Y thuật như Thần của 3 vị thầy thuốc thời nhà Thanh: Nhìn khí sắc liền có thể thấu tỏ bệnh tình
Người xưa có câu: “Rượu thơm không sợ ngõ sâu, vàng thật không sợ lửa luyện.” Thời Trung Quốc cổ đại, nhiều thầy thuốc dân gian ẩn thân ở vùng nông thôn, sống trong những căn nhà dân dã nơi thôn làng, làm bạn cùng dân nghèo. Có người gặp người nghèo khó thì bố thí, có người chữa bệnh mà không cần thù lao, thậm chí ngay cả tiền thuốc cũng đều không tính. Y thuật của họ so với các ngự y trong cung đình thì không hề thua kém, nhưng họ luôn xem nhẹ danh lợi, một lòng giải trừ nỗi thống khổ bệnh tật và nỗi ưu sầu về tính mạng cho bách tính.
Nhìn khí sắc của một người, có thể dự đoán thời điểm tử vong
Từ Tất Đạt, tự Đức Phu, người huyện Tinh Tử, tỉnh Giang Tây (nay là thành phố Lư Sơn). Hầu hết mọi người trong huyện thành nơi ông sống đều thông hiểu kinh học, mà gia đình ông cũng nhiều đời hành nghề y. Từ Tất Đạt được kế thừa bí thuật Tiên phương do tổ tiên truyền lại, chữa bệnh cho mọi người xuất thần nhập hóa. Ông chỉ cần quan sát khí sắc của bệnh nhân, liền có thể phán đoán được tình trạng bệnh cũng như kỳ hạn sinh tử của họ.
Có một ngày, ông gặp một người quen trên đường. Vừa nhìn khí sắc của người đó, ông liền nói với anh ta: “Sức khỏe của anh có vấn đề, hãy khẩn trương tìm thầy thuốc khám đi. Nếu không, tính mạng của anh sẽ gặp nguy hiểm!” Người đó không tin, ông lại nói tiếp: “Nếu bây giờ không đi, thì sau nửa tháng, anh sẽ chỉ nằm trên giường không dậy nổi. Khi ấy cho dù Biển Thước sống lại cũng không có cách nào cứu được.” Vị kia nói một cách chiếu lệ: “Được rồi, được rồi,” sau đó quay người rời đi. Hơn mười ngày sau, quả nhiên anh ta đột nhiên phát bệnh nặng, vừa mới bị bệnh đã không dậy được.
Một lần khác, Từ Tất Đạt đang ở trong một nhà thuốc thì một người nông dân chạy đến gặp ông. Hôm đó trời nắng gắt, người kia nói: “Em dâu tôi đang cấy lúa trên đồng, đột nhiên ngất xỉu vì nắng nóng. Xin ông kê cho tôi một đơn thuốc!” Từ Tất Đạt nhìn kỹ anh ta, rồi nói: “Em dâu anh bệnh, lát nữa tôi cho một hộp thuốc thì có thể qua khỏi. Nhưng mà tình huống của anh hiện tại còn tệ hơn cô ấy rất nhiều. Anh quay về nhanh lên nhé. Tôi sợ anh ngã trên đường và không quay về kịp.” Người kia nghe vậy, vội vã quay về.
Khi Từ Tất Đạt vừa đi đến ngoài đồng, thì nghe được tin người đàn ông kia vừa về đến nhà thì đột nhiên ngã gục xuống đất không dậy được. Có người hỏi ông nguyên do là gì, ông trả lời: “Người đàn ông này ăn trưa quá no. Khi nghe tin em dâu bị say nắng, anh ta vội vàng chạy tìm tôi. Anh ta chạy một hơi mấy dặm, khiến ruột bị đứt rồi. Khi tôi gặp mặt, giữa lông mày của anh ta đã hiện lên màu đen đậm. Đây chính là dấu hiệu cho thấy ruột đã bị đứt và khó giữ nổi mạng sống.”
Nhìn khí sắc của một người, liền có thể chữa trị những căn bệnh lạ
Khuất Tuân Đức, tự Minh Cổ, người ở thôn Lưu, trấn Cổ Lạt, Quảng Tây. Ông học tập Nho gia từ khi còn nhỏ, sau khi đỗ khoa thi vào năm Càn Long thứ 51, ông được triều đình ủy phái đến huyện Nghi Sơn dạy học và phụ trách việc dạy bảo sinh đồ ở trường huyện. Thường ngày ông thích đọc sách, có kiến thức sâu rộng, đối với các sách kinh, sử, tử, tập, không có gì là không thông hiểu. Cho dù là những cuốn y thư vô cùng thâm thúy, khó hiểu, ông cũng có thể đọc hiểu những huyền ảo ở trong đó. Thế nên, trong khi chuẩn bị cho kỳ khoa khảo, thì y thuật của ông cũng đã đạt được nhiều bước tiến.
