Cung điện Nymphenburg: Viên ngọc Âu Châu của lịch sử vùng Bavaria
Kỳ quan kiến trúc: Nghệ thuật truyền cảm hứng cho chúng ta qua các thời đại
Lịch sử, thần thoại, và lộng lẫy. Đây là ba từ để mô tả dinh thự Nymphenburg, viên ngọc kiến trúc nằm ở phía tây thành phố Munich, Đức, từng là dinh thự mùa hè nổi tiếng của các nhà cai trị xứ Bavaria.
Năm 1662, Tuyển hầu Ferdinand Maria xứ Bavaria (tiếng Đức gọi là Bayern) đã dành tặng một vùng đất bên ngoài thành Munich cho phu nhân gốc Ý của mình, bà Henriette Adelaide xứ Savoy, để kỷ niệm sự chào đời của người thừa kế ngai vàng, [con trai cả của họ] Max Emanuel. Hai năm sau, kiến trúc sư người Ý Agostino Barelli bắt đầu xây dựng một dinh thự mùa hè cho vị nữ tuyển hầu theo phong cách biệt thự kiểu Ý, và kiến trúc sư Henrico Zuccalli tiếp tục thực hiện dự án vào năm 1673.
Nữ tuyển hầu Henriette Adelaide yêu thích công trình kiến trúc này và gọi nó là “borgo delle ninfe” (“lâu đài của các nữ thần”). Năm 1701, con trai Max Emanuel của bà đã mở rộng địa sản đồng quê này, bổ sung thêm các gian nhà ở tráng lệ và các phòng trưng bày bên cạnh. Người kế nhiệm ông, Tuyển hầu Karl Albrecht, đã mở rộng cung điện Nymphenburg thành [quy mô] như chúng ta thấy ngày nay.
Tòa lâu đài có phong cách đa dạng từ baroque, rococo, và tân cổ điển, đồng thời kết hợp thần thoại Hy Lạp – La Mã với lịch sử vùng Bavaria. Từ năm 1805 đến năm 1918, các vị quân chủ được bầu chọn của vương triều Wittelsbach, Đức đã cư trú trong cung điện này với tư cách là người cai trị Vương quốc Bavaria.
Các bức bích họa, nội thất, và tranh vẽ trong những căn phòng của Max Emanuel được trang hoàng theo phong cách baroque. Bức bích họa trên trần ở đại sảnh thu hút người xem với đồ trang trí bằng vữa theo phong cách rococo. Các căn phòng của Nữ hoàng Caroline, mẹ của Vua Ludwig Đệ nhị nổi tiếng, thể hiện [nét đặc trưng của] thời kỳ trị vì của các vị quân chủ Bavaria theo phong cách tân cổ điển và phong cách của Đế chế Napoleon.
Lâu đài Nymphenburg mang lại một góc nhìn hấp dẫn về lịch sử xứ Bavaria. Đây vẫn là một trong những ví dụ điển hình nhất về việc kết hợp nhiều phong cách kiến trúc Âu Châu khác nhau trong cùng một lâu đài. Khi khuôn viên được mở rộng và nâng cấp theo phong cách của các vương triều ở mỗi thời đại, chúng phản ánh những ảnh hưởng văn hóa đa dạng đã làm nên lịch sử của vùng Bavaria.
Thục Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times