Ba vị quan y thời Minh trị bệnh như Thần, rất nổi danh trong dân gian
Thời Trung Quốc cổ đại, để trở thành ngự y của hoàng gia hoặc thậm chí được Vua khâm điểm là điều rất khó khăn. Họ có thể là nhờ y thuật xuất sắc, vang danh một phương, được Hoàng đế tán thưởng, từ đó được triệu vào cung; hoặc là làm việc trong các viện y dược của triều đình, miệt mài nghiên cứu chuyên sâu, chăm học khổ luyện, sau khi vượt qua nhiều đợt khảo hạch mới được tuyển chọn vào cung, từng bước trở thành các bậc y quan được Hoàng gia tín nhiệm. Ba vị y quan triều Minh được giới thiệu trong bài viết này có tài trị bệnh “hiệu quả như Thần,” không chỉ được nể trọng trong hoàng cung, mà cũng rất nổi danh ở ngoài dân gian.
Danh y Cát Lâm, dùng một muỗng canh thuốc chữa khỏi bệnh động kinh của Hoàng đế
Cát Lâm, tự Mậu Lâm, người ở huyện Tiền Đường, tỉnh Chiết Giang. Y thuật của ông vô cùng cao minh, giỏi nhất là điều trị về nhi khoa. Thời Hoàng đế Minh Hiến Tông tại vị, những lời đồn về việc ông trị bệnh như Thần từng lan truyền khắp kinh thành. Về sau, ông được Hoàng đế khâm điểm [bổ nhiệm], trở thành một trong những ngự y của Thái y viện.
Khi Minh Vũ Tông còn nhỏ luôn được Thái hậu hết lòng chăm sóc. Thái hậu rất tín nhiệm Cát Lâm, mỗi lần triệu kiến đều yêu cầu ông chẩn mạch cho Vũ Tông. Vào lúc sẩm tối của một ngày nọ, Vũ Tông lên cơn động kinh, tình huống vô cùng nguy cấp. Lúc đó, các thái y chịu trách nhiệm chẩn trị đều không có cách nào, đành phải đi mời Cát Lâm đến. Cát Lâm chỉ đút cho Vũ Tông một muỗng nước thuốc, từ đó bệnh của Vũ Tông không còn tái phát nữa. Ngày hôm sau trong cung tổ chức yến tiệc, Cát Lâm được mời đến dự. Hoàng đế rất vui mừng, đã ban thưởng cho ông một số ngân lượng và gấm lụa ngay trong buổi tiệc.
Đến thời Minh Mục Tông, con trai 25 tuổi của Bỉ bộ lang Uông Tại Tiền đột nhiên phát bệnh thủy đậu. Uông Tại Tiền có chút hiểu biết về y thuật nên cho rằng không có gì đáng ngại, vì thế cũng không lo lắng. Nhưng sau khi Cát Lâm thăm khám, phát hiện tình huống không phải như thế. Ông quan sát thấy nốt thủy đậu của bệnh nhân chỉ phát trong năm ngày, ngày thứ bảy thì dần dần giảm đi, đến ngày thứ 14 thì vảy bong tróc ra. Cát Lâm nhận thấy tình trạng không ổn, vội vàng nói với Uông Tại Tiền: “Nội trong vòng một tháng, sợ rằng lệnh lang sẽ nguy hiểm đến tính mạng!”
Song một tháng đã trôi qua, con trai của Uông Tại Tiền vẫn bình an vô sự, không xuất hiện nguy hiểm gì. Uông Tại Tiền mở tiệc tại nhà, mời khách và bằng hữu đến mừng con trai khỏi bệnh. Lúc này Cát Lâm vẫn chú ý theo dõi bệnh tình. Khi ông nhìn thấy nốt thủy đậu ở lòng bàn chân bệnh nhân lại lần nữa mọc mụn nước, sau khi mủ chảy ra thì để lại những vết sẹo trên da, ông bèn nói với Uông Tại Tiền: “Ài, sợ rằng lệnh lang sống không quá một trăm ngày nữa!”
