Mạn đàm về ‘hiếu đạo’ (1): Bậc Thánh Vương xưa lấy hiếu trị thiên hạ, như thế nào là hiếu chân chính?
“Hiếu” là một nội hàm quan trọng trong văn hóa truyền thống. Từ trước đến nay, “trung hiếu tiết nghĩa” luôn được xem là mỹ đức truyền thống của Trung Hoa, trong đó “hiếu” chiếm vị trí rất quan trọng.
Trong “Hiếu kinh”, “hiếu” đã được thăng hoa đến tầng Thiên lý, giảng rằng: “Phù hiếu, thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, dân chi hạnh dã” (Tạm dịch nghĩa: Hiếu là kinh của trời, nghĩa của đất, hạnh của người vậy). “Hiếu” là lý vận hành muôn đời của Trời, là đức của Đất nâng đỡ vạn vật, là hạnh mà con người tất phải có.
Lấy hiếu trị thiên hạ là một trong những tư tưởng cơ bản mà các bậc Thánh vương dùng để trị quốc vào thời cổ đại. Gia đình là đơn vị kết cấu cơ bản của xã hội, gia đình là một nước nhỏ, còn quốc gia lại là một gia đình lớn. Gia hòa thì quốc hòa, gia hưng ắt quốc hưng, gia đình ổn định thì xã tắc ổn định. Bởi vậy, từ xa xưa, giáo hóa bách tính trước hết đều bắt đầu từ việc tề gia.
Toàn bộ cuốn sách “Đệ tử quy” đều là giảng về hiếu. Vậy rốt cục hiếu là gì? Người hiện đại cho rằng “hiếu” chính là phụng dưỡng cha mẹ, nhưng cổ nhân không cho là như vậy. Lúc Tử Du hỏi Khổng Tử về hiếu, Khổng Tử nói: “Mọi người thời nay cho rằng hiếu thuận chỉ là phương diện ăn uống cung dưỡng cha mẹ. Chó và ngựa đều được con người quan tâm nuôi dưỡng. Nếu lúc phụng dưỡng cha mẹ, lòng thiếu đi sự cung kính, vậy so với việc nuôi dưỡng chó và ngựa có gì khác biệt đâu?”
Lúc Tử Hạ hỏi về hiếu, Khổng Tử nói: “Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kỳ lao; hữu tửu thực, tiên sinh soạn, tằng thị vi hiếu hồ? (Tạm dịch: Khó nhất là ở sắc mặt. Khi có việc cực nhọc, con cái chủ động làm thay, có gì ngon mang cho cha mẹ ăn…Như thế chắc gì đã là có hiếu?). “Sắc nan” ở đây có hai cách giải thích: một là nói lúc hầu phụng cha mẹ, con cái một lòng có thể giữ gìn sắc mặt vui vẻ, hòa nhã, đây là việc khó khăn nhất; hai là chỉ cho dù sắc mặt cha mẹ có tốt hay không, con cái trước sau đều có thể cung kính là việc rất khó làm được.
Trong “Đệ tử quy” viết: “Thân ái ngã, hiếu hà nan; thân tăng ngã, hiếu phương hiền”. Lúc cha mẹ yêu thích chúng ta, việc hiếu thuận rất dễ thực hiện. Lúc cha mẹ đánh mắng chúng ta, chúng ta vẫn một lòng hiếu thuận, thực hành chữ hiếu như vậy mới là khó khăn và đáng quý nhất.
Ngu Thuấn chí hiếu, cảm động đất trời
Từ xưa đến nay, người có thể tận hiếu rất nhiều, nhưng giống như Ngu Thuấn chịu nhiều gian khổ hãm hại mà vẫn giữ lòng hiếu, thì rất hiếm thấy. Ngu Thuấn, vốn họ Diêu, tên Trọng Hoa, cha ông là “Cổ Tẩu”, là một người không biết lý lẽ, rất ngoan cố, đối xử với Thuấn không tốt. Mẹ là “Ốc Đăng”, rất hiền lương, nhưng không may qua đời lúc Thuấn còn nhỏ. Vì thế, cha tái giá. Mẹ kế là người không có đức. Sau khi sinh ra em trai là “Tượng”, cha chỉ quan tâm mẹ kế và em trai, ba người thường cùng nhau hợp sức mưu hại Thuấn.
Thuấn rất hiếu thuận với cha mẹ. Nhưng cha mẹ và em trai đều xem ông là cái đinh trong mắt, muốn túm lấy cơ hội nhanh chóng trừ bỏ. Tuy nhiên, ông vẫn điềm nhiên cung kính hiếu thuận cha mẹ, thương yêu em trai. Ông hy vọng có thể cố gắng hết sức để giúp gia đình hòa thuận vui vẻ, cùng nhau hưởng hạnh phúc mà trời ban cho.
