Giải mã bí ẩn truyền kỳ về y thuật của Thần y Hoa Đà
Trong lịch sử, có rất ít thông tin về tuổi thơ của thần y Hoa Đà. Các nhà sử học chỉ dùng những lời chung chung để miêu tả khiên cưỡng dài dòng về y thuật tài giỏi của ông. Trên vũ đài lịch sử, y thuật của Hoa Đà tỏa sáng vô cùng rực rỡ, trải qua hàng ngàn năm đến nay, chưa từng có lời ca thán. Sau khi ông qua đời, vô số người thở dài và nuối tiếc cho những tuyệt kỹ đã thất lạc.
Tuy nhiên, lý do khiến mọi người cảm thấy thương tiếc là vì Hoa Đà lúc ấy là một thần y, tiếc nuối cho những y thuật đã thất truyền. Nếu thay đổi quan niệm và xem xét Hoa Đà từ một góc độ khác, bạn sẽ có thể cảm thấy rộng mở và nhẹ nhõm hơn.
Thích tầm tiên học đạo hơn danh vị trên cõi thế gian
Hoa Đà và Tào Tháo là người cùng làng, đều đến từ quận Tiêu, nước Bái. Hoa Đà tính tình điềm đạm, thông minh và ham học hỏi, tuy thông thuộc kinh điển nhưng lại thích bước vào con đường phương thuật tu luyện, ngày thường còn thích đến các hang động sâu trong núi tìm học tiên đạo.
Một câu chuyện thú vị được ghi lại trong “Trung tàng kinh”, thuật lại câu chuyện thần kỳ liên quan đến việc Hoa Đà đắc được sách tiên trong núi.
Một ngày nọ, sau khi uống rượu, Hoa Đà đi dạo trong núi như thường lệ, có chút rượu trong người, ông liền đến trước động cổ trong núi Công Nghi nằm nghỉ. Lúc này, chợt nghe có người nói về phương pháp chữa bệnh. Hoa Đà cảm thấy rất kỳ lạ, liền âm thầm tiến đến cửa động nghe trộm.
Một lúc sau, ông nghe có người nói: “Hoa Đà đang ở gần đây, chúng ta có thể phó thác cho anh ta phương thuật trị bệnh này.” Nhưng một người khác cố tình nói: “Hoa Đà bản tính tham lam, không thương xót chúng sinh, sao có thể giao cho hắn được?”
Hoa Đà nghe vậy thì giật mình, toát mồ hôi lạnh, lập tức chạy vào trong động để thanh minh thì thấy có hai cụ già ngồi trong đó, mặc quần áo được làm từ vỏ cây, đầu đội mũ cỏ, đang nhìn ông cười.
Hoa Đà vội vàng tiến lên, cung kính cúi đầu nói: “Vừa rồi nghe thấy hai vị hiền giả nói về phương thuật chữa bệnh, tôi rất thích thú, nghe xong quên cả về nhà. Hơn nữa, tôi luôn thích học đạo pháp để trợ giúp bách tính, nhưng tôi không tìm được cách nào hiệu quả, trong lòng luôn cảm thấy có lỗi. Hy vọng hai vị tiên sinh có thể minh giám cho tấm chân tình của tôi, xin hãy khai sáng trí huệ cho tôi, tôi nhất định trọn đời không phụ ân tình của các vị”.
Lúc này, lão nhân gia ngồi ở trên cùng nói: “Chúng ta không tiếc truyền thụ đạo thuật cho ngươi, nhưng sợ rằng sau này sẽ liên lụy đến ngươi! Nếu lúc cứu người, không phân biệt giàu nghèo, không nhận tiền bạc đút lót, không ngại gian khổ, xót thương người già yếu, thì tương lai sẽ tránh được họa”.
Hoa Đà tiên sinh vội bái tạ, nói: “Tôi nhất định ghi nhớ cẩn thận lời giáo huấn của ngài, một câu cũng không dám quên, tuân theo lời chỉ dạy mà làm việc.”
Hai ông lão mỉm cười chỉ vào phía đông của hang động nói: “Trên giường đá có một hộp sách, ngươi tự mình lấy rồi nhanh rời khỏi nơi này, ngàn vạn lần đều không được cho người thường xem, luôn phải giữ bí mật”.
