Câu chuyện thành ngữ: Hoàn bích quy Triệu
Thành ngữ “Hoàn bích quy Triệu” hình dung một vật được trả về nguyên vẹn với chủ cũ.
Thành ngữ liên quan: Vật quy nguyên chủ (Vật về chủ cũ)
Vào thời Chiến Quốc, Huệ Văn Vương của nước Triệu có một viên ngọc bích họ Hòa vô cùng giá trị. Ngọc bích là một loại ngọc hình tròn có một lỗ hổng ở chính giữa. Tương truyền viên ngọc bích này được một người tên là Biện Hòa phát hiện ở núi Sở. Trước khi ngọc được chạm khắc, hình dáng bên ngoài của nó không khác gì một hòn đá.
Khi Biện Hòa dâng hòn đá này cho Sở Lệ Vương, Lệ Vương cho rằng ông bị điên, bèn sai người chặt chân trái của ông. Sau đó, Biện Hòa lại dâng hòn đá này cho con trai của Lệ Vương là Vũ Vương, Vũ Vương cũng cho rằng ông thần trí không bình thường, nên lại sai người chặt chân phải của ông. Sau khi con trai của Vũ Vương là Văn Vương kế vị, nghe tin Biện Hòa ôm một hòn đá khóc lóc thảm thiết dưới chân núi Kinh Sơn. Sau khi hỏi rõ sự tình, Văn Vương sai người mang hòn đá về chạm khắc, quả nhiên là một viên ngọc quý lấp lánh tuyệt đẹp. Vì vậy vua đặt tên cho viên ngọc này là Ngọc bích họ Hòa. Sau này, viên ngọc được truyền đến tay Triệu Huệ Văn Vương.
Tần Chiêu Vương sau khi biết chuyện, vì muốn có được viên ngọc này nên phái người gửi một phong thư cho Triệu Vương bày tỏ ý muốn đổi 15 thành trì lấy Ngọc bích họ Hòa. Triệu Vương vô cùng khó xử, nếu không tặng thì sợ quân Tần xâm lược, còn nếu tặng thì e rằng Tần Vương không giữ lời hứa. Đại quan Mậu Hiền bèn kiến nghị Triệu Vương thỉnh mời Lạn Tương Như – một người trí dũng song toàn đến để thương lượng đối sách.
Lạn Tương Như nói với Triệu Vương rằng: “Thần nguyện ý mang ngọc đi sứ sang nước Tần, nếu như nước Tần giữ lời hứa cắt 15 thành trì cho chúng ta thì thần sẽ dâng ngọc bích cho Tần Vương. Nếu như nước Tần không chịu cắt đất thì thần nhất định ‘hoàn bích quy Triệu’”.
Khi Lạn Tương Như đến nước Tần, vừa nhìn đã biết Tần Vương không hề có thành ý muốn cắt đất, bèn đứng dậy đi tới trước mặt Tần Vương và nói: “Viên ngọc bích này tuy là trân bảo hiếm có trên thế gian, nhưng nó vẫn có một chút sai sót nhỏ, để tôi chỉ cho đại vương xem”.
Tần Vương cho rằng là thật, bèn lo lắng đưa ngọc cho Lạn Tương Như. Lạn Tương Như sau khi lấy được ngọc bèn đi đến cạnh cây cột, giơ ngọc lên cao rồi tức giận nói rằng: “Đại vương vốn dĩ không muốn cắt thành cho chúng tôi. Nếu ngài nhất định ép tôi giao ngọc, khiến tôi phải tay không trở về nước Triệu, thì tôi sẽ không tiếc mà hy sinh cái đầu của mình, cùng với Ngọc bích họ Hòa lao vào cột này cho vỡ nát cả”.
Tần Vương lo sợ Lạn Tương Như sẽ thật sự đập vỡ ngọc, cho nên lập tức thay đổi thái độ, chỉ cho Tương Như xem vị trí của 15 thành trì trên bản đồ. Lạn Tương Như nhìn thấy ánh mắt giảo hoạt của Tần Vương thì biết rằng ông ta vẫn không có ý định cắt thành, vì vậy ông yêu cầu Tần Vương phải trai giới 5 ngày, đến lúc đó ông mới dâng ngọc. Tần Vương bất đắc dĩ đành phải đồng ý.
