Kiếp trước làm con hiếu đạo, kiếp này may mắn được chuyển sinh cùng cao tăng
Vào thời nhà Thanh, có một vị quan ngũ phẩm Lang trung là người vùng Vũ Lâm (tên gọi cũ của Hàng Châu), ông có thể nhớ được các sự việc của kiếp trước. Ông nói với mọi người rằng, kiếp trước mình là một vị tú tài ở Tô Quận.
Tú tài này đến 60 tuổi vẫn không có con cái, gia cảnh nghèo túng dựa vào dạy học để kiếm sống qua ngày, cũng chỉ đủ cho hai vợ chồng sống tạm bợ mà thôi. Vì nhà nghèo cho nên cả ba đời từ thời ông cố nội đến đời cha mẹ đều không được an táng chu toàn, đây cũng là điều tiếc nuối sâu sắc của ông. Vì thế ông đã phát nguyện: mỗi tối đốt một cây hương, quỳ xuống xin Trời cao, nguyện bớt đi tuổi thọ của mình đổi lấy một trăm lạng bạc để an táng cho ba đời trưởng bối, có như vậy bản thân có chết cũng có thể nhắm mắt. Cứ như vậy, ông thành kính cầu nguyện ròng rã suốt 5, 6 năm, cuối cùng còn chưa đạt được như ý nguyện thì đã qua đời.
Sau khi chết, hồn phách của vị tú tài đi tới Âm phủ. Diêm Vương nói: “Ngươi là một người con hiếu thảo, nguyện ý giảm tuổi thọ để mai táng cho ông bà cha mẹ của mình. Nhưng có điều ngươi không biết, cha mẹ của ngươi lúc còn sống tạo ác nghiệp rất nhiều, cho nên đến đời ngươi mới không có con cái. Mặc dù mấy năm nay ngươi cầu nguyện rất thành tâm, nhưng từ trước đến nay chẳng qua chỉ an phận sống qua ngày, không có công đức to lớn gì, không đủ để thay đổi tạo hóa. Có điều, tư tưởng hiếu nghĩa của ngươi quả thực rất đáng khen.” Bởi vậy, Diêm Vương ban cho tú tài được ngồi.
Lúc này, tùy tùng vào báo “Đại hiếu tử đến”, Diêm Vương sai người mở cửa chính, hơn nữa còn đứng dậy chào đón. Tuy nhiên, chỉ thấy một người ăn mày tóc dài hơn một thước, gương mặt tiều tụy, áo quần rách tả tơi. Người ăn mày tiến vào nhìn thấy Diêm Vương thì lập tức quỳ xuống. Diêm Vương tự tay nâng anh ta đứng dậy, sắp xếp cho anh ta ngồi phía trước vị tú tài. Diêm Vương khen không dứt miệng, nhưng người ăn mày lại thấp thỏm bất an.
Trong lòng tú tài cảm thấy nghi hoặc thắc mắc, không biết chuyện gì xảy ra. Có lẽ Diêm Vương đoán được thắc mắc của tú tài, quay đầu lại nói với ông rằng: “Chắc hẳn ngươi có thắc mắc gì đối với người này? Anh ta là người vùng Trấn Giang, sinh ra trong gia đình nghèo khổ, từ nhỏ đã mất cha, người mẹ dẫn theo anh ta dựa vào ăn xin mà sống. Khi anh ta lên 8 tuổi thì quỳ gối ăn xin nuôi dưỡng mẹ. Bảy, tám năm sau, mẹ của anh ta bệnh nặng không thể đi lại, anh ta bèn cõng theo mẹ xin ăn ở trong chợ. Mọi người nhìn thấy hoàn cảnh hai mẹ con đều sinh lòng thương cảm và nghĩ cách giúp đỡ. Anh ta bao giờ cũng để cho mẹ ăn no trước rồi mình mới ăn đồ ăn thừa còn lại. Cứ như vậy hơn 10 năm, người mẹ qua đời. Anh ta đi xin được một manh chiếu, sau khi chôn cất an táng cho mẹ xong thì cũng nhảy xuống sông mà chết. Một đời anh ta chuyên tâm hiếu đạo, không mảy may để tâm đến việc khác. Trong trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu, người ở tầng lớp dưới cùng xã hội lại làm được việc thiện hạnh như thế, đủ để Thần linh cảm động vậy.”