Ông nhìn khí sắc của một người, liền có thể biết được tình trạng sức khỏe của người đó như thế nào. Có vị Quận thủ ở Quảng Tây, con trai ông ta đã sáu tuổi mà chưa biết tự đi. Đứa trẻ này xanh xao vàng vọt, khí sắc luôn không tốt. Quận thủ đã mời hàng trăm thầy thuốc đến chữa trị cho con, nhưng tình hình không chút cải thiện.
Khuất Tuân Đức đến đó, vừa nhìn đứa trẻ, liền mỉm cười và nói với Quận thủ: “Lệnh lang không có gì nghiêm trọng, hoàn toàn không cần uống thuốc.” Quận thủ nghe vậy càng băn khoăn hơn, bèn hỏi: “Vậy, chúng tôi không cần làm gì cả sao?” Khuất Tuân Đức đáp: “Từ giờ trở đi, ngài hãy đặt cậu ấy xuống đất, không để người hầu bế, ẵm cậu bé nữa. Cũng không cần cho cậu bé những món ăn ngon mỹ vị nữa. Tốt nhất là để cậu bé nhịn đói vài bữa, như vậy sẽ nhanh khỏi hơn.”
Quận thủ nghe xong, liền theo lời dặn dò gia nhân. Chỉ trong vài ngày, khuôn mặt của cậu bé trở nên sáng bóng, ăn uống ngày càng tốt. Sau một tháng, cậu đã có thể tự đi lại. Cậu bé bước đi nhẹ nhàng, rất có tinh thần, khỏe khoắn hơn trước rất nhiều.
Quận thủ vui mừng và đem rất nhiều bạc để thưởng cho Khuất Tuân Đức, nhưng ông khéo léo từ chối. Quận thủ mời ông đến nhà dùng cơm, tự đáy lòng nói với Khuất Tuân Đức: “Đại ân đại đức của ngài đối với nhi tử, tại hạ sẽ không bao giờ quên. Chỉ là, tôi thực sự muốn biết, làm thế nào ngài có thể ‘vô vi mà trị’ lại khiến đứa trẻ hồi phục nhanh như vậy?”
Khuất Tuân Đức trả lời: “Kể ra thì vẫn là vì ngài quá cưng chiều hài tử. Ngày thường, lúc nào cũng sợ hài tử vấp ngã, đụng chạm, thậm chí không để hài tử tự đi lại. Hạ nhân lúc nào cũng ẵm bế, khiến cậu bé trong suốt nhiều năm không đụng chạm đến một chút khí đất. Ngài biết đấy, dạ dày là một trong những tạng khí quan trọng nhất của cơ thể con người, nó thuộc về Thổ trong ngũ hành. Thiếu khí đất sẽ dẫn đến khí dạ dày không đủ, biểu hiện trên thân hài tử này chính là thân thể gầy yếu, đi không vững, lại ăn uống không được. Bây giờ đi bộ nhiều trên mặt đất thì có thể bổ sung khí đất. Chỉ cần để ngũ hành tương sinh, thì không cần uống thuốc nữa. Ngài nhìn xem, con của các gia đình nghèo thiếu ăn thiếu mặc, nhưng luôn trông khỏe mạnh hơn con của những gia đình giàu có. Nếu sinh ra trong gia đình giàu có, lại được nuôi dưỡng quá nuông chiều và an nhàn, thì những đứa trẻ như thế rất dễ bị bệnh.”
Quận thủ nghe xong thì không khỏi khâm phục. Ông nói với Khuất Tuân Đức: “Người ta nói chữa bệnh cho người chỉ là tiểu năng tiểu thuật. Không ngờ trong đây lại hàm chứa một đạo lý vô cùng thâm sâu. Ngài có thể hiểu thấu đáo những điều này, chẳng trách y thuật của ngài xuất thần nhập hóa như vậy!” Từ đó, Quận thủ và Khuất Tuân Đức thường xuyên liên lạc và trở thành bằng hữu thân thiết.
