Tú tài từ bỏ công danh, lập chí tế thế cứu người, danh thơm truyền khắp từ cổ chí kim
Y học Trung Quốc hết sức huyền diệu. Cuốn sách y học đầu tiên của Trung Hoa mang tên “Hoàng đế nội kinh” đã dạy con người dưỡng sinh theo nguyên tắc “thiên nhân hợp nhất”, cùng với những phương pháp phòng tránh trước khi phát bệnh. Lương y các thời đại không chỉ chữa được các căn bệnh nan y mãn tính, mà còn biết những y thuật độc đáo có thể cải tử hoàn sinh chỉ trong chốc lát. Những lương y có trong tay thuật trị liệu thần kỳ này, đầu tiên chắc chắn phải có lòng từ bi cứu người giúp đời và y đức cao thượng. Hãy cùng tìm hiểu về y đức và y thuật cao siêu của hai vị danh y thời nhà Thanh đã từng cứu người ‘cải tử hoàn sinh’ là Hùng Khánh Hốt và Lưu Đạo Cảnh.
Lương y Hùng Khánh Hốt cứu sống hai mẹ con suýt tử vong trong ca khó sinh bằng thuật châm cứu
Trong thời kỳ đầu hưng thịnh của triều đại nhà Thanh, ở huyện An Nghĩa, tỉnh Giang Tây, có một vị danh y tên là Hùng Khánh Hốt (còn gọi là Hùng Hốt, tự Thúc Lăng). Ông sinh ra trong một gia đình có người làm quan, cha ông Hùng Khải Mô là Tiến sĩ năm Càn Long thứ 25, sau này vào triều đình nhậm chức. Thời niên thiếu, ông Hùng Khánh Hốt có thành tích xuất sắc vượt trội. Ông là tú tài của huyện, nhưng sau vài năm đi học tại trường huyện, ông Hùng xuất tâm nguyện mong muốn trở thành một vị lương y giúp đời cứu người. Từ đó, ông từ bỏ khoa cử, chuyển sang chuyên tâm nghiên cứu y học.
Ông Hùng Khánh Hốt vốn có thiên tư thông minh, lại có ngộ tính cao, nên đã nhanh chóng nắm bắt được tinh túy của y học và những y thuật tinh hoa. Ông thể ngộ rằng, hành nghề y là “việc của Thánh nhân”, nhất định đồng thời phải đạt tới chữ “tinh” về chuyên môn, chữ “nhân” về hành đạo và chữ “thần” về độ anh minh, mới có thể trở thành y Thánh (dịch từ câu được viết trong phần mở đầu tác phẩm “Biển Thước mạch thư nan kinh” nổi tiếng của ông). Sau này, danh tiếng của ông trong giới y học ngang hàng với danh y cùng thời là Trần Tu Viên.
Khi chữa bệnh, ông có khả năng nhanh chóng nhận biết ổ bệnh tiềm ẩn trong lục phủ ngũ tạng của bệnh nhân, phân biệt rõ ràng nguyên nhân mắc bệnh, dùng thuốc như Thần, chỉ cần uống thuốc là bệnh hết. Ông cũng có thể nhanh chóng hồi sinh người bị ngừng thở, ngạt thở, hoặc hôn mê.
Có lần, ông đi ngang qua một gia đình nọ. Trong nhà có người phụ nữ đã qua đời được nửa ngày. Nhưng ông nhìn qua liền biết rằng người phụ nữ vẫn còn cơ hội cứu chữa, nên ông đã nấu một chén thuốc nước, rồi rót vào cổ họng của người phụ nữ. Không lâu sau, người phụ nữ tỉnh lại một cách thần kỳ. Ngoài ra, ông Hùng Khánh Hốt cũng đã từng khám cho một sản phụ khó sinh đang bất tỉnh. Ông lập tức xác định được nguyên nhân tình trạng bệnh, và nói với gia đình sản phụ: “Hãy yên tâm, cô ấy vẫn còn cơ hội. Thai nhi trong bụng đang nắm chặt tim của mẹ, nên cháu bé không thể ra ngoài được.” Nói xong, ông liền lập tức châm cứu cho sản phụ đang hôn mê. Một lúc sau, em bé chào đời, và bà mẹ cũng tỉnh lại.
