Tam quốc diễn nghĩa
Lời mở đầu Tam Quốc diễn nghĩa có viết: “Phàm thế cuộc trong thiên hạ, chia rồi lại hợp, hợp rồi lại chia.”
Giới thiệu
Bối cảnh diễn ra vào thế kỷ thứ ba, nhà Hán một thời huy hoàng đang lâm vào giai đoạn suy yếu. Những người tự coi mình là thế hệ kế tục quyền lực đã đẩy đất nước này đến bờ vực chiến tranh. Hoạn quan chuyên quyền, vua chúa sa sút, và những bậc anh hùng đã sinh ra trong trận tranh hùng lịch sử này. Bách tính kỳ vọng cảnh thái bình và không khỏi băn khoăn cuộc sống của họ sẽ ra sao khi chiến tranh nổ ra trên mảnh đất này. Triều đại [nhà Hán] dường như đã đánh mất “Thiên mệnh” của mình — mọi việc sẽ đi về đâu?
Đây là bối cảnh của thiên tiểu thuyết văn học “Tam Quốc diễn nghĩa”, một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc (gồm có Tây Du Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng và Tam Quốc diễn nghĩa). Vào thế kỷ 14, tác giả La Quán Trung dựa trên cơ sở lịch sử và những câu chuyện dân gian đã biên soạn nên thiên tiểu thuyết phong phú, miêu tả được những vấn đề xã hội và chính trị của thời đại đó.
Thêm nữa, đây còn được xem là bộ sách chỉ dẫn chiến lược quân sự vốn được sánh với cuốn “Binh pháp Tôn Tử”. Thông qua hàng nghìn trang viết, độc giả được tiếp cận hàng chục nhân vật mang tính biểu tượng trong lịch sử, và chứng kiến các trận chiến lớn nhỏ. Tam Quốc là một phần cốt lõi trong bản sắc văn hóa Trung Hoa, và đặc biệt là chữ “Nghĩa”, một yếu tố không thể thiếu được tạo nên một xã hội hài hòa.
Tiết mục vũ đạo “Thuyền cỏ mượn tên” của Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun 2015 đã kể về một trong số những mưu lược xuất sắc trong thiên tiểu thuyết lịch sử này.
Tam Quốc chiến
Trong bối cảnh quan lại và tướng lĩnh tranh hùng giành quyền lực thống trị, ba vị thủ lĩnh kiệt xuất đã sớm xuất hiện, bao gồm Lưu Bị, Tào Tháo và Tôn Quyền. Họ đều là những nhân vật uy hùng, can đảm và mưu trí, mỗi người đều đam mê theo đuổi tham vọng của mình. Họ đều là người đứng đầu các quốc gia của mình, đó là nước Ngụy, Thục và Ngô. Mỗi người đều mong muốn thống nhất các quốc gia, bình định thiên hạ.
Với sự phò tá của những quân sư tài ba và những tướng lĩnh can đảm nhất thời bấy giờ, ba vị thủ lĩnh này đã gây dựng quyền lực và đối mặt trong trận chiến hùng tráng vì tương lai của Trung Hoa.
Thục quốc
Lưu Bị được mô tả là một địch thủ xứng tầm. Ông là người có lòng nhân từ bác ái, nhưng lại không có trong tay nguồn lực dồi dào như các đối thủ của mình. Tuy nhiên, chí khí của ông lại thu hút được nhiều phò tá đắc lực, những quân sư tài ba và chiến binh bách chiến bách thắng. Họ đã cùng liên kết và gây dựng thành công quốc gia của mình.
Sự liên kết của họ được khắc họa trong một phân đoạn nổi tiếng trong Tam Quốc diễn nghĩa: “Kết nghĩa vườn đào”. Lưu Bị đã kết nghĩa với hai huynh đệ của mình là Trương Phi và Quan Vũ.
Họ đã thề: “Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày.”
Mối quan hệ giữa ba nhân vật này đã trở thành một chủ đề xuyên suốt câu chuyện. Sau này, ảnh hưởng của Lưu Bị tăng lên nhanh chóng sau khi có được sự phò tá của Gia Cát Lượng, một đạo sĩ uyên thâm và chiến lược gia xuất chúng. Một trong những câu chuyện kỳ thú nhất của tác phẩm, “Thuyền cỏ mượn tên“, chính là một chiến tích của Gia Cát Lượng.
Ngụy quốc
Trong Tam Quốc, Tào Tháo chính là đối thủ đáng gờm của Lưu Bị. Dưới đây là một ví dụ minh chứng cho điều này, thông qua đoạn đối thoại của Tào Tháo và Vương Hậu.
Tào Tháo: “Nay ta muốn mượn ngươi một vật để yên bụng chúng, ngươi đừng nên tiếc.”
Vương Hậu hỏi: “Thừa tướng muốn dùng cái gì của tôi?”
Tào Tháo nói: “Ta muốn mượn cái đầu của ngươi để dẹp bụng oán của ba quân.”
Vương Hậu thất kinh, kêu oan. Tào Tháo lại nói: “Ta cũng biết ngươi không có tội, nhưng không giết ngươi thì lòng quân sinh biến. Ngươi chịu chết vậy, để vợ con, ta nuôi cho, ngươi đừng lo gì cả.”
Tào Tháo đã gây dựng được lực lượng quân sự hùng mạnh và có được sự trung thành của nhiều thành trì. Ông còn là một nhà thơ tài năng, để lại những tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn đến trào lưu thi ca Trung Hoa.
Để biết thêm về Tào Tháo, vui lòng đọc trang blog “Những nhân vật tuổi Mùi vĩ đại của Trung Hoa.”
Ngô quốc
Trong khi đó, Tôn Quyền lại nắm giữ hầu hết miền Nam Trung Quốc. Năm 18 tuổi, sau khi anh trai bị ám sát, Tôn Quyền, được khắc họa với bộ râu đỏ, đã lên nắm quyền. Trong trận chiến quyết định cục diện Tam Quốc, “Trận Xích Bích”, Tôn Quyền đã liên minh với Lưu Bị nhằm ngăn không cho quân Tào Tháo tiến qua sông Dương Tử (sông Trường Giang).
Tuy nhiên, liên minh của họ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, và tam quốc tiếp tục tranh hùng vì tương lai của Trung Quốc. Dù vậy, trong câu chuyện đầy mê hoặc này, cho dù là giành chiến thắng hay phải hy sinh, mỗi hồi chuyện đều chứa đựng nội hàm của chữ “Nghĩa”.
Nội hàm của chữ “Nghĩa”
Trong tiêu đề của cuốn tiểu thuyết, Tam Quốc diễn nghĩa, chữ “Nghĩa” có thể hiểu chính xác nhất là “trượng nghĩa” hay “nghĩa vụ”. Tuy nhiên, hàm nghĩa của nó bao gồm cả danh dự, nhân từ, trung thành, vị tha và tình huynh đệ.
“Nghĩa” giảng giải mối quan hệ chuẩn mực giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, huynh đệ và bằng hữu. Trong xã hội Trung Quốc truyền thống, có một nguyên lý bất di dịch rằng, cho dù xảy ra chuyện gì, người ta đều phải giữ chữ “Nghĩa”.
Có lẽ hình tượng lớn nhất của Nghĩa có thể được thấy ở nhân vật Quan Vũ, hay còn được gọi là Quan Công. Người đời sau đã dựng đền thờ Quan Vũ và tôn sùng ông là Võ Thần. Một lần, Quan Vũ xin lâm trận lấy đầu Hoa Hùng, Tào Tháo đã mời Quan Vũ một chén rượu, tuy nhiên ông không uống mà nói rằng sẽ uống khi quay lại. Không lâu sau, ông đã mang đầu Hoa Hùng trở lại và chén rượu vẫn còn ấm, tích này vì thế được gọi là “rượu ấm trảm Hoa Hùng”.
Hình ảnh bộ râu dài, tinh thần kiên trung giữ chữ “Nghĩa” khiến Quan Vũ trở thành nhân vật đáng nhớ nhất. Khi phải đối mặt với thất bại, vị tướng từng được mệnh danh là bất khả chiến bại đã thốt lên những lời bất tử.
“Vì chúa công, ta lấy tình thủ túc mà đền đáp. Lẽ nào ta bội nghĩa mà hàng giặc. Ngọc dầu có nát, chứ cái sắc không phai; tre dầu có cháy cũng không hư cái tiết. Thân ta dù thác, danh tiết cũng không nhơ.”
Để bảo vệ gia đình chúa công Lưu Bị, Quan Vũ đã từng phải đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo vốn từ lâu đã mến phục tài năng của Quan Vũ, tìm mọi cách để lôi kéo Quan Vũ về phía mình, ban tặng cho ông vàng bạc, danh hiệu và ngựa Xích Thố. Nếu một người không có ý chí vững vàng, thì có thể dễ dàng bị lay chuyển, nhưng Quan Vũ vẫn luôn tìm cách để trốn thoát. Ông đã bất chấp nguy hiểm và thương tích mà đưa gia quyến Lưu Bị trở về an toàn.
Tuy nhiên, Quan Vũ không bao giờ quên sự trọng vọng của Tào Tháo đối với ông, cho dù ông là kẻ thù của Tào. Sau này, Tào Tháo bị đánh bại trong “Trận Xích Bích” và phải chạy trốn cùng tàn quân của mình. Quan Vũ nhận lệnh chặn đường Tào Tháo ở Hoa Dung đạo. Đối mặt với Quan Vũ oai hùng, khi ấy Tào Tháo sức cùng lực kiệt gần như không còn cơ hội sống sót. Nhưng Quan Vũ đã tha cho Tào Tháo.
Quan Vũ, khi tha cho Tào Tháo, đã chấp nhận thà bị xử phạt vì bất tuân lệnh còn hơn là phản bội lại chữ “Nghĩa” nếu như giết chết ân nhân cũ của mình. Tất nhiên, Quan Vũ không bị trừng phạt, bởi vì quân sư Gia Cát Lượng là người hạ lệnh cho ông truy bắt Tào Tháo, và cũng chính Lượng đã tiên liệu được rằng Quan Vũ sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ này. Gia Cát Lượng biết rằng Trung Quốc vẫn cần có Tào Tháo duy trì thế chân vạc tam quốc, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.
Câu chuyện trường tồn
Với những nhân vật chính sáng ngời chữ Nghĩa và phía phản diện bất nghĩa, Tam Quốc diễn nghĩa, đặc biệt là Quan Vũ, đã để lại một bài học quan trọng nhất cho hậu thế. Không chỉ tác động sâu sắc tới văn hóa và xã hội Trung Hoa, danh tác này còn mang đến cái nhìn toàn cảnh về một thế giới cổ xưa tràn đầy dũng khí đạo đức và chính nghĩa, trong đó chữ Nghĩa là chất xúc tác gắn kết tất cả với nhau.
* * *
Bài viết đăng lại từ vi.shenyun.org