Thần thoại thời Thượng cổ (P.6): Long Mã cõng kỳ thư – Phục Hy khai sáng nền văn minh
Vào cuối thời kỳ Toại Nhân thị thống trị thiên hạ, ở “Hoa Tư quốc” xa xôi, có một vị Thánh nhân khác vâng Thiên mệnh hạ thế – Phục Hy thị, ra đời vì thế gian.
Mẫu thân đến từ cõi thuần tịnh
Mẫu thân của Phục Hy là một phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Hoa Tư quốc, bởi vì tên của bà không thể khảo cứu, nên gọi bà là “Hoa Tư Thị”.
Người dân nước này không có dục vọng ích kỷ, sống thuận theo tự nhiên. Không tham sống, không sợ chết, cho nên không chết yểu. – “Liệt Tử – Hoàng Đế Thiên”.
Hoa Tư Quốc là một cõi thuần tịnh, người dân sống thuận theo tự nhiên, không có bất kỳ tai họa nào. Người dân tâm địa thiện lương, không có tư tâm và dục vọng ích kỷ, cũng không yêu hận, cũng không tham sống, không sợ chết, không có quan niệm quý – hèn, tài giỏi – ngu muội, họ có thể bay và đi lại trên không, có sẵn Thần lực, không có điều gì có thể làm tổn hại được họ. Người phụ nữ “Hoa Tư Thị” sống ở nơi đây, chính là một người dân của cõi thuần tịnh vô tư, tâm không chấp trước.
Hoa Tư Mẫu, sống ở bến Hoa Tư… thích bay lượn dạo chơi bên sông Phần, thấy có dấu chân lớn, Hoa Tư dùng giày giẫm lên, trong lòng xúc động, được cầu vồng vây quanh mình. – “Lộ Sử quyển 10”
Một hôm, Hoa Tư Thị dạo chơi bên đầm lớn, nhìn thấy bên cạnh đầm nước có dấu chân rất lớn in lại, nàng tò mò dùng chân giẫm lên, trong lòng cảm thấy vô cùng kỳ diệu. Nhất thời, một luồng khí cầu vồng màu xanh không biết từ đâu bay tới, vây quanh nàng thật lâu. Không lâu sau, Hoa Tư Thị mang thai.
Mang thai dài tới 12 năm
Thời kỳ mang thai của Hoa Tư Thị rất dài, rốt cục 12 năm sau nàng mới hạ sinh một người con rất đặc biệt, cũng chính là Phục Hy thị.
Khi Phục Hy thị ra đời thì thân hình đã rất trưởng thành, đầu của ông rất dài, đôi mắt dài nhỏ, ngũ quan đoan chính uy nghiêm, răng rùa môi rồng, giữa lông mày có lông trắng, mái tóc dài xõa đến mặt đất. Phục Hy sau khi trưởng thành, dáng vẻ càng bất phàm, vai rộng thân hình cường tráng, mũi cao thẳng, thân cao chín thước một tấc, ánh mắt sâu rộng chuyên chú.
Phục Hy thị cũng giống như Hữu Sào thị, Toại Nhân thị của giai đoạn trước, đều là sứ giả do Thần phái đến nhân gian. Ông thiên phú dị bẩm, thông minh cơ trí, có đức hạnh của bậc Thánh nhân, trở thành Vương của thiên hạ thay cho đời sau của Toại Nhân thị.
Phục Hy là Vương thiên hạ, Long Mã xuất hiện trên sông, dùng hoa văn vẽ bát quái, gọi là Hà Đồ. – “Thượng Thư Chính Nghĩa”
Thời đầu khi Phục Hy mới lên làm Vương, một hôm, có một con Thần thú nửa rồng nửa ngựa, cõng trên lưng một quyển sách lớn nổi lên từ trong lòng sông Hoàng Hà cuồn cuộn, gọi là sách “Hà Đồ”. Trong sách Hà Đồ đều là các ký hiệu bí ẩn khó hiểu, là tín tức bí mật mà Thần cấp cho Thánh nhân, nội dung thâm thúy thần bí, liên quan đến Thần lý tối thượng, người thường không thể nào hiểu được.
Phục Hy sau khi có được “Hà Đồ”, ông khổ tâm nghiên cứu hàm ý trong đó. Ông thường xuyên ngửa mặt lên trời quan sát sự biến hóa của tinh tượng, đồng thời cẩn thận khảo sát địa hình địa lý ở nhân gian, nghiên cứu dấu chân và hoa văn trên thân của các loài chim và thú, dần dần biết được quy luật tự nhiên của vạn vật, cuối cùng ngộ ra được bí mật trong “Hà Đồ”. Dựa vào đó, ông sáng tạo ra Bát Quái để bói toán, Chu Văn Vương về sau còn dựa vào Bát Quái diễn dịch ra 64 quẻ, dùng để luận Thiên Đạo và sự tình của nhân gian, về sau trở thành “Kinh Dịch” của sau này.