Lúc còn nhỏ, khi bị cha mẹ trách mắng, trong lòng Ngu Thuấn chỉ nghĩ một điều là: “Nhất định là bản thân mình có chỗ nào làm không được tốt, nên họ mới tức giận!”. Thế là ông càng cẩn thận suy xét lời nói, hành động của bản thân mình, nghĩ cách để cha mẹ vui lòng. Nếu bị em trai vô cớ gây sự, ông không chỉ bao dung, ngược lại còn cho rằng mình chưa phải là tấm gương tốt, mới khiến đức hạnh của em có nhiều điểm khuyết thiếu. Ông thường tự trách bản thân, có lúc còn chạy đến giữa cánh đồng khóc lớn, tự hỏi tại sao không thể làm được thập toàn thập mỹ để được cha mẹ khen ngợi. Mọi người thấy Thuấn còn nhỏ tuổi mà đã hiểu chuyện hiếu thuận như thế, không thể không bị cảm động sâu sắc.
Có một lần, cha bảo Thuấn trèo lên sửa mái nhà. Sau khi Thuấn trèo lên, thì cha bèn ở dưới phóng hỏa. Lúc ngọn lửa bùng cháy dữ dội, chính là lúc vạn phần nguy hiểm, chỉ thấy hai tay Thuấn cầm một cái nón lá vành trúc lớn, giống như con chim bằng bình tĩnh nhảy từ trên xuống, may mắn chạy thoát được.
Lại có một lần, Cổ Tẩu lệnh cho Thuấn đục giếng. Thuấn đục đến chỗ sâu, Cổ Tẩu và Tượng liền từ trên đổ đất xuống giếng, muốn giết chết Thuấn. Đang lúc Tượng đắc ý tài sản của Thuấn đã thuộc về mình, thì đột nhiên nhìn thấy Thuấn đi đến. Tượng vô cùng hoảng sợ, nhưng gương mặt Thuấn không lộ chút giận dữ nào, giống như không có chuyện gì xảy ra. Sau chuyện này ông lại phụng dưỡng cha mẹ và đối đãi với em trai càng thêm cẩn thận.
Tấm lòng hiếu thuận hết mực chân thành của Thuấn, không chỉ cảm động những người hàng xóm, mà thậm chí còn cảm động vạn vật trong trời đất. Ông từng trồng trọt ven núi, cùng với núi đá, cây cỏ, chim cá và muông thú vô cùng hòa hợp, các loài động vật đều tới giúp đỡ. Một con voi lớn hiền lành đi đến cánh đồng giúp cày ruộng; những con chim nhỏ thông minh xinh xắn kết thành đàn ríu ra ríu rít giúp nhặt cỏ. Mọi người đều rất kinh ngạc, cảm phục khi thấy tận mắt sức mạnh lớn lao của đức hạnh như thế. Dù như vậy, Thuấn vẫn một mực khiêm nhường và cung kính hiếu thuận, bởi vậy hiếu hạnh của ông được mọi người ca ngợi và truyền tụng.
Lúc Thuấn kế thừa vương vị, không hề cảm thấy thực sự vui vẻ, mà ngược lại còn buồn bã nói: “Tôi dù có ngày hôm nay, cha mẹ vẫn không thích tôi, thì tôi làm thiên tử, đế vương cũng có ích lợi gì?”. Đức hiếu hạnh này của ông, thật khiến người nghe cảm động mà rơi nước mắt! Tuy nhiên, trời cao không phụ người có lòng, tấm lòng hiếu thuận của Thuấn, cuối cùng đã cảm hóa được cha mẹ của ông và người em trai là Tượng.
Vương Tường nằm trên băng cầu cá chép
“Sưu thần ký” và “Tấn thư” đều ghi chép chuyện Vương Tường nằm trên băng cầu cá chép. Vương Tường, tự là Hưu Chinh, người Lang Gia, là một người chí hiếu. Ông từ nhỏ đã mất mẹ nên sống với người mẹ kế Chu thị vốn không được nhân từ. Trước mặt cha của Tường, bà thường hay nói lời gièm pha khiến cho Tường cũng mất đi tình yêu của cha. Mỗi ngày, Vương Tường đều bị sai đi quét chuồng bò. Khi cha mẹ bị bệnh, ông không hề lười biếng mà vẫn chu toàn chăm sóc họ, chưa từng có lời oán thán.