Về sau, qua nhiều lần tiến cử của Quận thủ, Khuất Tuân Đức được tuyển vào Thái Y Viện làm quan. Đến lúc nhiệm kỳ của ông vừa mãn hạn, triều đình chuyển ông trở về huyện Nghi Sơn, để ông giữ chức Huyện lệnh.
Nhìn diện mạo của một người, có thể biết nguyên nhân sinh bệnh
Chu Bân, tự Đại Nhã, người huyện Cao An, tỉnh Giang Tây. Từ nhỏ ông đã thuộc làu kinh điển Nho gia, lớn lên thì bắt đầu chuẩn bị tham gia ứng thí khoa khảo. Một đêm nọ, ông nằm mơ thấy mình có tên trên bảng vàng trong khảo thí y khoa. Sau đó, vì có người chí thân trong nhà bị bệnh nặng, ông ngày đêm nấu canh sắc thuốc, hầu hạ bên giường bệnh. Chu Bân vừa cố gắng trị bệnh cho người khác, lại vừa đọc các loại y thư, nghiên cứu sâu về y đạo. Thời gian lâu, y thuật của ông đã trở nên phi thường. Chỉ cần nhìn khí sắc của một người, nghe tiếng nói của họ, ông liền có thể biết được căn nguyên bệnh của người này, và có còn hy vọng chữa trị hay không.
Một ngày nọ, ông đến nhà một người phụ nữ để khám và chữa trị cho con của bà. Đứa trẻ nằm trên giường, thở dốc không ra hơi. Lúc này, Chu Bân sai người mang một ít bùn màu vàng bôi lên người bệnh nhân. Không lâu sau, lớp bùn vàng kia dần dần khô đi, đứa trẻ đã lấy lại được hơi thở. Đến lúc uống thêm một liều thuốc sắc, cháu bé đã có thể tự mình rời khỏi giường.
Còn có một góa phụ nhờ ông chữa trị cho cậu con trai duy nhất của bà ấy. Cháu bé này gầy như que củi, vốn đã gầy yếu, giờ lại cảm thấy khó chịu trong bụng. Đứa trẻ đột nhiên ngã xuống bất tỉnh nhân sự. Chu Bân nhìn thoáng qua, nói: “Đây là do trường kỳ ăn da heo khô gây ra. May mà cậu bé còn đang ngủ mê man, nếu đến ngày thứ bảy mà cháu đột nhiên mở mắt ra thì sẽ không thể chữa khỏi.” Chu Bân lấy một lượng nhỏ thạch tín, và để giảm độc tính, ông dùng lửa nung nó một chút. Sau đó, ông đem thạch tín đã nung, bỏ vào thang thuốc sắc và cho cháu bé uống. Rất nhanh, đứa trẻ đã tỉnh lại.
Chu Bân rất nổi tiếng ở địa phương, nhưng một số người trong gia tộc lại không tin phục. Để thăm dò y thuật của ông, người trong gia tộc đã tìm một người hầu gái và bảo cô giả vờ điên. Cô gái đó điên điên khùng khùng, vừa chạy vừa nhảy. Một lúc sau, Chu Bân được mời đến. Ông nhìn qua cô hầu gái, sau đó nói: “Cô gái này vốn không bị bệnh, nhưng bây giờ cô ấy đã ăn no mà không nghỉ ngơi, còn nhảy lên nhảy xuống. Đã nhảy thời gian lâu như thế, ruột của cô ấy đã bị đứt rồi, không thể chữa khỏi.” Sau một lúc, người hầu gái quả nhiên ngã xuống đất không thể dậy được.
Chu Bân hành nghề y trong nhiều thập niên. Qua bàn tay kỳ diệu của ông, số người được khỏi bệnh, cải tử hoàn sinh, thực sự không thể tính đếm. Ông chữa bệnh cho mọi người mà không nhận thù lao. Những năm cuối đời, ông sống ẩn dật trong sơn dã và hiếm khi xuất hiện. Sau khi một vị Huyện lệnh biết chuyện, đã tự tay viết bốn chữ: “Sơn trung Tể tướng” và làm một bức hoành phi gửi tặng ông. Soái Quang Tổ, tiến sĩ, nhà thơ thời Càn Long, cũng viết về ông, gọi ông là một vị lương y cứu tế thế nhân quy ẩn nơi thôn dã, tạo phúc cho bách tính.
Tài liệu tham khảo: