Vừa nhìn đã đoán được sinh tử, đại phu thời nhà Minh có y thuật kỳ diệu
Sinh tử hữu mệnh, phú quý do thiên. Phúc, lộc, thọ và thậm chí cả việc phát tác các loại bệnh tật của một đời người đều có định số. Khi đến lúc phát bệnh, màu của khí huyết trên mặt, và trạng huống lưu thông của mạch máu sẽ thể hiện ra những thay đổi dị thường. Tổng quan từ thời cổ đại đến hiện đại cho thấy, chỉ những người tinh thông y đạo hoặc tu Phật, tu Đạo mới có thể đọc hiểu được mật mã của cơ thể và nghiên cứu thông suốt những điều huyền bí. Trong các triều đại của Trung Quốc không thiếu những cao nhân như vậy. Bài viết này sẽ cho chúng ta thấy y thuật kỳ diệu của một số thầy thuốc thời nhà Minh. Họ chỉ cần nhìn qua đã có thể biết được sinh tử của người bệnh.
Thầy thuốc Tống Tử Kinh vừa nhìn đã biết nguyên nhân bệnh
Có một thầy thuốc tên là Tống Tử Kinh ở huyện Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc. Vì kết quả khảo thí trong kỳ khoa cử không đạt yêu cầu, ông quyết định từ bỏ thi cử và theo đuổi nghề y. Ông đem những cuốn sách y học cổ truyền như “Tố vấn”, “Linh xu”, “Lục phủ nội ngoại”, “Huyệt huyệt tương ứng” đọc đi đọc lại nhiều lần. Đột nhiên, có một ngày ông ngộ được nội hàm trong đó, và có được hiệu quả khá vi diệu trong việc chữa bệnh cho con người.
Khi đi trên đường, ông có thể biết tình trạng bệnh tật của ai đó và đoán xem sinh tử của họ chỉ bằng cách nhìn thoáng qua. Có một vị tuần đạo sức khỏe vẫn ổn, nhưng anh ta không thể ăn được. Tri phủ Hoàng Châu là người có giao hảo với anh ta nên đã tìm đến Tống Tử Kinh và thỉnh cầu ông đi khám bệnh. Nhưng ông ấy lại nói: “Tôi không cần phải đến nhà anh ta. Một ngày nào đó anh ấy đi ra ngoài, chúng tôi có thể gặp nhau trên đường là được.”
Một ngày nọ, vị tuần đạo đang ngồi xe ngựa đi ra ngoài. Tống Tử Kinh nhìn thấy và định gặp anh ta trên xe ngựa. Nhưng khi Tống Tử Kinh lên xe, vì ông ăn mặc y phục rách nát, nên áo mũ không chỉnh tế. Vị tuần đạo thấy ông không hiểu lễ nghi nên trong lòng rất tức giận. Sau khi Tống Tử Kinh xuống xe, ông nói nhỏ với người bên cạnh: “Bệnh của anh ta đã khỏi rồi.”
Ngày hôm sau, vị tuần đạo quả thực có thể ăn được. Ông ta liền mời Tống Tử Kinh đến nhà làm khách. Khi Tống Tử Kinh bước vào nhà, một thân tiêu sái, hành vi cử chỉ nho nhã khiến vị tuần đạo rất ngạc nhiên. Ông ta hỏi: “Tại sao ngày hôm qua khi gặp tôi ông lại ăn mặc như vậy?” Tống Tử Kinh trả lời: “Đó là để chữa bệnh cho ông. Ông không thể ăn vì ông có bệnh hoan hỷ, chỉ khi tức giận mới có thể làm cho khí ấy tiêu đi.”
Có một lần, Tống Tử Kinh đến tỉnh thành và nhìn thấy vài người khiêng một quan tài đi về phía trước. Lúc này, một giọt máu đột nhiên từ trong quan tài rơi xuống. Vừa nhìn thấy màu máu, ông liền bước tới ngăn cản những người khiêng quan tài và hỏi xem ai đang nằm bên trong. Những người đó trả lời: “Là một người phụ nữ vì khó sinh mà qua đời.” Tống Tử Kinh nói với họ: “Hãy đi tìm gia đình cô ấy lại đây. Người phụ nữ này vẫn còn có thể cứu được.” Ngay sau đó, chồng của người phụ nữ đến. Họ mở quan tài, Tống Tử Kinh châm cho người phụ nữ một cây kim, cô ấy liền tỉnh lại. Không lâu sau, cô sinh hạ một bé trai.
