Tại sao Hàn phục và Hán phục lại giống nhau đến vậy?
Phục sức rất quan trọng đối với mỗi chúng ta, bởi vì mỗi ngày chúng ta đều cần mặc quần áo và đeo trang sức. Trong cuộc sống, chúng ta thường nói: “Nhân bất khả mạo tướng, hải thủy bất khả đấu lượng”, tức là không thể nhìn vào bề ngoài để đánh giá một người, cũng như không thể dùng đấu để đong đo nước biển được. Thế nhưng, cũng không thể tránh được việc chúng ta ‘nhìn mặt mà bắt hình dong’, bởi vì khi hai người gặp nhau, trước hết sẽ dựa trên phục sức, hành vi và lời nói của người đối diện để đoán xem họ đến từ đâu, trình độ học vấn như thế nào, v.v.
Đối với người Trung Quốc, trang phục không chỉ dùng để che thân, chống lạnh, mà còn có nội hàm sâu sắc. Trung Quốc từng được mệnh danh là “Y quan thượng quốc” (đại quốc của áo mũ). Phục sức của Trung Quốc từng có ảnh hưởng sâu sắc đến Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, v.v., cũng từng theo con đường tơ lụa để truyền văn hóa phục sức sang châu Âu. Trong văn hóa Trung Quốc, phục sức không đơn giản chỉ là một bộ quần áo mà còn dùng để tổ chức trật tự xã hội. Ví dụ trong văn hóa Trung Quốc, chúng ta có thể phân biệt được Hoàng đế, quan viên, thường dân thông qua trang phục của họ. Chúng ta vừa nhìn đã có thể biết rõ giai tầng xã hội của mỗi người.
Trong “Xuân Thu tả truyện chính nghĩa” ghi chép: “Trung Quốc có lễ nghi to lớn, nên gọi là Hạ; có trang phục đẹp, nên gọi là Hoa.” Nói cách khác, bởi vì có lễ nghi và phục sức nên Trung Quốc được gọi là Hoa Hạ. Từ đó, chúng ta thấy được tầm quan trọng của phục sức và lễ nghi trong văn hóa Trung Quốc.
Tuy phục sức có nội hàm thâm sâu đến thế, nhưng rốt cuộc chúng truyền tải những văn hóa gì? Đối với người hiện đại chúng ta mà nói, có lẽ có rất ít người biết rõ. Cho đến tận ngày nay, khi có nhiều người muốn khôi phục lại văn hóa truyền thống, muốn khôi phục lại Hán phục của Trung Quốc, nhưng khi có nhiều người mặc Hán phục, họ lại bị chỉ trích: “Không phải quý vị đang mặc trang phục của Nam Hàn sao, đó không phải Hanbok sao?”
Hàn phục và Hán phục rất giống nhau khiến nhiều người không thể phân biệt được. Vậy rốt cuộc Hàn phục và Hán phục giống nhau nhiều như thế nào? Những người không chú ý đến khía cạnh này có thể khó hiểu được. Một lần, tôi đến tham quan triển lãm phục sức trong một trăm năm của Nam Hàn. Vừa nhìn đã khiến tôi thực sự ngạc nhiên, bởi triển lãm đã trưng bày những thay đổi trong phục trang Nam Hàn từ thời vương triều Triều Tiên cho đến thời cận đại và hiện đại. Nhưng quý vị biết không, khi tôi nhìn thấy những phục sức đó, tôi lại cho rằng chúng chính là phục sức của Trung Quốc. Ví dụ, trên một bộ lễ phục mặc cho một em bé một tuổi có các chữ Trung Quốc như “tường thụy” (điềm lành), “phúc”, “thọ”, .v.v. Trong văn hóa Trung Quốc, đây là những lời tốt lành được viết để chúc trẻ sống lâu trăm tuổi.
Ở mặt lưng một bộ hôn phục (trang phục cưới) của Nam Hàn còn thêu tám chữ Trung Quốc: “lưỡng tính chi hợp” “bách phúc chi nguyên” (hai họ liên hợp là nguồn gốc của trăm điều phúc). Tôi thậm chí còn nhìn thấy quan phục của Nam Hàn trông giống như bổ phục (áo quan có đính bổ tử) của các quan viên Trung Quốc thời nhà Minh, nhà Thanh, với một miếng bổ tử¹ ở giữa.
Không chỉ trang phục của thường dân và quan viên thời vương triều Triều Tiên rất giống với phục sức truyền thống của Trung Quốc, mà ngay cả phục trang của Quốc vương vương triều này cũng rất giống với phục trang truyền thống của Trung Quốc. Ví dụ, trong triển lãm có trưng bày chiếc áo choàng vải bông màu xanh da trời của vị vua thứ 21 vương triều Triều Tiên là Yeongjo. Tuy nhiên, màu sắc, họa tiết, kiểu dáng và nét thủ công của chiếc áo này lại chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Nho gia của Trung Quốc thời cổ đại.