Lúc Hoa Đà bước đến phía trước cầm lấy cuốn sách và quay lại, thì hai ông lão đã biến mất. Hoa Đà vội vàng rời khỏi sơn động, mới bước ra ngoài cửa động, bỗng một đám mây đen ập đến, phút chốc cuồng phong mưa lớn, động liền bị phá tan và sụp đổ.
Hóa ra việc Hoa Đà tìm đến những nơi vắng vẻ hỏi thăm phương thuốc chính là vì muốn học đạo, hơn nữa, trong động còn tình cờ gặp tiên nhân tặng cho cuốn sách. Từ đó về sau, tướng nước Bái là Trần Quế, Thái úy Hoàng Uyển tiến cử ông làm quan, nhưng ông đều không nguyện ý chấp nhận.
Kỳ duyên trong núi
Duyên gặp gỡ kỳ lạ trong núi của Hoa Đà có thể không chỉ có một lần. Từ một số dữ liệu lịch sử rời rạc, có thể suy đoán rằng, thứ mà Hoa Đà được truyền thừa từ tiên nhân trong núi chí ít có một bộ, đó là khí công dẫn đạo dùng để tu luyện dưỡng sinh, cũng là dược thảo uống để dưỡng sinh trường thọ.
Bí quyết được Hoa Đà sử dụng để dưỡng sinh là một loại thực vật tên là Thanh niêm (tức là Hoàng chi hiện nay). Một nhóm bạn đã từng nhìn thấy tiên nhân ở trên núi dùng nó, liền đem chuyện này nói với Hoa Đà. Sau khi Hoa Đà uống vào, cảm thấy hiệu quả rất tốt, nên đã luyện thành phương pháp dưỡng sinh bí mật của mình.
Hoa Đà có hai đệ tử: Ngô Phổ và Phàn Kha. Hoa Đà đã truyền lại phương pháp dưỡng sinh bằng Thanh niêm cho Phàn Kha. Phàn Kha sống đến trăm tuổi, mà khí lực cường thịnh, tóc vẫn đen mượt. Mọi người cảm thấy rất kỳ lạ, nhiều lần hỏi Phàn Kha phương thuật bí mật. Có lần Phàn Kha uống rượu, uống đến say khướt, bèn nói ra phương thuật bí mật này, sau khi mọi người cùng uống thì hiệu quả rất tốt.
Hoa Đà đem bộ dưỡng sinh “Ngũ cầm hí” dạy cho người đệ tử khác là Ngô Phổ. Ngũ cầm hí là “thứ mà tiên nhân lúc xưa đã đạo dẫn…, trẻ mãi không già”, chủ yếu là mô phỏng tư thế của năm loài động vật là cọp, nai, gấu, vượn, quạ; có thể chữa bệnh, tăng cường sức mạnh, lại đạo dẫn được khí mạch lưu thông. Ngô Phổ theo lời thực hành, đến 90 tuổi mà vẫn tai thính mắt sáng, răng vẫn còn nguyên vẹn.
Tu luyện có thành tựu
Tóm lại, Hoa Đà vốn là một người có chí tu luyện khao khát cầu Đạo, nhân duyên tác hợp mà có được y đạo trong sách tiên, từ đó dốc sức nghiên cứu. Nội dung trong sách tiên đặc biệt cổ quái, nhưng bên trong ẩn chứa thần hiệu, vì thế Hoa Đà kiên trì không chán. Ngoài ra, Hoa Đà biết đến nấm linh chi, dùng nó trong nhiều năm, lại học được thuật dẫn đạo dưỡng sinh trường thọ, vì thế mà từ đó dấn thân vào con đường tu Đạo và hành nghề y.
Việc tu luyện của Hoa Đà quả nhiên có kết quả, trong sử truyền nói ông “biết thuật dưỡng sinh, trăm tuổi vẫn phong độ ngời ngời, lúc đó người ta còn tưởng là tiên nhân”. Hoa Đà biết phương pháp tu đạo dưỡng sinh, cho nên trăm tuổi mà nhìn còn rất tráng kiện, người đương thời đều cho rằng ông là thần tiên.
Tinh thông châm cứu bốc thuốc và phẫu thuật
Trong “Tam quốc chí”, Hoa Đà được miêu tả là người “tinh thông bốc thuốc”, nhưng chỉ có một số đơn thuốc được kê đơn, lúc phối thuốc chỉ cần nhẩm tính trong lòng một chút, không cần dùng cân; châm cứu cho người khác, chỉ cần chọn vài huyệt vị là đã có tác dụng huyền diệu.
