Câu chuyện về Nellie Bly, nữ phóng viên dũng cảm đã bí mật thâm nhập và vạch trần những vụ lạm dụng tại một bệnh viện tâm thần
Một phóng viên dũng cảm đã tìm ra sự thật và lên tiếng thay cho những người không thể nói.
Năm 1887, có một cô gái trẻ Nellie Bly đã lên một con tàu cùng với nhiều bệnh nhân khác để đến hòn đảo Blackwell, hiện nay còn được biết đến với tên gọi Đảo Roosevelt. May thay, họ chỉ ở cùng nhau trong một khoang tàu bẩn thỉu trong thời gian ngắn ngủi, và rất nhanh họ đã vượt Sông Đông và xuống tàu. Sau khi được chuyển đi bằng xe cứu thương, Bly và những bệnh nhân khác được đưa vào trong những tòa nhà bằng đá của bệnh viện tâm thần. Tuy nhiên, không giống như những bệnh nhân bị giam giữ khác, cô gái Bly đã chủ động lựa chọn đến đây. Là một phóng viên cải trang, cô đã lên kế hoạch để đến và chứng kiến tận mắt những vụ lạm dụng được đồn đoán này và đưa ra ánh sáng.
“Tôi khá tin vào khả năng diễn xuất của mình,” Bly đã viết. “Liệu tôi có thể trải qua một tuần tại nhà thương điên trên đảo Blackwell được không? Tôi nói rằng tôi có thể, tôi sẽ làm, và tôi thật sự đã làm được.”
Những bước khởi sự của người phóng viên
Nellie Bly là bút danh của bà Elizabeth Jane Cochran, sinh ngày 05/05/1864, tại những ngọn đồi của thị trấn Cochran, thuộc tiểu bang Pennsylvania. Cha của bà đã qua đời khi còn rất trẻ, tài sản của ông được chia đều cho những người con cùng với người vợ sau của ông (là mẹ của bà Bly), gia đình của bà khi đó rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Từ khi còn trẻ tuổi, bà Bly đã làm rất nhiều công việc khác nhau để phụ giúp cho mẹ và gia đình mình, tuy nhiên, bà đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể tìm thấy một công việc được trả lương khá hơn.
Vào năm 1880, gia đình bà chuyển đến sống ở thành phố Allegheny, tiểu bang Pennsylvania, (thành phố này sau đó đã được sáp nhập vào thành phố Pittsburgh vào năm 1907). Vào một ngày nọ, bà Bly đọc được một bài báo trên tờ Pittsburgh Dispatch phản đối việc phụ nữ đến sở làm. Bà đã viết một lá thư cho biên tập viên để đưa ra quan điểm đối lập của mình về chủ đề này. Tổng biên tập của tờ báo là ông George Madden đã vô cùng ấn tượng, và trong ấn bản tiếp theo, ông đã đề nghị tác giả của bức thư hãy tiếp tục đưa ra quan điểm của mình.
“Cô ấy không thích kiểu cách,” ông Madden nói, “những gì cô cảm thấy cần phải nói, cô sẽ nói ra ngay lập tức.”
Bly sau đó đã đến văn phòng của tờ báo Dispatch và rất nhanh đã nhận được một công việc và bút danh của mình – Nellie Bly, được đặt theo tên của bài hát nổi tiếng “Nelly Bly” của nhạc sĩ Stephen Foster. Một trong những loạt bài báo đầu tiên của bà cho tờ Dispatch là phản ánh về điều kiện làm việc nghèo nàn của những cô gái trẻ ở thành phố Pittsburgh. Ở độ tuổi 21, bà đã chu du đất nước Mexico và viết rất nhiều bài cho tờ báo Dispatch cho đến khi những lời phê bình của bà đối với hệ thống kiểm duyệt của đất nước này khiến bà suýt bị bắt giam.
Tuy nhiên, phần lớn các bài viết mà tờ Dispatch chỉ định cho bà viết cũng khá đơn giản, chủ yếu là về các sở thích của phụ nữ như giải trí, nghệ thuật hoặc thời trang. Bly đã cảm thấy không hài lòng về những chủ đề này, vì vậy vào năm 1887 bà đã gói ghém những vật dụng cá nhân của mình và chuyển đến thành phố New York.
Nhiệm vụ bí mật
Trong vài tháng, Bly đã cố gắng tìm việc tại một tòa báo [nào đó] ở thành phố New York nhưng không có kết quả, tuy nhiên bà sẽ không quay trở về Pittsburgh trong thất bại. Từ bỏ không phải là một sự lựa chọn. “Thật vậy, tôi chẳng thể nói rằng suy nghĩ đó đã từng xuất hiện trong tôi, vì tôi chưa bao giờ quay đầu lại trên con đường mà tôi đã bắt đầu bước đi,” bà viết.
Vào một đêm nọ, bà Bly phát hiện ra chiếc ví cùng với toàn bộ tiền bạc của mình đều đã bị mất. Bà đã đến văn phòng của tờ báo The New York World và yêu cầu được gặp vị tổng biên tập. Cuối cùng bà cũng đã được gặp và nói chuyện với vị quản lý biên tập của tờ báo là ông John Cockerill, bà đã đưa ra ý tưởng về việc đón một chuyến tàu thủy đến Âu Châu rồi quay trở lại, để viết về điều kiện của những hành khách đã phải chịu đựng, mà chủ yếu là những người nhập cư. Tờ The World không hứng thú với ý tưởng này, tuy nhiên ông Cockerill đã đề nghị một ý tưởng khác thay thế. Bly, lúc này đang là cô gái trẻ 23 tuổi, sẽ tự đưa bản thân mình đến Đảo Blackwell và tận mắt trải nghiệm những vụ làm dụng tàn nhẫn. Bly đã đồng ý nhận nhiệm vụ bí mật này.