Triển lãm được “Quỹ bảo tồn văn hóa Nam Hàn Arumjigi (아름지기)” ở Seoul đứng ra tổ chức. Bà Yun Gyun S. Hong, Chủ tịch hội đồng quản trị của tổ chức cho biết, chiếc áo choàng bông màu xanh da trời này trông rất đơn giản, nhưng nó có nội hàm tinh thần rất lớn. Họ không nghĩ đến việc sử dụng quá nhiều những chất liệu xa hoa mà vô cùng khiêm nhường, nhưng nó biểu đạt tư tưởng của họ.
Hôm nay chúng ta sẽ thảo luận một chút tại sao phục sức truyền thống của Nam Hàn lại trông giống Hán phục đến vậy? Nói đến phục sức Nam Hàn, cần nhìn vào bối cảnh lịch sử của quốc gia này cũng như nguồn gốc lịch sử của Trung Quốc cổ đại mới có thể hiểu rõ tại sao văn hóa phục sức của họ lại giống nhau đến vậy. Bởi vì Trung Quốc thời cổ đại có ảnh hưởng rất sâu sắc đến toàn bộ khu vực Đông Á. Ví dụ như chữ Hán của Trung Quốc đã từng ảnh hưởng sâu sắc đến Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Toàn bộ vùng văn hóa Đông Á lúc đó được gọi là “vòng tròn văn hóa chữ Hán (văn hóa khuyên)”, bình thường họ đều sử dụng chữ Hán. Văn thư chính thức của Triều Tiên đều viết bằng chữ Hán. Thậm chí cho đến hiện nay, một số tiếng trong tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Việt rất giống tiếng Hán. Chúng tôi từng xây dựng một video về một số từ ngữ trong tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Việt có phát âm rất giống với tiếng Hán. Từ việc thấy được ngôn ngữ của họ giống với Hán ngữ như thế nào, chúng ta không khó để tưởng tượng rằng văn hóa phục sức của Nam Hàn cũng bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Khi nói đến phục sức của Nam Hàn, chúng ta phải bắt đầu nói từ lịch sử của quốc gia này. Bán đảo Triều Tiên bị phân chia thành hai nước là Nam Hàn và Bắc Hàn từ sau Đệ nhị Thế chiến. Trước đó, vùng đất này đã từng trải qua việc phân chia hoặc thống nhất của các Vương triều. Ví như vương triều Cao Ly (Goryeo) và vương triều Triều Tiên (Joseon) đều từng thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Nguồn gốc của phục sức Triều Tiên và phục sức truyền thống Trung Quốc có thể truy ngược về “thời kỳ Tam Quốc” của bán đảo Triều Tiên. Cũng giống như “thời kỳ Tam Quốc” của Trung Quốc, ba nước tạo thành thế chân vạc, vào thời điểm đó, ba nước trên bán đảo Triều Tiên là: Cao Câu Ly (Goguryeo), Bách Tế (Baekje) và Tân La (Silla).
Cả ba nước này đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc. Cao Câu Ly du nhập nhu quần² của triều Đường, Tân La và Bách Tế cũng du nhập Tề Hung nhu quần³ và Cao Yêu nhu quần⁴ từ triều Đường. Trong ba nước này, Tân La và nhà Đường (Trung Quốc) có mối bang giao rất thân thiết.
Trong thời trị vì của Kim Wonjong, vị vua đời thứ 23 của nước Tân La, ông đã mô phỏng theo chế độ công phục của quan viên thời nhà Tùy, nhà Đường của Trung Quốc. Trong thời kỳ Tùy-Đường, cấp bậc lớn nhỏ của quan viên được phân biệt dựa trên màu sắc trang phục của họ. Nước Tân La dựa theo đó chia màu sắc quan phục của họ thành bốn màu tím, đỏ, xanh lục và vàng. Chúng hầu như thống nhất với màu sắc thường phục của quan viên thời Tùy-Đường ở Trung Quốc.
Vị vua thứ 28 của Tân La là Jindeok phái sứ giả đến triều Đường thỉnh cầu chương phục (công phục của quan viên). Hoàng đế Đường Thái Tông đã ban cho họ phục sức và mũ mão. Từ đó, họ bắt đầu mặc trang phục thời Đường. Đến thời vua Tân La thứ 30 là Munmu, nhờ vào sự giúp đỡ của triều Đường, ông đã thống nhất hai quốc gia khác là Cao Câu Ly và Bách Tế, đây là thời kỳ Tân La thống nhất. Sau khi Tân La thống nhất ba nước, quốc gia này du nhập một lượng lớn phục sức từ triều Đường, bao gồm rất nhiều vật liệu may mặc như tơ lụa, gấm vóc, v.v.
Về giáo dục, Tân La thống nhất cũng noi theo triều Đường, thành lập các cơ sở giáo dục chuyên truyền thụ Hán học, chủ yếu học tập “Luận Ngữ”, “Lễ Ký”, “Chu Dịch”, “Tả Truyện”, “Thượng Thư”, “Xuân Thu” .v.v. Đây đều là những kinh sách của văn hóa Trung Quốc.
Vì vậy kể từ đó, Tân La đã hoàn toàn tiếp thụ văn hóa và phục sức của Trung Quốc. Sau này, Cao Câu Ly thâu đoạt chính quyền, ông Wang Geon lập nên triều đại Cao Ly (Goryeo).
Trong những ngày đầu của triều đại Cao Ly, phục sức về cơ bản kế thừa di sản của triều Đường. Người sáng lập triều đại Cao Ly là Wang Geon lập di chúc gồm 10 điều cho các quan đại thần trước khi qua đời. Trong đó có một điều là: “Phương đông chúng ta từ lâu đã ngưỡng mộ phong tục nhà Đường, văn vật lễ nhạc đều tuân theo chế độ của họ. Những vùng đất khác nhau, con người khác nhau có khác biệt về nhân tính, không cần cẩu thả ép buộc giống nhau. Khiết Đan là đất nước cầm thú, phong tục bất đồng, ngôn ngữ khác biệt, cẩn thận đừng tuân theo chế độ áo mũ của họ.” Đại ý là nói văn hóa lễ nhạc, văn vật phục sức của triều Đường rất tốt, chúng ta nhất định phải học tập từ Trung Quốc. Ngay cả khi chúng ta thực hiện một số thay đổi căn cứ theo sự khác biệt phong thổ nhân tình, chúng ta cũng không thể học hỏi từ các quốc gia khác, chẳng hạn như Khiết Đan.
Sau triều Đường, đến triều Tống, vương triều Cao Ly cũng cống nạp và tiếp nhận sắc phong của triều Tống. Triều Tống cũng ban tặng trang phục cho vương triều Cao Ly. Lễ phục của Cao Ly là mô phỏng theo chế độ nhà Đường và nhà Tống, chẳng hạn như áo bào, miên phục⁵ của Hoàng đế, lễ phục của các quan lại, v.v.
Sau triều Tống, tới triều Nguyên, vị vua đời thứ 25 của vương triều Cao Ly là Chungnyeol kết hôn với Trưởng công chúa, con gái của vua Hốt Tất Liệt, và trở thành phò mã của nhà Nguyên. Như vậy, hai nước đã liên hôn. Từ đó về sau, rất nhiều vị vua của Cao Ly cưới các công chúa, và trở thành phò mã nhà Nguyên, chẳng hạn như vua Gongmin kết hôn với Lỗ Quốc Đại trưởng công chúa triều Nguyên. Công chúa Lỗ Quốc rất thông minh, hiền huệ. Bà biết vua Gongmin thích thư pháp nên đã mang theo rất nhiều tác phẩm thư pháp của Triệu Mạnh Phủ. Hai vợ chồng rất yêu quý nhau. Liên hôn như vậy cũng khiến quan hệ giữa vương triều Cao Ly và triều Nguyên ngày càng mật thiết. Nhà Nguyên không ngừng ban phục sức cho cho vua Cao Ly, vương phi cho tới các đại thần. Vậy nên, từ trên xuống dưới trong vương triều Cao Ly “đều mặc áo mũ của thượng quốc (Trung Quốc)”.
Đến thời kỳ cuối của vương triều Cao Ly, một vị đại thần tên là Yi Seong-gye đã thâu đoạt chính quyền và thành lập một vương triều mới. Việc thay đổi triều đại nhất định phải báo cho mẫu quốc biết, lúc này tương ứng với thời kỳ nhà Minh ở Trung Quốc. Sau khi Yi Seong-gye báo cho triều đình nhà Minh, họ được Minh triều đặt quốc hiệu là “Triều Tiên”, từ đó bắt đầu thời kỳ vương triều Triều Tiên. Quan hệ có đi có lại của vương triều Triều Tiên và nhà Minh rất tốt. Trong thời kỳ này, vương triều Triều Tiên đã học tập rất nhiều văn hóa và phục sức của Trung Quốc. Nhà Minh cũng giúp vương triều Triều Tiên chống lại kẻ địch bên ngoài, bảo vệ sự ổn định của họ. Thời kỳ lịch sử này đã trở thành một đoạn giai thoại cho hậu thế.
Chú thích của người biên dịch:
(1) Bổ tử: Chỉ vuông vải thêu hình chim muông, hoa văn, cỏ cây, sông núi đính ở ngực và lưng áo trên phẩm phục của quan viên. Đây là tiêu chí phân biệt phẩm cấp của quan lại.
(2) Nhu quần: Thân trên mặc áo ngắn, thân dưới buộc quần váy (thường) bên ngoài váy vây dài.
(3) Tề Hung nhu quần: Trang phục nữ, mặc áo đối khâm (áo ngắn hai vạt song song, khuy áo ngay trước ngực) hoặc áo giao lĩnh (áo ngắn hai vạt giao nhau, vạt áo bên trái che qua nách phải buộc dây) buộc với váy dưới.
(4) Cao Yêu nhu quần: Thời Hán Tấn, Tề Hung nhu quần có váy được buộc quanh eo. Đến thời Tùy Đường Ngũ triều, váy buộc cao trên ngực nên gọi là Cao Yêu nhu quần.
Thủy Tiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