‘Y bất tự y’ trong Trung y
Trung Quốc thời cổ đại lưu truyền một câu nói “Y bất tự y,” có nghĩa là thầy thuốc không thể trị bệnh cho chính mình, thậm chí cũng không thể trị bệnh cho người thân của mình. Câu nói này thuộc về Trung y, bệnh được đề cập ở đây cũng không phải là chứng bệnh đơn giản, mà thông thường là chứng bệnh tương đối phức tạp. Những loại bệnh có triệu chứng rõ ràng thì có thể tự mình điều dưỡng, nhưng gặp loại bệnh phức tạp tinh vi thì không thể tự điều trị. Cho dù y thuật của bản thân thầy thuốc đó cao minh tới đâu, cũng rất khó tự chữa trị cho chính mình.
Vào những năm cuối thời nhà Thanh, trong vùng chúng tôi có một thầy thuốc nổi tiếng. Người con trai yêu quý của ông bị bệnh nặng, ông tự tay điều trị cho con trai nhiều lần nhưng không khỏi. Ông đến vùng khác mời thầy thuốc, nhưng cuối cùng không cứu kịp, con trai của ông qua đời khi tuổi còn trẻ. Mọi người xung quanh chê cười ông rằng, chính ông là thầy thuốc nổi danh, sao lại cứu không được con trai ruột của chính mình chứ? Thế nhưng ông trị bệnh cho người khác có nhiều thành tích, danh tiếng rất tốt.
Trong Trung y có câu nói “y bất tự y”. Trong Tây y không có cách nói như vậy, chỉ cần y thuật của bác sĩ đủ cao, thì việc tự mình chụp hình ảnh, chẩn đoán và kê toa thuốc là chuyện bình thường, huống là đối với người thân?
Vì sao Trung y giảng “y bất tự y”? Tác giả bài viết cho rằng, điều này có liên quan đến nguyên lý của Trung y. Trung y giảng “vọng, văn, vấn, thiết” (nhìn, nghe – ngửi, hỏi han, tiếp xúc – bắt mạch). Ví như bắt mạch, mạch tượng cơ bản có thể sờ để chẩn bệnh được. Tuy nhiên, kết quả phán đoán của mỗi thầy thuốc đối với sự khác biệt rất nhỏ trong nhịp đập lên-xuống, nặng-nhẹ của mạch tượng là không hoàn toàn giống nhau. Do đó, kết luận chẩn đoán và cách trị liệu đối với bệnh lý của mỗi thầy thuốc cũng sẽ tùy theo đó mà khác nhau. Các phương pháp “vọng, văn, vấn, thiết” .v.v. của Trung y đều là căn cứ vào thân thể của người thầy thuốc để làm tiêu chuẩn cơ bản. Còn Tây y lấy các chỉ số trong kết quả do thiết bị kiểm tra đo lường thực hiện làm tiêu chuẩn cơ bản. Đây chính là một sự khác biệt cơ bản của hai nền y học.
Trung y lấy thân thể của chính người thầy thuốc làm tiêu chuẩn cơ bản để nhận biết và phát hiện các trạng thái của bệnh nhân. Thời cổ đại, khi các thầy thuốc đến khám bệnh, họ phải bình tâm tĩnh khí, trước tiên phải làm cho thân thể của mình ổn định lại. Giống như các thiết bị kiểm nghiệm đo lường chính xác tự kiểm tra khi khởi động, trước tiên phải bảo đảm các tiêu chuẩn của thiết bị là đáng tin cậy. Khi kỹ thuật viên kiểm tra tu sửa máy móc thiết bị, gặp phải sự cố hỏng hóc phức tạp, thì sẽ tìm một thiết bị tương tự khác hoạt động tốt, để so sánh từng phần linh kiện và các tham số hoạt động chủ yếu. Họ tiến hành so sánh từng phần một giữa hai thiết bị để nhanh chóng tìm ra sự cố. Nếu có thể so sánh trạng thái thể chất và tinh thần của bệnh nhân với trạng thái của một người khỏe mạnh, thì có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Thậm chí, những thay đổi rất nhỏ cũng đều có thể được phát hiện. Điều này giúp chẩn đoán bệnh dễ dàng và thực hiện phương pháp điều trị đúng đắn, hiệu quả. Cơ thể của chính thầy thuốc chính là tiêu chuẩn cơ bản quen thuộc nhất và tốt nhất.
