Ăn trông nồi, ngồi trông hướng: Việc nhỏ, đạo lý sâu xa
Trong một lần trò chuyện với mấy bạn trẻ về truyền thống nếp nhà xưa, tôi chợt nhớ đến câu thành ngữ “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” mà lúc còn nhỏ bố, mẹ tôi hay nhắc đến để răn dạy các con. Các cháu bảo: Hay thế cô, có mỗi bữa ăn lại còn phải “ăn trông nồi…” nữa ạ?
Ngày đó, mẹ tôi dạy: Trong bữa ăn thì phải quan sát mọi người cùng ăn, phải nhìn nồi cơm và lượng thức ăn còn nhiều hay ít để lượng chừng mình nên ăn ở mức độ nào. Nồi vơi mà người khác còn chưa ăn thì mình không nên ăn quá nhiều. Đến đâu cũng phải quan sát xung quanh rồi hãy lựa chọn chỗ ngồi cho phù hợp để không bất kính với người lớn tuổi, và còn phải chú ý: “Ăn tuỳ nơi, chơi tuỳ chốn” nữa.
Nói về cái việc ăn, không chỉ đơn thuần là giải quyết nhu cầu sinh hoạt của con người, mà còn thể hiện sự giáo dưỡng và hàm chứa nét văn hoá ở trong đó. Ngày trước các gia đình tương đối đông con và thường sống chung nhiều thế hệ. Cuộc sống thanh đạm, nguồn thực phẩm không nhiều, mỗi bữa ăn đều trân quý trong không khí đầm ấm của cả gia đình.
Gia đình tôi không sống chung cùng ông bà, nên mỗi khi có ông bà đến chơi, cha mẹ tôi thường dặn các con phải xới cơm cho ông bà trước, khi xới cần chú ý lấy phần cơm ở giữa nồi. Mẹ bảo phần cơm ở giữa nồi là phần cơm chín nục nhất, dẻo thơm nhất. Cơm phía trên có thể bị sượng, bị đọng nước, có khi còn có mùi khói. Ở bên cạnh và đáy nồi thì là cơm cháy, ông bà có tuổi rồi, răng lợi không còn chắc khoẻ, ăn cơm cháy không tốt.
Ăn trông nồi còn thể hiện ở chi tiết bao giờ cũng đề dành phần ngon nhất cho người già và trẻ nhỏ. Trong nhà đông nhân khẩu, anh, chị em sàn sàn tuổi nhau có thể chí choé, tị nạnh, nhưng với em bé nhất thì không bao giờ có thái độ đó.
Nghĩ cho người khác
Ăn trông nồi còn thể hiện sự nhường nhịn lẫn nhau, làm gì cũng nghĩ cho người khác trước. Gia đình có thể đông khẩu ăn, nguồn thực phẩm có thể còn hạn hẹp, nhưng mỗi bữa ăn đều êm đềm hoà ái, vì ai cùng biết “trông nồi”, tự khắc chế dục vọng về ăn của bản thân mình, để ai ai cũng có phần. Nhà đông anh chị em, nên bố mẹ tôi thường yêu cầu các con chia phần, có mớ ổi chín, cái bánh đa hay đấu bỏng… đều chia phần cho từng người, bữa ăn thường ngày thì “Cơm ba bát, áo ba manh”. Bố mẹ bảo cái gì cũng vừa độ thì không bao giờ lo có lúc quá đói, hay quá rét. Mỗi bữa mỗi người ba lượt xới, đầy hay vơi phụ thuộc vào lượng cơm mỗi bữa.
Bữa nào có thịt hay cá thì xem chừng lượng nhiều ít mà mẹ đưa ra quy định: Mỗi con được ba miếng thịt hay một khúc cá. Tuy là chia phần nhưng mọi người đều hiểu việc đó chỉ là tương đối, với em bé hơn, và bậc cha, mẹ, ông, bà, người vắng mặt đều được dành phần nhiều hơn, ngon hơn. Và có những món không chia phần mà chỉ dành riêng cho người già, trẻ nhỏ hoặc người ốm yếu.