Ngay khi đến ngày thứ một trăm, con trai của Uông Tại Tiền đột nhiên qua đời. Ông Uông suy nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao. Ông cho rằng rõ ràng bệnh tình của con mình không mấy nghiêm trọng, nên ông bèn đi tìm Cát Lâm để hỏi nguyên do. Cát Lâm nói: “Bệnh thủy đậu là do một số độc tố trong cơ thể không thể bài xuất ra, mới tích tụ lại mà tạo thành. Nếu độc tố không được bài xuất ra sạch sẽ hoàn toàn, thì sẽ nguy hại đến tính mạng. Nốt đậu độc của con trai ngài là từ trong thận phát ra, khi bài xuất ra bên ngoài cũng không được thông thuận, như thế là rất nguy hiểm rồi. Sở dĩ có thể gắng gượng qua trăm ngày, là vì độc tố chạy xuống lòng bàn chân của cậu ấy để bài xuất, quá trình di chuyển từ trên xuống dưới như thế diễn ra chậm, cần có thời gian.” Lần này nghe Cát Lâm giải thích xong, Uông Tại Tiền lại càng thêm kính trọng ông.
Thời Minh Thế Tông tại vị, trong một ngày mùa hè nọ, con trai của Thiếu sư Dương Nhất Thanh đột nhiên bị hôn mê bất tỉnh. Lúc ấy, thấy cậu bé không còn hơi thở nữa, người trong nhà đều cho là đã mất rồi, bèn dự định đem đi nhập liệm. Cát Lâm chứng kiến, vội vã ngăn mọi người lại. Ông nói với Dương Nhất Thanh: “Lệnh lang không có chuyện gì. Trước tiên hãy đem cậu ấy ra bên ngoài nhà đã!” Dương Nhất Thanh không tin còn có thể cứu được con trai, thở dài nói: “Người đều đã mất rồi, còn có thuốc gì có thể cứu được chứ?” Cát Lâm nói: “Tôi không có thuốc, nhưng mây trên trời có thể sẽ làm cho con trai ngài khởi tử hồi sinh. Ngài hãy nhìn xem, mây đã tụ lại trên trời, rất nhanh sẽ có mưa xuống, âm khí bắt đầu lưu động, dương khí đang tích tụ sẽ tản ra. Tôi dùng một ít thảo dược có thể thanh nhiệt lợi ẩm nấu với nước, để bệnh nhân nằm ở phía trên cho hơi nóng bốc lên, là có thể tỉnh lại.” Sau đó, quả nhiên người bệnh sống lại, bệnh của cậu cũng không còn tái phát trở lại nữa.
Cát Lâm có tướng mạo gầy mảnh, ánh mắt sắc bén, rất có phong thái của Đạo nhân. Ông quan sát khí sắc, nghe giọng của bệnh nhân khi họ nói chuyện, liền có thể biết người đó bị bệnh gì. Sau khi bắt mạch, còn có thể nói ra bệnh nhân còn sống được bao lâu. Ông tinh thông dược lý, phương thuốc được ông phối chế luôn có hiệu quả, thuốc đến là bệnh khỏi.
Về sau, ông làm đến Thái y viện phán. Đến lúc tuổi già, ông tập hợp kinh nghiệm và đơn thuốc nhiều năm của mình viết thành cuốn “Hạnh Ổ Bí Quyết”. Năm 88 tuổi, ông an nhiên qua đời.
Danh y Vương Tư Trung có thể trị khỏi nhiều bệnh nan y
Danh y Vương Tư Trung, tự Kiến Phủ, người ở huyện Ngô Giang, tỉnh Giang Tô. Từ nhỏ ông đã nghiên cứu sách y, có những kiến giải độc đáo đối với y lý. Sau khi trưởng thành, y thuật của ông dần phát triển, ngày càng tinh thông thuật chẩn mạch. Sau mỗi lần chẩn mạch, ông đều có thể nói ra chuẩn xác bệnh tình và nguyên nhân bệnh. Ông dùng kiến giải của chính mình về căn bệnh để kê đơn thuốc phù hợp, không phụ thuộc vào các đơn thuốc xưa, nhưng lại có hiệu quả thần diệu.
