Danh y thời nhà Thanh: Hành nghề không quên ơn thầy
Trình Sĩ Siêu, hiệu là Thượng Đạt, quê ở Quế Bình, Quảng Tây. Ông sinh vào giữa thời Gia Khánh, sống dưới thời trị vì của bốn vị Hoàng đế: Đạo Quang, Hàm Phong, Thông Trị và Quang Tự. Trình Sĩ Siêu là một lương y nổi danh ở vùng Quảng Tây.
Từ nhỏ ông đã thông tuệ hơn người, thành thục kinh điển và lĩnh hội được nội hàm sâu sắc của Nho gia. Tuy nhiên, do gia cảnh nghèo túng, nên cha mẹ không thể chu cấp để ông thi cử lấy công danh. Thế nên, ông lấy nghề y làm chí hướng và từ đó chăm chỉ học các kỹ năng khám bệnh, bốc thuốc.
Khi được mười mấy tuổi, Trình Sĩ Siêu đã đến Quảng Đông, vốn muốn tìm danh sư để theo học, nhưng thời gian lâu rồi mà vẫn không gặp được. Khi ông quay trở về Quảng Tây, trên đường đi về phía Tây đến Quế Lâm, liền gặp được ân sư Chu Dị. Kể từ đó, Chu Dị dạy ông y thuật, và giúp ông thọ ích suốt đời trên còn đường hành nghề y. Chu Dị vốn là người Giang Tây. Thầy của ông là Thần y Dụ Xương (tự Gia Ngôn), được mệnh danh là “Thánh y” thời nhà Thanh, không chỉ “thông thiền lý,” mà còn giỏi về “hoàng bạch thuật” [luyện thuốc tiên giúp trường sinh bất lão]. Chu Dị đã được chân truyền từ sư phụ. Do vậy, y thuật của ông cũng rất phi thường.
Sau khi Trình Sĩ Siêu trở thành đệ tử của Chu Dị, mỗi ngày ông đều không dám lười biếng. Chỉ cần sư phụ ra ngoài khám bệnh, ông đều theo sát bên cạnh, tỉ mỉ quan sát và nghiêm túc ghi chép. Buổi tối trở về nhà, ông cũng không hề nghỉ ngơi, tiếp tục cầm sách y thời viễn cổ chăm học khổ luyện, dụng tâm lĩnh hội những y lý căn bản trong đó.
Sau đó, sư phụ đưa ông trở về Quế Bình, để ông khám và chữa trị cho dân làng của mình. Chu Dị có nhân phẩm cao thượng, y thuật cao siêu, khiến cả vùng Quế Bình, bất luận là quan lại, người quyền quý hay bá tính bình dân, đều rất kính trọng ông. Mọi người luôn gọi ông một cách trìu mến là “Chu tiên sinh.” Trong mười mấy năm, đức hạnh hành nghề của hai thầy trò đã trở thành giai thoại được lưu truyền ở địa phương. Chu Dị từng bước dạy đệ tử yêu quý của mình cách hành nghề y, bào chế thuốc, khiến y thuật của đệ tử cũng dần dần được nâng cao, cuối cùng trở thành danh y một thời được mọi người tôn sùng và kính ngưỡng.
Mặc dù y danh của Trình Sĩ Siêu đã lan rộng khắp nơi, nhưng ông vẫn chăm chỉ học tập và không ngừng tìm kiếm những đột phá về y thuật. Ngoài việc khắc ghi trong tâm các y lý và y thuật do chính sư phụ truyền dạy đồng thời áp dụng thành thạo, ông còn cố gắng học hỏi từ Tiết Kỷ (tự Tân Phủ, hiệu Lập Trai), thầy thuốc nổi danh được Hoàng đế Gia Tĩnh thời nhà Minh đánh giá cao, sau này được phong là Viện sử của Thái Y viện. Ông còn học hỏi phương pháp điều trị, bốc thuốc của danh y Trương Giới Tân (tự Hội Khanh, hiệu Cảnh Nhạc), người giỏi dùng Địa hoàng, được người đời sau gọi là “Trương Thục Địa.”
Sau này, khi gặp những bệnh nhân khác nhau, ông không rập khuôn theo các phương thuốc cổ xưa hoặc chấp vào lời nói của người nhà, mà dựa vào sự quan sát và chẩn đoán của chính mình để tùy bệnh hốt thuốc. Trong nhiều năm, bất luận là bệnh nhân bị ngoại cảm “lục dâm” (gió, lạnh, nóng, ẩm, khô, hỏa) hay bị nội thương bởi “thất tình” (mừng, giận, yêu, ghét, buồn, vui, sợ), chỉ cần uống thuốc mà ông bào chế thì bệnh sẽ khỏi.
Vào giữa thời Đạo Quang, thổ phỉ nổi lên khắp nơi, triều đình điều động một đội quân từ Quý Châu về Quế Bình trú đóng. Không lâu sau, tướng lĩnh và quân sĩ đều bị nhiễm bệnh dịch, chữa trị lâu ngày không khỏi. Khi đó, quan viên phụ trách quân lương sau nhiều lần hỏi thăm, đã tìm được Trình Sĩ Siêu, và thỉnh cầu ông đi chữa bệnh. Trình Sĩ Siêu không phụ lòng mong đợi, nhanh chóng chữa khỏi bệnh cho tất cả bệnh nhân trong quân ngũ. Quan viên kia cũng nhờ đó lập công và được Hoàng đế gia phong lên chức quan Lục phẩm. Sau này, khi Hồng Tú Toàn nổi dậy ở Quế Bình, huyện lệnh lúc bấy giờ là Lý Mạnh Quần cũng phái thêm quân đến tiếp viện. Tuy nhiên binh lính chưa ra trận đã mắc phải bệnh dịch, nên mời Trình Sĩ Siêu đến chữa trị. Ông bôn ba trong quân, chữa trị cho bệnh nhân và không rời đi cho đến khi binh lính đều bình phục. Khi sự việc được tấu lên triều đình, Lý Mạnh Quần cũng được thăng chức.