Thời đó mọi nhà đều giáo dục con em mình như vậy, nên thấy việc đó là hết sức bình thường. Dù bố, mẹ chưa bao giờ yêu cầu các con phải đối xử thế này, thế kia với mình, nhưng như một lẽ tự nhiên các con luôn tôn trọng và yêu quý, bố, mẹ, ông bà. Có món gì ngon bao giờ cũng phần bề trên trước rồi mới chia nhau.
Tôi còn nhớ có buổi trưa hè, mấy anh chị nhà hàng xóm vừa vít cành hái ổi vừa tranh luận loé xoé: Chị lớn bảo quả này, anh lớn bảo quả kia, các em lại đòi quả khác. Thấy ồn ào, mấy chị em tôi tò mò lắng nghe xem sao… Thì ra đó là cây ổi mới bói, quả sai trĩu cành nhưng mới có vài quả ương ương ửng vàng. Quả này, quả kia không phải là họ tranh về phần mình mà là tranh phần để dành cho u, cho thầy. Phát hiện quả này đã ngon rồi, lát sau lại tìm thấy quả khác còn ngon hơn, chín hơn…
Cuộc tranh luận cuối cùng cũng kết thúc và phần của thầy u cũng chỉ được thầy u nếm qua một chút rồi lại: “Cho cả các con đấy”. Cũng giống như nhà tôi, mấy anh chị em nhà bên sung sướng được chia phần một lần nữa.
Việc nhỏ, đạo lý sâu xa
Càng suy nghĩ càng thấy việc “Ăn trông nồi…” có những ý nghĩa to lớn hơn. Không chỉ ở bề mặt cái sự ăn uống mà còn có ý nghĩa rộng hơn trong cách hành xử với những người xung quanh mình. Ở nhiều đơn vị công tác, khi biết nghĩ cho người khác trước, mọi người sẽ nhường phần việc nhẹ hơn cho những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn. Khi phân chia phúc lợi cũng nhường nhịn nhau. Dù phần việc của anh, chị ấy nhẹ hơn, nhưng không vì thế mà phần phúc lợi của họ bị bớt đi, bởi nhiều lẽ, có thể anh ấy, chị ấy, sức khoẻ kém, mà lại nặng gánh gia đình phải nuôi cha mẹ già, con cái lại ốm yếu…
Trong gia đình, nếu không biết nghĩ cho người khác trước mà chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mình thì dễ dẫn đến bất hoà, anh chị em từ mặt, thậm chí đánh nhau, kiện cáo nhau ra tòa chỉ vì phân chia tài sản thừa kế của cha mẹ, tình thân quyến cũng chẳng còn.
Nhưng còn nhiều gia đình giữ được nề nếp gia phong, biết nhường nhịn, nghĩ cho nhau trước mà bù đắp cho những người còn thiếu thốn, khó khăn hơn. Không những không đòi phần thừa kế mà còn bù trừ cho anh, chị hay em mình phần nhiều hơn.
Tôi còn nhớ có một lần đến vãn cảnh chùa vào một mùa Vu Lan báo hiếu, trong khi ngồi tĩnh lặng bên hàng hiên, câu chuyện của một nhóm người ngồi gần đó cứ văng vẳng bên tai. Một chị kể chuyện về những người chị em trong nhà chị gặp khó khăn thế này, khó khăn thế kia. Và những lúc đó chị ấy đã không ngần ngại giúp đỡ họ. Nhờ vậy bây giờ anh chị em của chị đều đã ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả và không quên sự giúp đỡ của chị. Cuối cùng chị kết luận, cho đi là còn mãi…
Câu chuyện của chị và đạo lý sâu xa trong việc “Ăn trông nồi…” bố mẹ dạy từ ngày thơ bé đã giúp tôi hành xử thiện tâm hơn trong các mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Hoài Thu