Khi đang nói chuyện, chợt thấy trên công đường hồng quang chiếu rọi, màu sắc rực rỡ. Sai dịch trên dưới công đường đều quỳ phục, Phán quan mặc áo đỏ báo rằng Thánh tăng đã đến. Diêm Vương cũng đi xuống công đường quỳ xuống, chỉ thấy đám mây ngũ sắc từ trên trời hạ xuống, trên đó có một vị hòa thượng. Hòa thượng dùng tay đỡ Diêm Vương đứng dậy rồi cười nói: “Lão tăng bảy kiếp tu hành, còn phải trải qua nơi này của ngài. Chẳng biết lúc nào có thể viên mãn đến thế giới Phật quốc đây?”
Diêm Vương cung kính nói: “Thánh tăng căn cơ đã sâu, ngày chứng đắc quả vị có lẽ không còn xa nữa.”
Hòa thượng đáp: “Đang lo lắng ở trong nhân thế mà bị rơi xuống đây.”
Ngay sau đó, Diêm Vương mời hòa thượng ngồi ở trước bàn xử án, còn mình thì đứng hầu một bên. Hòa thượng mời Diêm Vương ngồi xuống, lúc này Diêm Vương mới xoay người ngồi xuống bên cạnh. Lúc ấy, tú tài và người ăn mày đang đứng ở bên dưới công đường, hòa thượng đưa mắt nhìn quanh một lượt, tay chỉ vào hai người bên dưới và nói: “Hai người con hiếu thảo này, mời lên đây gặp mặt.” Bởi vậy, tú tài và người ăn mày tiến lên hành lễ.
Hòa thượng chắp tay trước ngực đáp lễ, sau đó bảo hai người ngồi xuống. Có người bưng trà dâng lên, hòa thượng nâng ly nói với hai người rằng: “Trà này sau khi uống vào sẽ quên hết, nhưng không uống thì sẽ vi phạm luật trời. Lão tăng sẽ dùng pháp lực hóa giải”. Nói xong bảo hai người bưng ly của mình đưa lên trước mặt, hòa thượng mặc tụng chú ngữ, nước trà tự khô rồi cạn mất. Ba người nâng ly báo với Diêm Vương là đã uống xong rồi, Diêm Vương cung kính trả lời một tiếng.
Lúc này, một Phán quan râu dài cầm sổ ghi chép nói với Diêm Vương: “Giờ lành Thánh tăng hạ thế đã đến, xin mời lập tức lên thang.” Sau đó, mấy sai dịch nâng một cái thang dài đặt ở trước điện, Diêm Vương mời hòa thượng trèo lên thang. Hòa thượng nói: “Hai người con hiếu thảo kia có duyên với ta, có thể cùng trèo lên.” Diêm Vương lập tức sai người sửa lại sổ ghi chép Âm phủ, bảo hai người đi theo hòa thượng.
Thế là, hòa thượng đi trước, người ăn mày đi ở giữa, tú tài đi phía sau, lần lượt trèo lên thang. Tú tài trèo lên được mấy trăm bậc thang, vì sức chân không khỏe nên rơi xuống, sau khi có một tiếng khóc nỉ non của trẻ sơ sinh cất lên, tú tài đã trở thành một đứa trẻ sơ sinh.
Tú tài mở mắt ra nhìn thấy cha mẹ của đứa trẻ rất cao hứng vì đã sinh được một người con trai. Ở giữa đỉnh đầu của tú tài có cảm giác mềm lõm vào, không thể nói ra lời được, chỉ có thể cười và khóc. Lúc 3 tuổi, cái thóp trên đầu của tú tài khép lại, liền có thể nói chuyện được, còn có thể nhớ lại những chuyện của kiếp trước, giống như đang diễn ra trước mắt vậy. Ông biết xưa nay quỷ Thần kính trọng những người con hiếu đạo, cho nên mỗi từng hành động cử chỉ đều tận lực quan tâm chăm sóc cha mẹ, cha mẹ cũng yêu thương ông như trân bảo.