Tuy nhiên, khi người thầy thuốc tự chẩn bệnh và điều trị cho bản thân, nghĩa là bộ phận nào đó trên cơ thể của thầy thuốc đã sinh bệnh, tiêu chuẩn cơ bản của bộ phận đó cũng đã bị phá vỡ rồi. Lấy một tiêu chuẩn có bệnh để đo lường so sánh, thì sẽ không thể phát hiện được những khác biệt rất nhỏ trong các triệu chứng. Nếu thiết bị xét nghiệm của bệnh viện bị hỏng hóc rồi liệu còn có thể thực hiện xét nghiệm được không? Độ chính xác của xét nghiệm cũng không thể đáp ứng yêu cầu, vậy có thể cho ra kết quả đúng được ư?
Nếu thầy thuốc và bệnh nhân là người thân, thì giữa họ sẽ có vấn đề đồng mạch đồng tượng (tương đồng về mạch tượng). Do có quan hệ huyết thống giữa những người thân thích, nhiều năm chung sống sinh hoạt với nhau trong cùng hoàn cảnh, nên thói quen sinh hoạt của họ cũng giống nhau. Y học hiện đại phát hiện ra rằng, giữa những người thân có quan hệ huyết thống sẽ có các loại bệnh di truyền kỳ lạ, còn giữa những người gần gũi không có quan hệ huyết thống sẽ có các bệnh truyền nhiễm. Nếu tướng mạo, mạch tượng, .v.v. của thầy thuốc và bệnh nhân có sự tương đồng với nhau rất lớn, thì sẽ rất khó phát hiện những biến hóa nhỏ bé trong triệu chứng của một số bệnh. Thầy thuốc không thể chẩn đoán được chứng bệnh, làm sao kê đơn thuốc phù hợp được? Vì vậy, các thầy thuốc Trung y rất khó chữa trị một số bệnh cho người thân.
Lấy cơ thể của thầy thuốc làm tiêu chuẩn so sánh có ích lợi gì?
Đầu tiên đó chính là sự tiện lợi. Thầy thuốc có thể thực hiện chẩn đoán ở bất kỳ nơi nào, thầy thuốc có mặt ở đâu thì ở đó chính là bệnh viện. Thầy thuốc có thể làm việc độc lập, một thầy thuốc có thể xem là một bệnh viện. Tây y phải ở một địa điểm cố định, trang thiết bị của Tây y nhiều biết bao nhiêu, di chuyển thế nào đây? Thiết bị không có điện thì không thể hoạt động. Cần phải có đội ngũ nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp có tay nghề cao với nhiều chuyên ngành khác nhau phối hợp làm việc với nhau mới có thể thực hiện trị liệu.
Thứ hai là chi phí rẻ. Trung y lấy cơ thể con người làm tiêu chuẩn, bộ phận nào bất thường, kinh mạch nào bất thường, chỉ cần so sánh đối chiếu là có thể biết được. Vì vậy, thầy thuốc rất dễ dàng để tìm ra căn nguyên của bệnh, từ đó kê đơn bốc thuốc phù hợp với chứng bệnh. Một số bệnh, chỉ cần khơi thông ở vị trí mấu chốt nhất là có thể hết bệnh, không cần dùng quá nhiều thuốc. Ngoài ra, cũng có thể quan sát được phản ứng của các vị thuốc ở các bộ phận trên cơ thể. Các vị thuốc của Trung y rất rẻ, châm cứu không hao phí nhiều thuốc. Đối với bệnh viện của Tây y, cần rất nhiều nhân viên chuyên ngành cao cấp kết hợp làm việc với nhau như vậy, chi phí không đắt đỏ được sao? Chí ít, Trung y không cần các thiết bị đắt tiền và chi phí xét nghiệm đắt đỏ.
