Ôn dịch trong lịch sử: Bí mật về truyền thuyết Thần Nông nếm trăm loại thảo mộc
Thần Nông, tức Viêm Đế, không chỉ là vị hoàng đế thánh hiền đã khai sáng nghề nông, văn hóa ẩm thực, mà còn đặt nền móng cho Trung y và Trung dược.
Câu chuyện Thần Nông nếm trăm loại thảo dược được nhà nhà truyền tụng, tương truyền rằng Thần Nông Thị thần thông quảng đại đã lần lượt nếm mùi vị của trăm loại thảo dược để xác định dược tính, có khi trúng độc hơn 70 lần một ngày. Vậy đằng sau câu chuyện thần kỳ này chứa đựng ý nghĩa sâu sắc nào?
Thần Nông Thị chính là Viêm Đế
“Thị” là xưng hô với mỗi vị Thần ở thời kỳ thượng cổ. Thần Nông Thị là một vị Thần vĩ đại xuất hiện trong thời kỳ văn minh Hoa Hạ phát triển nghề nông. Trên đầu ông mọc hai chiếc sừng, hình dáng kỳ dị giống như đầu trâu thân người (ghi chép từ “Đế Vương Thế Kỷ”). Lúc ông sinh ra, trên mặt đất xuất hiện 9 cái giếng. Nước trong những cái giếng này thông với nhau nên mỗi khi múc nước ở một cái giếng thì mặt nước ở tám cái giếng còn lại sẽ gợn sóng (theo “Thủy Kinh Chú – Liêu Thủy”).
Theo ghi chép trong sách cổ, có khi gọi Thần Nông Thị là một trong “Tam Hoàng”, có khi gọi là “Viêm Đế”, điều này đã gây ra tranh luận rất lớn trong lịch sử. Có một cách nói Thần Nông Thị là danh hiệu của thủ lĩnh bộ lạc thượng cổ, cư trú ở phía Nam, còn được gọi là Viêm Đế và được truyền tiếp qua 17 đời, được xem là vị vua chung của thiên hạ. Trong đó có một vị được người đời sau gọi là Viêm Đế Thần Nông Thị trồng ngũ cốc và nếm trăm loại thảo dược.
Vị Thần Nông Thị này là con của Thiếu Điển, là anh em của Hoàng Đế, họ đều là tổ tiên của văn hóa dân tộc Hoa Hạ. Đóng góp của Thần Nông Thị đối với nhân loại trước hết chính là phát triển nghề nông.
“Dịch Sử” trích dẫn từ “Chu Thư” đã ghi chép lại vào thời đại Thần Nông, hạt giống từ trên trời rơi xuống. Thần Nông bắt đầu chế tạo cái cày và trồng lương thực, đem hạt giống trồng trên ruộng, khai sáng ra văn minh nông nghiệp. Trong “Thập Di Ký” ghi chép lại còn thần kỳ hơn, kể rằng có một con chim sẻ màu đỏ bay đến cạnh Viêm Đế, trong miệng ngậm 9 bông lúa. Viêm Đế đem hạt lúa trồng trên ruộng, thu hoạch giúp người dân không những ấm no mà còn trường sinh bất tử.
Thần Nông Thị không chỉ dạy dân chúng trồng trọt mà còn phát minh ra ngành dệt vải may áo, đồ gốm, đàn sắt, cách làm lịch, giao lưu mua bán, lưu lại nhiều văn minh quý giá.
Thần Nông nếm thảo dược
“Hoài Nam Tử” ghi chép lại, “Lúc nhiều bệnh tật độc hại xảy ra, Thần Nông bắt đầu hướng dẫn dân chúng gieo trồng ngũ cốc… nếm mùi vị của trăm loại thảo dược, vị ngọt đắng của nguồn nước v.v… có ngày trúng hơn 70 loại độc dược”.
Thần Nông Thị nếm thảo dược là câu chuyện được truyền tụng xuyên suốt lịch sử, cũng được sách cổ ghi chép lại. Trong “Thích Nghi” nói Thần Nông Thị là “Linh lung ngọc thể” tức là thân thể trong suốt, có thể nhìn thấu lục phủ ngũ tạng, vì vậy ông không chỉ có thể quan sát tác dụng của thảo dược đối với cơ thể, mà còn kịp thời giải độc. Ngoài việc tự mình nếm thảo dược, Thần Nông Thị còn có pháp khí trợ giúp, “Sưu Thần Ký” có viết rằng ông có một chiếc roi thần màu đỏ sẫm, mỗi khi roi quật qua thảo dược, ông lập tức phân biệt được độc tính và dược tính ôn hàn của chúng, nhờ vậy ông có tôn hiệu “Thần Nông”.