Kỹ thuật châm cứu của Hoa Đà rất cao siêu, thần diệu. Có một người sau khi sinh bệnh thì hai chân đều tàn phế, không đi lại được, ngồi trên kiệu tìm đến Hoa Đà chữa trị. Hoa Đà sau khi chẩn đoán yêu cầu anh ta cởi quần áo, sau đó đánh lên lưng người bệnh hơn chục kí hiệu, khoảng cách giữa chúng về hướng ngang hay hướng dọc không đều, cách nhau một tấc hoặc năm tấc.
Hoa Đà nói với bệnh nhân: “Tôi sẽ cắm lên 10 kim châm ở những nơi đã kí hiệu, đợi sau khi vết sẹo lành, ông có thể đi lại được.” Sau này mọi người kiểm tra sau lưng người bệnh, phát hiện những nơi châm cứu đều nằm ở hai bên xương sống, hai bên đều cách nhau một tấc, trên dưới một đường bài bố rất thẳng, đều đặn, chính xác như kéo một sợi dây.
Hoa Đà còn là bậc thầy về phẫu thuật, khoảng hơn 1,700 năm trước, ông đã biết sử dụng thuốc gây mê “ma phất tán” và dùng dao phẫu thuật thành công.
Dùng dao phẫu thuật chủ yếu nhằm vào các bệnh gây ngưng trệ trong cơ thể, không thể chữa khỏi bằng châm cứu và thuốc. Đầu tiên Hoa Đà cho bệnh nhân uống rượu với ma phất tán, đợi đến khi bệnh nhân bất tỉnh và được gây mê hoàn toàn, mới mổ bụng và lưng của bệnh nhân để loại bỏ hoặc cắt bỏ chất bẩn tích tụ trong cơ thể. Nếu là bệnh đường tiêu hóa, thì sẽ mổ ruột, tiêu độc và sát trùng, loại bỏ chất bẩn rồi khâu lại, rồi bôi thuốc thần, bốn-năm ngày sau vết thương liền lại, trong vòng một tháng sẽ phục hồi nguyên trạng.
Xem sắc mặt chẩn mạch, nhận biết rõ hư thực
Có rất nhiều y án được ghi lại trong lịch sử, thuật lại sự tinh tường, thấu đáo trong y thuật của Hoa Đà.
Trước hết, Hoa Đà tự nhiên rất thành thạo các phương pháp “vọng, văn, vấn, thiết” (nhìn, nghe, hỏi, sờ nắn) trong Trung y cổ truyền.
Nghiêm Hân người huyện Diêm Độc và một số người khác đợi Hoa Đà đến. Ngay khi Hoa Đà đến, ông ngẩng đầu nhìn Nghiêm Hân một chút rồi hỏi: “Sức khỏe của ông vẫn tốt chứ?” Nghiêm Hân nói, “Vẫn như mọi khi, không có gì là không khỏe cả”. Hoa Đà nói: “Sắc mặt ông trông có vẻ đang bị bệnh nặng, đừng uống nhiều rượu quá”. Nghiêm Hân ngồi xuống một chút rồi đi, mới đi được vài dặm, Nghiêm Hân liền thấy chóng mặt và ngã khỏi xe. Mọi người đỡ ông ta dậy và đưa về nhà, không ngờ đến nửa đêm thì qua đời.
Đối với những người bệnh có cùng triệu chứng, Hoa Đà đều phân biệt được thực hư, kê đơn khác nhau.
Nghê Tầm và Lý Diên là quan phủ cùng sống một nơi, đều bị đau đầu và sốt cao. Hoa Đà giải thích: “Nghê Tầm cần uống thuốc nhuận tràng, còn Lý Diên cần kê đơn thuốc để đổ mồ hôi.” Mọi người cảm thấy rất kỳ lạ, cùng một triệu chứng nhưng kê đơn thuốc khác nhau. Hoa Đà nói: “Bệnh của Nghê Tầm do tà khí xâm nhập gây ra, bệnh của Lý Diên sinh ra từ trong cơ thể, cho nên phương pháp điều trị tương ứng cũng khác nhau”. Sau khi hai người uống đơn thuốc do Hoa Đà kê, quả nhiên sáng hôm sau đã có thể đứng dậy.
