Câu chuyện thành ngữ: Khổng Tử ca ngợi vị hiền nhân này không cần ‘tam tư nhi hành’
Câu “Tam tư nhi hành” (suy nghĩ ba lần rồi mới hành động) là một thành ngữ khá phổ biến, có hàm ý căn dặn và nhắc nhở mọi người làm việc cần phải thận trọng, sau khi suy nghĩ nhiều lần rồi mới thực hiện. Trong cuốn “Luận ngữ – Công dã tràng” có câu: “Quý Văn Tử tam tư nhi hậu hành”, nghĩa là Quý Văn Tử khi gặp sự việc luôn thận trọng suy nghĩ tới lui ba lần rồi mới hành động. Sau này, câu “Tam tư nhi hành” có ý ví von với việc hành sự thận trọng.
Quý Văn Tử được nhắc đến trong “Luận ngữ” là Chính khanh đại phu Quý Tôn Hạnh Phủ của nước Lỗ thời Xuân Thu. Ông họ Cơ, Quý là chi họ, “Tôn” là cách xưng hô kính trọng, tên là Hạnh Phủ, “Văn” là Thụy hiệu của ông. Vào thời Lỗ Văn Công, Quý Văn Tử (khoảng 651 – 568 TCN) được bổ nhiệm làm Tiết sứ, đi sứ đến các nước như nước Trần, nước Tấn…. Sau đó, ông làm quan nước Lỗ trong hơn 30 năm (năm 601 – 568 TCN), trải qua ba đời quốc quân Lỗ Tuyên Công, Lỗ Thành Công và Lỗ Tương Công.
Khổng Tử sau khi nghe “Quý Văn Tử tam tư nhi hậu hành”, liền đánh giá nói: “Suy nghĩ hai lần là đủ rồi” (‘Tái, tư khả hĩ’: Suy nghĩ lại lần nữa là được rồi). Câu nói này của Khổng Tử phải chăng có hàm ý gì khác? Quả thực là như vậy. Chúng ta không thể suy xét câu nói đánh giá này của Khổng Tử khi tách rời bối cảnh lịch sử của con người và thời kỳ lúc bấy giờ. Những ai đã đọc qua “Luận ngữ” đều biết rằng Khổng Tử là bậc thầy dạy dỗ học trò rất cao siêu. Sự dạy bảo của ông đối với từng học trò có tính cá biệt. Có nghĩa là, ông sẽ căn cứ vào tài năng, tính tình, đặc điểm và hoàn cảnh của mỗi người để đưa ra những “cách giáo dục” khác nhau. Ông nói Quý Văn Tử xử sự và hành động chỉ cần “suy nghĩ lại lần nữa” là đủ rồi. Thực ra đây là một câu khen ngợi Quý Văn Tử, ca ngợi tài năng và đức hạnh của ông, hiếm khi mắc sai lầm.
Trong các sách sử thời Xuân Thu Chiến Quốc và sách sử các đời sau có rất nhiều ghi chép về Quý Văn Tử. Những ghi chép này đều ca ngợi phẩm đức cao quý, vừa liêm khiết vừa trung thành của ông. Ví dụ như:
Trong cuốn “Sử ký – Lỗ thế gia” có ghi năm thứ năm thời Lỗ Tương Công: “Quý Văn Tử qua đời. Thê thiếp trong nhà không mặc y phục bằng tơ lụa, ngựa trong chuồng không nuôi bằng kê lúa, trong phủ không có vàng ngọc, với sự liêm khiết ấy ông làm tướng qua ba đời quốc quân.”
“Quốc ngữ – Chu ngữ trung” ghi rằng: “Quý Văn Tử và Mạnh Hiến Tử đều cần kiệm.”
“Hậu Hán Thư” ghi chép: “Thiếp của Quý Văn Tử không mặc y phục làm bằng tơ lụa, được người nước Lỗ ca tụng.”
“Tiềm phu luận – Át lợi” cũng ghi lại rằng: “Quý Văn Tử làm tướng bốn đời quốc quân, ngựa không cho ăn bằng hạt kê, thiếp không mặc y phục làm bằng tơ lụa”. (Làm tướng bốn đời quốc quân, bao gồm làm tiết sứ thời Lỗ Văn Công).
Những sách sử kể trên đều nói về đức tính liêm khiết không xa hoa của Quý Văn Tử. Người bình thường không xa hoa, có thể là do nguyên nhân điều kiện kinh tế không cho phép. Tuy nhiên làm tướng của một nước lại có thể không xa xỉ, không hoang phí, không tích trữ vàng ngọc, là điều vô cùng hiếm có. Hơn nữa, ông còn duy trì trước sau như một, từ khi sinh ra cho đến khi qua đời luôn giữ vững phẩm đức liêm khiết, lại càng là điều đáng quý. Không chỉ bản thân Quý Văn Tử không màng đến vàng bạc tiền tài, mà thê thiếp của ông cũng không mặc xiêm y tơ lụa, ngựa trong chuồng nhà ông chỉ được cho ăn bằng cỏ, chứ không cho ăn bằng lương thực ngũ cốc.
