Thần thoại thời Thượng cổ (P.7): Nữ Oa thị dùng nhạc vũ trị thế, Thần Nông thị nếm bách thảo
Trong một số sử liệu ghi chép rằng: Sau thời đại của Phục Hy, Nữ Oa thị kế thừa vương vị, tổng cộng truyền được mười lăm đời, nhưng đều kế thừa xưng hiệu là Phục Hy, cho nên trong một số sử sách hoàn toàn không ghi chép về vị Nữ Oa này.
Nữ Oa thị dùng nhạc vũ trị thế, đồng hóa với đức của trời đất
Nữ Oa thị còn xưng là Hy thị, Nữ Hoàng, bà nguyên vốn là nữ Thần phụ tá Phục Hy, bởi vì giống với danh hiệu của thần Nữ Oa có công tạo ra con người, vá lại trời, cho nên thường bị nhầm lẫn.
Nữ Oa thị đã từng trợ giúp Phục Hy thực hiện chế độ lễ nghi mai mối hôn nhân. Bà cũng như Phục Hy, đều có đức hạnh của bậc Thánh nhân, dùng đức hạnh cao khiết để trị thiên hạ, không thiết lập pháp luật để cưỡng chế bách tính vào quy củ, bách tính nhờ vậy đều sùng tín người có phẩm đức cao cả.
Nữ Oa thị lệnh cho Nga Lăng thị… dùng âm khắp thiên hạ …, hợp với tinh tú nhật nguyệt, gọi là Sung nhạc. Sau khi thành tựu, thiên hạ đều an hòa, không nơi nào là không hiểu rõ – “Thái bình ngự lãm. Nhạc bộ tứ”
Nữ Oa thị đã tiến một bước dài trong việc sáng tạo âm nhạc và vũ đạo. Bà lệnh cho Nga Lăng thị chế tạo ra nhạc khí “Đô lương quản”, thống nhất thanh luật khắp thiên hạ; lại lệnh cho Thánh thị chế tác nhạc khí “Ban quản”, rồi căn cứ quy luật vận hành của tinh tú, nhật, nguyệt trong vũ trụ mà sáng tác ra điệu múa “Sung nhạc”.
Sau khi vũ điệu hoàn thành, vạn vật trong thiên hạ đều chìm trong vũ khúc tinh thâm, thể xác và tâm hồn đều có thể dung hội vào đức của trời đất mênh mang, vạn sự vạn vật không gì không cải biến và quy chính từ điểm vi tế nhất, đồng hóa với Đại đạo của vũ trụ, thảy đều tường hòa, trật tự.
Người tiếp nối Nữ Oa thị bảo hộ thiên hạ là Thần Nông.
Thần Nông cầu ngũ cốc, hưng chấn nông canh
Thiếu Điển thị xưa kia lấy nữ nhi An Đăng họ Kiều. Ngày nọ, An Đăng du ngoạn ở Hoa Dương, bỗng Rồng thần bay lượn hạ xuống, An Đăng nhìn thấy dung mạo kinh diễm của rồng thần, trong lòng chấn động, cảm thấy hết sức thần kỳ, không lâu sau An Đăng mang thai, sinh được một người con trai.
Người con trai này có thần lực đặc biệt. Sáu giờ sau khi sinh ra, cậu bé biết nói, năm ngày sau đã đi được, bảy ngày sau thì mọc răng, ba tuổi sắm vai người nhà để thị phạm công việc đồng áng.
Cậu bé sau khi trưởng thành, thân cao 8 thước 7 tấc, trán rộng vuông vức, miệng lớn môi dày, diện mạo trang nghiêm. Đây chính là Thần Nông thị sau này.
Dưới ánh mặt trời của núi Kỳ Sơn, tìm kiếm ngũ cốc có lợi cho dân tích trữ lương thực lâu dài, rồi trồng nó. ——”Lộ sử – Quyển 12″. Thời Thần Nông thị, trời mưa có lợi cho việc trồng lúa. Thần Nông canh tác xong thì trồng lúa. —— “Dật Chu thư”.