Bởi vì học vấn của kiếp trước ông đều chưa quên, cho nên lúc 5, 6 tuổi đã có thể làm thơ văn, được mọi người gọi là thần đồng. Khi lên 8 tuổi thì ông nhập học, 13 tuổi thi đậu cử nhân kỳ thi hương, 17 tuổi thi đậu tiến sĩ, được trao chức Chủ sự Lễ bộ. Sau đó, cha mẹ ông lần lượt qua đời, ông giữ hiếu banăm. Sau khi chịu hiếu đã đủ thời gian, năm ông 20 tuổi thì lấy vợ, trở lại chức vụ cũ.
Vào ngày mùng 1 Tết một năm sau, sau khi thượng triều xong, một vị thái giám đi tới trước mặt Chủ sự Lễ bộ (do tú tài chuyển sinh) nói: “Thân Vương có lệnh, mời Chủ sự tối nay đến phủ có lời muốn nói.” Nói rồi còn đưa cho ông một lệnh bài vào ra Vương phủ làm bằng ngà voi. Chủ sự rất buồn bực, nghĩ thầm mình cũng không quen biết gì vị Thân Vương này, vì vậy trong lòng thấp thỏm bất an, nhưng lại không dám từ chối.
Buổi tối, ông đi đến Vương phủ, sau khi đem lệnh bài ra vào phủ giao cho người gác cổng thì ông được dẫn vào gặp Thân Vương. Tướng mạo của Thân Vương giống như đúc với vị hòa thượng mà ông từng nhìn thấy ở Âm phủ. Thân Vương cười nói: “Cố nhân còn nhớ chuyện trước kia chăng?” Chủ sự lại vái chào nói: “Dạ, không dám quên đại đức của ngài.”
Sau khi Thân Vương ban ngồi, rồi nói với ông: “Hôm nay ở trên đại điện nhìn thấy ông ở xa xa, dung mạo của ông vẫn như cũ, cho nên sai người tìm ông đến đây ôn chuyện cũ. Bây giờ ông mặc dù quan lộ vinh hiển, nhưng thế sự hỗn loạn, so ra không hạnh phúc bằng tu hành. Ta từ khi chuyển sinh đến nay, không ăn thức ăn mặn, hồi tưởng lại các kinh văn kiếp trước đã thuộc, chỉ có thể tụng thầm đồng thời làm theo những điều dạy bảo trong kinh văn, sợ bị cha mẹ của đời này sau khi biết được sẽ không lý giải được. Nhưng ta vẫn luôn luôn lo lắng bản thân ở nhân gian sa ngã mà rơi xuống, vì thế không dám có chút ý nghĩ xằng bậy nào, hiện giờ rất nhanh ta sẽ phải rời thế gian. Ông vì sao không từ quan nhập đạo?”
Chủ sự nói: “Điều này cũng là tâm nguyện của tôi, nhưng nhà tôi nghèo mà con cái còn nhỏ, khó thoát khỏi ràng buộc nơi thế tục.” Thân Vương nói: “Chuyện này không khó, ông có còn nhớ người ăn mày hiếu thuận kia không? Ta sẽ để cho anh ta giúp đỡ ông, nhưng tuyệt không nên nói với người ngoài, ông có thể lẳng lặng chờ thời vận.” Sau đó, Chủ sự xin cáo từ, Thân Vương bảo ông không cần đến nữa, dặn dò ông “tu tâm là quan trọng”. Sau khi Chủ sự khấu tạ Thân Vương thì rời khỏi Vương phủ.
Qua một thời gian, nước Lưu Cầu dâng lên cống phẩm xin được làm chư hầu. Hoàng thượng hạ chỉ, phái đoàn sứ giả đi sứ đến Lưu Cầu để sắc phong, phong Chủ sự Lễ bộ làm Chính sử (Trưởng đoàn sứ giả), ban cho trang phục nhất phẩm. Thế là Chủ sự Lễ Bộ và Phó sử một đoàn người vượt biển mà đi.