Thứ ba là, tính thích ứng với môi trường. Bệnh nhân và thầy thuốc cùng chung sống trong hoàn cảnh địa lý giống nhau, trải qua sự thay đổi của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông như nhau. Môi trường tự nhiên giống nhau, nên sự khác biệt về trạng thái giữa hai cơ thể tạo thành sự đối lập rất rõ ràng, giúp việc chẩn đoán dễ dàng. Các thiết bị đo lường xét nghiệm của Tây y đa số được đặt trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ. Bất kể trời đông giá rét hay mùa hè nóng nực, nhiệt độ trong phòng luôn được duy trì ở khoảng 25°C. Một người bình thường từ bên ngoài trời đang nắng nóng bước vào phòng khám ở bệnh viện, dù không có bệnh cũng có thể kiểm tra ra nhiệt độ cơ thể quá cao. Từ nơi rất xa xôi, tàu xe vất vả, vội vàng đi tới bệnh viện, các chỉ số có lẽ đã thay đổi từ lâu.
Thứ tư là nhân tố kiểm tra nhiều hơn. Các chỉ số của Tây y bao gồm: huyết áp, lượng đường trong máu, nhiệt độ cơ thể và các chỉ số khác được đo lường xét nghiệm bằng thiết bị. Mặc dù các bệnh viện hiện nay rất cao cấp, thiết bị kỹ thuật vô cùng tiên tiến, nhưng các loại chỉ số có hạn. Các chỉ số xét nghiệm chủ yếu thông thường chưa tới một trăm loại.
Cơ thể con người có bao nhiêu trạng thái? Trạng thái của cơ thể con người đều có những biểu hiện nhỏ bé vi tế ở các phương diện tinh khí thần, lục phủ ngũ tạng, tứ chi ngũ quan, ngôn hành cử chỉ. Các chỉ tiêu trong Trung y có rất nhiều. Ngày nay, các bệnh viện Trung y cũng giảng về huyết áp các loại. Kỳ thực, Trung y hiện đại đã bị phá hoại nghiêm trọng, các tiêu chuẩn đều bị Tây y đồng hóa. Lấy cơ thể con người làm tiêu chuẩn, mới có thể kiểm tra một cách toàn diện tình trạng toàn bộ của cơ thể. Mặc dù các chỉ số của Tây y cũng dựa trên việc nghiên cứu thống kê đối với nhiều người, nhưng các chỉ số này được khảo sát nghiên cứu từ trạng thái tĩnh, phạm vi rộng, khuyết thiếu trạng thái động, thiếu khả năng thích ứng với môi trường, cùng với tính chất cụ thể của từng chứng bệnh. Ví dụ như, Tây y cho rằng, máu vận hành tại các nơi trong cơ thể đều là giống nhau, lượng máu đồng đều, đều là chất dinh dưỡng và protein. Trung y lại cho rằng, máu ở lục phủ ngũ tạng không giống nhau, trong ngũ hành có sự tương sinh tương khắc, bổ trợ cho nhau, nó là một trạng thái động. Từ chẩn bệnh, Trung y có thể biết được mọi phương diện về khí huyết, nội tạng, tế bào, thậm chí biết được cả vấn đề vi quan, vi quan hơn nữa, thăng hoa thành tinh, khí, thần. Các yếu tố kiểm tra của Trung y nhiều vượt xa so với Tây y.
Thứ năm là, có liên quan đến Đạo. Trung y dựa trên học thuyết Ngũ hành, Ngũ hành có liên quan chặt chẽ với Đạo gia. Thầy thuốc chú trọng tu dưỡng và đạo hạnh. Mặc dù tri thức và kinh nghiệm có thể nâng cao năng lực nghiệp vụ, nhưng điều căn bản nhất vẫn là đạo hạnh của thầy thuốc.
