Versailles: Cung điện dành cho Vua Mặt Trời
Kỳ quan kiến trúc: Nghệ thuật truyền cảm hứng cho chúng ta qua các thời đại
Từ năm 1682 cho đến Cách Mạng Pháp năm 1789, liên tiếp các vị vua Pháp đã sống, làm việc và tổ chức các buổi chầu ở nơi sang trọng nhất: Cung Điện Versailles.
Vua Louis XIV bắt đầu truyền thống này sau khi mở rộng lâu đài trên đỉnh đồi của cha mình, một thôn trang nghỉ dưỡng xa hoa. Trong khoảng thời gian 50 năm, cung điện đã trở thành lâu đài lớn nhất và có ảnh hưởng nhất ở Âu Châu, và là cội nguồn của những phát minh nghệ thuật vĩ đại về kiến trúc, âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật trang trí.
Nhiều kiến trúc sư vĩ đại nhất của quốc gia đã thiết kế và xây dựng Cung Điện Versailles. Kiến trúc sư Louis Le Vau, người sớm vận dụng kiến trúc Baroque Pháp, đã thêm hai cánh đối xứng vào lâu đài gốc, tạo nên thiết kế hình chữ U đặc biệt của lâu đài. Mỗi cánh ở hai bên của sân trước là các căn hộ lớn dành riêng cho vua và hoàng hậu. Phòng ngủ của nhà vua được chuyển đến trung tâm của tòa nhà hình chữ U vào năm 1701.
Kiến trúc sư Jules Hardouin-Mansart, người được nhiều học giả tín nhiệm là đại diện cho những kiến trúc sư Baroque giỏi nhất nước Pháp, đã tạo ra Sảnh Gương nổi tiếng và mở rộng cung điện với những công trình xa hoa như Nhà Nguyện Hoàng gia và Đại Cung Trianon. Louis XIV giám sát chặt chẽ việc xây dựng Đại Cung Trianon, làm nơi nghỉ ngơi của ông khỏi cuộc sống cung đình. Hardouin-Mansart mô tả công trình này là “một cung điện nhỏ bằng đá cẩm thạch màu hồng và đá núi lửa, với những khu vườn tuyệt diệu.”
Cháu trai của Louis XIV, Vua Louis XV, đã ủy quyền cho kiến trúc sư Ange-Jacques Gabriel xây dựng Nhà hát Opera Hoàng gia tại Versailles, hoàn thành năm 1770, hiện thực hóa ý tưởng của ông cố.
Vào năm 1833, Vua Louis-Philippe đã trao cho cung điện một vai trò mới đầy vinh diệu là Bảo tàng Lịch sử Pháp, được khánh thành vào năm 1837 và dành cho “tất cả những huy hoàng của nước Pháp.”
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times