Một lần, Hoa Đà nhìn mạch chẩn trị cho phu nhân của Cam Lăng Tướng. Vị phu nhân này đã mang thai được sáu tháng nhưng đột nhiên bị đau bụng, Hoa Đà quan sát bà ấy và nói: “Thai nhi đã chết rồi”. Cho nên sai người đến kiểm tra tử cung, quả nhiên sờ thấy cơ thể của thai nhi chết yểu, cuối cùng Hoa Đà dùng thuốc đẩy thai nhi chết ra ngoài, bệnh của phu nhân mới được chữa khỏi.
Đốc bưu Từ Nghị đổ bệnh, Hoa Đà đến chữa trị. Từ Nghị nói với Hoa Đà: “Hôm qua, sau khi y quan Lưu Triệt giúp tôi châm cứu chỗ dạ dày, tôi liên tục ho, ngay cả khi nằm xuống cũng cảm thấy khó chịu”. Hoa Đà nói, “Kim của ông ấy không châm đúng dạ dày, mà vô tình đâm vào bụng, thức ăn đi vào càng lúc càng kém, sau năm ngày sẽ không cứu được nữa”. Sau đó sự việc phát sinh đúng như lời Hoa Đà nói.
Nhìn xuyên thấu cơ thể người, đuổi côn trùng ra khỏi cơ thể
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ, sẽ thấy phương pháp chữa bệnh của Hoa Đà được miêu tả trong sử truyện dường như vượt xa cách “vọng, văn, vấn, thiết” của các thế hệ y học cổ truyền Trung Hoa sau này.
Một ngày nọ, Hoa Đà đang ngồi xe ngựa đi trên đường thì nhìn thấy một người ven đường bị nghẹn, muốn ăn thứ gì đó nhưng không nuốt được, người nhà anh ta đang muốn dùng xe ngựa để đưa đến thầy thuốc. Hoa Đà thấy anh ta rên rỉ đau đớn nên dừng xe lại kiểm tra, rồi nói với anh ta rằng: “Mấy người bán bánh bên đường phía trước có bán giấm chua ngâm tỏi và rau hẹ, anh mua ba thăng về uống, bệnh sẽ khỏi”. Người nhà anh ta làm theo lời Hoa Đà nói, uống xong bệnh nhân liền nhổ một con trùng, bệnh cũng khỏi hẳn.
Chỉ bằng mắt thường, Hoa Đà cũng có thể biết được trong bụng của người bệnh có trùng.
Một ca bệnh lạ khác cũng liên quan đến trùng trong bụng bệnh nhân
Thái thủ Quảng Lăng là Trần Đăng bị ốm, thường cảm thấy khó chịu trong ngực, mặt đỏ bừng, không ăn được. Hoa Đà bắt mạch cho ông ta và nói: “Trong dạ dày của anh có nhiều trùng, chúng đã phát triển thành khối sưng phù, là do ăn đồ tanh chưa nấu chín”. Thế là lập tức nấu hai thăng thuốc, trước tiên uống một nửa, sau đó uống hết phần còn lại. Vừa uống xong, hơn ba lít giun đỏ từ trong miệng phun ra, cơ thể vẫn còn chuyển động, thân dưới như thịt cá sống. Sau đó thì khỏi bệnh.
Tuy nhiên, Hoa Đà nói với Trần Đăng, “Bệnh này sau ba năm sẽ tái phát, phải gặp được lương y mới có thể chữa khỏi”. Ba năm sau, Trần Đăng quả nhiên phát bệnh, lúc ấy Hoa Đà đã mất rồi, vậy nên Trần Đăng cũng qua đời.
Có hai điểm đáng ngạc nhiên về ca bệnh này: thứ nhất, Hoa Đà biết Trần Đăng có giun trong bụng chỉ bằng cách bắt mạch, mà nguyên nhân là do ăn cá sống. Thứ hai, Hoa Đà cũng dự đoán rằng Trần Đăng sẽ bị tái phát bệnh sau ba năm, và nếu không có thầy thuốc giỏi ở bên cạnh, ông ấy sẽ chết.
Lời nói của Hoa Đà tưởng như có công năng thiên mục, nghiễm nhiên nhìn xuyên thấu dạ dày của Trần Đăng, và thậm chí còn khéo léo tiết lộ cái chết đã được dự đoán trước của Trần Đăng.