Khi đó, một vị quan Tuần phủ họ Kim nghe tài năng y thuật cao siêu của thầy thuốc Hùng Khánh Hốt, liền sai người mời ông đến khám bệnh. Tuần phủ Kim mắc bệnh mãn tính từ lâu, đã tìm rất nhiều thầy thuốc nhưng không ai chữa khỏi được. Sau khi thầy thuốc Hùng Khánh Hốt khám bệnh và kê cho ông một toa thuốc, Tuần phủ Kim chỉ uống vài ngày thì căn bệnh mãn tính đã khỏi hoàn toàn. Điều này khiến Tuần phủ Kim thực lòng cảm phục y thuật tài ba của lương y Hùng Khánh Hốt, và muốn giới thiệu ông đến Thái Y Viện làm việc, nhưng ông đã khéo léo từ chối.
Tâm nguyện của ông Hùng Khánh Hốt là để lại cho hậu thế những gì bản thân đúc kết được từ việc hành y giúp đời cứu người cũng như các trường hợp bệnh án ông đã từng gặp. Ông vừa hành y, vừa chỉnh lý lại sách y học của những danh y thời cổ đại. Đồng thời, thêm vào tâm đắc của mình, cách điều trị các ca bệnh ông từng gặp, và viết ra các cuốn “Biển Thước mạch thư nan kinh”, “Trung phong luận” (xuất bản năm 1821, Tân Tỵ niên hiệu Đạo Quang), truyền lại cho hậu thế. Cho đến nay vẫn còn bản in lưu truyền.
Link ảnh:
Danh y Lưu Đạo Cảnh dùng gương đồng cải tử hồi sinh trẻ ba tuổi
Giữa những năm niên hiệu Gia Khánh thời nhà Thanh, ở huyện An Nghĩa, tỉnh Giang Tây có một vị tú tài theo học nghề y, tên là Lưu Đạo Cảnh (tự Ngưỡng Sơn, hiệu Tâm Trai, 1779-1883). Ông đỗ tú tài và đang theo học ở trường huyện. Trong lúc đang ôn luyện bài vở chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, ông Lưu cảm thấy bản thân chưa làm được gì để giúp đỡ cho lê dân bá tánh nên đã từ bỏ khoa cử. Tú tài họ Lưu xuất tâm nguyện tế thế cứu người mạnh mẽ, dốc lòng bôn ba bốn phương tìm thầy học y. Không lâu sau, ông bái thầy học nghề với một vị danh sư. Qua nhiều năm dùi mài nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm, tú tài Lưu Đạo Cảnh trở thành một người thầy thuốc giỏi chuyên về khoa nhi, danh tiếng vang dội xa gần. Người đến tìm ông cầu y vấn dược nhiều vô số.
Ở huyện bên cạnh có một gia đình có con ba tuổi đột nhiên mắc bệnh nặng, triệu chứng nhanh chóng trở nên nguy kịch. Người nhà liền lập tức mời tú tài Lưu Đạo Cảnh đến khám bệnh. Nhưng khi danh y họ Lưu đến, người nhà đang khâm liệm thi thể cháu bé. Ông đến gần và yêu cầu mở quan tài. Lưu tú tài nhìn qua di thể một lát rồi nói: “Nhanh đưa cháu bé ra, vẫn còn cứu được.”
Mọi người xung quanh kinh ngạc. Cha mẹ cháu bé vừa lau nước mắt, vừa bán tín bán nghi hỏi ông, người mất rồi còn cách nào cứu sống lại được?
Lưu tú tài trả lời: “Đây là triệu chứng của bí nhiệt đến cực điểm. Ngay lúc này chính khí trong cơ thể cháu đang mất dần. Nếu dùng phương pháp phù hợp có thể cứu sống được.”
Ông bảo họ lấy ra một chiếc gương đồng, sau đó đặt gương đồng lên rốn cháu bé. Một lát sau bỏ gương ra, sờ tay vào thì thấy gương đồng đã nóng lên. Sau khi gương nguội, Lưu tú tài lại đặt gương lên rốn cháu bé. Sau một vài lần lặp lại như vậy, cháu bé ban nãy sắp tử vong giờ đã thở trở lại. Lưu tú tài lặp lại cách thức này vài lần nữa thì nghe thấy tiếng bé òa khóc. Ông kê một thang thuốc nước, cháu bé uống xong, vài ngày sau thì bệnh đã hoàn toàn khỏi.
Theo lời người dân địa phương, những câu chuyện kể về việc danh y Lưu Đạo Cảnh khởi tử hồi sinh còn rất nhiều. Vậy nên, người ta đều gọi ông là “Lưu Thần Tiên”. Tú tài Lưu Đạo Cảnh sống đến 105 tuổi, và qua đời vào ngày mùng 2 tháng 7 năm Quý Tỵ niên hiệu Đạo Quang. Tác phẩm “Ấu khoa tinh hoa” mà ông viết đã được lưu truyền cho hậu thế, giúp cho con cháu có thể tiếp tục kế thừa sự nghiệp tế thế cứu người của ông.