Thời đó, Bành thị là dòng dõi danh môn vọng tộc ở huyện Hải Diêm, Chiết Giang. Người con dâu mới cưới về của nhà họ không biết vì sao luôn cảm thấy phiền muộn, buồn bực trong lòng. Nhà họ Bành đã mời rất nhiều thầy thuốc đến xem bệnh nhưng đều không trị khỏi, bèn mời Vương Tư Trung đến chẩn trị. Ông vừa đến Bành gia liền phát hiện bệnh nhân đã bị nhiễm độc khí sơn. Vì thế, ông bảo người nhà Bành gia gỡ bỏ song cửa sổ và mành trướng che cửa sổ bằng gỗ trong phòng người con dâu, ngay cả vật dụng bằng gỗ trong nhà cũng đều dọn hết ra ngoài. Sau đó, ông cho người chuẩn bị yếm cua rồi đặt chúng vào trong lửa nướng. Sau khi nướng giòn, ông lại nghiền thành bột, rồi hòa vào bát thuốc đã chuẩn bị trước. Cô con dâu của Bành gia vừa uống thuốc xong thì chứng phiền muộn, buồn bực không còn nữa.
Ở huyện Ngô Giang, có một người toàn thân phát sốt, ho khan không ngừng. Những thầy thuốc được mời đến khám đều nói bệnh nhân bị chứng âm hư, đã điều trị rất lâu nhưng bệnh trạng chẳng những không giảm bớt mà còn càng nghiêm trọng hơn. Sau đó liên tục mấy tháng, bệnh nhân bị chứng khó ngủ. Khi Vương Tư Trung đến khám, rất nhanh ông đã chẩn đoán ra người này bị chứng huyền ẩm, chính là do uất khí dẫn đến. Vì thế, ông chuẩn bị phương thuốc hành khí giải úc. Người bệnh chỉ vừa uống một thang thuốc, liền ngủ thiếp đi, tiếng ngáy vang to. Mấy ngày sau, chứng ho khan và phát sốt cũng biến mất.
Ở Diêm Viện có một quan viên phụ trách tuần sát, khi vừa đến Thường Châu thì bị bệnh không dậy nổi. Thái y đi cùng đều nói bệnh nằm ở cơ hoành (màng cơ ngăn cách ngực và bụng), nhưng không biết trị liệu ra sao. Sau khi Vương Tư Trung khám, phát hiện mấu chốt của bệnh này không nằm ở cơ hoành, mà nằm ở huyệt vị. Ông dùng một lượng Bán hạ khúc làm dược dẫn, kết hợp với một thang thuốc mới. Vị quan viên kia uống chưa tới nửa tháng đã bình phục.
Vương Tư Trung có y thuật xuất sắc, y đức cao quý. Các đồng liêu và bệnh nhân đều đánh giá ông là “Hòa Hoãn tái thế” (chỉ hai vị danh y thời Tần). Lúc ông còn sống ở quê nhà Ngô Giang, mỗi ngày trong nhà ông đều rất đông người tìm đến khám bệnh. Bởi vì thanh danh của ông lan xa, nên các quan viên vùng Giang Nam hễ thấy thân thể không thoải mái thì đều sẽ tự mình đến nhà tìm ông. Về sau, trong những năm Vạn Lịch thời Minh Thần Tông, ông được triều đình ban chức quan Lại Mục [chức đứng đầu nha thuộc ở các phủ, huyện].
Danh y Tất Tẫn Thần kê đơn thuốc ở trong mộng
Tất Tẫn Thần, tự Trí Ngô, người ở huyện Tân Thành, tỉnh Sơn Đông. Tổ tiên mấy đời của ông đều là những bậc lương quan danh thần. Ông có tính tình đôn hậu, từ nhỏ đã yêu thích đọc sách, sau khi lớn lên rất có phong thái của một người quân tử thời cổ đại. Bởi vì gia cảnh bần hàn, nên ông không quan tâm đến khoa cử, chỉ đi theo danh y Lưu Nam Xuyên học tập Trung y. Ngộ tính của ông rất cao, đã lĩnh hội hết chân truyền của sư phụ. Hành y chưa bao lâu nhưng danh tiếng của ông đã vang dội khắp vùng.