Những ghi chép về cái chết được báo trước
Những ca bệnh được ghi chép trong “Tam quốc chí” càng đi sâu vào cách hành văn thì càng trở nên khó tin.
Trường hợp y án của Hoa Đà chữa bệnh cho Quân lại Lý Thành, bất ngờ dự đoán cái chết của Lý Thành 18 năm sau.
Lý Thành bị ho đã lâu, ngày đêm không ngủ được, lại thường xuyên nôn ra máu, bèn đặc biệt đến thỉnh giáo Hoa Đà. Hoa Đà nói: “Trong ruột ông có một khối sưng phù, ho ra bất kỳ cái gì cũng đều không phải từ trong phổi ra. Tôi cho ông bột thuốc giá hai lượng tiền. Sau khi uống thuốc, ông sẽ thổ ra hơn hai lít máu, hãy nghỉ ngơi thật tốt, một tháng nữa thân thể sẽ khá lên, chăm sóc tốt thì một năm nữa sẽ khỏe mạnh. Tuy nhiên, 18 năm sau sẽ có một lần phát tác, nếu không nghiêm trọng, thì uống thuốc này sẽ mau chóng khỏe lại. Nếu như lúc đó không có thuốc này thì sẽ chết”. Thế rồi ông đưa thuốc bột cho Lý Thành, Lý Thành cầm thuốc rời đi.
Năm, sáu năm sau, người thân của Lý Thành bị bệnh, tình trạng bệnh cũng giống như Lý Thành, nên ông ta nói với Lý Thành rằng: “Hiện tại ông đang khỏe mạnh, tôi sắp chết rồi, ông sao có thể nhẫn tâm nhìn tôi vô phương cứu chữa? Nếu ông cho tôi mượn bột thuốc trước, sau khi khỏe lại, tôi sẽ đi lấy thuốc từ Hoa Đà cho ông”. Lý Thành liền đưa thuốc cho anh ta. Sau đó, người họ hàng này đặc biệt đến huyện Tiêu, lúc đó tình cờ gặp Hoa Đà đang bị giam giữ, trong lúc hoảng sợ thì không dám đến xin thuốc.
Mười tám năm sau, bệnh tình của Lý Thành thực sự phát tác, nhưng không có thuốc để uống, cuối cùng thì qua đời.
Từ y thuật thần diệu, đến khả năng nhìn thấu cơ thể người, cuối cùng dự đoán ngày tàn của bệnh nhân, Trần Thọ, tác giả của “Tam Quốc chí” viết đến đoạn này thì trong câu văn mang đầy sự nghi hoặc.
Có công năng túc mệnh thông, biết trước quá khứ và tương lai
Về điều này, nếu hiểu thuần túy từ góc độ của một người chữa bệnh, xác thực rất khó giải thích, nhưng nếu nhìn từ góc độ tu luyện sẽ rõ ràng trong nháy mắt.
Một người tu luyện thực sự có thể có những công năng đặc dị, bao gồm thấu thị nhân thể (thiên mục nhìn xuyên thấu qua cơ thể con người) và công năng túc mệnh thông dự đoán sinh tử. Chúng ta có thể suy luận một cách hợp lý rằng Hoa Đà là người tu luyện có thành tựu và đã có nhiều công năng.
Cậu con trai nhỏ 2 tuổi của Trần Thục Sơn ở huyện Đông Dương đổ bệnh, trước khi bị tiêu chảy, cậu bé luôn khóc và cơ thể ngày một yếu đi. Vì vậy, ông đến hỏi Hoa Đà, Hoa Đà nói: “Lúc người mẹ của đứa trẻ này mang thai, dương khí bị tắc nghẽn bên trong, cơ thể yếu khi cho con bú, bị khí lạnh xâm nhập, nên khí lạnh tràn vào cơ thể đứa trẻ, do đó không thể phục hồi được”. Hoa Đà liền kê đơn cho người nhà sắc uống, sau 10 ngày, bệnh tình của đứa trẻ được chữa khỏi.
Hoa Đà có thể nhìn ra bệnh của đứa trẻ là dẫn khởi lúc trong bụng mẹ và lúc bú mớm, bởi vì ông đã nhìn thấy tình trạng cụ thể của đứa trẻ khi còn nhỏ.
Một trường hợp khác là cái chết của một viên lại.
Mai Bình bị ốm nên anh ta từ chức và trở về nhà, nhà anh ở Quảng Lăng, trên đường đi lúc cách nhà chưa đầy 200 dặm, anh dừng lại ở trong nhà người họ hàng một thời gian. Một ngày nọ, Hoa Đà tình cờ đến nhà chủ nhân, người chủ thỉnh mời Hoa Đà xem thử tình trạng của Mai Bình, ông nói với Mai Bình: “Anh nếu gặp tôi sớm một chút thì sẽ không đi đến nơi này. Bây giờ bệnh của anh đã nặng rồi, nhanh chóng về nhà đi, còn kịp gặp người thân lần cuối, sau năm ngày, tính mạng của anh sẽ không giữ được nữa”. Mai Bình vội vã về nhà, sau năm ngày, Mai Bình kiệt sức qua đời, mọi thứ đều như Hoa Đà nói, không hề sai biệt.
Sinh tử hữu mệnh, thầy thuốc có thể làm gì được
Với sự tu luyện ngày càng thâm sâu, Hoa Đà dần hiểu rằng, người tu luyện xuất lòng từ bi có thể giúp người khác chữa bệnh, nhưng không hoàn toàn trị hết gốc rễ của bệnh, chỉ có thể chuyển dời bệnh tật, tạm thời loại bỏ được sự đau đớn mà thôi.
Hoa Đà vốn có công năng túc mệnh thông, biết rõ ràng rằng sống chết có mệnh, hơn nữa phần lớn bệnh tật là do nghiệp lực nhân duyên mà có, nghiệp bệnh kiếp này có thể hoàn trả nghiệp báo kiếp trước, không phải lúc nào cũng là chuyện xấu, việc chẩn trị đôi khi không cần thiết. Vì vậy, ông bắt đầu ít tích cực hơn trong việc chữa trị cho người bệnh, cũng coi thường danh lợi, được mất của việc hành y.
Bởi vì tầng thứ tu luyện của ông đã vượt qua sự hiểu biết của người thường, cho nên những gì ông nói, người nghe có thể không hiểu và thậm chí là hiểu lầm. Vì vậy, ở phần cuối sử truyện đều có lời phê bình “nhiên bổn tác sĩ nhân, dĩ y kiến nghiệp, ý thường tự hối”, “vi nhân tính ác nan đắc ý, thả sỉ dĩ y kiến nghiệp”. Ý rằng Hoa Đà sau này hối hận vì đã chọn trở thành hành nghề thầy thuốc, lại có tính xấu, khó được người khác yêu mến. Trên thực tế, đó là bởi vì họ không hiểu bản chất vấn đề của việc Hoa Đà là một người tu luyện.
Một trường hợp được ghi trong sử truyện là ví dụ có giá trị tiêu biểu nhất
Một sĩ đại phu thân thể không được thoải mái, Hoa Đà nói: “Bệnh của ông đã nặng rồi, phải mổ bụng chữa trị. Nhưng, thọ mệnh của ông vẫn còn mười năm, trước mắt căn bệnh này sẽ không giết chết ông (từ tầng thứ cao mà nhìn, việc chịu thống khổ do bệnh nghiệp có thể hoàn trả nghiệp lực, là một chuyện tốt), nếu ông có thể chịu đựng được mười năm, thì thọ mệnh cũng đến lúc, vì vậy không cần phải vì chuyện này mà phẫu thuật mở bụng”.
Vị sĩ đại phu này không muốn chịu đựng sự đau đớn và ngứa ngáy của cơ thể, ông ta hẳn không hiểu được rằng Hoa Đà thân là một thầy thuốc, lại muốn ông ta nhẫn nhịn chịu đựng đau đớn trong mười năm, vì vậy khăng khăng rằng phải phẫu thuật để loại bỏ các triệu chứng của bệnh. Hoa Đà chỉ có thể giúp ông ta mổ bụng chữa trị, bệnh tình nhanh chóng bình phục, triệu chứng rõ ràng tiêu trừ, mười năm sau mới chết thật sự.