Khi đó, người dân chỉ có thể dùng cây cỏ dại và thịt động vật muông thú làm thức ăn chính, nên Thần Nông luôn nghĩ cách cải thiện cuộc sống của người dân. Một ngày nọ, ông leo lên phía nam núi Kỳ Sơn và khẩn cầu Thiên Đế cho phép người dân trồng các loại ngũ cốc duy trì sự sống và có thể lưu trữ trong thời gian dài. Quả nhiên, không lâu sau, từ trên không thóc rơi xuống vô kể, Thần Nông mừng rỡ khôn xiết, phân phó bách tính cẩn thận nhặt lên. Ông còn sáng chế ra nông cụ, dạy dân cách tùy theo thời tiết, khí hậu mà tìm đất gieo cấy, trồng trọt, từ đó nông nghiệp phát triển.
Thầy thuốc đầu tiên – Thần Nông nếm bách thảo
Người dân bị bệnh, không biết đến dược thạch, Viêm Đế bắt đầu nếm mùi cỏ cây… Ông đã nếm bảy mươi thứ độc trong một ngày, dùng thần lực chuyển hóa chúng. —— “Cương giám dịch tri lục”.
Lúc bấy giờ dân chúng hay đau ốm không biết chữa như thế nào, vì thế, Thần Nông rong ruổi khắp núi rừng, hang hốc, đích thân nếm các loại lá cây cỏ khác nhau, để phân biệt dược tính và nhận biết có độc hay không. Ông đã từng nếm 70 loại cỏ độc trong một ngày và dựa vào thần lực của mình để hóa giải độc tố trong cơ thể.
Thần Nông đem tất cả những kinh nghiệm này viết thành một cuốn sách, cung cấp để bách tính tham khảo, và trở thành người thầy thuốc đầu tiên. Đồng thời, ông đã tự mình khảo sát thuộc tính ngọt, đắng của nguồn nước các nơi để người dân lựa chọn sử dụng. Từ đó, bách tính an cư lạc nghiệp, không còn lo dịch bệnh hoành hành.
Thần Nông dùng roi đỏ quét vào các loại cây cỏ, nhận biết rõ tính ôn, hàn, bình thường hay có độc tính, mùi thơm chủ yếu của nó. Rồi gieo vào các hang. —— “Sưu thần ký”.
Theo truyền thuyết của hậu thế, Thần Nông có một cây roi đỏ, chỉ cần dùng cây roi này vung đảo qua các loại thực vật là có thể biết được những loại thực vật này thuộc tính nào, bình thường hay có độc, có tính hàn, ôn… và cả mùi vị của nó, dựa vào đó để trồng các loại ngũ cốc khác nhau. Vì thế, mọi người kính cẩn gọi ông là “Thần Nông”.
Thần Nông còn chế tác ra đàn Thất huyền cầm để an định tâm hồn con người, trừ tà niệm, khiến trên dưới hòa thuận, có đức độ như thần, “quy về lòng trời”.
Nhờ đức trị của Thần Nông, dân phong thuần khiết, ổn định, mọi người không có tranh chấp, mà sự phát triển của nông nghiệp đã làm cho lương thực và của cải dồi dào hơn. Vì vậy, Thần Nông đã thiết lập phiên chợ, để mọi người có thể đến chợ để trao đổi các sản phẩm khác nhau theo nhu cầu, mọi người đều trải qua một cuộc sống an lạc.
Thần Nông thoái vị tu đức
Trong thời kỳ Thần Nông, chư hầu Túc Sa khởi binh nổi loạn. Thần Nông cũng không có xuất binh thảo phạt, ông tự suy nghĩ phản tỉnh, cho rằng bản thân không đủ đức hạnh khiến thiên hạ quy thuận, vì vậy ông đã chủ động thoái vị, nỗ lực hơn trau dồi đức hạnh của mình. Tuy nhiên, khi bách tính của Túc Sa biết chuyện, liền lần lượt quay lưng, dấy binh tấn công Túc Sa và quy thuận Thần Nông.
