Thần thoại thời Thượng cổ (P.1): Bàn Cổ khai Thiên tịch Địa
Văn hóa Trung Hoa bác đại tinh thâm có nguồn gốc từ thần thoại thời viễn cổ. Nhà nghiên cứu Thần thoại Vương Hiếu Liêm (Wang Xiaolian) nói rằng: “Thần thoại là giấc mộng của cộng đồng dân tộc”. Đây là một kiến giải rất sâu sắc.
Mộng là một thời không phức tạp. Trang Chu mộng thấy điệp, hay điệp mộng thấy Trang Chu, rốt cuộc thời không nào là thật? Thời không nào là ảo? Hay là tầng tầng thời không, đều đang diễn ra mộng cảnh khác nhau hoặc giống nhau. Vậy cái nào trước? Cái nào sau? Thần thoại, chính là khó bề phân biệt như thế, mỹ lệ mà khó lý giải.
Các vị Thần xuyên qua thời không vũ trụ, đã từng lưu lại những Thần tích nào trong từng trang văn hóa Trung Hoa? Những câu chuyện thần kỳ huyền ảo, ẩn chứa điều bí ẩn gì? Tất cả đều bắt đầu từ câu chuyện của Bàn Cổ.
Vị Thần siêu năng lượng – Bàn Cổ khai Thiên tịch Địa
Trước khi vũ trụ được hình thành, Thần đã vĩnh cửu tồn tại. Bên ngoài vũ trụ, lại có vô số vũ trụ mênh mông vô hạn. Trước khi vũ trụ được tạo ra, Thần đã trải rộng trong vũ trụ vô hạn ấy.
Thần là có thể biến hóa vô tận, hóa thành khí năng lượng, lập tức tràn đầy bốn phương tám hướng, vô hình vô sắc; Cũng có thể tụ lại thành hình, ngay sau đó biến hóa thành trăm vạn hình thức triển hiện. Trong thời không mênh mang, mỗi tầng thứ, mỗi không gian, đều có vô hạn, vô số các vị Thần.
Chúng Thần thời viễn cổ là một thể hệ bao la rộng lớn, và vị Thần đã sáng tạo, nuôi dưỡng ra tiểu vũ trụ này của chúng ta chính là “Bàn Cổ”.
Thiên địa vạn vật hỗn độn giống như trong quả trứng gà, Bàn Cổ được sinh ra từ trong đó, một vạn tám ngàn tuổi, khai mở Thiên Địa, khí dương trong là Trời, khí âm đục là Đất. (Trích từ ‘Tam Ngũ Lịch Kỷ’)
Các câu chuyện được lưu truyền trong dân gian miêu tả Bàn Cổ là một người khổng lồ trong tay cầm rìu lớn tách ra Trời Đất. Tuy nhiên, tra cứu lại nguyên văn sử liệu, thì ông có phong thái giản dị, bình hòa ưu mỹ, không phải là người khổng lồ râu rậm lực lưỡng, càng không có dấu tích dùng rìu mở mang Trời Đất.
Từ thời viễn cổ, trước khi Trời Đất hình thành, vũ trụ là một đám khí hỗn mang, giống như quả trứng gà vậy. Ở trung tâm, Bàn Cổ được sinh ra, ông ngồi xếp bằng kết ấn, tĩnh tọa như đá.
Trong sự tĩnh lặng vô biên, dòng năng lượng khoan thai lưu chuyển. Sau một vạn tám ngàn năm, khí hỗn độn được tách ra, khí trong bay lên làm Trời, và khí đục hạ xuống làm Đất.
Bàn Cổ ở trong đó, năng lượng quanh quẩn thân thể nhanh chóng biến hóa thần kỳ, không ngừng mở rộng hướng lên phía trên, đẩy mạnh về phía dưới. Bầu trời mỗi ngày được đẩy lên cao một trượng, lớp đất mỗi ngày dày lên một trượng, thân thể của Bàn Cổ cũng mỗi ngày cao lớn lên một trượng.
Cứ như thế, qua một vạn tám ngàn năm dài đằng đẵng, năng lượng cường đại của Bàn Cổ lấp đầy đến cực hạn.
Khi đó, bầu trời được đẩy lên cực cao, lớp đất cũng tăng lên rất dày, khoảng cách giữa Trời và Đất tăng lên từ một vạn dặm, ba vạn dặm, bảy vạn dặm, mãi cho đến chín vạn dặm mới dừng, giữa Trời và Đất cách nhau chín vạn dặm, không gian vũ trụ được hoàn thành ở tầng thứ này.
Hóa thân nuôi dưỡng chúng sinh vũ trụ
Thiên khí mênh mông rộng lớn bắt đầu sinh ra, phân thành Trời Đất, tạo dựng càn khôn, khai mở âm, cảm ứng dương,… Đầu tiên sinh ra Bàn Cổ, đến khi Bàn Cổ sắp chết thì hóa thân. (Trích từ ‘Ngũ Vận Lịch Niên Kỷ’)
Thế là, Bàn Cổ với lòng từ bi rộng lớn, đã hiến dâng thân thể của mình, dùng công lực cao thâm, hóa thân nuôi dưỡng vạn vật tự nhiên: Khí ông thở ra, chậm rãi lưu động, biến thành gió và mây; tiếng của ông như rít gào, biến thành sấm sét; mắt trái hóa thành mặt trời chiếu sáng, mắt phải hóa làm mặt trăng ấm áp; thân thể và tứ chi biến thành núi cao, huyết dịch chảy thành sông ngòi trên mặt đất, gân mạch hóa thành địa hình phong thủy, cơ thịt ngưng kết thành đất đai; tóc và râu của ông từ từ bay lên trời trở thành sao, làn da dần cao lên thành cây cỏ trên đất, xương và răng trong nháy mắt hóa thành những tảng đá cứng rắn và khoáng chất, xương tủy óng ánh ngưng kết thành châu ngọc, mồ hôi của ông chảy ra trở thành mưa, côn trùng trên thân ông khi gặp gió thổi tới thì đều hóa thành nhân dân bách tính.
Vạn vật trong vũ trụ đều là hóa thân của Thần; trong vạn vật của vũ trụ đều có vi lạp của Thần.
Tiểu vũ trụ đã hình thành, vạn vật được sinh ra, nhiệm vụ của Bàn Cổ đã viên mãn, một thoáng tan thành vô hình, không nơi nào không có, không chỗ nào là không tồn tại.
Tài liệu tham khảo:
“Từ Chỉnh Tam Ngũ Lịch Kỷ”; “Nghệ Văn Loại Tụ”; “Ngũ Vận Lịch Niên Kỷ”
Sơn Hải Thanh thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