Lâu đài Azay-le-Rideau: Viên ngọc quý của Thung lũng Loire Pháp quốc
Nhà văn người Pháp Honoré de Balzac từng mô tả Lâu đài Azay-le-Rideau như “một viên kim cương đa diện được đặt ở Indre.” Một viên ngọc quý nằm giữa vô số lâu đài ở Thung lũng Loire, đây cũng là một trong những công trình kiến trúc Phục Hưng Pháp quốc lâu đời nhất.
Phần công trình chính do nhà quản lý tài chính của Vua Francis Đệ nhất Gilles Berthelot xây dựng từ năm 1518 đến năm 1528. Địa điểm đặc biệt này chuyển tải tất cả nét quyến rũ của thời kỳ Phục Hưng giai đoạn đầu, hòa trộn cả truyền thống Pháp và phong cách trang trí kiểu Ý mới mẻ. Lâu đài nhanh chóng trở thành biểu tượng cho một kiểu công trình xây dựng mới ở Thung lũng Loire, nơi cư ngụ ưa thích của vương thất Pháp.
Các nhà tài chính của hoàng gia như ông Berthelot bắt đầu thi công những dinh thự nguy nga để thiết lập vị thế xã hội của họ, kết hợp những đổi mới kiến trúc kiểu Ý (chịu ảnh hưởng từ các chiến dịch quân sự của họ ở Ý) với phong cách Phục Hưng Pháp.
Lâu đài Azay-le-Rideau đại diện cho thời kỳ chuyển tiếp này, và cầu thang lớn ở trung tâm là yếu tố quan trọng cho bước chuyển mình đó. Cầu thang được trang trí với các đặc điểm thời Phục Hưng Ý như cột trụ, trụ đỡ, trụ bổ tường, các lớp cấu trúc vòm vỏ chạm khắc, và một tầng hầm có trần dạng kẻ ô (coffered) trang trí huy chương của các nhân vật nổi bật. Một điểm nổi bật khác là mặt tiền tòa nhà với các tháp pháo và mái nhà nhọn sắc, gợi nhớ đến phong cách Gothic.
Thật không may, ông Berthelot không thể hoàn thành dự án của mình, vì vua Francis Đệ nhất đã tịch thu lâu đài vào năm 1535 sau khi ông Berthelot bị lưu đày. Một số kiến trúc sư tin rằng ban đầu ông Berthelot dự định bổ sung thêm một cánh để tạo thành sơ đồ mặt bằng hình chữ U đối xứng theo [phong cách] thiết kế của Ý, thay vì sơ đồ mặt bằng chữ L như hiện tại.
Vào thế kỷ 19, gia đình Biencourt phục hồi lại dinh thự này theo phong cách Tân Phục Hưng. Ngày nay, lâu đài được xếp hạng là di tích lịch sử, và một dự án trùng tu gần đây đã khôi phục lâu đài trở lại vẻ huy hoàng ngày trước, sửa chữa cả ngoại thất và nội thất với đồ dùng nguyên bản thời Phục Hưng.
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times