Về địa điểm nơi nếm thảo dược, trong “Thuật Dị Ký” cũng có ghi chép. Tương truyền ở cao nguyên Sơn Tây, trên đồi Thần Phủ có chiếc vạc mà Thần Nông Thị nếm thuốc; trên núi Thành Dương có nơi mà Thần Nông Thị dùng roi thử thuốc. Ngày nay ở phía Tây Bắc tỉnh Hồ Bắc tại Trung Quốc còn một nơi gọi là Thần Nông Giá, tương truyền là di chỉ nơi Thần Nông hái thuốc.
Để chữa trị bệnh và các thương tổn do độc dược, Thần Nông Thị bắt đầu nếm trăm loại cỏ để tìm thuốc giải. Tuy nhiên trong “Hoài Nam Tử” ghi chép còn sơ sài quá, nếu ngược dòng tìm hiểu thêm một chút, chúng ta sẽ phát hiện mục đích thực sự nếm thảo dược của Thần Nông Thị chính là tìm kiếm phương thuốc chữa trị dịch bệnh.
Sử thi sớm nhất của dân tộc Hán còn tồn tại đến ngày hôm nay là “Hắc Ám Truyền”, trong đó ghi chép lại giai đoạn lịch sử nặng nề này: “Lúc đó dịch bệnh lan rộng khắp thiên hạ, có thôn có hộ chết sạch không còn một người, Thần Nông nếm bách thảo, lao tâm tổn lực vào rừng núi tìm cách chữa bệnh”. Sử ca còn kể lại quá trình gian nan nguy hiểm của ông. Sau khi ông nếm thảo dược mà không may trúng độc thì đau bụng không chịu nổi, phải lập tức uống thuốc giải để bài trừ độc tố. Ông kiên trì như vậy nên mới phân biệt được 72 loại chất độc, tìm thấy Hoàn Dương Thảo cứu sống dân chúng.
Không chỉ một lần xảy ra như vậy, trong suốt thời gian hơn 100 năm tại vị của ông, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Mỗi lần như vậy, Thần Nông Thị đều xót thương dân chúng bị bệnh dày vò, ông đích thân đến núi sâu rừng già để nếm thảo dược, dùng Thần lực của bản thân mà cứu chúng sinh.
Ngoài những tổn hại của cỏ độc đối với thân thể, quá trình Thần Nông Thị tìm thuốc còn đầy rẫy khổ nạn và khảo nghiệm, nhưng ông nhận được phù hộ của thiên thượng, biến nguy nan thành may mắn. Có lần ông ở trên núi không có gì để ăn uống thì quạ đen bay qua nói với ông, trên cây lớn có trái cây giúp no bụng; khi gặp sư tử ăn thịt người, ông dũng cảm chiến thắng đồng thời thu phục sư tử, thuần hóa trở thành “Dược Sư Tử” cùng giúp ông đi thử thuốc; gặp phải núi cao khó vượt qua, dưới chân ông đột nhiên xuất hiện một cây mây dài ngàn trượng, trở thành công cụ để ông tạo thành chiếc thang.
Cuối cùng, trải qua muôn vàn hiểm nguy, “Thần Nông nếm bách thảo, ôn dịch được đẩy lùi”.
Ôn dịch từ đâu mà đến?
Vào thời viễn cổ Hoa Hạ, Bàn Cổ khai thiên tịch địa, Nữ Oa dựa theo hình dáng của bản thân tạo nên con người. Lúc đó trên mảnh đất Thần Châu, Thần và người cùng tồn tại, có Thần tạo vật, có Thần Gió, Thần Lôi, Thần Vũ, còn xuất hiện nhiều nhân vật anh hùng nửa Thần nửa người, là một thời đại truyền kỳ mỹ lệ. Phụ trách bệnh tật cũng có một vị Thần linh.
“Sơn Hải Kinh” ghi chép lại một vị tiên nữ cư trú trên Ngọc Sơn: “Tây Vương Mẫu có hình dáng giống như người, đuôi báo răng hổ, hay rít gào…”. Tây Vương Mẫu là một vị Thần chủ quản tai ương, dịch bệnh và hình pháp. Đoạn ghi chép cũng nói rõ dịch bệnh là do Thần khống chế, là một thiên tai đáng sợ từ trên trời giáng xuống.