Vương Thái Bộc ở huyện Ích Đô rất kính trọng ông. Một ngày nọ, Vương Thái Bộc mắc trọng bệnh, chẳng những phái xe ngựa đi mời ông, mà còn ở nhà tự thân xuống bếp, làm cơm đãi vị khách này, dùng lễ tiết đối với thượng khách để tiếp đãi ông. Đại Tư Mã Vương Tượng Kiền, người được sử xưng “Cư biên trấn nhị thập niên, thủy chung dĩ phủ tây bộ thành công danh” (Ở nơi biên trấn hai mươi năm, trước sau lấy việc vỗ yên biên cảnh làm công danh), cũng rất tín nhiệm Tất Tẫn Thần. Khoảng thời gian Vương Tượng Kiền lĩnh quân trấn thủ vùng Sơn Tây, hễ thân thể bị bệnh, đều không ngại đi xa ngàn dặm mời Tất Tẫn Thần đến chẩn trị.
Huyện lệnh huyện Thanh Thành bị chứng trướng bụng, đã mấy ngày không ăn được gì. Sau khi uống một chén thuốc do Tất Tẫn Thần phối dược thì bệnh liền khỏi. Có một lần nọ, Tất Tẫn Thần đi xa, mấy ngày chưa về nhà, phụ thân của ông ở nhà không may bị bệnh nặng. Khi ông về đến nhà thì phát hiện bệnh của phụ thân cũng không có gì đáng lo ngại, nên chỉ sắc một thang thuốc. Sau khi phụ thân của ông uống thuốc xong liền nôn ra vài lít máu, nhưng rất nhanh sau đó bệnh đã khỏi.
Tất Tẫn Thần hành nghề y trong dân gian, luôn biết kết hợp các quy luật vận hành của thiên thể và các yếu tố như âm dương, khí hậu, phương vị .v.v. để kê đơn chế thuốc cho bệnh nhân. Mỗi lần uống xong một hoặc hai thang thuốc do ông kê đơn, bệnh nhân có thể hoàn toàn bình phục. Ông rất giỏi chữa trị các chứng bệnh hiểm nghèo như thương hàn, đậu mùa; chỉ cần quan sát các dấu hiệu bên ngoài của người bệnh liền có thể chẩn đoán được bệnh tình và kỳ hạn sinh tử của bệnh nhân. Phàm là chỉ còn có một tia hy vọng, dù là bệnh nhân sắp qua đời, thì ông đều có thể cứu sống trở lại.
Tất Tẫn Thần có nhân phẩm cao quý, y đức cao thượng, nổi danh một phương, người đến tìm ông khám chữa bệnh nối liền không dứt. Ông khám bệnh cho người dân chưa từng phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chỉ dựa theo thứ tự đến trước hay sau mà lần lượt khám bệnh. Nếu gặp bệnh nhân có hoàn cảnh nghèo khó, ông sẽ không thu phí, mà còn tặng thuốc cho họ. Nhờ danh tiếng tốt được người dân truyền rộng rãi, ông được triều đình ban cho chức quan Lại Mục ở Thái Y viện.
Vào năm Sùng Trinh thứ 15 (năm 1642), huyện Tân Thành bị quân Thanh công chiếm. Mặc dù là một thầy thuốc, nhưng ông cũng tham gia trận chiến bảo vệ thành, cuối cùng hy sinh trên chiến trường. Về sau, mỗi khi con trai, con dâu và cháu gái của ông sinh bệnh, luôn mộng thấy ông đến báo cho biết đơn thuốc và thời gian bình phục. Bất kể là bệnh sốt rét, ung nhọt, bị liệt, hay bệnh đậu mùa, chỉ cần uống thuốc theo đơn kê của ông thì bệnh sẽ khỏi rất nhanh, hơn nữa thời gian khỏi bệnh cũng đúng như lời ông chẩn đoán.