Dưới thời Lỗ Thành Công, có một lần, đại phu nước Lỗ là Trọng Tôn Tha (có sách viết là Trọng Tôn Đà), đã khuyên bảo Quý Văn Tử rằng: “Ông là Thượng khanh của nước Lỗ, phò tá hai đời quốc quân, vậy mà, thiếp trong nhà không mặc y phục bằng tơ lụa, ngựa chỉ cho ăn cỏ mà không phải thức ăn ngon. Người dân sẽ cho rằng ông quá keo kiệt, hơn nữa đối với quốc gia mà nói cũng chẳng vẻ vang gì!”
Quý Văn Tử trả lời: “Tôi cũng muốn giàu có rộng rãi như ông nói! Thế nhưng, tôi thấy dân chúng trong nước còn rất nhiều người ăn thức ăn thô, mặc quần áo vải thô, nên tôi không thể làm như thế được. Dân chúng ăn thức ăn thô, mặc quần áo thô, mà tôi lại nuôi dưỡng thê thiếp và ngựa cho đẹp đẽ mập mạp, đó không phải là việc mà người phò tá vua nên làm! Huống hồ, tôi nghe nói đức hạnh cao thượng có thể làm tăng vẻ vang cho nước nhà, chứ chưa từng nghe nói dùng thê thiếp xinh đẹp và ngựa béo để tăng thêm vinh quang cho đất nước.”
Đức hạnh của Quý Văn Tử cũng ảnh hưởng đến Trọng Tôn Tha. Sau đó, Quý Văn Tử đã nói với phụ thân của Trọng Tôn Tha là Mạnh Hiến Tử về việc này. Sau khi Mạnh Hiến Tử biết chuyện, đã cấm túc Trọng Tôn Tha ở trong nhà suốt bảy ngày không cho ra ngoài. Trọng Tôn Tha là người có khả năng phản tỉnh rất cao, nên từ đó trở đi, các thiếp thất của ông chỉ dùng vải bố để may y phục, và số lượng vải bố cũng có giới hạn. Thức ăn cho ngựa cũng đổi thành cỏ dại. Sau khi Quý Văn Tử biết chuyện đã nói: “Người phạm lỗi lầm mà có thể sửa đổi thì là bậc thượng nhân trên người khác rồi.” Vì vậy, ông đã tiến cử Trọng Tôn Tha lên làm Thượng đại phu của nước Lỗ.
Sự liêm khiết và trung thành của Quý Văn Tử không chỉ được người dân nước Lỗ biết đến mà ngay cả những người bên ngoài nước Lỗ cũng đều rất kính trọng. “Sử ký – Lỗ thế gia” ghi: “Năm (Lỗ Thành Công) thứ 16, Tuyên Bá thỉnh cầu nước Tấn, muốn sát hại Quý Văn Tử.” Ý nói Tuyên Bá đố kỵ với quyền thế của Quý Văn Tử, muốn liên kết sức mạnh của nước lớn là nước Tấn để sát hại ông. Kết quả, “Văn Tử là người có nghĩa, người Tấn không đồng ý.” Chính là nói rằng Quý Văn Tử tuy nắm quyền lực lớn nhưng luôn trung trinh giữ tiết nghĩa, một lòng muốn giữ yên xã tắc bảo vệ quốc dân. Ngay cả người dân nước Tấn cũng ngưỡng mộ tấm lòng trung nghĩa của ông. Họ căn bản họ không muốn sát hại Quý Văn Tử, làm rối loạn thế cục nước Lỗ để từ đó trục lợi.
Trong “Hán thư – Ngũ Hành chí hạ” cũng ghi chép một đoạn như sau: “Tuyên Công năm thứ ba… họa loạn xảy ra từ miệng, may mắn có Quý Văn Tử đã tránh được tai họa.” Người có đức hạnh cao thượng hiển nhiên sẽ được Thượng Thiên chiếu cố, bảo hộ.
Quý Văn Tử phò tá ba đời quốc quân nước Lỗ trong hơn 30 năm. Ông liêm khiết, trung thành với quốc quân, yêu dân yêu nước. Lỗ Tương Công lên ngôi khi mới ba tuổi, [lúc này] Quý Văn Tử trung thành với quốc gia xã tắc, với Quân chủ, không hề có cử chỉ bất kính hay ý đồ tiếm quyền. Sau khi ông qua đời được ban thụy hiệu “Văn”. Điều này thể hiện đạo đức thông tuệ sâu dày của ông. Trong “Thụy pháp” nói: “Đạo đức sâu dày gọi là Văn.” Khổng Tử nói Quý Văn Tử không cần phải suy nghĩ ba lần, “thêm một lần nữa là đủ rồi”. Câu nói này của Khổng Tử chính là ca ngợi Quý Văn Tử, một người có phẩm cách nghiêm cẩn, trung thành và liêm khiết!
Mọi việc trên đời, chỉ cần giữ vững thiện niệm, biết suy nghĩ cho người khác thì chính là đạo lý cân nhắc tốt nhất. Hơn nữa người có thiện niệm biết cân nhắc sẽ không chỉ có được sự an toàn, mà còn nhận được phúc báo lớn hơn. Cuộc đời của Quý Văn Tử chính là một ví dụ thực tế.
Xem thêm:
Công năng dao thị và tiên đoán của Khổng Tử