Tống Tử Kinh cũng rất tinh thông thuật bắt mạch. Bằng cách chẩn mạch, ông có thể biết một người có bị bệnh hay không. Một lần, ông chẩn mạch cho Tri phủ Hoàng Châu và nói với ông ta rằng sau mười năm ông ta sẽ làm quan ở địa phương nọ ở phía Tây. Chức quan của Tri phủ thăng lên nhưng cằm sẽ tụt lại. Mười năm sau, Tri phủ quả nhiên đến đất Thục, nhưng cằm của ông bị tụt lại hai tháng rồi. Các thầy thuốc tại địa phương đều không thể chữa khỏi bệnh cho ông, nên ông ta đã phái người đi tìm và mời Tống Tử Kinh đến chữa trị. Khi vừa gặp nhau, cả hai đều khách khí cúi đầu hành lễ. Tống Tử Kinh đứng dậy trước, bước tới đỡ Tri phủ đứng dậy. Khi Tri phủ đứng thẳng lên, cằm của ông cũng dài trở lại.
Thầy thuốc Tạ Biểu vừa mới nhìn qua đã biết được thời gian tử vong của người đó
Có một thầy thuốc tên Tạ Biểu ở huyện Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang. Khi còn nhỏ, ông theo Nho giáo, sau khi trưởng thành thì bắt đầu học y. Ông nghiên cứu chuyên sâu về y đạo trong nhiều năm, dần dần đã có thể chữa bệnh cho người khác. Thuật chẩn mạch của ông rất tinh thâm. Nhưng đôi khi ông không cần bắt mạch, chỉ cần nhìn qua một người thì Tạ Biểu đã biết tình trạng bệnh tật và thời gian sinh tử của người đó.
Trong huyện có một người đàn ông họ Lưu bị chứng bệnh đậu mùa. Không thầy thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh này, và dường như anh ta đã qua đời rồi. Cha mẹ anh đã mua một chiếc quan tài tốt, dự định đem anh ta nhập quan và đưa đi an táng. Lúc này, Tạ Biểu đi tới nhà họ. Ông nhìn sơ qua bệnh nhân, nói: “Anh ta chỉ là trong thân thể có hỏa mà thôi, sẽ không qua đời đâu.” Nói xong, ông bảo người bưng một bát nước xoa lên mặt bệnh nhân. Một lát sau, bệnh nhân có phản ứng và trong miệng còn phát ra âm thanh ú ớ. Tạ Biểu lập tức đem nước đổ vào miệng anh ta. Chẳng mấy chốc, trên cơ thể anh ta xuất ra những nốt đậu tạo thành từng chuỗi. Sau vài ngày nghỉ ngơi, bệnh nhân khỏi hoàn toàn.
Một ngày nọ, con dâu ông ở nhà đi ngang qua bên cạnh ông. Sau khi nhìn qua, Tạ Biểu gọi con trai đến và nói: “Hồn của thê tử con đã không còn nữa, cô ấy không thể sống đến thời điểm này năm sau.” Năm tiếp theo, quả đúng như lời Tạ Biểu nói.
Về sau, Tạ Biểu sống một thời gian ngắn ở huyện Quảng Đức, tỉnh An Huy. Người dân địa phương ca ngợi y thuật của ông. Có lúc họ gọi ông là “Tạ Nhất Thiếp” (Tạ luôn ổn thỏa, ý là gặp ông mọi việc đều sẽ an ổn), đôi khi họ gọi là “Tạ Bán Tiên”. Nhưng ông không bao giờ coi trọng danh lợi. Số tiền thu được từ tiền thuốc men và phí khám chữa bệnh, ông đều cho mọi người mượn hết. Một ngày nọ, ông tổ chức một bữa tiệc trong quán rượu để chiêu đãi một số bạn bè. Trong bữa tiệc, ông đột nhiên nói: “Thời điểm tạ thế của tôi sắp đến rồi, hôm nay tôi phải ly biệt các vị.” Mọi người đều cho rằng ông uống quá nhiều, nhưng ông nói: “Tôi có thể biết được sự sinh tử của người khác, còn không biết thời điểm ra đi của bản thân sao?” Nói xong, ông đốt hết giấy tờ ghi nợ do những người đó viết.
