Câu chuyện thành ngữ: Môi hở răng lạnh
Thời kỳ Xuân Thu, nước Ngu và nước Quắc đều là nước chư hầu cùng tông tộc với Thiên tử nhà Chu, được Chu Vũ Vương thụ phong. Hai nước có quốc thổ liền nhau, cùng chi viện giúp đỡ nhau, tăng thêm sự bảo đảm an toàn cho cả hai bên. Tấn Hiến Công muốn tấn công nước Quắc nhỏ yếu, nhưng giữa nước Tấn và nước Quắc ngăn cách bởi nước Ngu, không có đường đi để đột kích, trừ phi thông qua lãnh thổ nước Ngu.
Đại thần Tuân Tức hiến kế cho Tấn Hiến Công, nói “mượn dùng” hai bảo vật của Hoàng thượng để hối lộ Ngu Công, mượn đường nước Ngu tấn công nước Quắc. Hai loại bảo vật này chính là ngựa quý ở đất Khuất và ngọc bích Thùy Cức.
Hiến Công nghe xong liền chau mày, nói: “Ngựa Khuất và ngọc bích Thùy Cức đều là vật báu hiếm có trên đời, là báu vật của quả nhân, không tiện cho mượn.”
Tuân Tức tiến thêm một bước, tâu: “Ngài lợi dụng hai bảo vật này, mượn đường diệt nước Quắc. Nước Quắc không có cứu viện của Ngu Công, nhất định sẽ bại trong tay quân ta. Nước Quắc mất rồi, nước Ngu mất đi cứu viện bên ngoài, thế cô lực mỏng. Sau khi chúng ta diệt nước Quắc xong, quay về lại tiêu diệt nước Ngu, một mũi tên trúng hai đích, liền có thể thu hồi bảo vật về. Trước mắt chỉ là giống như đem bảo vật từ kho trong tạm thời gửi ở kho ngoài mà thôi.”
Hiến Công vẫn không yên tâm, lại nói: “Nước Ngu có đại thần tài đức Cung Chi Kỳ, thần cơ diệu toán, sẽ biết được mưu kế của chúng ta.”
Tuân Tức thưa: “Ngu Công tham tài, nhìn thấy vật báu hiếm có trên đời sẽ động tâm, sẽ không nghe theo ông ta.”
Hiến Công đồng ý, đem hai bảo vật của mình giao cho Tuân Tức đưa đến nước Ngu mượn đường.
Tuân Tức đến nước Ngu tiếp kiến Ngu Công, tâu: “Quả quân chúng tôi ngưỡng mộ Quý Quân hiền minh, quyết đoán, nên đặc biệt sai khiến bề tôi dâng bảo vật tới quý quốc.”
Ngu Công nói: “Nói như vậy, quý quốc nhất định có việc muốn nhờ vả quả nhân rồi!”
Tuân Tức liền đem chuyện muốn mượn đường nói ra.
Cung Chi Kỳ biết rằng làm như vậy sẽ mang đến tai họa. Nhưng Ngu Công nhìn thấy bảo vật thì động tâm rồi, quả nhiên không nghe lời của Cung Chi Kỳ, còn dấy binh giúp nước Tấn một tay. Thế là, Tấn Hiến Công lệnh cho Lý Khắc làm đại tướng, Tuân Tức làm phó tướng, sẽ cùng quân nước Ngu công chiếm nước Quắc. Mùa hè năm Lỗ Hi Công thứ 2, quân nước Ngu cùng quân nước Tấn đã tiêu diệt được thành ấp Hạ Dương của nước Quắc.
Dã tâm của Tấn Hiến Công rất lớn, ba năm sau lại lần nữa đến nước Ngu mượn đường.
Lần này, Cung Chi Kỳ lại can gián Ngu Công. Ông nói rất nghiêm khắc: “Nước Quắc là da của nước Ngu. Một khi nước Quắc bị diệt vong, thì nước Ngu nhất định sẽ bị liên lụy, nguy cơ diệt vong e rằng đã ở ngay trước mắt. Đối với thỉnh cầu của nước Tấn, tuyệt đối không thể đồng ý, đối với kẻ địch không thể khinh thường chủ quan. Lần trước, quân Tấn mượn đường của ta hạ được thành trì Hạ Dương của nước Quắc. Mượn đường một lần đã rất nghiêm trọng rồi, còn có thể tái phạm lần thứ hai sao? Tục ngữ nói rồi: “Phụ xa tương y, thần vong xỉ hàn” (Nương tựa vào nhau, môi hở răng lạnh) [1] chính là đối ứng với quan hệ giữa nước Quắc và nước Ngu chúng ta.”
Ngu Công liền trả lời: “Tấn quốc là họ hàng của ta, sao có thể hại ta chứ?” (*Tấn quốc cũng là nước chư hầu họ Cơ).
Cung Chi Kỳ thưa: “Tấn quốc là nước họ hàng với nước ta, Tấn quốc cũng là nước họ hàng với nước Quắc. Nước Tấn sắp sửa tiêu diệt nước Quắc rồi, có thể thân ái với nước Ngu sao? Lại nói, quan hệ giữa nước Ngu và nước Tấn có thể thân bằng quan hệ giữa Hoàn, Trang và nước Tấn không? Hoàn Thúc và Trang Bá là anh em chung ông cố của Tấn Hiến Công. Tấn Hiến Công lo lắng họ cấu kết uy hiếp sự thống trị của ông ta, vì thế đã giết hết toàn bộ để tiêu trừ mầm họa. Sự kiện này phát sinh vào năm Trang Công thứ 25. Gia tộc Hoàn, Trang có tội gì chứ?”
Tuy nhiên, Ngu Công bị tiền tài mê hoặc, không nghe theo những phân tích có tình có lý của Cung Chi Kỳ, tiếp tục để cho quân Tấn mượn đường tiến đánh nước Quắc. Cung Chi Kỳ biết nước Ngu không cứu được nữa rồi, liền đem gia tộc rời khỏi nước Ngu.
Lần này, quân Tấn qua đường nước Ngu một phen là tiêu diệt xong nước Quắc. Quắc Công chạy trốn sang kinh đô của Đông Chu, nước Quắc tiêu vong. Sau khi quân Tấn diệt nước Quắc xong, quay trở về đi qua nước Ngu, mượn dịch quán ở nước Ngu để nghỉ ngơi. Ngu Công không hề đề phòng, rước sói vào nhà nên bị quân Tấn thuận đường tiêu diệt. Ngu Công trở thành tù binh của nước Tấn. Sau này, khi con gái của Tấn Hiến Công là Mục Cơ được gả cho Tần Mục Công, thì Ngu Công trở thành nô bộc bồi giá.
Chú thích
[1]: “Phụ xa tương y, thần vong xỉ hàn” (輔車相依,唇亡齒寒): “Phụ” là xương má ngoài, “xa” là xương hàm răng, phụ và xa phải dựa vào nhau tồn tại. “Thích danh” viết: “Di, hoặc viết phụ xa, kỳ cốt cường, khả dĩ phụ trì kỳ khẩu; hoặc vị nha xa, nha sở tải dã; hoặc vị hạm xa dã.” Nghĩa là: “Má, hoặc gọi là phụ xa, giúp xương cứng cáp, có thể nâng đỡ miệng; hoặc gọi nha xa, giúp răng đứng vững; hoặc gọi là hạm xa.”
Nguồn tư liệu: “Xuân Thu Tả truyện”, “Xuân Thu Tả truyện chính nghĩa”
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