Thần Nông không tham thiên hạ mà thiên hạ đều no đủ; không lấy hiểu biết của mình cho là quý, khiến thiên hạ đều tôn sùng. (Thái bình ngự lãm. Viêm đế Thần Nông thị”.
Chính vì Thần Nông không ham danh vị thiên hạ, cho nên người trong thiên hạ mới có thể hết lòng ủng hộ Đế vị của ông, chính vì ông không bởi vì tài trí cao hơn người khác mà tự cao tự đại, nên thiên hạ đều kính nể ông
Thần Nông tu Đạo
Trong các ghi chép về Thần Nông, có không ít câu chuyện về việc ông tu Đạo.
Truyền thuyết nói rằng, ông đã từng cùng với bạn A Hà Cam tu Đạo với Lão Long Cát. Một buổi sáng nọ, Thần Nông uể oải đóng cửa lại, dựa vào bàn trong nhà chợp mắt, A Hà Cam đột nhiên đẩy cửa vào, lớn tiếng nói: “Lão Long sư phụ đã mất rồi!” Thần Nông nghe xong ôm cây trượng bên người đứng lên, thoáng một cái, “Pa” ông thả cây trượng xuống, cười lớn nói: “Sư phụ biết tôi tài năng kém cỏi và lười biếng trong việc tu Đạo, vì vậy mới bỏ tôi mà đi! Đây là để cảnh cáo tôi!” Tiếp theo, ông ngộ ra: Ngay cả khi Sư phụ mất đi, cũng không có gì kinh động tâm trí, sinh mệnh bản lai chính là vòng luân hồi sinh tử. Huống hồ sư phụ sẽ không thực sự chết đi!
Vào thời điểm đó, thần tiên Xích Tùng Tử đảm trách là vũ sư cho Thần Nông, chưởng quản lễ nghi cầu mưa. Ông ấy dạy Thần Nông ăn Băng ngọc tán, để có thể tiến vào lửa mà không bị đốt cháy cơ thể. Họ thường đến thạch thất của Tây Vương mẫu, còn có thể thuận theo gió mưa mà lên trời xuống đất.
Theo truyền thuyết, con cháu của Thần Nông tổng cộng truyền được mười bảy đời.
Nguồn gốc của thành ngữ “Tinh vệ điền hải”
Trong “Sơn hải kinh” còn ghi chép câu chuyện của con gái Thần Nông.
Con gái út của Thần Nông được đặt tên là “Nữ Oa”. Cô gái thích du ngoạn bốn phương, một hôm cô đến bờ biển Đông Hải chơi đùa, không để ý trượt chân rơi vào sóng biển cuồn cuộn, từ đó chưa từng trở về nhà.
Không lâu sau, một con chim nhỏ có hoa văn đẹp đẽ trên đầu, mỏ trắng và chân đỏ xuất hiện trên ngọn núi bên bờ biển, nó không ngừng kêu “Tinh Vệ, Tinh Vệ”. Mọi người nghĩ cô ấy là hóa thân của Nữ Oa và gọi cô ấy là chim “Tinh Vệ”.
Tương truyền, Tinh Vệ lo lắng rằng mọi người giống như nàng trước kia, vì không cẩn thận mà rơi xuống biển, nên thường xuyên ngậm cành cây cùng hòn đá từ giữa không trung thả xuống biển Đông, hy vọng sẽ lấp đầy biển rộng, làm cho mọi người thoát nạn này. Do đó, “Tinh Vệ điền hải” (Tinh Vệ lấp biển) đã trở thành một thành ngữ thường được sử dụng để ví von ý chí kiên định và không sợ khó khăn.
Tư liệu tham khảo:
Sơn Hải Thanh thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