Đạo hạnh của mỗi người không giống nhau, kết quả chẩn đoán của những thầy thuốc Trung y khác nhau cũng rất khác nhau. Tây y phụ thuộc vào thiết bị. Kỹ thuật công nghệ của thiết bị ngày càng tiên tiến, một số chỉ số xét nghiệm của Tây y cũng ngày càng cao hơn. Nhiều thầy thuốc Trung y hiện đại cơ bản không tin vào Đạo và đức. Cơ thể họ đã bị thất tình lục dục làm cho tổn hại nghiêm trọng rồi, cũng chẳng có đạo hạnh gì. Nếu không thể nghiêm khắc yêu cầu chính mình, thì tiêu chuẩn của bản thân còn không bằng Tây y.
Thầy thuốc có đạo hạnh cao, mức độ sức khỏe phải tốt hơn người bình thường, tiêu chuẩn kiểm tra cũng cao, chẩn đoán được vô cùng chi tiết. Diễn đạt theo cách khoa học, điều đó có nghĩa là độ nhạy bén của kiểm tra cao hơn, phân biệt cao hơn, độ chính xác cao hơn, các chỉ tiêu kiểm tra toàn diện hơn.
Thầy thuốc Trung y trước đây đều có những yêu cầu nghiêm ngặt đối với chính mình trong mọi phương diện sinh hoạt. Hầu hết họ đều có phong thái Tiên phong Đạo cốt, ôn tồn lễ độ. Một số thầy thuốc nổi tiếng đều có đạo hạnh vô cùng cao. Cơ thể của họ cũng vô cùng thuần tịnh, siêu thoát thế tục. Dùng cơ thể như thế để làm tiêu chuẩn, sẽ có thể phát hiện ra những bất thường ở các vị trí, các cơ quan và kinh mạch trong cơ thể bệnh nhân. Các bệnh chứng của lục phủ ngũ tạng đều có thể chẩn ra. Cùng với đó, cơ thể của bệnh nhân sẽ có những biểu hiện tương ứng với sự thay đổi của môi trường, và sự luân chuyển của các mùa, các tiết trong năm. Thậm chí có thể dự đoán biết trước các trạng thái hoạt động của tính chất của thuốc trong cơ thể bệnh nhân.
Những thầy thuốc như Biển Thước, Hoa Đà, Đổng Phụng v.v… đều có công năng Thần thông. Họ không chỉ có thể nhận biết, mà còn có thể trực tiếp nhìn thấu. Vì vậy, các vị ấy có thể phát hiện ra được những bất thường ở từng bộ phận, từng tế bào của bệnh nhân. Khi vừa gặp bệnh nhân, họ đã biết nơi nào trong cơ thể bệnh nhân xảy ra vấn đề mà không cần “vọng, văn, vấn, thiết”. Thầy thuốc vừa gặp bệnh nhân, thì giữa hai cơ thể họ đã tự động tiến hành so sánh. Trung y dùng tiêu chuẩn cao như vậy để chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Tiêu chuẩn cơ bản thực sự rất cao, các loại chẩn đoán và điều trị hiệu quả thần kỳ vượt xa so với Tây y hiện đại.
Đạo hạnh có thể thông qua tu hành để đạt được đề cao. Trung y đến từ Đạo, trong Trung y chứa đựng rất nhiều tri thức về tu hành. Trong truyện cổ, Tôn Ngộ Không và Tế Công chưa từng học y, vậy vì sao có thể trị được bệnh? Nhiều cao nhân đắc Đạo đều biết trị bệnh. Họ đều trải qua quá trình tu luyện đạt được một cơ thể thuần tịnh, vô lậu, không bệnh tật tai biến. Dùng cơ thể như vậy làm tiêu chuẩn để tiến hành kiểm tra chẩn bệnh cho bệnh nhân, thì đều có thể phát hiện ra các nhân tố gây bệnh cực kỳ vi quan. Thậm chí họ có thể vượt qua thời không để điều trị bệnh ở cách xa hàng ngàn dặm. Điều này càng không tầm thường.
Đạo gia giảng, cơ thể con người là một tiểu vũ trụ. Thân thể của người chân chính tu hành giác ngộ có phải là một vũ trụ không? Lấy vũ trụ làm tiêu chuẩn để trị bệnh cho con người, đó chẳng phải là tiêu chuẩn tối cao sao? Lấy vũ trụ làm tiêu chuẩn, có thể giúp vô số người vượt qua được khó nạn!