Bát Quái và Kinh Dịch được coi là nguồn gốc của văn hóa Thần truyền Trung Hoa, là công cụ câu thông giữa con người với Thần linh Trời Đất. Vì vậy, Phục Hy thị cũng được coi là người khai sáng văn hóa Trung Hoa.
Khai sáng nền văn minh Trung Hoa
Phục Hy hiểu được bí mật của Hà Đồ, bắt đầu nhanh chóng phát triển nền văn minh Trung Hoa.
Phục Hy tạo ra đàn (cổ cầm), dùng để chế ngự tà ma, phòng tâm phóng túng… Đàn do Phục Hy tạo ra gọi là Long Ngâm. – “Khâm Định Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành – Kinh Tế Hối Biên – Nhạc Luật Điển”.
Phục Hy dạy người dân trồng dâu nuôi tằm lấy tơ, còn dùng cây ngô đồng tạo ra đàn, dùng sợi tơ làm dây đàn, gọi là “Long Ngâm”. Phục Hy dùng cây đàn Long Ngâm sáng tác ra âm nhạc có công dụng khác nhau, vì vậy trong cuộc sống của người dân có tiếng nhạc tốt đẹp làm bạn.
Để khai thác nguồn thức ăn, Phục Hy phát minh ra lưới bắt cá, dạy con người đánh bắt cá tôm và săn bắt dã thú. Người dân vừa đánh bắt cá vừa hát “Võng cổ chi ca” (bài ca bắt cá), cuộc sống vui vẻ an hòa. Khi săn bắt thú hoang, họ hát lên khúc “Hoang nhạc”, “Phù lai”, còn khi cúng tế Thần linh, thì diễn tấu khúc nhạc “Giá biện”, để tâm linh tương thông với Thần.
Để ổn định nguồn cung cấp thức ăn, Phục Hy lại dạy người dân chăn nuôi gia cầm, nuôi chăn thả động vật thuần hóa, giải quyết vấn đề nấu chín thức ăn hàng ngày của con người, vì vậy ông còn được gọi là “Bào Hy”.
Phục Hy chế định ra nghi lễ hôn nhân, dùng da hươu làm sính lễ, dùng cầm, sắt tạo ra âm nhạc. – “Lễ Ký – Khúc Lễ”
Phục Hy còn chế định ra rất nhiều lễ nghi hôn nhân chính thức, quy định bên nam phải dùng hai tấm da hươu làm sính lễ, phải mời một bà mối đến nhà người nữ làm mai, khiến cho mối quan hệ giữa nam và nữ không còn sơ sài. Từ đó đặt tiêu chuẩn lễ nghi nhân luân, tiến tới giáo hóa con người đạo lý “Tình thân cha con, nghĩa Vua tôi, đạo vợ chồng, thứ bậc lớn nhỏ.”
Phục Hy lại xây dựng hệ thống chức quan trung ương, ông dùng Long (rồng) để làm tên chức tước, ví dụ như: Cư Long Thị là chức quan phụ trách xây dựng, Thổ Long Thị là chức quan phụ trách quản lý đất đai ruộng đồng, biên giới, Thủy Long Thị là chức quan phụ trách tưới tiêu, nạo vét thủy lợi v.v… Dân tộc Trung Hoa lấy Long làm vật tổ, con dân Hoa Hạ được gọi là truyền nhân của Rồng, cũng có thể là bắt nguồn từ đây.
Phục Hy còn sáng tạo ra lịch pháp “Giáp lịch” sớm nhất, lấy Giáp Dần làm năm đầu tiên, dùng Thiên can và Địa chi để ghi lại giờ, ngày, tháng, năm. Lịch pháp là một bộ tri thức phức tạp, phải quan sát thiên văn trong thời gian lâu dài mới có thể quy nạp rồi định ra, người chế định ra nhất định phải có tri thức toàn diện về thiên văn học, và Phục Hy thời kỳ viễn cổ đã sáng tỏ điều bí ẩn và lẽ sâu xa của thiên văn học.
Bởi vì tâm tư của nhân loại ngày càng trở nên phức tạp, các phương diện sinh hoạt ngày càng rộng lớn, vì thế, việc thiết lập chế độ xã hội trở nên vô cùng cấp bách. Phục Hy tuân theo Thiên mệnh, dùng trí tuệ uyên bác hơn để duy trì cuộc sống vật chất cần thiết cho con người, đồng thời chú ý bồi dưỡng tâm linh và kiến lập chế độ, thiết lập nền tảng hoàn thiện hơn cho thời kỳ văn minh nhân loại này.
Tài liệu tham khảo: “Liệt Tử – Hoàng Đế Thiên”, “Thập Di Ký”, “Lộ Sử”, “Thượng Thư – Khổng An Quốc Truyện”, “Luận Hành”, “Tùy Thư – Kinh Tịch Chí”, “Hán Thư – Ngũ Hành Chí”, “Kinh Dịch – Hệ Từ”, “Khâm Định Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành Kinh Tế Hối Biên Nhạc Luật Điển”.
Sơn Hải Thanh thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