Duyên nghiệt của Hoa Đà và Tào Tháo
Hoa Đà lần nữa gặp gỡ người đồng hương là Tào Tháo, sau khi Tào Tháo chiếm được Nghiệp Thành. Tào Tháo rất quan tâm đến thuật tu đạo dưỡng sinh nên bắt đầu chiêu nạp một số lượng lớn những người tu đạo nổi tiếng đến Nghiệp Thành, Hoa Đà cũng là một trong số đó, ngoài ra còn có Tả Từ, Cam Thủy, Lãnh Thọ Quang, Lỗ Nữ Sinh và Khích Kiệm, tất cả đều sống đến hơn 200 tuổi, mà dung mạo như thuở còn trẻ, đạt đến độ thần thông phân thân ẩn hình.
Tào Tháo xưa nay luôn có bệnh đau đầu lúc trái gió trở trời, mỗi lần phát tác đều mắt mờ tâm loạn, nhưng chỉ cần Hoa Đà châm cứu là cơn đau hết ngay, vì vậy Tào Tháo giữ Hoa Đà lại bên cạnh. Tuy nhiên, Hoa Đà nói với Tào Tháo rằng: “Bệnh này rất khó chữa trị tận gốc, điều trị lâu dài thì từ từ sẽ thuyên giảm, cũng mới có thể kéo dài tuổi thọ”.
Thực ra, Hoa Đà có công năng túc mệnh thông nên thấy được túc duyên của mình với Tào Tháo. Ông biết rằng Tào Tháo sẽ chết vì bệnh này, và ông cũng phải chết dưới tay Tào Tháo.
Sau đó Hoa Đà từ chối và trở về quê, Tào Tháo sai người nhiều lần đến mời ông trở lại, nhưng ông đều lấy lý do thê tử ốm đau còn chưa khỏi, cố tình trì hoãn trốn tránh. Vì vậy, Tào Tháo sai người đến nhà Hoa Đà để điều tra sự tình, đồng thời ra lệnh cho thuộc hạ: Nếu thê tử thực sự bị bệnh, sẽ thưởng cho 4 ngàn thăng đậu, kéo dài kỳ hạn, nếu gian dối thì lập tức bắt giữ áp giải về ngay. Sau đó, khi biết được Hoa Đà nói dối, Tào Tháo rất tức giận, bèn đem Hoa Đà tống vào ngục.
Lúc đó, Tuân Úc còn cầu tình thay cho Hoa Đà: “Y thuật của Hoa Đà thực sự siêu phàm, sinh tử của ông ấy liên quan đến tính mạng con người, vì vậy cần phải bao dung và tha thứ cho ông ấy”. Nhưng Tào Tháo cho rằng Hoa Đà cố tình không chữa khỏi bệnh để nâng cao giá trị bản thân, là một kẻ tiểu nhân thiếu y đức, nên đã chế giễu Hoa Đà và gọi ông là “con chuột”. Cuối cùng Hoa Đà không thoát được túc mệnh của bản thân, chết trong ngục, mà Tào Tháo cuối cùng cũng vì căn bệnh này mà chết.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, người ta mô tả rằng Hoa Đà đã tặng y thư “Thanh nang thư” do chính mình viết cho một quản ngục tốt bụng trước khi chết. Không ngờ vợ của ngục tốt này lại mang nó đốt đi, người đời sau “thương thay người mất mà sách cũng tuyệt, đời sau chẳng còn thấy Thanh nang”.
Cuộc đời thần y Hoa Đà sở dĩ trở thành bậc thiên cổ truyền kỳ, cố nhiên là vì y thuật tinh thâm. Nghiên cứu thực chất hơn, còn thấy được ông là một người tu Đạo có thành tựu. Thế nhưng, nhân quả tuần hoàn, nghiệp lực luân báo, ai cũng có số mệnh riêng của mình, duyên trần đến lúc tận. Hoa Đà tu luyện đến tầng thứ cao, cuối cùng cũng ngộ được rằng y thuật chỉ có thể chữa khỏi bệnh tạm thời, không như tu Đạo có thể thoát được khổ nạn trên thế gian, phản bổn quy chân, vĩnh viễn tự tại.
Trong điển tịch của Đạo giáo, Hoa Đà sau khi trải qua truyền kỳ giữa nhân gian đã quy vị làm “Chân nhân”, và được xưng là “Thanh Nang Tế Thế Hoa Chân nhân”.
Tư liệu tham khảo:
Tác giả: Lý Dực Vân
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