Lúc đó phát sinh sự việc to lớn gì mà khiến trời giáng đại dịch? Mặc dù niên đại càng xa xôi thì các ghi chép càng phân tán rải rác, nhưng có một sự việc lớn được lưu truyền rộng rãi, đó là sự kiện Hoàng Đế đại chiến Xi Vưu, thống nhất dân tộc Hoa Hạ. Xi Vưu là một nhân vật phụ diện trong thần thoại, hình tượng giống dã thú, hiếu chiến khát máu. Trong “Long Ngư Hà Đồ” nói hắn “Tru sát vô đạo, bất nhân bất từ”. Xi Vưu không phục sự chấp chính nhân từ của Hoàng Đế, hắn dẫn dắt bộ tộc Cửu Lê làm loạn. Người trong thiên hạ đều nói rằng nếu Xi Vưu không chết thì toàn bộ quốc gia và bộ lạc đều bị hắn hủy diệt.
Xi Vưu đem đến cho nhân loại không chỉ tai họa chiến tranh mà còn nghiêm trọng hơn là khiến lòng người trở nên biến dị. Trong “Thượng Thư – Lữ Hình” nói, lúc Xi Vưu bắt đầu làm loạn đã làm liên lụy đến dân chúng, đến đâu cũng là loạn tượng: cường đạo cướp bóc, tranh giành danh lợi, dối trá và lừa dối. Vì bị Xi Vưu đầu độc nên bản tính lương thiện vốn có của người dân bị che mất, họ mất đi tâm linh thuần chân mỹ hảo, đi ngược và rời xa Thần.
Theo “Quốc Ngữ” ghi chép, thời đại Thiếu Hạo sau thời Viêm Đế, vì Cửu Lê loạn đức, dân Thần lẫn lộn, trật tự người và Thần cùng tồn tại và pháp chế bị phá bỏ. Tế tự mất đi chuẩn mực, người dân khinh nhờn lời thề, ngũ cốc cũng không được Thần Linh ban phúc, thế là họa loạn tai hại liên tiếp xuất hiện. Có lẽ ôn dịch ở thời đại Thần Nông Thị chính là một cảnh cáo của Thần đối với sự bại hoại đạo đức của nhân loại.
Trị bệnh càng phải trị tâm
Lúc ôn dịch giáng xuống, Thần Nông Thị với tôn quý của một vị quân chủ đã chịu đựng bệnh khổ của dân chúng, với lòng nhân ái vô tư, không từ khó khăn, cực nhọc, lấy thân mình để thử thuốc. Ngoài ra, Thần Nông Thị càng chú trọng tịnh hóa tâm linh để loại bỏ tai nạn ôn dịch từ gốc.
Ví dụ, Thần Nông Thị phát minh cầm sắt cùng với cổ nhạc “Phù Trì” “Hạ Mưu”, thể hiện Đức của trời đất, biểu đạt Hòa của Thần Nông, có năng lực giáo hóa nhân tâm. Trong “Lộ Sử” nói Thần Nông Thị tạo ra đàn sắt tinh mỹ, có thể điều hòa nguyên khí, trừ khử dục vọng. Khúc dạo đầu của “Cầm Thanh Anh” cũng nhắc tới: “Xưa kia Thần Nông tạo cầm, để định thần, ngăn cản dục vọng quá độ, khử tà dục…”
Vào thời cổ, nhạc và dược tương thông, mọi người đàn tấu nhã nhạc, có thể ổn định tâm thần, vứt bỏ được tạp niệm tà dục, đạt được cảnh giới tu dưỡng chính khí, phản bổn quy chân. Khi đạo đức cả xã hội quay trở lại, con người sẽ không còn tự ý làm điều ác nữa, mà suy nghĩ và hối hận những chuyện đã qua, ôn dịch sẽ tự nhiên biến mất.
Ôn dịch là tai nạn cũng là một loại cảnh báo. Ở thời kỳ đầu văn minh nhân loại, người xưa đã cho chúng ta biết ôn dịch từ đâu tới và cách thực sự đúng đắn để ứng phó với dịch bệnh.
Phụ trách biên tập: Vương Du Duyệt
Biên dịch: Bách Hợp
Xem thêm: