Những dự ngôn thần kỳ của thần y Tôn Tư Mạc
Người đời ngưỡng mộ Tôn Tư Mạc không chỉ bởi y thuật cao siêu, mà còn bởi ông là người tu luyện đắc Đạo, đã để lại nhiều truyền kỳ cho hậu thế.
Tôn Tư Mạc, được mệnh danh là Dược vương Tôn Thiên Y, là thầy thuốc nổi tiếng của Trung Hoa thời cổ đại. Tôn Tư Mạc sinh vào thời Tây Ngụy, tương truyền ông sống đến năm 141 tuổi rồi đi tu tiên. Ông rất uyên bác thông hiểu kinh điển, lịch sử và các học thuyết của Bách gia chư tử. Mới lên 7 tuổi, ông đã có thể “mỗi ngày đọc thuộc lòng 1.000 chữ”, chính vì khả năng phi thường như vậy nên ông còn được gọi là “Thánh đồng”.
Tôn Tư Mạc từng để lại bộ sách “Thiên Kim Phương” cùng nhiều sách dưỡng sinh lưu truyền hậu thế, có hiệu quả rất lớn trong việc cứu người. Ngoài việc học kinh điển và nghiên cứu các loại dược phương, ông còn là một người tu luyện cao thâm. Có câu rằng: “Tinh thức cao Đạo, thâm đạt nhiếp sinh” (hiểu thấu Đạo cao, hiểu sâu đạo lý đời), ông biết rõ tu Đạo là mục đích nhân sinh từ cổ chí kim, bên cạnh đó ông cũng vô cùng tinh tường thuật số, dùng khí cụ hoặc toán số để quan sát thiên tượng, nắm bắt được quy luật càn khôn. Là bậc tu hành cao thâm, bề ngoài Tôn Tư Mạc trông trẻ trung như thanh niên, người đời tôn kính coi ông là Thần tiên, tựa như Lạc Hạ Hoành hay An Kỳ tiên sinh.
Tương truyền, Tôn Tư Mạc có công năng nhìn thấu tương lai và quá khứ mà thế gian vẫn gọi là túc mệnh thông.
“Cổ Đường Thư” ghi chép rằng, vào thời Tuyên Đế nhà Bắc Chu (578-579 SCN), Tôn Tư Mạc sống ẩn dật trên núi Thái Bạch. Sau khi Tùy Văn Đế kiến lập nhà Tùy đã mời ông làm Bác sĩ Quốc tự nhưng ông viện cớ khước từ. Ông từng nói với người thân cận của mình rằng: “50 năm nữa sẽ có Thánh nhân xuất hiện, khi ấy ta mới có thể giúp ngài cứu nhân tế thế”. Quả nhiên 50 năm sau, minh quân Đường Thái Tông lên ngôi (năm 627 SCN), lần này ông mới tiếp nhận chiếu chỉ của Thái Tông hoàng đế lên đường tiến kinh.
Tương truyền Tôn Tư Mạc có dung mạo như người trẻ tuổi, những thần tích về ông khiến người đời phải công nhận rằng các truyền thuyết về tu Đạo là thật, hoàn toàn không phải chuyện hoang đường.
Tranh vẽ Tôn Tư Mạc trong cung điện nhà Thanh.
Ngoài việc quan sát thiên tượng để biết chuyện thế nhân, Tôn Tư Mạc còn có thể biết trước các sự kiện lịch sử. Khi các sử gia nhận lệnh phải thay đổi lịch sử của ngũ triều Tề, Lương, Trần, Chu, và Tùy, ai nấy đều lo sợ rằng sử sách sẽ bị khiếm khuyết nên đã thỉnh cầu đến ông. Tôn Tư Mạc liền kể lại những câu chuyện lịch sử sống động giống như ông được tận mắt chứng kiến vậy.
Có câu chuyện kể rằng, trước khi cháu trai của ông là Tôn Phổ được sinh ra, Tôn Tư Mạc đã biết trước sau này cháu sẽ làm đến chức vụ gì. “Cổ Đường Thư” cũng ghi lại một câu chuyện như sau: Khi còn nhỏ tuổi thái tử Lô Tề Khanh đã từng hỏi Tôn Tư Mạc về tương lai sau này, Tư Mạc trả lời: “50 năm nữa ngài sẽ làm đến quan thứ sử, cháu trai tôi sẽ làm thuộc hạ của ngài”. Sau này khi Tề Khanh làm thứ sử Từ Châu thì Tôn Phổ làm quận trưởng huyện Tiêu của Từ Châu, tức là cấp dưới của Lô Tề Khanh.
Còn có một dự ngôn khác kể rằng: Thời đó, thị lang Đông Đài Tôn Xử Ước (sau này là tể tướng thời Đường Cao Tông) có năm người con trai tên là Tôn Đỉnh, Tôn Cảnh, Tôn Tuấn, Tôn Hựu và Tôn Thuyên. Ông gọi các con trai tề tựu lại bái kiến Tôn Tư Mạc rồi nhờ ông xem tướng. Tôn Tư Mạc nói: “Tuấn đương tiên quý, Hựu đương vãn đạt, Thuyên tối danh trọng, họa tại chấp binh”. Sau này, Tôn Thuyên làm Tả Vũ Lâm đại tướng quân của Đường Duệ Tông, đã tử nạn trong trận chiến với Khiết Đan. Vận mệnh của những người con trai khác cũng không nằm ngoài dự đoán trên.
Tôn Tư Mạc mất vào năm Vĩnh Thuần thứ nhất. Trước khi tạ thế, ông dặn dò con cháu phải giản tiện việc mai táng, trong mộ không đặt thứ gì quý giá, cũng không được sát sinh cúng tế. Hơn một tháng sau khi qua đời, ngoại hình của ông vẫn không thay đổi, khi chôn cất thì phát hiện chiếc quan tài trống rỗng, ai nấy đều cho rằng ông chưa chết mà chỉ thực hiện thuật ẩn thân của người tu Đạo. Lại có thuyết rằng Tôn Tư Mạc vẫn chưa tạ thế mà đang chu du ở vùng núi Tứ Xuyên.
Cuộc đời của Dược vương Tôn Tư Mạc là một huyền thoại về tu Đạo. Từ xa xưa, đất nước Trung Hoa đã có một nền văn hóa tu luyện uyên thâm được truyền từ đời này sang đời khác.
Tác giả: Doãn Gia Nhược
Biên dịch: Minh Sơn