Câu chuyện thành ngữ: Thuyền cỏ mượn tên
Chu Du thấy Gia Cát Lượng có tài cán, muốn tìm cơ hội diệt trừ ông. Một hôm, Chu Du mượn việc công làm cớ, yêu cầu Gia Cát Lượng trong vòng mười ngày phải làm ra mười vạn mũi tên. Không ngờ Gia Cát Lượng đã đồng ý nhận lời, còn nói chỉ cần thời gian ba ngày. Chu Du rất vui mừng, cùng Gia Cát Lượng lập thành quân lệnh trạng.
Gia Cát Lượng lặng lẽ đến tìm Lỗ Túc, nói: “Ông cho tôi mượn 20 chiếc thuyền, trên mỗi chiếc thuyền cần 30 lính. Dùng vải bố xanh che lại, hai bên mạn thuyền buộc hơn một ngàn bó cỏ.”
Lỗ Túc đồng ý với Gia Cát Lượng. Đến canh bốn ngày thứ ba, Gia Cát Lượng và Lỗ Túc ngồi vào một trong hai mươi chiếc thuyền này, dẫn đoàn thuyền vượt sông. Lúc này sương mù đầy trời, trên sông mờ mịt đến nỗi người đối diện với người cũng nhìn không rõ mặt. Khi đoàn thuyền đến gần doanh trại của Tào Tháo ở bờ phía Bắc, Gia Cát Lượng hạ lệnh cho đội thuyền dàn thành thế chữ nhất (一), rồi lệnh cho các tướng sĩ trên thuyền nổi trống hò hét.
Tào Tháo không biết chuyện này hư thật thế nào, cho nên không dám xuất binh. Tào Tháo điều động hơn vạn binh sĩ nhằm hướng giữa sông mà bắn tên, mũi tên rớt xuống giống như mưa rơi. Gia Cát Lượng lại lệnh hai mươi chiếc thuyền quay đầu, tiếp tục nổi trống hò hét. Trời cũng sắp sáng rồi, nhưng sương mù vẫn chưa tan. Lúc này, trên những bó cỏ buộc hai bên 20 chiếc thuyền đã cắm đầy mũi tên. Gia Cát Lượng hạ lệnh cho đoàn thuyền trở về. Lúc này Tào Tháo mới biết được mình bị lừa rồi.
Lỗ Túc vô cùng bội phục Gia Cát Lượng, ông hỏi: “Làm sao tiên sinh biết được hôm nay có sương mù vậy?” Gia Cát Lượng nói: “Làm tướng quân sao có thể không biết thiên văn, địa lý và âm dương? Ba ngày trước tôi đã tính biết hôm nay có sương mù rồi.”
Cứ như vậy Gia Cát Lượng đã hoàn thành nhiệm vụ có được mười vạn mũi tên.
Câu thành ngữ “Thuyền cỏ mượn tên” là dùng để miêu tả mưu kế thần kỳ.
(Thành ngữ có nguồn gốc từ tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa”)