Bà đã hỏi rằng: “Ông sẽ đưa tôi ra khỏi đó như thế nào?”
“Tôi không biết,” ông Cockerill trả lời “Chỉ có thể đưa vào.”
Bệnh viện tâm thần trên Đảo Blackwell
Bà Bly đã thuê một căn phòng tại một khu nhà trọ có tên là Nhà Ở Tạm Thời Dành Cho Phụ Nữ. Đó là sân khấu của bà và Bệnh viện Bellevue đã sớm kiếm được cho bà một vị trí tại bệnh viện tâm thần. Khi đến được nơi này, bà đã sớm nhận ra những lời đồn đại về các vụ lạm dụng là có thật. Thức ăn và hầu hết các điều kiện sinh hoạt khác đều rất tồi tệ. Rất nhiều người tại bệnh viện tâm thần này là bị bắt nhầm, gồm cả rất nhiều người nhập cư mà không có bất kỳ cơ hội nào để giải thích chỉ bởi vì họ không biết nói tiếng Anh.
Những y tá và hộ lý tại bệnh viện tâm thần này đối xử với bệnh nhân rất thô bạo và độc ác. Bà Bly đã thu thập lời khai của các bệnh nhân để bổ sung với những trải nghiệm mà bà đã tự thân chịu đựng. Sau khi đến được bệnh viện, bà đã hành động một cách hoàn toàn bình thường và giải thích với bác sĩ rằng bà nên được kiểm tra và cho ra về. Bà đã nhanh chóng nhận ra rằng lối thoát duy nhất của bà là có một ai đó từ thế giới bên ngoài đến để đón bà ra mà thôi.
“Bệnh viện tâm thần trên Đảo Blackwell là một chiếc bẫy chuột dành cho con người. Rất dễ để bước vào, nhưng một khi đã vào thì không có cách nào để ra nữa,” bà Bly viết.
Sau 10 ngày bà ở bệnh viện tâm thần, một vị luật sư của tờ báo The New York World đã đến và yêu cầu trả lại tự do cho bà. Bà Bly khi đó đã cảm thấy bản thân mình mâu thuẫn một cách kỳ lạ so với khi mới đến đây. “Tôi đã trông ngóng một cách tha thiết để được rời khỏi cái nhà thương kinh khủng này cho đến khi sự giải thoát của tôi thật sự đã đến … đâu đó có một nỗi đau nhất định tồn tại trong tôi khi được thoát ra khỏi nơi đây.” Bà đã viết, “Trong mười ngày, tôi đã là một trong số họ. Khá là ngu ngốc khi tôi đã có cảm giác là mình vô cùng ích kỷ vì đã bỏ họ lại để chịu đựng tiếp những nỗi thống khổ ở đó.”
Bà Bly đã viết một tuyển tập các bài báo để phơi bày sự thật bên trong bệnh viện tâm thần, những điều này sau đó đã được tập hợp vào một quyển sách có tên là “Ten Days in a Madhouse” (Tạm dịch: Mười ngày trong bệnh viện tâm thần). Sau đó, bà đã ra làm chứng trước một ban bồi thẩm đoàn lớn về những gì mình đã trải qua. Việc này đã dẫn đến một sự gia tăng các khoản tài trợ cho [Bệnh viện] Đảo Blackwell và những tổ chức tương tự để cung cấp sự chăm sóc đầy đủ hơn cho các bệnh nhân. “Tôi có một điều an ủi duy nhất đối với công việc của mình – dựa vào sức mạnh trong câu chuyện của tôi, Ủy Ban Phân Bổ Ngân Sách Hạ Viện Hoa Kỳ đã cung cấp một triệu USD, nhiều hơn tất cả những gì được cấp trước đó, vì lợi ích của những bệnh nhân tâm thần,” bà viết.
Danh dự và Sự thật
Sự nghiệp của bà Bly chưa bao giờ yên ả, tuy thế, bà vẫn liên tục viết trong suốt cuộc đời mình. “Năng lượng được sử dụng và định hướng đúng đắn sẽ gặt hái được thành tựu trong mọi việc”, bà Bly chia sẻ.
Mặc dù vẫn chịu phiền nhiễu khi phải viết các mảng phụ trợ, bà cũng đã viết nhiều bài báo phơi bày một cơ quan giới thiệu việc làm, một công ty được cho là “buôn bán” những đứa trẻ ra đời do vỡ kế hoạch, một nhà máy nơi mà các cô gái phải làm việc trong những điều kiện tệ hại, một nhà vận động hành lang tham nhũng, và nhiều chủ đề khác nữa. Bà sống ở Âu Châu khi Đệ Nhất Thế Chiến nổ ra, và bà đã phục vụ như một phóng viên chiến trường, dũng cảm hoạt động trên mọi chiến tuyến. Nói chung, bà Bly đã làm việc để tường thuật mọi thứ bà chứng kiến, bất kể chủ đề bà được giao phó là gì.
“Viết ra mọi thứ mà bạn phát hiện được, cho dù là tốt hay xấu,” bà nói. “Hãy nói lời khen ngợi hay khiển trách khi bạn thấy tốt nhất, và hãy luôn chỉ nói lời chân thật.”
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times