Tạ Biểu biết thời gian của mình không còn nhiều nên ông trở về quê hương. Chú của ông tình cờ gặp ông và ngạc nhiên hỏi: “Sao cháu lại về vào lúc này? Đúng dịp, cháu hãy chẩn mạch cho chú nhé!” Ông trả lời: “Không cần chẩn mạch nữa đâu, hai chú cháu ta sắp qua đời, cháu đã biết rồi.” Quả nhiên, chưa đi được vài bước, ông liền nói với chú của mình: “Thời gian của chú cũng không còn nhiều nữa, cháu sợ chú sẽ ra đi trước cháu mười ngày.” Chú của ông không tin, nhưng khi ngày đó đến, cả hai người lần lượt rời đi. Chuyện này xảy ra lâu rồi, nhưng người dân địa phương vẫn cảm thán: Tạ Biểu đúng là Biển Thước tại thế!
Thầy thuốc Vương Mẫn vừa nhìn thoáng qua đã phát hiện người khác chẩn đoán sai
Có một thầy thuốc ở huyện Ngô, Tô Châu, tên là Vương Mẫn, tự là Thì Miễn. Ông mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ và sống một cuộc sống bần hàn. Khi lớn lên, ông theo một vị danh y họ Hàn học y thuật, từ đó trở đi bước vào con đường hành nghề y.
Một người phụ nữ bị huyết cổ (một thứ trùng độc hại người), các thầy thuốc bản địa không ai có thể chữa trị được. Thế nhưng Vương Mẫn nhìn sơ qua người bệnh rồi nói: “Đây không phải là bệnh, là có tin mừng, và là con trai.” Người phụ nữ uống thuốc dưỡng thai do ông kê và sau này sinh ra một bé trai.
Một vị đại tướng quân phụ trách hải đạo tổ chức yến tiệc tại nhà và mời Vương Mẫn đến dự. Ông thấy một đào kép đang rót rượu, sắc mặt xanh xao, hơi thở nhẹ mà gấp, nên nói với đại tướng quân: “Đây là triệu chứng hỏa khắc kim. Bây giờ hỏa ở trên, kim ở dưới, người này tôi e sợ là không sống lâu được.” Quả nhiên đến tháng Sáu năm sau, đào kép kia đã qua đời.
Người đứng đầu sở Thiên hộ địa phương chưa đến hai mươi tuổi. Một ngày nọ, anh ta đột nhiên ngất xỉu, còn phát sốt, ho, và chẳng mấy chốc bắt đầu nói sảng. Các thầy thuốc đến khám đều cho rằng anh ta bị bệnh thương hàn. Nhưng dù họ có kê đơn thuốc gì thì bệnh tình của anh cũng không thuyên giảm. Vương Mẫn đến đó, nhìn thấy liền nói: “Đây là chứng đậu mùa.” Sau khi cho anh ta uống thuốc sắc trị đậu mùa, trên người anh bắt đầu xuất hiện các nốt đậu. Không lâu sau bệnh đã khỏi.
Một người đàn ông có nhọt độc ở lưng, nó cứ lớn lên trong thịt và không xuất ra ngoài da. Nhiều thầy thuốc ngoại khoa khám và nói rằng khi nhọt độc lớn xuất ra ngoài mới có thể chữa trị được. Sau khi bắt mạch cho ông ta, Vương Mẫn nói: “Từ mạch của ông nhận thấy, một khi nhọt độc lớn xuất ra thì trái lại không có cách nào chữa.” Nhưng các thầy thuốc có mặt không nghe lời ông. Họ kiên quyết dùng ngải cứu làm cho nhọt độc bùng xuất ra. Nhọt độc lớn xuất ra to như hạt dẻ, các thầy thuốc đều nói: “Ông nhìn nhé, không có vấn đề gì cả!” Kết quả là không quá ba ngày người đàn ông đó đã qua đời.