Câu chuyện thần thoại về sáng tạo âm nhạc
Âm nhạc Trung Hoa ra đời như thế nào? Theo một truyền thuyết xa xưa, nó có khởi nguồn như sau…
Vào thời sơ khai của nhân loại, các vị Thần Tiên thường xuyên ghé thăm thế gian, có một cô gái trẻ vô tình giẫm phải một dấu chân khổng lồ. Phép lạ triển hiện một cách diệu kỳ: Sau lần đó, cô phát hiện mình mang thai và sau đó hạ sinh một cậu bé với hình thù khác thường.
Cậu bé Phục Hy (伏羲) được sinh ra với đầu người mình rồng. Cậu lớn nhanh như thổi, chẳng bao lâu đã cao lớn như một người khổng lồ. Đến tuổi trưởng thành, cậu bé nửa Thần nửa nhân lên đường đi tìm cha. Cậu tới Thiên Môn và cuối cùng đã tìm thấy cha của mình: Thiên Lôi. Phục Hy ở lại Thiên giới và được phong chức Thần cai trị phương Đông. Công việc của ngài là gì? Cai quản con người và mọi việc diễn ra trong thế gian.
Phục Hy là một vị Thần trách nhiệm và giàu tình thương. Khi ngài thấy con người vất vả kiếm thức ăn, ngài đã sáng tạo ra lưới đánh cá và vũ khí để họ đi săn. Ngài thấy họ bị bệnh vì ăn thịt sống nên đã dạy họ bí quyết tạo ra lửa. Ngài gắn kết đàn ông và phụ nữ bằng hôn nhân. Ngài tạo ra thuật bói toán. Nhưng chưa hết, ngài muốn mang đến cho con người niềm vui lớn lao hơn – ngài muốn tặng họ âm nhạc.
Cảm hứng từ thế giới Thần Tiên
Văn hóa âm nhạc mà Phục Hy tạo ra từ thuở sơ khai ấy đã phát triển trong suốt 5,000 năm. Vương triều tiếp nối vương triều, ở khắp các vùng núi, miền đồng bằng, và những con sông lớn của mảnh đất Trung Hoa, di sản âm nhạc này được làm phong phú bởi các truyền thống bản địa và những truyền thuyết đa dạng. Ngày nay, Shen Yun đang chia sẻ những sắc màu âm nhạc này với phương Tây theo một cách hoàn toàn mới. Nhưng trước hết, chúng ta hãy quay lại với câu chuyện của Phục Hy, người tạo ra âm nhạc.
Một buổi tối, khi đang đi dạo ở trần gian, Phục Hy để ý trên một tán cây có gì đó khác thường. Ngài tiến đến gần và như một điềm lành, mặt trời chiếu những tia nắng hoàng hôn nhuộm đỏ cả vùng trời. Những vì sao trên trời tưới những giọt nước thần lên những nhánh cây. Làn gió thoang thoảng hương thơm từ vũ trụ, cùng với tiếng reo vui của Thiên giới.
Ngay lúc đó, một đám mây mang theo một đôi phượng hoàng sà xuống tán cây. Một bầy chim xòe cánh đậu xuống phía sau đôi phượng hoàng. Từng con, từng con cất tiếng hót để tỏ lòng tôn vinh nhà Vua và Hoàng hậu của chúng. Chứng kiến cảnh tượng ấy, Phục Hy nghĩ: “Đây hẳn là cây thiêng. Bất kể loại đàn nào được làm ra từ gỗ này hẳn sẽ cho những giai điệu tuyệt vời nhất.” Ngài lập tức bắt tay vào làm việc.
Phục Hy tạo ra một cây đàn gần giống cây đàn thập-lục giàu hàm ý. Phía cuối đàn chiều ngang thu nhỏ còn bốn tấc, tượng trưng cho bốn mùa. Độ dày hai tấc của cây đàn lại phù hợp với lưỡng cực âm dương. Ở trên mặt đàn, Phục Hy gắn 12 phím tượng trưng cho mười hai tháng trong năm, và đặt năm sợi dây biểu tượng cho Ngũ Hành.
Giờ đây, vào những ngày lễ hội hoặc ngày thu hoạch, người ta đã có thể mở tiệc bằng một cách hoàn toàn mới. Họ đánh cá bằng lưới, nấu cơm bằng lửa, và thưởng thức những bữa tiệc linh đình. Nhưng nổi bật nhất trong buổi lễ hội ấy luôn là cây đàn của Phục Hy. Họ hạnh phúc hơn bao giờ hết khi được hát cùng với nhạc cụ kỳ diệu này và phát minh mới nhất của Phục Hy – âm nhạc.
Một thời gian sau, các vị Thần ở trên trời cũng khá tò mò về việc này.
Buổi ra mắt trên Thiên thượng
Một ngày kia, Vương Mẫu Nương Nương tổ chức yến tiệc ở cung Dao Trì. Các vị Thần được mời tham dự đều kể về một loại đàn mới mà chính họ cũng muốn được thưởng thức. Nghe vậy, Vương Mẫu lập tức cho triệu Phục Hy đến tham dự buổi tiệc.
Sau khi thưởng thức đào tiên và rượu mật, mọi người ngồi quanh vị khách danh dự nghe ngài chơi đàn. Khi những ngón tay của Phục Hy gảy và nhấn từng dây đàn, một giai điệu kỳ diệu cất lên.
Các vị Thần đều rất vui nhưng họ nhận ra cây đàn Phục Hy phát minh ra vẫn chưa có tên! Sau một hồi cân nhắc, các vị thần quyết định đặt tên cây đàn là Dao Cầm (瑤琴) (chữ Dao có nghĩa là ngọc quý) để tôn vinh buổi ra mắt ở cung Dao Trì.
Bài viết được đăng lại từ vi.shenyun.org