Có một lần, mẹ kế bị bệnh nặng, muốn dùng cá chép làm thuốc. Lúc ấy trời giá rét, nước sông đều đóng thành băng, làm sao có thể tìm được cá chép đây. Vương Tường bèn cởi quần áo, hy vọng có thể dùng hơi ấm của thân thể làm băng tan để bắt được cá chép. Lúc này, băng bỗng dưng tự động nứt ra, hai con cá chép nhảy lên khỏi mặt sông. Vương Tường vui mừng mang chúng về nhà hiếu kính mẹ kế. Người trong làng cảm thấy vô cùng kinh ngạc, cho rằng lòng hiếu thuận của Tường đã cảm động thấu đến trời cao.
Sau khi Vương Tường trưởng thành và lập thân, mẹ kế vẫn gây khó dễ với ông. Nhưng em trai ông là Vương Lãm lại rất tôn kính huynh trưởng, mỗi lần lúc mẹ kế trừng phạt ông, Vương Lãm đều sẽ ở bên cạnh giải vây. Đạo đức và học vấn của Vương Tường ngày một nâng cao, danh tiếng càng lúc càng nổi trội. Mẹ kế vì thế bèn có ý nghĩ hại ông, mang rượu độc đưa cho Vương Tường uống. Kết quả Vương Lãm phát hiện được, trong tình huống cấp bách, Vương Lãm nhanh tay đoạt lấy chén rượu độc này định uốn. Người mẹ kế nhìn thấy vậy, lập tức đánh đổ chén rượu, trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn. Tình cảm anh em của Vương Tường cuối cùng đã cảm hóa được người mẹ kế. Vương Tường đã dùng đức hạnh và sự chân thành của mình để thay đổi mối ác duyên này.
Sau khi mẹ kế mất, Vương Tường rất đau buồn và an táng mẹ theo lễ. Đối với em trai Vương Lãm, ông hết mực thương yêu chăm sóc, Vương Lãm cũng đặc biệt tôn kính huynh trưởng. Anh em thương yêu nhau, xa gần đều nghe tiếng, lúc ấy mọi người đều gọi tình cảm của họ là “hiếu đễ lý”.
Về sau, Vương Tường và Vương Lãm đều làm quan trong triều. Có vị đại quan tặng cho Vương Tường một thanh bảo kiếm gia truyền, còn nói với ông rằng người dùng bảo kiếm này, con cháu nhất định sẽ vinh hiển phát đạt. Vương Tường bèn mang bảo kiếm tặng cho em trai. Trong sử sách ghi chép, chín đời sau của Vương Tường và Vương Lãm đều làm công khanh, tức là quan lớn trong triều. Vậy nên mới nói rằng “một nhà tích thiện, ắt có phúc dư”.
Mẫn Tử Khiên hiếu thuận với mẹ, mặc áo bằng bông lau
Mẫn Tổn, tự Tử Khiên, là người nước Lỗ thời Xuân Thu (nhà Chu). Ông là học trò của Khổng Tử, đức hạnh nổi danh cùng với Nhan Uyên, là một trong nhị thập tứ hiếu.
Mẫn Tử Khiên từ nhỏ mất mẹ, cha tái giá, người mẹ kế sinh được hai người con trai. Tử Khiên rất hiếu thuận với cha mẹ, nhưng mẹ kế rất ghét ông, bà dùng sợi bông may quần áo cho hai người con đẻ của mình, mà chỉ dùng sợi lau để may quần áo mùa đông cho Tử Khiên. Vào mùa đông giá rét, cha gọi Tử Khiên giúp ông đánh xe, Tử Khiên bị lạnh cóng không cầm nổi dây cương nên làm rơi mấy lần. Bị cha trách mắng, Tử Khiên cũng không biện giải cho bản thân.
Sau đó cha nhìn gương mặt lạnh cóng của con trai mới hiểu, lấy tay sờ nhẹ, phát hiện áo quần rất mỏng manh, xé chúng ra mới biết không phải bằng bông. Người cha rất đau buồn và quyết định bỏ vợ. Thấy vậy, Tử Khiên khóc lóc, cầu xin cha: “Mẹ ở lại chỉ một mình con bị lạnh, mẹ đi rồi cả ba đứa đều đơn côi”. Mẹ kế nghe xong thì cảm động sâu sắc, cuối cùng bà hối cải, nhân từ đối xử công bằng với ba người con. Tiếng tăm về lòng hiếu thuận của Mẫn Tử Khiên cũng vì đó mà truyền khắp thiên hạ.
Tác giả: Chu Tuệ Tâm
Lâm Nghiên biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