Sau khi thuận lợi đến được nước Lưu Cầu, quốc vương nước Lưu Cầu tự mình ra nghênh đón. Chủ sự thấy Quốc vương tóc dài, mặt gầy, vẫn là diện mạo của người ăn mày năm xưa. Sau khi Quốc vương làm lễ thụ phong xong, kéo tay Chủ sự và dùng tiếng Hán nói rằng: “Cố nhân có nhớ kẻ ăn mày này không?”, nói xong thì cười lớn.
Chủ sự trả lời rằng: “Đại vương hiếu thuận cảm động đến Trời, đời này làm chủ một quốc gia. Giống người hèn mọn như tôi đây, không đáng nhắc đến.” Quốc Vương cười nói: “Sứ giả của Thượng quốc cần gì phải khiêm tốn? Tôi hiện nay có việc riêng muốn nhờ cậy ông. Đến khi ông về nước, xin mang về vạn lượng hoàng kim. Sau khi đến Trấn Giang, nhờ ông tìm đến nơi an táng người mẹ ở kiếp trước của tôi, nơi đó ở dưới cây bạch dương bên bờ sông, rồi dùng non phân nửa số vàng để mua quan tài thu nhặt xương cốt cho mẹ tôi, đồng thời dời đến chỗ cao mai táng. Phiền ông dựng ở trước mộ một tòa miếu, đồng thời đặt mua trăm mẫu ruộng đất, mời tăng nhân đến trông coi bảo vệ, hàng năm đến ngày thì cúng lễ, coi như để hoàn thành tâm nguyện của tôi. Số vàng còn lại xin tặng cho ông, để bày tỏ thân tình quen biết. Ngoài ra tôi còn chuẩn bị lễ vật theo lệ thường để tặng Chính sử và Phó sử, xin ông chớ khước từ.”
Bởi vì trước đó có lời dặn dò của Thân Vương, Chủ sự hiểu rõ nên không dám chối từ.
Sau khi về nước, Chủ sự vì đã hoàn thành công việc đi sứ lần này nên lập được công lao, được thăng chức lên làm Lang Trung. Ông đi bái phỏng Thân Vương, thì biết được Thân Vương đã qua đời từ tháng trước. Trong lòng ông cảm ngộ thế sự phù phiếm, bèn xin từ quan.
Sau đó, ông đi đến Trấn Giang để hoàn thành tâm nguyện của Quốc vương Lưu Cầu. Vì nhớ đến tổ tông ba đời của kiếp trước chưa từng được an táng, ông cũng đi đến Tô Quận tìm kiếm hỏi thăm quê quán. Người vợ ở kiếp trước đã sớm qua đời, bên trong căn nhà đơn sơ vẫn còn để tám chiếc quan tài, ông bèn đưa tất cả đi an táng chu toàn.
Trở về nhà, ông đem số vàng còn lại giao cho vợ của mình, mong nàng thay ông nuôi dưỡng con cái chu toàn. Sau đó, ông tìm tới một ngôi chùa thanh tịnh để quy y cửa Phật, cùng các cao tăng trong chùa phụng thờ Phật đến cuối đời.
Người sống ở trên đời, đa phần chỉ biết được sự tình trước mắt, cho nên cả một đời bôn ba gian khổ, chìm nổi trong trần thế. Con người một khi đã hiểu rõ kiếp trước kiếp này và nhân quả báo ứng, thì sẽ cảm thấy tất cả đắng cay khổ cực nếm trải trong đời cũng chẳng còn ý vị gì, sao còn có thể lưu luyến hồng trần nữa đây! Họ sẽ thấy rằng, nhập Đạo tu hành chính là một sự lựa chọn đúng đắn của sinh mệnh.
Tư liệu tham khảo: “Tục khách song nhàn thoại”
Chu Hiểu Huy thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