Lạn Tương Như âm thầm sai tùy tùng mang theo ngọc, men theo con đường nhỏ trở về nước Triệu giao trả ngọc cho Triệu Vương. Năm ngày sau, Tần Vương vui mừng phấn khởi chuẩn bị nhận Ngọc bích họ Hòa, nhưng không ngờ rằng Lạn Tương Như dùng lời lẽ nghiêm nghị đanh thép mà nói với Tần Vương rằng: “Tôi sớm đã phái người mang ngọc trả về nước Triệu rồi. Đại vương nếu thật có thành ý thì thỉnh mời ngài cắt thành trước rồi phái sứ thần sang nước Triệu, Triệu Vương tự nhiên sẽ dâng ngọc”.
Tần vương tức giận chỉ muốn một đao chém chết Lạn Tương Như. Nhưng sau đó lại nghĩ, nếu giết chết Lạn Tương Như thì không những không có được ngọc họ Hòa, mà còn làm hỏng tình hữu nghị giữa hai nước Tần – Triệu, đồng thời còn bị thiên hạ cười chê. Cuối cùng đành phải cho qua, xem như không có chuyện gì.
Sau khi Lạn Tương Như về nước, Triệu Vương cho rằng ông đã không hổ thẹn với sứ mệnh của mình, vừa bảo toàn được Ngọc bích họ Hòa, còn lấy lại được danh dự cho nước Triệu, bèn phong ông làm Đại phu. Về sau, nước Tần không cắt đất cho nước Triệu, và nước Triệu cũng không dâng Ngọc bích họ Hòa cho nước Tần.
***
Câu chuyện liên hệ: Tôn Ngộ Không ba lần mượn quạt ba tiêu
Chuyện rằng Đường Tam Tạng thu nạp Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Hòa Thượng làm đồ đệ, cùng nhau đi Tây phương thỉnh Kinh. Trên đường đi, đột nhiên cảm thấy vô cùng nóng nực, thì ra là đã đến Hỏa Diệm sơn. Hỏa Diệm sơn lửa bốc cao ngút trời, bắt buộc phải dùng đến “quạt ba tiêu” của công chúa Thiết Phiến để dập tắt lửa.
Thiết Phiến công chúa là phu nhân của Ngưu Ma Vương, nhìn thấy Tôn Ngộ Không thì liền nhớ đến mối hận cũ về việc con trai Hồng Hài Nhi bị Tôn Ngộ Không trêu chọc. Tôn Ngộ Không không những không mượn được quạt, mà ngược lại còn bị Thiết Phiến công chúa dùng quạt ba tiêu quạt bay đến núi Tiểu Tu Di cách xa hơn năm vạn dặm.
Sau đó, Ngộ Không liền hóa thành con sâu nhỏ chui vào bụng của công chúa đại náo một trận, công chúa đau đớn đến mức không chịu nổi, đành phải đồng ý cho mượn quạt ba tiêu. Không ngờ công chúa không giữ lời, đưa quạt giả cho Ngộ Không. Ngộ Không vô cùng tức giận liền biến thành Ngưu Ma Vương để lấy quạt thật. Ngưu Ma Vương cũng biến thành Trư Bát Giới đoạt lấy quạt về.
Hai người đại chiến một trận, làm kinh động đến Chư Thần. Thần trợ giúp Ngộ Không đánh bại Ngưu Ma Vương. Tôn Ngộ Không cuối cùng cũng mượn được quạt ba tiêu, sau khi quạt tắt Hỏa Diệm sơn thì tuân thủ lời hứa “hoàn bích quy Triệu”, đem quạt trả lại cho Thiết Phiến công chúa.
Trích từ “Văn học vỡ lòng dành cho trẻ em” của Nhà sách Hoa Nhất, Đài Loan.
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