gọi là “Lạp,” sau đó lại đổi về cách gọi thời nhà Hạ. Trong “Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ” ghi chép: “Tháng 12 năm thứ 31, lại đổi Lạp thành ‘Gia bình.’”
Sự thay đổi của điển tế “Lạp”
Khi người xưa trú ẩn vào mùa đông cuối năm, để cảm tạ phúc mà Thượng thiên ban tặng, họ chuẩn bị những tế phẩm thanh khiết, phong phú, với tâm thành kính, trang nghiêm bái tế trời đất, Thần linh các phương, tế bái tổ tiên và báo cáo thành quả lao động vất vả trong một năm qua. Kiểu tế lễ cảm tạ phúc lành này có nguồn gốc từ thời thượng cổ và đã có lịch sử hàng ngàn năm.
Thời cổ đại, lạp tế thường được tổ chức vào mùa đông, dịp cuối năm. Mỗi triều đình chọn ngày hành tế không giống nhau. Trong “Lễ – Nguyệt lệnh” nói: “Vào tháng mạnh đông (tháng đầu tiên của mùa đông), lễ tế tổ tiên và năm vị Thần” (ở đây theo “Chu lễ” gọi là Trá tế ).
Lạp tế thời Đông Hán được tổ chức vào ngày Tuất, tức ngày thứ ba sau Đông chí. “Thuyết văn giải tự” cho biết: “Lễ cúng vào ngày Tuất, ngày thứ ba sau Đông chí, để cúng tế bách Thần.” Điều này đã phản ánh tục cúng tế của nhà Đông Hán.
Lại nói, tại sao nhà Hán lại tổ chức lạp tế vào ngày “Tuất”? Việc này căn cứ vào thuộc tính âm dương, ngũ hành của triều đại này để xác định ngày thích hợp cử hành cúng tế. Cuốn “Phong tục thông nghĩa – Tự điển” giải thích rằng “Hán gia hỏa hành, hỏa suy vu Tuất, cố viết lạp dã…… dĩ kỳ chung nhi lạp.” Ý nghĩa là ngũ hành của nhà Hán thuộc về hành Hỏa, Hỏa suy vào ngày “Tuất” nên Hoàng đế tổ chức tế lễ vào ngày này để tăng thêm năng lượng.
Trương Lượng, bác sĩ thời nhà Tấn nói: “Lạp là sự kết nối, cúng tế nên có sự giao tiếp giữa cái cũ và cái mới. Tục gọi ngày tiếp theo sau lạp tế là đầu năm, từ thời nhà Tần, nhà Hán đã bắt đầu chúc mừng. Đây đều là những phong tục cổ xưa lưu truyền lại.” Theo cách hiểu của Trương Lượng về lạp tế, vào thời khắc giao tiếp cái cũ qua đi, cái mới vừa đến thì cử hành lạp tế. Đó cũng chính là tục lệ cúng tế đêm giao thừa hiện nay.
Nghi thức lạp tế
“Lạp tế” là đại điển của một nước, được cử hành ở khắp nơi, trên từ Hoàng đế, dưới đến bình dân đều thực hiện việc cúng tế, nhưng phạm vi đối tượng cúng tế có sự khác biệt. Sách “Lễ ký – Điển lễ hạ” viết: “Thiên tử tế trời đất, bốn phương, sông núi, ngũ Thần, tuế biến. Chư hầu mỗi phương tế bái núi sông, ngũ Thần, tuế biến. Đại phu tế ngũ tự, tuế biến. Sĩ Nho tế bái tổ tiên.” Sách “Lễ ký – Tế pháp” nói thứ dân bách tính thường cúng tế Môn Thần (vị thần trông coi cửa) hoặc Táo Thần (vị thần trông coi bếp).
Trong lễ lạp tế, ngoài việc cúng tế bách Thần, còn báo cáo với tổ tiên về thu hoạch và thành tựu trong một năm vừa qua. Những tế phẩm dùng trong lễ lạp tế đương thời có từ đâu? Ngoài cây trồng được thu hoạch vào mùa thu, thì động vật và cầm thú săn bắn được cũng là nguồn tế phẩm chủ yếu. Ngoài ra, quan lại và thứ dân còn tổ chức yến tiệc chúc mừng vào ngày này, thể hiện ý nghĩa tượng trưng cho sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng như tâm trạng mong chờ năm mới.
Lễ nghi này được lưu truyền cho đến ngày nay. Vào ngày đầu năm mới, trong dân gian thường cúng tế Thần linh, tổ tiên, Thần Thổ Địa, Thần Bếp. Tinh thần báo ân, cầu phúc trong lễ tế này đã được truyền thừa từ đời này sang đời khác.
Nhương tế trước lễ lạp tế để xua đuổi bệnh dịch và tiêu trừ tai họa
Vào thời Đông Hán, trước lạp tế một ngày thường cử hành “nhương tế” để xua đuổi bệnh dịch và tiêu trừ tai họa. Đến thời Nam Bắc triều, “lạp tế” hợp nhập với “lạp bát” của Phật giáo, sau đó nghi thức cử hành xua đuổi dịch bệnh, tiêu trừ tai họa được tổ chức vào ngày lạp bát. Vào ngày này, mọi người đội mũ Hồ Công, đánh trống lạp (*trống eo), và vẽ tượng lực sĩ Kim Cang để xua đuổi dịch bệnh và tà ma. Tiếng trống trong thôn xóm vang lên, truyền tải thông điệp nghênh xuân mừng năm mới, đồng thời nhiều hoạt động chúc mừng năm mới chuẩn bị diễn ra. Đến thời nhà Tống, trong cung đại nội sẽ cử hành nghi thức xua đuổi dịch bệnh, tiêu trừ tai họa một cách thận trọng vào đêm trừ tịch (đêm giao thừa).
Lễ “lạp tế” trong lịch sử thể hiện lòng kiền thành kính Thần, cảm ân và trân quý phúc lành của tất cả mọi người trong cả nước. Bắt đầu từ thời thượng cổ, văn hóa Trung Hoa đã có tinh thần tín Thần, kính Thần, lễ Thần và được thể hiện vào trong nghi thức. Con dân Hoa Hạ tin rằng Thần linh ở khắp mọi nơi trong cõi trời đất, ở bốn phương, khắp sông núi và trong nhà. Vì vậy, họ cẩn thận trong lời nói cũng như hành động của bản thân, và tuân thủ nghiêm ngặt các quy phạm đạo đức để có được sự bảo hộ của Thần linh. Truyền thống cúng tế cuối năm cho thấy cốt lõi của nền văn minh Trung Hoa đến từ niềm tín ngưỡng vào Thần, những thành tựu của nền văn minh đều đến từ sự bảo hộ của Thần.
Chú thích
[1]: Nhan Sư Cổ [thời Nhà Đường] chú “Hán thư” (“Tiền Hán thư”) như sau: “Vào lễ lạp tế, tế bái bách Thần sau ngày Đông chí.” Đoàn Ngọc Tài thời nhà Thanh nói trong “Thuyết văn giải tự”: “Lạp vốn là danh xưng của lễ tế. Bởi vì được tổ chức vào Lạp nguyệt (tháng Chạp) nên được gọi tên như vậy.”
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