Vào năm Hàm Phong thứ 5, Trần Khai chiếm được Quế Bình, thành lập nước Đại Thành tại đây và tự xưng Vương. Trình Sĩ Siêu ở trong chốn loạn không hề hoảng sợ, tiếp tục ở nhà để tâm nghiên cứu y thuật và chỉnh lý hồ sơ bệnh án. Ông phân loại những bài thuốc mà bản thân kê hàng ngày cùng những điều tâm đắc, kinh nghiệm tích lũy được trong khi chữa bệnh, đồng thời ghi chép lại, cuối cùng biên soạn thành tập và viết thành sách.
Sau khi Chu Dị quy tiên, Trình Sĩ Siêu rất nhớ sư phụ. Ông thường tâm niệm rằng, làm nghề y cũng như làm người, không được quên cội nguồn. Khi viết sách, mỗi thời khắc ông đều cảm niệm sự hướng dẫn và dạy bảo của sư phụ Chu Dị trong nhiều năm qua. Vì vậy, ông đặt tên cho cuốn y thư do mình biên soạn là “Tinh Châu thực lục” theo tên hiệu hành nghề của Chu Dị là ‘Tinh Châu.”
Vào năm Đồng Trị thứ 7, cô mẫu của Lộc Truyền Lâm, một vị quan nổi tiếng thời nhà Thanh, đột nhiên bị đau đầu. Bà vẫn còn trẻ, nhưng uống nhiều thuốc bổ cũng không giúp ích gì. Thời gian dài trôi qua, bụng bà bắt đầu to lên. Thấy nước da hồng hào và lâu ngày không có kinh nguyệt, các thầy thuốc khám đều cho rằng đây là dấu hiệu có thai. Tuy nhiên, sau khi chẩn đoán mạch, Trình Sĩ Siêu phát hiện do bệnh nhân uống quá nhiều thuốc bổ khiến cơ thể không thể hấp thụ nên đều tích tụ trong bụng. Chỉ cần loại bỏ hết dư lượng thuốc, triệu chứng chướng bụng sẽ biến mất và kinh nguyệt sẽ quay trở lại. Sau đó điều trị theo phương thuốc này, quả nhiên đúng như lời ông nói.
Còn đối với chứng đau đầu của bệnh nhân, ông cho rằng không thể chữa khỏi bằng cách dùng thuốc. Ông yêu cầu người nhà bệnh nhân đúc một chiếc gối bằng vàng và để bệnh nhân gối trên đó. Đợi chiếc gối chuyển dần sang màu đen, ông bèn gọi thợ đến loại bỏ chất đen bằng cách nung gối trên lửa rồi lại cho bệnh nhân tiếp tục gối trên đó. Sau khi lặp lại như thế ba lần, chứng đau đầu của bệnh nhân hoàn toàn biến mất. Khi Lộc Truyền Lâm nhìn thấy y thuật của Trình Sĩ Siêu, lập tức viết tay bốn chữ “Thần đồng Hòa Hoãn,” khen ngợi y thuật của ông cũng xuất thần nhập hóa giống hai vị thần y của Tần quốc là Hòa và Hoãn.
Khi đó, huyện lệnh huyện Phú Xuyên ở Quảng Tây là Tiêu Triệu Tuấn bị chứng phù thũng sau khi hút thuốc phiện. Điều trị đã một thời gian, nhưng tình trạng bệnh trạng ngày càng trầm trọng hơn, cuối cùng, thậm chí đến thuốc phiện cũng không hút được nữa. Các thầy thuốc vừa cho ông ta uống thuốc sắc, vừa đem gan rồng quý hiếm nghiền thành bột rồi bôi lên cơ thể ông ta, nhưng không có hiệu quả. Sau khi Trình Sĩ Siêu xem bệnh liền làm cho ông ta đổ mồ hôi, sau đó lại điều trị tạng tỳ, thì bệnh của ông ta liền khỏi. Tiêu Triệu Tuấn đã đích thân viết tặng Trình Sĩ Siêu bốn chữ “Thập toàn vi thượng” [Mọi thứ đều hoàn hảo], khen ngợi ông là thầy thuốc tối thượng đẳng, mười bệnh nhân tới đều chữa khỏi cả mười.
Nhờ y thuật siêu phàm của mình, Trình Sĩ Siêu rất có uy tín trong giới quan lại và quý tộc ở địa phương. Trong nhiều thập niên, số biển ngạch và đề chữ mà ông đã nhận được không hề ít. Ông mất vào năm Quang Tự thứ 13, thọ 84 tuổi. Con trai ông là Triệu Lân đã được cha truyền dạy từ khi còn nhỏ, về sau, đã viết cuốn sách “Phát cổ nhân sở vị phát” [Chưa từng có ở người cổ đại], và cũng đã trở thành một danh y được ghi vào y sử triều đại nhà Thanh.