Bản hòa tấu vĩ cầm ‘Lương Chúc’
“Lương Chúc” là bản hòa tấu violin do hai nhà soạn nhạc Trung Quốc Hà Chiêm Hào và Trần Cương (thời sinh viên) sáng tác. Đây cũng là một trong những tác phẩm kinh điển nổi tiếng nhất của Trung Quốc và thường được biểu diễn trong các buổi hòa nhạc.
Vào thế kỷ 20, âm nhạc cổ điển và nhạc kịch phương Tây đã được truyền bá đến phương Đông. Rất nhanh sau đó, việc sử dụng dàn nhạc phương Tây để tạo ra các tác phẩm Trung Quốc đặc sắc đã trở thành một trào lưu. “Lương Chúc” là một trong những tác phẩm thành công nhất xuất hiện vào thời gian đó. Bản nhạc được viết theo thể Sonata, được chia thành ba phần, kể về câu chuyện truyền kỳ Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài thời Đông Tấn – từ lúc thanh xuân tươi đẹp, kết bái huynh đệ ở Thảo Kiều, hai người làm bạn học ba năm. Đến năm 18 tuổi, Lương Sơn Bá chia tay Chúc Anh Đài. Về sau Chúc Anh Đài không chấp nhận bị ép hôn, khóc lóc trước linh cữu của Sơn Bá, rồi biến thành hồ điệp ngay tại mộ của Sơn Bá.
Duyên phận và định mệnh xuyên suốt tác phẩm là những thăng trầm trải qua trong cuộc đời của họ. Phần Adagio Cantabile đầu tiên có giai điệu nhẹ nhàng, nhịp chậm, âm nhạc chủ đề dựa trên các yếu tố của hý khúc dân gian (Việt kịch).
Nhạc dân gian và hý khúc (Việt kịch) là hai hình thức âm nhạc được lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc. Hai tác giả Hà Chiêm Hào và Trần Cương biết rõ điểm này và đã đưa chúng vào tác phẩm một cách hợp lý. Dàn nhạc violin cũng xoay quanh việc mô phỏng ba loại nhạc cụ truyền thống tiêu biểu nhất của Trung Quốc là đàn nhị hồ, đàn tỳ bà và cổ tranh. Trong phần thứ nhất này, thanh âm của violin thể hiện nội tâm của Anh Đài, miêu tả thời thanh xuân hồn nhiên và hạnh phúc của nàng.
Vào thời Đông Tấn, nữ giới không được đến trường. Anh Đài cải trang thành nam tử để đi học, từ đó gặp Sơn Bá. Ở đây, tiếng đàn cello đại diện cho Lương Sơn Bá, hòa cùng tiếng violin như một bản song ca, diễn tả tình bạn thuần khiết và trân trọng lẫn nhau của họ.
Giống như trong câu chuyện, âm nhạc tràn đầy sức sống, thể hiện những trải nghiệm vui vẻ của Sơn Bá và Anh Đài trong hơn ba năm học cùng nhau. Tình bạn của họ ngày càng trở nên sâu sắc – nhưng có lẽ họ không biết định mệnh sóng gió đang chờ đợi họ. Kết thúc việc học, khi phải chia xa, họ hẹn ngày gặp lại.
Trong phần thứ hai, Pesante-Piu mosso-Duramente, tiết tấu thay đổi từ chậm đến nhanh, dồn dập và mạnh mẽ, đánh dấu thời điểm bi kịch đã tới – khi Anh Đài trở về nhà và phát hiện cha đã sắp đặt gả nàng cho một gia đình phú hộ. Tiếng violin độc tấu dần chuyển thành những hợp âm khiến người nghe rơi lệ, chống chọi với cả dàn nhạc, như thể hiện cảnh Anh Đài nhiều lần kháng cự với cha về cuộc hôn nhân.
Lúc này, Sơn Bá tới thăm Anh Đài, phát hiện nàng là nữ nhi, niềm vui trong chốc lát chẳng còn khi biết tin Anh Đài đã đính hôn. Song tấu violin và cello thể hiện sự bi thương của Anh Đài và Sơn Bá khi tâm nguyện thương yêu không tròn, sau đó mau chóng chuyển vào phần nhịp độ rất nhanh. Cổ bản, một nhạc cụ gõ nhịp thường được sử dụng trong Việt kịch, đưa dàn nhạc vào một chuỗi những nốt nhạc nhanh, thể hiện nỗi thống khổ và dày vò của Sơn Bá. Trong cơn bi thương tột cùng, Sơn Bá đổ bệnh và qua đời. Tiếng violin réo rắt như tiếng khóc đau thương của Anh Đài trước mộ Sơn Bá. Những nốt trượt trên violin mô phỏng các kỹ thuật thường được sử dụng trong hý khúc và đàn nhị hồ của Trung Quốc; âm hưởng của chũm chọe đầy kịch tính, rồi tiếng cồng vang dội – Anh Đài như bị nấm mộ nuốt chửng.
Phần cuối cùng, khúc Adagio Cantabile tái hiện, nhịp điệu chậm, lặp lại giai điệu chính của phần đầu tác phẩm. Ở đây, toàn bộ phần violin được chơi trên dây giảm âm, mô tả kết cục đẹp và buồn của mối tình Lương Chúc.
Video: https://etv.sh/pDWFU
Hàng năm, Shen Yun đều cho ra mắt các tiết mục hoàn toàn mới. Để thưởng thức trực tiếp các buổi diễn, mời quý vị vui lòng truy cập trang đặt vé: https://www.shenyun.com
Chào mừng quý vị tìm hiểu thêm:
IG: https://www.instagram.com/shenyunworks/
Facebook: https://www.facebook.com/ShenYunZuoPin